Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tăng cường hoạt động giám sát của HĐND cấp tỉnh trong phòng, chống tham nhũng

Thái Hải

Thứ ba, 19/12/2023 - 22:38

(Thanh tra) - Đây là một trong những giải pháp nhằm nâng cao vai trò của HĐND cấp tỉnh trong phòng, chống tham nhũng (PCTN) tại đề tài khoa học cấp cơ sở “Vai trò của HĐND cấp tỉnh trong PCTN” do ThS Lê Đức Trung, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra làm Chủ nhiệm được Hội đồng Nghiệm thu đề tài khoa học của Thanh tra Chính phủ đánh giá có tính ứng dụng cao tại hội nghị nghiệm thu ngày 19/12.

ThS Lê Đức Trung trình bày kết quả nghiên cứu đề tài. Ảnh: TH

Quá trình nghiên cứu đề tài đã làm rõ HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.

HĐND quyết định các vấn đề của địa phương do luật định, giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của HĐND. Vai trò của HĐND cấp tỉnh trong hoạt động PCTN chủ yếu thông qua việc ban hành nghị quyết và hoạt động giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương. Vì vậy, vai trò của HĐND cấp tỉnh trong PCTN là việc các chủ thể của HĐND thông qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn ban hành các nghị quyết và giám sát việc tuân theo pháp luật về công tác PCTN ở địa phương nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động này.

Theo đánh giá chung, vai trò của HĐND cấp tỉnh trong thời gian qua đã được tăng cường thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực và đã bước đầu tác động tích cực đến công tác PCTN, bảo đảm việc thực thi pháp luật, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, có những bất cập, hạn chế như: Công tác ban hành nghị quyết về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh liên quan đến công tác PCTN còn chưa kịp thời, chưa được chú trọng thực hiện. HĐND cấp tỉnh chưa đưa ra được nhiều kiến nghị xác đáng dể nâng cao hiệu quả công tác PCTN. Một bộ phận đại biểu kiêm nhiệm chưa dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động của cơ quan dân cử mà mình là thành viên. Hoạt động giám sát việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng của các cơ quan chức năng còn chưa thường xuyên; việc lồng ghép giám sát công tác PCTN với giám sát trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội chưa được chú trọng thực hiện.

Số lượng, quy mô và phạm vi giám sát tuy có tăng lên nhưng mới chỉ đáp ứng được một phần đòi hỏi của thực tế. Kinh phí hoạt động còn hạn chế, phương thức giám sát còn đơn giản, chủ yếu là nghe trình bày báo cáo nên kết quả đạt được chưa cao…

Trên cơ sở đó, Chủ nhiệm Đề tài đã đưa ra các giải pháp hoàn thiện pháp luật và nâng cao vai trò của HĐND cấp tỉnh trong PCTN. Trong đó nhấn mạnh giải pháp cải tiến, đổi mới trong hoạt động giám sát của HĐND cấp tỉnh trong PCTN; tăng cường công tác giám sát của HĐND cấp tỉnh trong PCTN thông qua các hoạt động như: Chất vấn, giám sát chuyên đề, giải trình, giám sát văn bản quy phạm pháp luật; giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri. Xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và được tiến hành toàn diện, công khai, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, dư luận quan tâm về tham nhũng, tiêu cực, về suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống.

Hội nghị Nghiệm thu đề tài. Ảnh: Thái Hải

Đặc biệt, Chủ nhiệm Đề tài cho rằng, cần tăng cường thực hiện hoạt động giám sát chuyên đề. Theo đó, giám sát chuyên đề của HĐND, thường trực HĐND và mỗi ban HĐND tỉnh thực hiện hằng năm từ 2 đến 3 cuộc, nội dung giám sát là những vấn đề trong quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc, hạn chế, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc cho người dân thông qua dư luận, thông tin, báo chí, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của HĐND cấp tỉnh trong PCTN; tăng cường quan hệ chặt chẽ giữa HĐND cấp tỉnh với Ban Chỉ đạo PCTN cấp tỉnh; UBND tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các cơ quan liên quan trong công tác PCTN. Thường trực HĐND cấp tỉnh chủ động xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế phối hợp với Ban Chỉ đạo PCTN cấp tỉnh, UBND tỉnh để giải quyết các công việc có liên quan, nhất là việc thống nhất chuẩn bị chương trình các kỳ họp, hoạt động tiếp xúc cử tri, chất vấn, giám sát và giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, giải quyết kiến nghị sau giám sát, sau chất vấn của HĐND tỉnh, tổ chức kỳ họp HĐND.

Nâng cao năng lực, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho các đại biểu HĐND cấp tỉnh; tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, nhất là công tác quy hoạch, đào tạo, lựa chọn và giới thiệu ứng cử làm đại biểu HĐND cấp tỉnh.

Chủ động tổng kết thực tiễn các hoạt động của HĐND cấp tỉnh trong PCTN, qua tổng kết thực tiễn, HĐND cấp tỉnh sẽ kịp thời tìm ra những bất cập, hạn chế trong tổ chức thực hiện hoạt động của HĐND cấp tỉnh trong PCTN, để từ đó có những biện pháp cụ thể về hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện các hoạt động của HĐND cấp tỉnh trong PCTN phù hợp….

Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài, nghiêm túc trong nghiên cứu, sản phẩm đầy đủ, bố cục cơ bản hợp lý, đáp ứng được mục tiêu đã đề ra, đảm bảo đúng tiến độ, có giá trị khoa học và ứng dụng cao.

Để chất lượng đề tài được hoàn thiện hơn, phương pháp nghiên cứu, tổng quan tình hình nghiên cứu cần bổ sung thêm các công trình nghiên cứu có liên quan. Bổ sung thêm thông tin công tác PCTN, một số chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh trong đánh giá ưu điểm, hạn chế.

Với những kết quả đạt được, đề tài “Vai trò của HĐND cấp tỉnh trong PCTN” được Hội đồng Nghiệm thu đánh giá xếp loại xuất sắc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm