Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Đổi mới hoạt động giám sát của HĐND cấp tỉnh trong phòng, chống tham nhũng

Thái Hải

Thứ sáu, 24/11/2023 - 22:03

(Thanh tra) - Đó là một trong những giải pháp nâng cao vai trò của HĐND cấp tỉnh trong phòng, chống tham nhũng (PCTN) được ThS Lê Đức Trung, Trưởng Phòng Hành chính - Tổ chức, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra đưa ra tại hội thảo hoàn thiện đề tài khoa học cấp cơ sở “Vai trò của HĐND cấp tỉnh trong PCTN” ngày 24/11.

ThS Lê Đức Trung trình bày nội dung nghiên cứu. Ảnh: TH

Theo ThS Lê Đức Trung, HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan Nhà nước cấp trên.

Vai trò của HĐND cấp tỉnh trong thời gian qua đã được tăng cường thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực và đã bước đầu tác động tích cực đến công tác PCTN, bảo đảm việc thực thi pháp luật, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện vai trò của mình, HĐND cấp tỉnh đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế để khắc phục, góp phần quan trọng trong công tác hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước. Thông qua công tác giám sát, nhiều sơ hở, thiếu sót về cơ chế, chính sách đã được kiến nghị sửa đổi kịp thời.

Tuy nhiên, vai trò của HĐND cấp tỉnh trong PCTN thời gian qua vẫn còn tồn tại những bất cập, hạn chế như: Công tác ban hành nghị quyết về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh liên quan đến công tác PCTN còn chưa kịp thời, hoạt động giám sát phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng của các cơ quan chức năng còn chưa thường xuyên, việc lồng ghép giám sát công tác PCTN với giám sát trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội chưa được chú trọng thực hiện.

Một bộ phận đại biểu kiêm nhiệm chưa dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động của cơ quan dân cử mà mình là thành viên, kinh phí cho hoạt động còn hạn hẹp, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong việc buông lỏng quản lý, để xảy ra những hạn chế, yếu kém trong ngành, lĩnh vực mình phụ trách ít được thực hiện.

Với mục tiêu nghiên cứu nhằm đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật và phát huy vai trò của HĐND cấp tỉnh trong PCTN, đề tài đã làm sáng tỏ được những vấn đề lý luận như: Quan niệm đặc điểm, vai trò, ý nghĩa của HĐND cấp tỉnh trong PCTN cũng như đi sâu phân tích thực trạng các quy định của pháp luật và thực tiễn vai trò của HĐND cấp tỉnh trong PCTN đã đưa ra được kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân.

Để đạt được mục tiêu, chủ nhiệm đề tài đã đưa ra các giải pháp nâng cao vai trò của HĐND cấp tỉnh trong PCTN. Theo đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của HĐND cấp tỉnh trong PCTN; tăng cường mối quan hệ chặt chẽ giữa thường trực HĐND tỉnh với UBND tỉnh, MTTQ tỉnh và các cơ quan liên quan trong PCTN.

Cải tiến, đổi mới trong hoạt động giám sát của HĐND cấp tỉnh trong PCTN, tăng cường giám sát chuyên đề; giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực HĐND và mỗi ban HĐND tỉnh thực hiện hằng năm 2 đến 3 cuộc. Nội dung giám sát là trong quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc, hạn chế, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc cho người dân thông qua dư luận thông tin, báo chí, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân...

Ngoài ra, cần nâng cao năng lực, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND cấp tỉnh.

Góp ý tại hội thảo, các đại biểu tham dự đánh giá cao sự chuẩn bị của đề tài, kết quả nghiên cứu đã đưa ra được các giải pháp hoàn thiện pháp luật và phát huy vai trò của HĐND cấp tỉnh trong PCTN.

Tuy nhiên, chủ nhiệm đề tài cần chỉnh sửa một số nội dung.

Chương I, đề tài cần bố cục lại các tiêu đề, biên tập lại tránh trùng lắp các nội dung. Đề tài cấp cơ sở nên để tiêu đề là: Những vấn đề chung, bổ sung thêm lý luận, làm rõ hơn về phòng ngừa và phát hiện, rõ hơn về vai trò, mở rộng hơn ở kiểm soát quyền lực, xác định các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý nâng cao hiệu quả, trách nhiệm của HĐND trong việc bổ nhiệm, ban hành các Nghị quyết.

Chương II thu gọn lại tập trung đánh giá ở một số địa phương trọng điểm, bổ sung thêm quy định của HĐND trong PCTN, tập trung đánh giá pháp luật về PCTN và về chính quyền địa phương.

Chương III, giải pháp còn rối, trùng lắp, đề tài cấp cơ sở không cần kiến nghị, chủ nhiệm nên đi thẳng vào giải pháp luôn. Cần biên tập cơ cấu lại, chia thành hai mục chính: Một là, hoàn thiện pháp luật của HĐND (trong đó cần thể hiện rõ hoàn thiện pháp luật về PCTN và hoàn thiện pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương). Hai là, hoạt động của HĐND trong vai trò PCTN...

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm