Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

UN News đưa tin về bài phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Hoài Phương

Thứ năm, 23/09/2021 - 13:35

(Thanh tra) - Trang tin chính thức của Liên hợp quốc (LHQ) UN News vừa có bài viết giới thiệu về bài phát biểu của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Đại hội đồng LHQ.

Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên thảo luận chung Cấp cao Khoá họp 76 Đại hội đồng LHQ. Ảnh: UN/ Cia Pak

Bài viết trên UN News có tiêu đề "Pandemic ‘warning bell’ exposed inequalities, governance gaps, says Viet Nam President" (tạm dịch: Chủ tịch nước Việt Nam nói: Đại dịch là "hồi chuông cảnh báo" bộc lộ tình trạng bất bình đẳng, lỗ hổng quản trị).

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục đe dọa cuộc sống và sinh kế trên toàn cầu, chiều 22/9 (theo giờ New York, tức rạng sáng 23/9 giờ Việt Nam), Chủ tịch nước Việt Nam đã có phát biểu tại Phiên thảo luận chung Cấp cao Khoá họp 76 Đại hội đồng LHQ với chủ đề: “Cùng vững tin và tự cường - Hướng tới phục hồi sau COVID-19, tái thiết bền vững, bảo vệ hành tinh, thúc đẩy quyền con người và cải tổ LHQ".

Theo UN News,  phát biểu trước Đại hội đồng LHQ, ông Nguyễn Xuân Phúc nói rằng, Việt Nam đang mạnh mẽ chống lại dịch bệnh COVID-19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, duy trì phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Nhấn mạnh, không có con số thống kê nào có thể đo đếm được nỗi đau và mất mát trong đại dịch COVID-19, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đại dịch là hồi chuông cảnh báo khẩn cấp về sức tàn phá khủng khiếp của các thách thức an ninh phi truyền thống như dịch bệnh hay biến đổi khí hậu nếu không được quan tâm, xử lý từ sớm, từ xa; làm bộc lộ rõ hơn bao giờ hết những hạn chế, bất cập sâu sắc của hệ thống quản trị toàn cầu, cũng như tình trạng bất bình đẳng trên toàn thế giới.

"Vai trò trung tâm" của LHQ

Theo UN News, thừa nhận COVID-19 không phải là thách thức toàn cầu duy nhất, Chủ tịch nước Việt Nam đã miêu tả bức tranh ảm đạm về chiến tranh, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên và các hành động phớt lờ luật pháp quốc tế.

"Trong bức tranh ảm đạm đó, vẫn sáng lên nguồn động lực mạnh mẽ từ khát vọng to lớn của toàn nhân loại hướng tới hoà bình, hợp tác và phát triển, cũng như ý thức sâu sắc của các quốc gia về tầm quan trọng của đoàn kết quốc tế, của tương thân tương ái, của hợp tác đa phương", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói.

Với bề dày 75 năm "bảo vệ hoà bình, an ninh, vun đắp các mối quan hệ quốc tế hữu nghị, công bằng và bình đẳng", người đứng đầu Nhà nước Việt Nam ca ngợi LHQ đã và đang tiếp tục khẳng định “vai trò trung tâm” của mình trong hệ thống đa phương, đang điều phối hiệu quả những nỗ lực chung ứng phó với các thách thức toàn cầu ngày càng cấp bách mà không riêng một quốc gia nào có thể tự giải quyết.

Nhiệm vụ và giải pháp

UN News đưa tin, khẳng định “nhiệm vụ cấp bách” hàng đầu hiện nay là kiểm soát đại dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu, Chủ tịch nước Việt Nam nêu rõ, việc phân bổ vắc xin cần được ưu tiên cho các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Người đứng đầu Nhà nước Việt Nam cho rằng, tự cường trong phục hồi kinh tế chỉ có thể mạnh mẽ và bền vững khi dựa trên sự hợp tác và liên kết của tất cả các quốc gia; đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải biến thách thức thành cơ hội phát triển, bao gồm cả chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới.

"Đó cũng là cơ hội để chúng ta theo đuổi chuyển đổi xanh, thúc đẩy phát triển bền vững và cũng là cơ hội để tiếp tục thuận lợi hoá đầu tư, thương mại, hợp tác lưu chuyển hàng hoá, con người, duy trì các chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Nguyễn Xuân Phúc nói.

Chống biến đi khí hậu

UN News dẫn lời Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hợp tác trong việc giảm thiểu và xử lý các tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu đang đặt ra vô cùng cấp bách; đồng thời nhấn mạnh rằng, các nước phát triển cần đề cao trách nhiệm hỗ trợ cho các nước nghèo, nước đang phát triển về tài chính, công nghệ và nâng cao năng lực để giảm phát thải, thích ứng, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, hướng tới chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn.

"Đó là cơ hội cho sự hoà hợp giữa con người và thiên nhiên xanh", ông nói.

Nỗ lực chung

Nhấn mạnh điều kiện tiên quyết cho phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch là phải bảo đảm được môi trường hoà bình, an ninh, ổn định ở mỗi quốc gia, khu vực và thế giới, người đứng đầu Nhà nước Việt Nam kêu gọi tất cả các quốc gia cùng nhau nỗ lực hướng tới "ngừng bắn toàn cầu, chấm dứt tất cả các hành động bạo lực, bảo vệ thường dân, tạo điều kiện tiếp cận nhân đạo tại các vùng xung đột".

Bất chấp con đường còn nhiều “gian nan” phía trước, Việt Nam sẽ tiếp tục “cùng người dân trên toàn thế giới chung nhịp đập sẻ chia, yêu thương, hợp tác để cùng nhau sớm chiến thắng đại dịch, xây dựng một thế giới hòa bình, phát triển phồn vinh, người dân hạnh phúc" - UN News trích dẫn phát biểu của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc làm lời kết của bài báo.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tân Tổng thống Botswana cam kết đấu tranh chống tham nhũng

Tân Tổng thống Botswana cam kết đấu tranh chống tham nhũng

(Thanh tra) - Tân Tổng thống Botswana Duma Boko ngày 19/11 cho biết, Chính phủ sẽ tiến hành một cuộc chiến quyết liệt chống tham nhũng, trong đó tất cả những người bị coi là có tội sẽ bị đưa ra pháp luật một cách nghiêm khắc.

Ngọc Anh

12:40 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm