Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vì sao Somalia được đánh giá là quốc gia tham nhũng nhất thế giới?

Ngọc Anh

Thứ hai, 06/02/2023 - 15:04

(Thanh tra) - Somalia đứng cuối danh sách 180 quốc gia, vùng lãnh thổ trong đánh giá chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2022 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), được cho là vùng đất của chủ nghĩa khủng bố và xung đột vũ trang, tạo ra môi trường tham nhũng lớn nhất thế giới.

Đồng đô la Mỹ được bán lẻ ở mức 559 shilling Somalia vào ngày 2/2/2023. Ảnh: Feisal Omar/ Reuters

Xung đột không hồi kết ở Somalia vẫn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nạn tham nhũng hoành hành.

Theo kết quả khảo sát của TI, “tham nhũng làm suy yếu khả năng bảo vệ người dân của chính phủ và làm xói mòn lòng tin của công chúng, gây ra các mối đe dọa an ninh ngày càng khó kiểm soát hơn. Mặt khác, xung đột tạo cơ hội cho tham nhũng và phá hoại nỗ lực ngăn chặn tham nhũng của các chính phủ”.

Tham nhũng ở quốc gia Vùng sừng châu Phi hầu như có mặt ở khắp nơi, mọi lĩnh vực, bắt đầu từ hệ thống tư pháp, đến các dịch vụ công, hành chính, cảnh sát, quản lý thuế, hải quan, tài nguyên thiên nhiên, mua sắm công và xã hội dân sự. Vấn nạn này tồn tại trong nhiều năm, và không có dấu hiệu cải thiện.

Điểm CPI của Somalia năm 2022 đạt 12 trên thang điểm 100. Kể từ năm 2012 đến 2022, điểm bình quân của nước này chỉ đạt 9,7.

"Somali đã trở lại vị trí cuối bảng xếp hạng CPI, cả trong khu vực và trên toàn cầu. Đất nước này đã sa lầy trong vòng xoáy bạo lực và bất ổn trong hơn ba thập kỷ, thực tế không có phương tiện nào để hạn chế nạn tham nhũng tràn lan", báo cáo của TI cho biết.

Vào tháng 10/2022, Tổng thống Hassan Sheikh Mohamud đã giải thể hai cơ quan chống tham nhũng chủ chốt là Ủy ban Dịch vụ Tư pháp và Ủy ban Chống tham nhũng. Trong khi đó, các điều kiện kinh tế và nhân đạo đối với người dân Somalia đang ngày càng xấu đi.

Tổng thống Somalia Hassan Sheikh Mohamud thừa nhận Chính phủ của ông vẫn hoạt động chưa tốt để ngăn chặn tham nhũng. Ảnh: HORSEED MEDIA

Cuối tháng 12/2022, Tổng thống Somalia thừa nhận tình trạng "công chức ma" đáng báo động trong nước đã dẫn đến việc mất hàng triệu USD do các đối tác quốc tế cung cấp để hỗ trợ Somalia xây dựng nhà nước mỗi tháng.

Nhà lãnh đạo nước này cũng nhấn mạnh sự "không hài lòng" và cho rằng, Chính phủ của ông vẫn hoạt động chưa tốt để ngăn chặn vấn đề tham nhũng.

Theo Trung tâm Chống tham nhũng (Anti-Corruption Resource Centre), tham nhũng ở Somalia ngày càng trầm trọng hơn do thiếu nguồn lực và năng lực hành chính, cơ cấu lãnh đạo yếu kém cũng như khả năng chi trả hạn chế cho các công chức.

Trong khu vực, nhiều nước châu Phi bị nạn tham nhũng hoành hành. Tuy nhiên, Botswana, Cape Verde, Côte d'Ivoire, Kenya, Niger, Mauritania, Sudan, Nam Sudan và Cộng hoà Dân chủ Congo đã có sự cải thiện rõ rệt nhất về điểm cảm nhận tham nhũng.

Trong khi, các quốc gia khác trong lục địa đều bị đình trệ (giữ nguyên điểm CPI) hoặc giảm xếp hạng dù châu Phi vẫn đang nỗ lực đấu tranh để loại bỏ tham nhũng.

Nhóm các nước có CPI cao nhất và thấp nhất khu vực châu Phi cận Sahara. Nguồn: TI

Seychelles, xếp thứ 23 trên thế giới, hơn Mỹ 1 điểm, vẫn là quốc gia ít tham nhũng nhất châu lục. Ở cuối bảng xếp hạng, Yemen và Nam Sudan cùng với Somalia là những quốc gia hành động ít hiệu quả nhất thế giới trong việc dập tắt tham nhũng.

Theo TI, hầu hết các quốc gia ở châu Phi cận Sahara, trong đó có Somalia đã ký kết hoặc phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, thể hiện một số cam kết chống tham nhũng, nhưng các nhà lãnh đạo phải hành động mạnh mẽ hơn nữa.

Để đạt được tiến bộ có ý nghĩa, Somalia cũng như các quốc gia trong khu vực cần ưu tiên cải cách quản trị tốt nổi bật, bao gồm các biện pháp bảo vệ các quyền tự do cơ bản. Liêm chính trong chính trị rất quan trọng để đảm bảo rằng các nguồn lực công được sử dụng vì lợi ích chung. Các quốc gia cũng phải bảo vệ xã hội dân sự để họ có thể buộc chính phủ phải chịu trách nhiệm.

Trong bối cảnh nhiều cuộc khủng hoảng xảy ra, các chính phủ trong khu vực cần đặc biệt chú ý đến các biện pháp chống tham nhũng trong các trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như liên quan đến xung đột, sức khỏe cộng đồng hoặc thiên tai. Do đó, cần khẩn trương làm cho hệ thống mua sắm công minh bạch hơn, đồng thời xử phạt và truy tố bất kỳ hành vi lạm dụng quỹ phục hồi COVID-19 nào.

Bên cạnh đó, các quốc gia trong khu vực cũng phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn hàng tỷ đô la bị chảy ra nước ngoài mỗi năm, TI nhấn mạnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tân Tổng thống Botswana cam kết đấu tranh chống tham nhũng

Tân Tổng thống Botswana cam kết đấu tranh chống tham nhũng

(Thanh tra) - Tân Tổng thống Botswana Duma Boko ngày 19/11 cho biết, Chính phủ sẽ tiến hành một cuộc chiến quyết liệt chống tham nhũng, trong đó tất cả những người bị coi là có tội sẽ bị đưa ra pháp luật một cách nghiêm khắc.

Ngọc Anh

12:40 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm