Theo dõi Báo Thanh tra trên
TS Ngô Quốc Đông
Thứ bảy, 28/05/2022 - 10:22
(Thanh tra) - Các văn bản chúng tôi chọn bao gồm: Các sắc chỉ, dụ, điều lệ và các văn bản tiêu biểu của triều đình nhà Nguyễn có liên quan đến việc cấm đạo Công giáo chủ yếu ghi trong chính sử triều Nguyễn là Bộ Đại Nam Thực lục từ thời vua Gia Long đến thời vua Tự Đức (1862).
Lăng vua Minh Mạng. Ảnh: Internet
Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi (vua Gia Long) vua năm 1802. Vì biết ơn giám mục Pigneau đã giúp đỡ trong việc chiếm lại ngai vàng, vua Gia Long rất nhân nhượng với các thừa sai Pháp, nhưng về cuối đời đã có những nghi ngờ và lo sợ trước sự có mặt và ảnh hưởng của các thừa sai nước ngoài.
Nhìn chung, Công giáo thời Gia Long khá yên ổn. Suốt thời Gia Long, ông chỉ ra một hạn chế với Công giáo về xây cất nhà thờ mới năm 1804.[1]
Từ năm 1820 - 1825 về cơ bản Minh Mạng có thái độ lạnh nhạt với Công giáo chứ chưa có một hành động cụ thể nào. Bởi lẽ vua Minh Mạng còn nể công thần khai quốc Lê Văn Duyệt - một người giành nhiều ưu ái với Công giáo. Mặt khác ông “tôn trọng” di huấn của Gia Long là không được truy bức Công giáo[2], phần nữa vì chưa có nguyên cớ để thể hiện thái độ cứng rắn với Công giáo.
Quan hệ triều đình Nguyễn và các thừa sai ngày càng xấu đi, đến 1825 Minh Mạng truyền cho tập trung các thừa sai về Huế gọi là giúp triều đình dịch thuật nhưng thực tế là kiểm soát các thừa sai hạn chế truyền đạo. Việc này lại được Lê Văn Duyệt, một quan lại có thế lực trong triều đình khi đó can thiệp để che chở cho những người Công giáo. Kết quả là các thừa sai được tự do, nhưng thành kiến của Minh Mạng với Công giáo ngày càng nặng nề. Bởi lẽ từ 1825 - 1830 vẫn có 6 thừa sai đến Trung và Nam Việt Nam truyền đạo một cách lén lút. Có lẽ công thần Lê Văn Duyệt bắt đầu tạo ra sự “khó chịu” của Minh Mạng với Công giáo và với chính bản thân ông ta, vì Lê Văn Duyệt bênh người Công giáo.
Tháng 1/1833, Minh Mạng ra chỉ dụ cấm đạo đầu tiên. Chỉ dụ này chỉ đề cập tới vấn đề nghi lễ, chưa trực tiếp đề cập tới việc xử phạt các thừa sai châu Âu. Tuy nhiên đã có người phải chết như trường hợp của Gagelin truyền đạo ở Việt Nam từ 1821.
Đồng thời với việc cấm đạo Minh Mạng cũng thực hiện kế hoach lôi kéo và giáo dục dân theo đạo trở về với tín ngưỡng và đạo lý truyền thống.
Năm 1834, Minh Mạng biên soạn một tài liệu có tên “Thất điều giáo huấn”, khuyến dụ dân chúng làm những điều tốt lành nhằm nâng cao phẩm chất, đạo đức. Ở điều 7, có tên Sùng chính học, Minh Mạng khuyên dân nên học theo đạo Khổng, phê phán đạo Công giáo (ngôn ngữ văn bản gọi đạo Gia Tô), khuyên ai đã theo nên mau chóng bỏ đi.
Tháng 12/1835, Minh Mạng ban hành chỉ dụ cấm đạo thứ hai, khắc nghiệt hơn. Vì ông coi sự tham dự của giám mục Marchand (tên Việt là Cố Du) vào cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi là nguyên nhân chủ đạo. Chỉ dụ này quy định các quan phải truy lùng, bắt các thừa sai đang truyền đạo trong nước xử chém. Đây là lần đầu tiên triều đình ra lệnh tử hình đối với người truyền đạo ngoại quốc, chưa thấy nói tới người bản xứ. Nhìn chung, sau sự kiện Lê Văn Khôi, Minh Mạng ban hành nhiều sắc dụ về đạo Công giáo, khắc nghiệt với đạo trưởng phương Tây, kết hợp răn đe, dạy dỗ những giáo dân giáo trong nước nhằm phối hợp có hiệu quả chính sách cấm đạo của mình.
Lần đầu tiên chính sách với Công giáo có đề cập tới linh mục bản xứ được nói tới trong chỉ dụ ban hành năm 1838 trong phạm vi các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hoá. Trong đó có đề cập tới phạt các linh mục bản xứ. Tuy nhiên triều đình cũng dùng một giải pháp ôn hoà kèm theo là khích lệ những linh mục bỏ đạo, được triều đình ân xá như những tấm gương. Giáo dân chưa phải phạt tội.
Tháng 6/1839, triều đình còn ban hành một chỉ dụ mật trong phạm vi các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra, để truy tìm thừa sai Siméon F. Bernueux.
Cũng trong thời gian này, nhà Nguyễn còn ban hành một chỉ dụ cấu tạo ở 6 tỉnh Nam Kỳ nhằm kiểm soát tình hình sau cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi.
Như vậy, 3 chỉ dụ sau này chủ yếu đề cập trong phạm vi địa phương, khác với 2 chỉ dụ đầu 1833, 1835 là phạm vi toàn quốc.
Có lẽ lần đầu tiên triều đình đề cập tới giáo dân là trong lệnh dụ tháng 10/1839, Minh Mạng buộc tất cả người Công giáo trong một năm phải cải đạo, và sửa sang chùa chiền, đền miếu[3]… Mục tiêu là ngăn chặn sự lan rộng của Công giáo tại Việt Nam.
Chính sách của Nhà nước phong kiến Nguyễn đối với cộng đồng giáo dân so với chính sách đối với các giáo sĩ có phần uyển chuyển hơn. Cho đến trước khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, nhà nước phong kiến Nguyễn coi giáo dân là những thần dân nhẹ dạ tin theo một tôn giáo xa lạ, có thể giáo huấn họ từ bỏ tôn giáo đó để trở về với những tôn giáo và tín ngưỡng truyền thống. Xuất phát từ quan điểm đó, Minh Mạng đã chủ trương một chính sách “trước hãy giáo huấn và chỉ cưỡng chế khi cần thiết.”
Những chính sách nói trên, về cơ bản được duy trì dưới thời Thiệu Trị và những năm đầu thời Tự Đức.
Chính sách đối với giáo dân của Nhà nước phong kiến Nguyễn trở nên quyết liệt từ sau khi Pháp nổ súng xâm lược nước ta nhất là ngay sau khi Pháp đánh chiếm thành Gia Định mở đầu cuộc xâm lược Nam Kỳ.
Như vậy, có thể thấy rằng, đối tượng chính của các chỉ dụ cấm dạo dưới thời Minh Mạng trước hết là nhằm vào các thừa sai Châu Âu và những đấng bề trên của hàng giáo phẩm chứ ít khi đả động tới tổ chức giáo hội cơ sở. Đây là một lý do căn bản cho thấy Công giáo dưới thời Minh Mạng vẫn “phát triển” mà khồng hề suy giảm.
Năm 1841, Thiệu Trị nối ngôi Minh Mạng. Chính sách của ông nới lỏng với Công giáo.
Thời Thiệu Trị, Công giáo được hưởng bầu không khí tương đối yên ả trong 6 năm đầu. Thái đội của Thiệu Trị đối với các đạo trưởng Tây Dương có phần nương nhẹ, vì theo ông: “Nghĩ chúng là người ngoài giáo hoá, chưa biết rõ lệnh cấm, nay nước trưởng nước ấy đã sai người đến kêu xin, xét cho có lòng kính thuận, thành khẩn cũng lượng nên gia ơn rộng, tha cho về để tỏ lòng nhân thương người và tình nghĩa tử tế với người nước xa của triều đình ta.”[4]
Đến 1847, khi tàu chiến Pháp nhòm ngó ở Đà Nẵng, Thiệu Trị mới cấm đạo.
Tuy nhiên, được một năm thì ông qua đời. Vì vậy, trong thực tế số giáo dân “bị nạn” dưới thời Thiệu Trị hầu như không đáng kể. Trong suốt những năm trị vì (1841 - 1847), ông ban hành hai đạo dụ và không tử hình một đạo trường phương Tây nào dù những người này đã nhận án tử hình sau khi bị bắt và ông trả lại tự do cho hầu hết những đạo trưởng phương Tây đang bị giam cầm. Song, dưới thời vua Thiệu Trị, hoạt động liên quan đến chính trị biểu lộ công khai hơn ở các đạo trưởng này.[5]
Sang thời Tự Đức 1848 - 1883, so sánh với các chỉ dụ cấm đạo của Minh Mạng và Thiệu Trị thời chỉ dụ của Tự Đức có phân biệt rõ ràng giữa các thừa sai người Âu và các linh mục Việt Nam, giữa các chức sắc bản xứ, đặc biệt là các thừa sai Châu Âu phải chịu phạt nghiêm khắc.
Từ sau vụ tàu chiến Pháp bắn phá các chiến thuyền của triều đình ở Đà Nẵng năm 1847, thì sự đối phó của triều đình đối với các giáo sĩ thừa sai trở nên ngày càng quyết liệt. Điều này thấy rõ qua hai chỉ dụ đầu tiên ban hành vào tháng 8/1848 và tháng 3/1851. Riêng chỉ dụ cấm đạo năm 1851 được coi là khắc nghiệt không kém chỉ dụ năm 1835 dưới thời Minh Mạng và đã có nhiều thừa sai, linh mục bản xứ bị giết. Hơn nữa, chỉ dụ năm 1851 ban hành đúng lúc xảy ra vụ Hoàng Bảo, Tự Đức xử lý rất nghiêm khắc với các đạo trưởng Tây Dương, đạo trưởng bản xứ, những chủng sinh và những quan chức bản xứ không thi hành nghiêm lệnh: “Các đạo trưởng Tây Dương phải bị chặt đầu; chủng sinh và các học trò của các đạo trưởng Tây Dương và bản xứ phải đem thắt cổ. Những kẻ chứa chấp họ cũng phải bị hình phạt tương tự: Những hình phạt tương tự cũng được áp dụng cho những tên lý trưởng các làng đã chứa chấp họ. Tất cả quan chức mà ở địa bàn họ cai trị có đạo trưởng bị bắt sẽ bị phát cách chức”[6].
Năm 1854, Tự Đức ban hành chỉ dụ tiếp theo. Chỉ dụ này càng nghiêm khắc hơn với các thừa sai và con chiên người Âu. Khi bị bắt đều phải chịu tội phạt chém đầu và lăng trì. Giáo dân bản xứ cũng chịu hình phạt nghiêm khắc nhưng chưa tới mức phái chém đầu. Chi tiết như sau: “Tháng 7 nhuận, Tự Đức năm thứ 7 (1854), triều đình định rõ lại điều cấm về theo đạo Gia Tô: (…) Khoản 1: Bắt được đạo trưởng người Tây Dương thì xử tội chém đầu bêu rồi quăng xác xuống sống; bọn con chiên người Tây và đạo trưởng người bản quốc thì xử trảm ngay người Tây và đạo trưởng người bản quốc thì xử trảm ngay; còn bọn con chiên người bản quốc thì phát vãng đi đày ở đồn bảo ven biên giới mà không phải là vùng biển…”.
Như vậy, cho đến trước thời Pháp xâm lược, án chỉ dụ cấm đạo của Tự Đức vẫn hướng chính vào các giáo sĩ ngoại quốc và chưa “đánh trực tiếp” vào tổ chức cơ sở của giáo hội là xứ họ đạo, cũng như đại đại đa số giáo dân. Khi nguy cơ mất nước đến gần hơn, bức xúc hơn và sự giúp sức của các đạo trưởng cho lực lượng bên trong và bên ngoài chống lại triều đình cũng công khai hơn, nên nhìn chung chính sách cấm đạo Tự Đức thiên nhiều về hình phạt và hà khắc hơn, nhưng không phải khắc nghiệt với tất cả các đối tượng và không phải khắc nghiệt tuyệt đối. Trong các đạo dụ của mình, cũng như Minh Mạng, Tự Đức cũng có những chính sách khoan hồng, khuyến dụ giáo dân không theo giặc và không theo đạo.
Sau khi Pháp vào Việt Nam, Công giáo có một chỗ dựa vững chắc là Pháp nên một số giáo dân và đạo trưởng phương Tây gây bất bình hơn cho triều đình và dân chúng, tạo cho họ có thành kiến coi Công giáo cũng là thực dân nên đối với đạo trưởng phương Tây, Tự Đức vẫn duy trì hình phạt ở mức cao nhất: Đối với những người tình nguyện bỏ bỏ đạo, Tự Đức có những chính sách khoan hồng.
Từ tháng 1 - 3/1860, liên tiếp triều đình Tự Đức ban 3 sắc chỉ liên quan đến cấm đạo. Tuy nhiên phải đến sắc chỉ tháng 6/1861, còn gọi là chỉ dụ phân tháp, được thực hiện với sự giám sát và nhắc nhở triệt để của triều đình. Mặc dù chỉ thực hiện trong thời gian không lâu (cho tới khi triều đình ký hoà ước Nhâm Tuất 1862) nhưng chỉ dụ phân tháp của Tự Đức gây thiệt hại nặng nề cho người Công giáo. Chỉ dụ này làm cho người Công giáo phải ly tán sống xa chồng con. Điều quan trọng nó đã đánh trực tiếp vào hệ thống giáo hội cơ sở. Đặc điểm của người Công giáo là phải sinh hoạt hội đoàn, có linh mục làm lễ, sùng đạo. Chỉ dụ này làm các giáo dân không có cơ hội được hội họp đoàn tín hữu, duy trì các sinh hoạt của xứ họ đạo. Nhiều người công giáo tân tòng, phạt đạo, bỏ đạo. Nhiều làng Công giáo bị tan rã. Chỉ dụ này đã làm cho 50 ngìn Kitô hữu bị chết và bỏ đạo.[7]
Năm 1862, trước sức ép của Pháp, triều đình Tự Đức đã ký với Pháp Hoà ước Nhâm Tuất 1862, trong đó ở Điều 2, Tự Đức phải thừa nhận sự tồn hại của Công giáo trên đất nước mình, dù trước đó vua và triều đình quyết định việc bỏ cấm đạo là một trong hai điều quyết không thể nhân nhượng. Điều 2 Hoà ước quy dịnh: “Quý quốc cùng nước Y - pha - nho (Tây Ban Nha - BTV) đặt truyền giáo Thiên Chúa ở nước tôi, phàm người nước Nam không kể hạng người nào, ai muốn theo thì được tuỳ tiện, ai không tình nguyện thì không bắt ép.”[8]
Đứng về mặt văn bản hành chính, Điều 2 Hoà ước 1862 đã chính thức chấm dứt chính sách cấm đạo của nhà Nguyễn đối với Công giáo. Sau khi ký Hoà ước, dù thái độ của triều đình bớt gay gắt hơn, song thực chất vẫn cố gắng hạn chế sự phát triển của Công giáo và điều chỉnh mối quan hệ với tôn giáo này. Chẳng hạn đối với đạo trưởng, năm Tự Đức thứ 16 (1863), triều đình nhà Nguyễn đề nghị với Pháp: “Nay đạo trưởng của quý quốc vào đạo trưởng của Y - pha - nho đến các địa phương nước tôi, không nên ngoài số 15 người, chia đi truyền giáo thì số người cư trú ở nước tôi nên phải có số nhật định, mà đi lại truyền tập chớ nên sai trái mới là thoả hiệp.”[9]
Đến năm 1874, nhà Nguyễn ký với Pháp Hoà ước Giáp Tuất. Trên phương diện pháp lý, Hòa ước 1874, người Công giáo được thừa nhận các giá trị về mặt công dân như được đi thi và tham gia vào bộ máy chính quyền như những công dân khác.
----------------------
[1] Trong Điều lệ Hương đảng cho các xã dân ở Bắc Hà, về việc thờ thần, Phật, Gia Long có nói: “... Lại như đạo Gia Tô là tôn giáo nước khác truyền vào nước ta, bịa đặt ra thuyết thiên đường địa ngục khiến kẻ ngu phu, ngu phụ chạy vạy như điên, tiêm nhiễm thành quen, mê mà không biết. Từ nay về sau, dân các tổng xã nào có nhà thờ Gia Tô đổ nát thì phải đưa đơn trình quan trấn, mới được tu bổ, dựng nhà thờ mới thì đều cấm. Những điều trên này, đều là nên cố đổi tệ cũ, kính giữ giáo điều. Nếu cứ quen theo thói làng, can phạm phép nước, có người phát giác thì xã trưởng phải đồ lưu đi viễn châu, dân hạng, nặng thì xung dịch phu, nhẹ thì xử roi hay trượng, để bớt tốn phí cho dân, mà giữ phong tục thuần hậu.”
[2] Nguyễn Quang Hưng, Công giáo Việt Nam thời kỳ triều Nguyễn 1802-1883, Nxb Tôn giáo, 2007, tr.192.
[3] Đại Nam thực lục chính biên, tập 21, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1969, tr.180.
[4] Đại Nam thực lục chính biên, tập 24, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1971, tr.288.
[5] Xem thêm Cao Huy Thuần, Đạo Thiên Chúa và chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam 1859-1914, Hương Quê, 1988.
[6] Dẫn theo bài của Nguyễn Văn Kiệm trên Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 5/2004, tr.42-43.
[7] Phan Phát Huồn, Việt Nam giáo sử, quyển I (1533-1933), Cứu Thế Tùng Thư, Sài Gòn, 1959, tr.320.
[8] Xem toàn bộ nội dung Hòa ước trong Đại Nam thực lục chính biên, tập 29, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974, tr.298-304.
[9] Đại Nam thực lục chính biên, tập 30, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974, tr. 21.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hạn mức đất giao cho tổ chức tôn giáo trên địa bàn TP HCM từ 1.000-5.000 m2 tùy địa phương.
Uyên Uyên
12:19 12/10/2024(Thanh tra) - Sáng 19/5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế chùa Tam Chúc đã diễn ra các nghi thức trang trọng của Đại lễ Phật đản (Phật lịch 2568 - Dương lịch 2024).
Trà Vân
18:58 19/05/2024Trà Vân
22:32 02/03/2024Trà Vân
23:53 23/06/2023Trà Vân
09:07 28/05/2023Trà Vân
11:20 31/12/2022Nhật Minh
N. Phê - L. Bình
Trần Quý
Thái Hải
Văn Thanh
Văn Thanh
Văn Thanh
Trần Quý
Vũ Linh
Phương Anh
Phương Hiếu