Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Bộ Công Thương tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Phương Hiếu

Thứ năm, 14/03/2024 - 21:22

(Thanh tra) - Chánh Thanh tra Bộ Công Thương Lê Việt Long cho biết, kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực năm 2024 vừa được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ký ban hành, với mục tiêu thực hiện tốt 9 nhiệm vụ trọng tâm.

Năm 2024, Bộ Công Thương tiến hành bốc thăm ngẫu nhiên, xác định 153 cán bộ sẽ được xác minh tài sản, thu nhập. Ảnh: Phương Hiếu

Ông Long cho biết, theo kế hoạch, để thực hiện tốt công tác PCTN, tiêu cực, lãnh đạo Bộ Công Thương đã giao cho từng cá nhân, đơn vị thực hiện tốt 9 nhiệm vụ cụ thể.

Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, tiêu cực. Đơn vị chủ trì thực hiện là Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ và Đảng ủy Bộ Công Thương.

Chú trọng quán triệt, tuyên truyền sâu, rộng các quy định của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ về công tác PCTN, tiêu cực; lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham những, kinh tế, tiêu cực; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, thực hiện quy định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham những, tiêu cực, lãng phí; thực hiện có hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo hành vi tham những theo Chỉ thị số 35-CT/TW và Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về công nghiệp và thương mại, góp phần thực hiện hiệu quả công tác PCTN, tiêu cực tại bộ; xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy chế tại cơ quan, đơn vị về định mức, tiêu chuẩn, chế độ, quản lý tài sản công, tài chính công, dân chủ ở cơ sở để tổ chức thực hiện; rà soát, hoàn thiện các quy chế, quy định, đảm bảo thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về quản lý, sử dụng vốn ngân sách, quản lý mua sắm, sử dụng đất đai, tài sản công, công tác đầu tư xây dựng cơ bản, chế độ hội họp, chỉ tiêu nội bộ, chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức…

Thứ ba, tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, công chức, viên chức, hoàn thiện, thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức, cán bộ. Thực hiện quy định về quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; quy chế làm việc và quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan; thực hiện quy định danh mục vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức ngành Công Thương nhằm phòng ngừa tham nhũng…

Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, góp phần tích cực phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng. Trong đó, thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2024 của Bộ Công Thương; kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ tài chính, kế toán; kiểm tra, giám sát công tác quản lý đầu tư xây dựng, đánh giá đầu tư tại một số dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước do bộ quản lý; thực hiện công tác kiểm tra nội bộ, thanh tra nội bộ, tăng cường kiểm tra công vụ, nhiệm vụ được giao; thực hiện giám sát tài chính tại các doanh nghiệp có vốn Nhà nước theo quy chế giám sát tài chính đối với các tổng công ty, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty cổ phần có vốn Nhà nước do Bộ Công Thương làm đại diện chủ sở hữu; thực hiện đầy đủ, tích cực trách nhiệm trong hoạt động của Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 địa phương; thực hiện công tác kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của Bộ Công Thương và Tổng cục Quản lý thị trường; kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện xử lý sau thanh tra tại các đơn vị được thanh tra, kiểm tra; xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả giám sát, kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham những, lãng phí trong doanh nghiệp Nhà nước” năm 2024.

Thứ năm, thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính.

Thứ sáu, tiếp tục thực hiện đầy đủ việc công khai, minh bạch theo quy định tại Điều 10, Điều 11 của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018.

Thứ bảy, tăng cường công tác phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tham nhũng; phối hợp với Đảng ủy bộ, Đảng ủy khối tại địa phương, tỉnh ủy, thành ủy tại địa phương chỉ đạo đẩy mạnh phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng, tiêu cực tại các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc bộ; tăng cường sự phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Công an, thanh tra các bộ, ngành và các cơ quan bảo vệ pháp luật để làm tốt công tác PCTN, tiêu cực, lãng phí trong Bộ Công Thương.

Thứ tám, nâng cao nhận thức và phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể trong cơ quan, đơn vị; tăng cường pháp luật về PCTN, tiêu cực với các hình thức hiệu quả; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, đoàn thể trong việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về PCTN, tiêu cực; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, tiêu cực và đạo đức liêm chính thông qua hoạt động báo chí, xuất bản trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở, website của bộ và các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc bộ…

Thứ chín, về công tác kê khai và xác minh tài sản, thu nhập, ban hành kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2024 của Bộ Công Thương; triển khai công tác kê khai tài sản, thu nhập năm 2024; thực hiện xác minh tài sản, thu nhập năm 2024 của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập là công chức, viên chức thuộc đối tượng quản lý của Bộ Công Thương.

Theo ông Long, Thanh tra Bộ được giao chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch này; xây dựng trình lãnh đạo bộ phê duyệt và tổ chức triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát, tổng hợp báo cáo bộ về kết quả thực hiện.

Ông Long cũng cho biết, mới đây, thực hiện kế hoạch kiểm tra, xác minh tài sản, thu nhập năm 2024, Bộ Công Thương đã tiến hành bốc thăm ngẫu nhiên, xác định 153 cán bộ sẽ được xác minh tài sản, thu nhập. Việc thực hiện bốc thăm người được xác minh tài sản, thu nhập được thực hiện theo thủ tục, trình tự quy định tại Luật PCTN và quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Năm 2024, Bộ Công thương có 28 đơn vị trực thuộc bộ được tiến hành xác minh tài sản, thu nhập. Tổng số người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập hàng năm là 1.419 người.

Kết quả bốc thăm ngẫu nhiên, có 28 lãnh đạo và 125 đối tượng khác là công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo thuộc 28 đơn vị sẽ được xác minh tài sản, thu nhập năm 2024.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm