Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thanh toán không dùng tiền mặt góp phần phòng, chống tham nhũng

Phương Hiếu - Phương Anh

Thứ ba, 24/12/2024 - 11:52

(Thanh tra) - Đóng góp vào kết quả chung trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), ông Đoàn Thái Sơn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, góp phần minh bạch hóa các giao dịch tài chính trong nền kinh tế, hạn chế hoạt động kinh tế ngầm, rửa tiền và góp phần phòng ngừa, đấu tranh PCTN.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đoàn Thái Sơn, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt là một biện pháp phòng ngừa, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn các hành vi rửa tiền và khắc phục hậu quả tham nhũng một cách hữu hiệu. Ảnh: Phương Hiếu - Phương Anh

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, kết quả thanh toán không dùng tiền mặt đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt bình quân hàng năm đạt hơn 50% về số lượng. Tốc độ tăng trưởng giao dịch trên kênh điện thoại di động đạt hơn 100% cả về số lượng và giá trị. Tốc độ tăng trưởng giao dịch trên kênh Internet đạt hơn 50% về số lượng. Đặc biệt, giao dịch qua phương thức QR code phát triển mạnh mẽ, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 100% cả về số lượng và giá trị.

Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, khoảng 87% người trưởng thành có tài khoản thanh toán, số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân hơn 200 triệu, tăng 140% so với cùng kỳ năm 2019, số lượng thẻ đang lưu hành đạt gần 160 triệu thẻ, tăng khoảng 60% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong 11 tháng năm 2024,  số lượng thanh toán không dùng tiền mặt đạt hơn 16 tỷ giao dịch với doanh số giao dịch đạt khoảng 270 triệu tỷ đồng, tăng 7,8 lần về số lượng và 2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Điều này khẳng định hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam thời gian qua đã có những bước tiến mạnh mẽ, đem lại giá trị thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, toàn xã hội, góp phần minh bạch hóa giao dịch trong nền kinh tế và PCTN.

Theo Luật PCTN năm 2018, việc phòng ngừa tham nhũng đóng vai trò thiết yếu trong công tác đấu tranh PCTN. Và thanh toán không dùng tiền mặt là một trong 6 nhóm biện pháp cơ bản để phòng ngừa tham nhũng và đã được quy định cụ thể tại Luật.

Cũng theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thực tế đã chỉ ra rằng, việc kiềm chế tham nhũng và thúc đẩy sự công khai, minh bạch các dòng tiền luân chuyển trong nền kinh tế làm giảm nguy cơ gian lận, rửa tiền và đóng vai trò tích cực trong phòng ngừa tham nhũng là một trong những lợi ích quan trọng mà nền kinh tế và xã hội có thể nhận được khi áp dụng chính sách thanh toán không dùng tiền mặt.

Đó là đóng vai trò trong ngăn ngừa hành vi tham nhũng. Sự minh bạch thông tin là một đặc điểm nổi bật của thanh toán không dùng tiền mặt. Khác với thanh toán bằng tiền mặt chỉ có 2 bên, thanh toán không dùng tiền mặt có sự tham gia của tối thiểu 3 bên. Các thông tin về giao dịch và các chủ thể trong giao dịch sẽ được ghi nhận và lưu trữ tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Để sử dụng dịch vụ thanh toán, khách hàng phải cung cấp thông tin định danh (khi mở tài khoản), tổ chức cung ứng dịch vụ phải kiểm tra xác thực khách hàng để kiểm soát các khâu sau.

“Do đó, thanh toán không dùng tiền mặt giúp nâng cao tính minh bạch, quản lý tốt hơn đối với các giao dịch trong nền kinh tế, bao gồm các giao dịch chi tiêu của Chính phủ (một trong các đối tượng của tham nhũng là tài sản công) góp phần quan trọng trong việc ngăn ngừa các hành vi tham nhũng”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh.

Về vai trò trong tăng cường khả năng phát hiện tham nhũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, phạm vi các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt có thể diễn ra trên diện rộng và với hầu hết các chủ thể trong nền kinh tế. Khác với thanh toán bằng tiền mặt, không để lại dấu vết, khi thanh toán không dùng tiền mặt được thực hiện qua hệ thống các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán sẽ được lưu vết thông qua các hồ sơ, các giao dịch điện tử. Theo đó, các khoản thanh toán, chuyển tiền có dấu hiệu đáng ngờ đều có thể được theo dõi, kiểm tra, truy ngược lịch sử giao dịch trong thời gian dài.

Về vai trò trong khắc phục hậu quả tham nhũng, theo quy định pháp luật Việt Nam, việc thu hồi tài sản tham nhũng do nhiều chủ thể thực hiện với các biện pháp khác nhau, trong đó bao gồm các biện pháp có liên quan trực tiếp đến thanh toán không dùng tiền mặt như: xác minh, truy tìm, truy thu và phong tỏa tài khoản. Trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tài sản của các tổ chức, cá nhân được lưu dưới dạng giá trị tiền tệ tại các tài khoản trong các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, do đó có thể giúp tăng cường hiệu quả trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn (một trong các chủ thể của hành vi tham nhũng).

“Thanh toán không dùng tiền mặt cũng là một công cụ quan trọng trong công tác phòng, chống rửa tiền, là một biện pháp phòng ngừa, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn các hành vi rửa tiền và khắc phục hậu quả tham nhũng một cách hữu hiệu thông qua việc ngăn ngừa tẩu tán tài sản khi phát sinh các vụ việc, hành vi tham nhũng, đồng thời giúp truy thu các tài sản tham nhũng”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đoàn Thái Sơn nhấn mạnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Kiểm soát trước và sau hoạt động thanh tra là biện pháp quan trọng ngăn ngừa tham nhũng

Kiểm soát trước và sau hoạt động thanh tra là biện pháp quan trọng ngăn ngừa tham nhũng

(Thanh tra) - Đó là nhận định của ThS Đào Thị Thu Hà, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra tại đề tài khoa học cơ sở “Kiểm soát trước và sau hoạt động thanh tra nhằm phòng, chống vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực” được hội đồng nghiệm thu đánh giá xuất sắc vào ngày 25/12.

Thái Hải

23:14 25/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm