Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phát huy vai trò của xã hội trong phòng, chống tham nhũng

Phương Hiếu - Phương Anh

Thứ ba, 24/12/2024 - 12:45

(Thanh tra) - Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, báo chí và các đoàn thể Nhân dân đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN), trong đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội, góp phần không nhỏ vào kết quả của công cuộc PCTN.

Theo bà Nguyễn Quỳnh Liên,Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thời gian qua, báo chí trong nước đã thể hiện tốt vai trò tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN. Ảnh: Phương Hiếu - Phương Anh

Báo chí thể hiện tốt vai trò tuyên truyền, giáo dục về PCTN

Chia sẻ tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN), bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, công tác PCTN của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể tuy không mang tính chuyên nghiệp như các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhưng với ưu thế là có hệ thống rộng khắp, phương pháp mềm dẻo nên có nhiều cơ hội và điều kiện để thu hút sự tham gia rộng rãi của mọi tầng lớp Nhân dân trong đấu tranh PCTN.

Cũng theo Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thời gian qua, báo chí trong nước đã thể hiện tốt vai trò tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN. Tình hình tham nhũng, kết quả của công tác PCTN, hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật, việc xử lý những vụ án tham nhũng trọng điểm được báo chí thông tin thường xuyên.

Báo chí đã phản ảnh và thể hiện rõ quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta, góp phần tạo được sự đồng thuận của nhân dân trong cuộc đấu tranh này bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, như thông qua chuyên mục riêng, các tọa đàm về pháp luật, giao lưu trực tuyến, cuộc thi tìm hiểu về PCTN. Chủ động lồng ghép nội dung PCTN với các nội dung tuyên truyền, giáo dục khác như học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...

“Không chỉ làm nhiệm vụ đưa tin, báo chí còn là diễn đàn để các tầng lớp Nhân dân thông tin, trao đổi, phản ánh, qua đó thể hiện nhận thức, quan điểm, thái độ đối với thực trạng tham nhũng, kết quả công tác đấu tranh PCTN hoặc đối với các vụ việc, hành vi tham nhũng cụ thể”, Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh.

Ngoài ra, bà Nguyễn Quỳnh Liên cũng cho biết, thực tế, các hành vi tham nhũng xảy ra trong nội bộ cơ quan, đơn vị Nhà nước, dù bị phát hiện nhưng thường ít bị tố cáo, vì cán bộ, công chức, viên chức trong cùng cơ quan, hệ thống mang tâm lý sợ bị trù dập, lo kẻ tham nhũng có “ô dù” bao che hoặc nể nang, né tránh, sợ mất thành tích chung, nên vụ, việc thường bị “chìm xuồng” hoặc xử lý nội bộ.

Báo chí với vị trí và tư cách khách quan, là lực lượng đi đầu trong đấu tranh và phát hiện vụ, việc tham nhũng, phanh phui trước công luận, khiến các cơ quan chức năng không thể không quan tâm xử lý. Hoạt động của báo chí đã tạo ra áp lực dư luận khiến các cơ quan chức năng phải tăng cường trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử hành vi tham nhũng; là công cụ hữu hiệu trong thúc đẩy việc chỉ đạo, xem xét, xử lý hành vi tham nhũng bảo đảm kịp thời, chính xác, khách quan và đúng pháp luật.

Tránh tình trạng “được mời” thì mới tham gia

Về trách nhiệm của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, PCTN trong cả khu vực công và tư, theo bà Nguyễn Quỳnh Liên, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề đã có những hoạt động cụ thể, thiết thực, chủ yếu là tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử trong hoạt động của doanh nghiệp, từng bước kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, góp phần vào nỗ lực chung PCTN của toàn xã hội.

Việc thực hiện quy chế dân chủ, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử trong kinh doanh, nhằm xác định những tiêu chuẩn hành xử trong nghề nghiệp, trong doanh nghiệp và với đối tác kinh doanh được coi là một trong các biện pháp phòng ngừa tham nhũng khá hiệu quả. Coi đây là tiền đề để xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng.

Công dân, ban thanh tra Nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng trong PCTN cũng góp phần tích cực trong PCTN, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần thực thi dân chủ; lành mạnh hóa các quan hệ xã hội, phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và trực tiếp tham gia giải quyết kịp thời những bức xúc trong Nhân dân.

Để nâng cao vai trò của xã hội trong đấu tranh PCTN, theo Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đòi hỏi các cơ quan Nhà nước cần nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của xã hội trong công tác này, những tác động, hiệu quả to lớn của việc huy động đông đảo các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đông đảo quần chúng Nhân dân tham gia giám sát; phát hiện và tố cáo các hành vi tham nhũng trong bộ máy công quyền. Mỗi tổ chức xã hội và người dân cũng phải thấy rõ trách nhiệm, vai trò, thực hiện một cách tự giác, có trách nhiệm những quyền và nghĩa vụ của mình trong cuộc đấu tranh cam go này.

Tiếp đến là hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm phát huy vai trò của xã hội trong PCTN, quy định cụ thể để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, doanh nghiệp, báo chí và người dân chủ động tham gia, tránh tình trạng chỉ khi được giao nhiệm vụ hoặc “được mời” thì mới tham gia.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực của các tổ chức xã hội và người dân trong PCTN. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, tổ chức xã hội, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, các cơ quan báo chí, doanh nghiệp và Nhân dân tăng cường phối hợp, tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ và chính quyền các cấp thực hiện tốt các hoạt động giám sát, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, tích cực đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật và cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm mọi biểu hiện tiêu cực, tham nhũng cả trong khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước.

Đồng thời, tăng cường chức năng giám sát và phản biện xã hội; tăng cường bảo vệ, tôn vinh, khen thưởng, nhân rộng điển hình PCTN, bảo vệ người đấu tranh PCTN và xây dựng đạo đức, văn hóa liêm chính cho toàn dân…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Kiểm soát trước và sau hoạt động thanh tra là biện pháp quan trọng ngăn ngừa tham nhũng

Kiểm soát trước và sau hoạt động thanh tra là biện pháp quan trọng ngăn ngừa tham nhũng

(Thanh tra) - Đó là nhận định của ThS Đào Thị Thu Hà, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra tại đề tài khoa học cơ sở “Kiểm soát trước và sau hoạt động thanh tra nhằm phòng, chống vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực” được hội đồng nghiệm thu đánh giá xuất sắc vào ngày 25/12.

Thái Hải

23:14 25/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm