Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

TP Hồ Chí Minh kiến nghị sớm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập

Phương Hiếu - Nguyễn Nhuần

Thứ ba, 24/12/2024 - 11:18

(Thanh tra) - UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị sớm xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập tập trung, thống nhất, bảo đảm sự quản lý chặt chẽ, đồng thời có sự phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh Dương Ngọc Hải, công tác tự kiểm tra, giám sát nội bộ liên quan đến việc PCTN, lãng phí, tiêu cực chưa được quan tâm đúng mức. Ảnh: Phương Hiếu - Nguyễn Nhuần

Chia sẻ về kết quả sau hơn 5 năm thi hành, Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018, ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành ủy và UBND TP đã, đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, không có vùng cấm; từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ; xây dựng các văn bản, quy định theo thẩm quyền để phòng ngừa tham nhũng.

Các cấp chính quyền chủ động xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch về công tác PCTN, tiêu cực phù hợp đặc điểm, tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị; chú trọng trong việc xác định các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực để lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn TP.

Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực TP do đồng chí Bí thư Thành ủy làm Trưởng Ban chỉ đạo, đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, đưa công tác PCTN, tiêu cực trên địa bàn TP càng đi vào chiều sâu, thực chất và đạt kết quả. Qua kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện PCTN, tiêu cực tại các cấp ủy Đảng, đơn vị được phân công đã kịp thời phát hiện những hạn chế, khuyết điểm và các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền có biện pháp tháo gỡ và khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế như hành vi tham nhũng, tiêu cực ngày càng tinh vi, phức tạp và khó phát hiện. Cùng với sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực trong một số bộ phận đảng viên, công chức đang hình thành ở một số đơn vị. Tuy nhiên, cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu, chưa nhận diện đầy đủ mức độ suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tại cơ quan, đơn vị mình. 

Bên cạnh đó, công tác tự kiểm tra, giám sát nội bộ liên quan đến việc PCTN, lãng phí, tiêu cực chưa được quan tâm đúng mức, chưa tiến hành nhiều và chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát chuyên đề về PCTN, lãng phí, tiêu cực. Công tác xác minh tài sản, thu nhập còn nhiều khó khăn, vướng mắc về các nội dung cần xác minh, phạm vi được xác minh, thời kỳ xác minh, quy trình tiến hành xác minh…

Để khắc phục, UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị Thanh tra Chính phủ tiếp tục hoàn thiện pháp luật các cơ chế, chính sách pháp luật về PCTN, tiêu cực; thể chế hoá các nội dung chủ trương, chính sách của Đảng về PCTN, tiêu cực; xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định trong pháp luật chuyên ngành và Bộ luật Hình sự năm 2015 bảo đảm thống nhất với Luật PCTN 2018; sửa đổi, bổ sung quy định về kiểm soát xung đột lợi ích trong các Văn bản Luật.

Đối với công tác xác minh tài sản, thu nhập, UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị cần ban hành Thông tư quy định về trình tự, thủ tục tiến hành kiểm soát tài sản, thu nhập; trong đó, cần quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; đồng thời, có quy định xác định cụ thể đối với từng hành vi kê khai không trung thực, giải trình không trung thực về tài sản, thu nhập tăng thêm; hành vi kê khai không đầy đủ, không rõ ràng; quy định trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân chậm trễ phối hợp (hoặc không phối hợp), gây khó khăn với cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong việc cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ xác minh tài sản, thu nhập; quy định thẩm quyền giải quyết tố cáo tiếp và thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần 2 đối với kết luận xác minh tài sản, thu nhập.

Bên cạnh đó, sớm xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập tập trung, thống nhất, bảo đảm sự quản lý chặt chẽ, đồng thời có sự phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.

Đối với doanh nghiệp và tổ chức khu vực ngoài Nhà nước, cần ban hành Thông tư quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật PCTN, tiêu cực;

Đồng thời tăng cường hơn nữa các hình thức tuyên truyền các chủ trương của Đảng và pháp luật Nhà nước về PCTN, tiêu cực, có sự phối hợp, tham gia của các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp và tổ chức khu vực ngoài nhà nước; cũng như cần tổ chức phát động nhiều hơn nữa các cuộc thi, các diễn đàn trao đổi, chia sẻ, đối thoại về chuyên đề về PCTN, tiêu cực với cộng đồng doanh nghiệp và tổ chức khu vực ngoài nhà nước.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Kiểm soát trước và sau hoạt động thanh tra là biện pháp quan trọng ngăn ngừa tham nhũng

Kiểm soát trước và sau hoạt động thanh tra là biện pháp quan trọng ngăn ngừa tham nhũng

(Thanh tra) - Đó là nhận định của ThS Đào Thị Thu Hà, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra tại đề tài khoa học cơ sở “Kiểm soát trước và sau hoạt động thanh tra nhằm phòng, chống vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực” được hội đồng nghiệm thu đánh giá xuất sắc vào ngày 25/12.

Thái Hải

23:14 25/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm