Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Công bố PAPI 2018: Tham nhũng vẫn là 1 trong 3 mối quan ngại hàng đầu

Thứ ba, 02/04/2019 - 16:24

(Thanh tra) - Đây là một trong những phát hiện chính trong báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2018 được Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) công bố ngày 2/4, tại Hà Nội.

Một trong những nội dung của chỉ số PAPI

Trong 3 năm qua, tham nhũng cấp xã, phường đã giảm

Hơn 14.300 người dân được chọn ngẫu nhiên từ 63 tỉnh/thành phố đã được phỏng vấn trong nghiên cứu Chỉ số PAPI 2018 chia sẻ về trải nghiệm và cảm nhận qua nghiên cứu PAPI về hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương. Bên cạnh 6 chỉ số nội dung như những năm trước, năm 2018, PAPI có thêm 2 chỉ số là quản trị môi trường và quản trị điện tử.

Theo Báo cáo PAPI năm 2018, hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2018 nhìn chung có cải thiện ở các lĩnh vực PAPI đo lường. 

Qua báo cáo, người dân cho biết  nhũng nhiễu trong lĩnh vực y tế và giáo dục tiểu học công lập thuyên giảm. Họ hài lòng hơn với hầu hết dịch vụ công căn bản, các cấp chính quyền tương tác với người dân nhiều hơn. Điểm các chỉ tiêu đo lường dịch vụ hành chính công về cấp phép xây dựng và dịch vụ “một cửa” cấp xã/phường tăng lên.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ người dân cho rằng có nhũng nhiễu trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có hiện tượng cán bộ sử dụng công quỹ vào mục đích riêng không giảm. Đặc biệt, người dân trên phạm vi cả nước cho rằng, chất lượng nguồn nước sinh hoạt, ăn uống nơi họ sinh sống kém hơn 3 năm trước.

Phát biểu tại lễ công bố, bà Caitlin Wiesen, Quyền đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết, "sau 10 năm, chỉ số PAPI tiếp tục đóng vai trò là công cụ hữu hiệu góp phần thúc đẩy quản trị tốt ở Việt Nam. Chỉ số PAPI lắng nghe tiếng nói của người dân, tìm hiểu kỳ vọng của người dân đối với cấp chính quyền, bằng cách đó tạo điều kiện để người dân tham gia quản trị đất nước…”.

Toàn cảnh lễ công bố

Kết quả PAPI 2018 cho thấy, yếu tố tác động lớn nhất tới mức độ hài lòng với hiệu quả quản trị và hành chính công là hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công. Mặc dù người dân có chung quan điểm rằng tham nhũng đã giảm đi so với 3 năm trước, song mỗi cấp chính quyền có mức độ thuyên giảm khác nhau.

 Gần 60% số người trả lời cho rằng tham nhũng ở cấp xã/phường đã thuyên giảm trong 3 năm qua, song chỉ có 50% số người trả lời cho rằng tham nhũng ở cấp quốc gia có xu hướng giảm.

Kết quả khảo sát PAPI 2018 cũng cho thấy, tham nhũng vẫn là 1 trong 3 mối quan ngại hàng đầu trong công chúng.

Yêu cầu chính quyền các cấp tiếp tục cải thiện dịch vụ hành chính công

Chia sẻ tại buổi lễ, ông Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, việc chỉ số mức độ tham nhũng trong khu vực công vẫn còn cao là vấn đề nhức nhối hiện nay, đòi hỏi cần có những giải pháp nhằm ngăn chặn và kiểm soát hơn vấn đề này.

Tuy nhiên, theo ông Lý, "nếu so sánh với giai đoạn đầu thực hiện khảo sát PAPI cách đây 10 năm thì chỉ số này đã cải thiện đáng kể".

Lĩnh vực dịch vụ và thủ tục hành chính công cũng có nét khởi sắc. Có sự cải thiện từng bước ở cả 4 nhóm dịch vụ và thủ tục hành chính công PAPI đo lường, bao gồm dịch vụ chứng thực, xác nhận của chính quyền cơ sở, dịch vụ cấp giấy phép xây dựng, dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và dịch vụ hành chính công cấp xã.

Tuy nhiên, khoảng cách giữa điểm trung bình chung toàn quốc năm 2018 (7,39 điểm) và điểm cao nhất mong muốn đạt được (10 điểm) vẫn còn lớn, đồng nghĩa với yêu cầu chính quyền các cấp tiếp tục cải thiện dịch vụ hành chính công, đặc biệt là dịch vụ ‘một cửa’ liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.     

Một phát hiện thú vị của PAPI 2018 là phần lớn cử tri không bày tỏ định kiến với nam hay nữ là ứng cử viên, nhưng đa số cho biết sẽ bầu ứng cử viên nam làm vị trí lãnh đạo và phần lớn những người có định kiến là phụ nữ.

Ông Craig Chittick, Đại sứ Ô-xtrây-li-a tại Việt Nam cho rằng, những phát hiện từ nghiên cứu PAPI là cơ hội lớn cho Việt Nam trong bầu chọn phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý khu vực Nhà nước. Kết quả phân tích chỉ ra rằng, cần nhiều nỗ lực hơn nữa trong xóa bỏ định kiến xã hội, đặc biệt trong giới cử tri nữ, đối với phụ nữ mong muốn trở thành lãnh đạo, quản lý.

Năm 2018, người dân hài lòng hơn với mức độ công khai, minh bạch của chính quyền trong lập danh sách hộ nghèo và chia sẻ thông tin thu, chi ngân sách cấp xã, phường. Đây là lĩnh vực cần công khai, minh bạch và các cấp chính quyền có thể cởi mở hơn.

Người dân cũng phản ánh ít có cơ hội tiếp xúc với đại diện chính quyền từ cấp huyện, cấp tỉnh trở lên.

Theo tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng (CECODES), khi được hỏi về những vấn đề hệ trọng nhất trong năm 2018 cần Nhà nước tập trung giải quyết, đói nghèo tiếp tục là vấn đề được nhiều người lựa chọn nhất (25% số người được hỏi). 

Khi so sánh kết quả khảo sát câu hỏi này của năm 2018 với các năm trước, mối quan ngại về tham nhũng, tăng trưởng kinh tế, an ninh-trật tự và chất lượng giáo dục lại có tỷ lệ gia tăng nhiều hơn. Đặc biệt, so với kết quả 2015, mối quan ngại về môi trường năm 2018 đã gia tăng đột biến.

Đánh giá tổng quan PAPI 2018 cho thấy, không có địa phương nào thuộc về nhóm đạt điểm cao nhất ở cả 8 nội dung đo lường và khoảng cách giữa điểm cao nhất cấp tỉnh và mức điểm tối đa còn rất xa.

Điều này cho thấy còn nhiều cơ hội đổi mới chính sách và cách thức thực thi chính sách để chính quyền các cấp ngày càng cởi mở, minh bạch hơn, thực hiện trách nhiệm giải trình tốt hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.

Phương Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm