Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Lập "danh sách đen", không khoan nhượng với "đút lót", hối lộ

Hoài Phương

Thứ năm, 09/09/2021 - 18:27

(Thanh tra)- Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) ngày 8/9 cho biết, Trung Quốc đang tăng cường trừng phạt những kẻ đưa hối lộ, bao gồm lập "danh sách đen" và buộc những người này chịu trách nhiệm pháp lý.

Chiến dịch chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh ở Trung Quốc. Ảnh: VCG

Theo Thời báo Hoàn Cầu (Global Times), động thái này được các chuyên gia nhận định là sẽ làm tăng thêm tiến bộ của Trung Quốc trong chiến dịch chống tham nhũng.

Văn bản mới công bố của CCDI nhấn mạnh, cần kiên quyết điều tra, trừng trị hành vi đưa hối lộ, đặc biệt là của các đảng viên CPC và quan chức Chính phủ, đưa hối lộ trong các dự án trọng điểm của nhà nước, các vụ hối lộ lớn và hối lộ nhiều lần.

Những kẻ đưa hối lộ trong các vụ án thương mại lớn và trong các lĩnh vực quan trọng cũng sẽ được nêu rõ trong cuộc điều tra, bao gồm: Tài chính, an toàn sản xuất, thực phẩm và thuốc men, cứu trợ thiên tai, an sinh xã hội, giáo dục và chăm sóc y tế.

CCDI kêu gọi cải cách hệ thống trừng phạt những người đưa hối lộ và thúc đẩy điều tra dựa trên luật pháp đối với cả những người đưa và nhận hối lộ.

Cũng theo CCDI, một cơ chế kiểm soát, giám sát nội bộ đối với những người đưa hối lộ sẽ được thiết lập, đồng thời các cơ quan kiểm sát và tư pháp sẽ tăng cường áp dụng, thực thi các hình phạt tài sản đối với họ.

Mặt khác, các nhà chức trách sẽ thực hiện việc nghiên cứu về khả năng tiếp cận thị trường và đưa ra hạn chế với những người bị phát hiện đưa hối lộ, đồng thời tiến tới lập "danh sách đen" đối với họ.

Ông Trang Đức Thủy (Zhuang Deshui), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính phủ minh bạch thuộc Đại học Bắc Kinh, nói với Thời báo Hoàn cầu hôm 8/9 rằng, văn bản mới của CCDI sẽ cung cấp hướng dẫn thể chế cho các hoạt động chống tham nhũng của chính quyền địa phương ở tất cả các cấp và việc thiết lập "danh sách đen" những kẻ đút lót, hối lộ sẽ giúp giải quyết cơ bản vấn đề tham nhũng ở Trung Quốc.

Theo ông Trang Đức Thủy, những người đưa hối lộ lớn thường là "những doanh nhân vô đạo đức", những người tìm kiếm sự ưu ái và hưởng lợi từ Chính phủ cho các hoạt động kinh tế của họ.

Ông Trang Đức Thủy cho biết thêm, việc hạn chế và trừng phạt những người như vậy hiện là một khía cạnh quan trọng trong chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc.

“Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc xử lý các quan chức tham nhũng nhận hối lộ, và bây giờ chúng ta cần đẩy mạnh nỗ lực truy quét những kẻ đưa hối lộ", ông Trang Đức Thủy nói.

Một quan chức của CCDI cho biết: “Điều này có lợi cho việc tạo ra một môi trường xã hội lành mạnh để phát triển kinh tế, thiết lập trật tự thị trường cạnh tranh bình đẳng và mối quan hệ thân thiện, trong sạch giữa Chính phủ và doanh nghiệp”.

Chiến dịch chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh ở Trung Quốc trong những năm gần đây.

Một tài liệu quan trọng về sứ mệnh và những đóng góp của CPC được công bố ngày 26/8 cho biết, CPC sẽ củng cố khả năng chống tham nhũng, không cho phép trú ẩn an toàn và không khoan nhượng trong việc chống tham nhũng.

Bí thư Thành ủy Hàng Châu Chu Giang Dũng đang bị điều tra vì nghi ngờ vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng và pháp luật. Ảnh: ifeng

Trường hợp của Chu Giang Dũng (Zhou Jiangyong), Bí thư Thành ủy Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc, là một trong những vụ việc thu hút sự chú ý lớn của người dân trong nước gần đây. Ông Chu đã bị điều tra về cáo buộc "vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng và pháp luật" vào tháng 8.

Cơ quan chống tham nhũng của Hàng Châu đã phát động một chiến dịch đặc biệt để giải quyết các vấn đề trong việc thiết lập mối quan hệ chặt chẽ nhưng rõ ràng giữa Chính phủ và khu vực kinh doanh.

Trước vụ Chu Giang Dũng, cũng ở Chiết Giang, cựu Bí thư Thành ủy Hồ Châu là Mã Tiểu Huy đã ra đầu thú trước các nhà điều tra chống tham nhũng. Ông Mã bị tình nghi "vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng và pháp luật".

Cơ quan chống tham nhũng của Hàng Châu đã phát động một chiến dịch đặc biệt để giải quyết các vấn đề trong việc thiết lập mối quan hệ chặt chẽ nhưng rõ ràng giữa Chính phủ và khu vực kinh doanh.

Chiến dịch tự kiểm tra đối với Hàng Châu nhắm vào 3 lĩnh vực hoạt động cụ thể của các cán bộ lãnh đạo, đó là: Xung đột lợi ích liên quan đến kinh doanh, các khoản vay vi phạm kỷ luật và Điều lệ Đảng, quan hệ kinh doanh của vợ/chồng và con cái của họ.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 2: “Ôm” dự án rồi để “treo”

Bài 2: “Ôm” dự án rồi để “treo”

(Thanh tra) - Nhiều dự án được phê duyệt trên các khu đất vị trí đắc địa mang theo kỳ vọng lớn lao về cải thiện hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, sau hàng chục năm, các dự án vẫn chưa hoàn thành, thậm chí có trường hợp chưa được triển khai xây dựng, khiến tài nguyên bị lãng phí nghiêm trọng, trở thành gánh nặng, góp phần làm nghèo quốc gia.

Đông Hà + Thanh Hoa

07:30 15/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm