Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ hai, 19/06/2023 - 14:14
(Thanh tra) - Sau 1 năm Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đi vào hoạt động, đã khởi tố mới 530 vụ án với 1.858 bị can phạm tội về tham nhũng; kỷ luật gần 80 cán bộ trong cơ quan phòng chống tham nhũng.
Toàn cảnh hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: Đ.X
Ngày 19/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Tham dự hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và hơn 2.500 đại biểu ở các điểm cầu địa phương.
Trước đó, ngày 10/5/2022, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) đã thống nhất chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Chỉ sau gần 3 tháng từ khi có nghị quyết của Trung ương, 63/63 Ban Chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập.
444 vụ án được đưa vào diện Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo
Trình bày báo cáo, ông Võ Văn Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương cho hay, sau gần 1 năm đi vào hoạt động, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Qua kiểm tra, giám sát, thanh tra đã chuyển 286 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật, tăng gần gấp 3 lần so với trước khi thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã tập trung chỉ đạo xử lý các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực; các vụ án, vụ việc kéo dài, dư luận xã hội quan tâm ở từng địa phương.
444 vụ án, 156 vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm được đưa vào diện Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo.
Các cơ quan chức năng đã khởi tố mới 530 vụ án với 1.858 bị can phạm tội về tham nhũng; số cán bộ, đảng viên bị khởi tố do hành vi tham nhũng, tiêu cực là 1.132 bị can.
Cạnh đó, đã xử lý kỷ luật 15 tổ chức Đảng; gần 80 cán bộ, công chức các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhưng có sai phạm về tham nhũng, tiêu cực. Việc này đã thực hiện nghiêm chủ trương xử lý “không có vùng cấm, không có trường hợp ngoại lệ”.
Vẫn theo ông Võ Văn Dũng, không ít địa phương đã học tập, vận dụng các cơ chế phối hợp của Ban Chỉ đạo Trung ương áp dụng cho quá trình phối hợp ở địa phương đem lại hiệu quả cao.
“Cơ chế phối hợp xử lý các vụ án, vụ việc theo “5 cấp độ”, cơ chế “tài liệu, chứng cứ rõ đến đâu xử lý đến đó” được nhiều địa phương áp dụng”, Phó Ban Nội chính Trung ương nói.
Vì vậy đã tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất được chủ trương, định hướng xử lý đối với nhiều vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, có khó khăn, vướng mắc, quan điểm xử lý còn khác nhau.
“Kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo sau 1 năm đã góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến ngày càng rõ nét hơn trong công tác phòng chống tham nhũng ở địa phương, nhất là trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trước đây”, Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương khái quát.
Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ tham nhũng ở địa phương
Đề cập một số nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, theo Ban Nội chính Trung ương, cần tiến hành đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực, cả phòng ngừa, cả phát hiện, xử lý; thực hiện đồng bộ 4 mục tiêu “không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng”.
“Đặc biệt, chú trọng giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực”, ông Dũng nêu.
Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cần chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính chất khép kín, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn.
Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương cũng nhấn mạnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.
Xử lý nghiêm minh, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng với xử lý hành chính và xử lý hình sự đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực theo đúng nguyên tắc “tích cực, khẩn trương; rõ đến đâu xử lý đến đó; không có vùng cấm; đã có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử; xử lý nghiêm minh nhưng phải nhân văn; có quan điểm khách quan, toàn diện, lịch sử cụ thể khi xem xét xử lý sai phạm…”, theo Ban Nội chính Trung ương.
Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; tăng cường kiểm tra, giám sát, chỉ đạo xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Ban Nội chính Trung ương cũng lưu ý cần khẩn trương tham mưu cấp ủy có giải pháp chỉ đạo nhằm khắc phục nhanh chóng tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Tại tầng mái chung cư CT2 Xuân Đỉnh (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội), 4 căn hộ đã được xây dựng trái phép và bán cho người dân. Vụ việc cho thấy vẫn có doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật về xây dựng để trục lợi, đẩy gánh nặng khắc phục hậu quả lên khách hàng và cơ quan quản lý.
Đông Hà
20:01 14/12/2024(Thanh tra) - Công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai còn nhiều sai sót, chậm được xử lý; việc công khai, minh bạch trong quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, trong thực hiện quản lý, điều hành một số lĩnh vực còn chưa đầy đủ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn một số hạn chế nhất định, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng, tố cáo…
Hương Trà
07:00 14/12/2024Lâm Ánh
06:30 14/12/2024Trần Kiên
19:55 13/12/2024Đông Hà
09:19 13/12/2024Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền