Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ bảy, 16/05/2015 - 15:17
Trung Quốc sẽ chuyển dần mục tiêu từ củng cố tuyên bố chủ quyền sang tìm cách thống trị Biển Đông trong khi các nước khác có liên quan trong tranh chấp sẽ xích lại gần nhau hơn để hình thành liên minh nhằm bảo vệ lợi ích.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây một đường băng trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: DigitalGlobe.
Hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy từ tháng 3/2014, Bắc Kinh đã cải tạo đất tại 7 khu vực thuộc quần đảo Trường Sa và đang xây dựng đường băng dài 3.000 m trên bãi đá Chữ Thập. Quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng một số nước như Philippines, Brunei, Malaysia, Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn mở rộng quy mô đường băng trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Chuyển từ củng cố sang thống trị
Theo ông Patrick M.Cronin, cố vấn cao cấp kiêm chủ nhiệm Chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh Mới của Mỹ, Bắc Kinh sẽ tìm mọi cách để chứng tỏ quyết tâm không lùi bước trong tranh chấp chủ quyền trên biển.
"Đặt địa vị là Chủ tịch Tập Cận Bình, tôi sẽ sử dụng mọi công cụ hiện có để hiện thực hóa yêu sách 'đường 9 đoạn' đồng thời nhanh chóng hoàn thành quá trình cải tạo các rạn san hô và bãi đá trước khi tòa án trọng tài quốc tế đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines", ông Cronin nói.
Tháng 1/2013, Manila đệ đơn lên Tòa án Trọng tài Thường trực Liên Hợp Quốc ở The Hague nhằm tìm cách vô hiệu hóa tuyên bố chủ quyền dựa trên "đường 9 đoạn" của Trung Quốc. Trung Quốc đưa ra "đường 9 đoạn" này để biện minh cho tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông.
Theo Yun Sun, chuyên viên nghiên cứu tại Chương trình Đông Á thuộc Trung tâm Stimson, Trung Quốc sẽ áp dụng chiến thuật "hai mặt" để xử lý các xung đột với láng giềng. Bắc Kinh một mặt nỗ lực để khẳng định tuyên bố chủ quyền thông qua những động thái cứng rắn về ngoại giao và quân sự nhưng mặt khác theo đuổi sách lược "tấn công quyến rũ", sử dụng mồi nhử về kinh tế và đầu tư để lôi kéo đồng minh.
"Không còn giấu đi móng vuốt, không còn ẩn mình chờ thời, Trung Quốc chuẩn bị bước sang một giai đoạn mới của sự quyết đoán", quan sát viên Richard Javad Heydarian nhận định trong bài viết đăng trên tạp chíNational Interest.
Trung Quốc sẽ chuyển dần mục tiêu từ củng cố tuyên bố chủ quyền sang tìm cách thống trị Biển Đông, từ đó giành ưu thế và đánh bật các bên liên quan khỏi tranh chấp, ông Heydarian quả quyết.
Bắc Kinh cũng biện minh cho những hành động châm ngòi căng thẳng trên biển với một thái độ rõ ràng hơn. Chính phủ Trung Quốc trước đây nói hoạt động cải tạo chủ yếu để cải thiện điều kiện sống và sinh hoạt cho lực lượng đồn trú trên các đảo, nhưng vào đầu tháng 4, nước này tuyên bố hoạt động xây đảo còn "đáp ứng nhu cầu phòng thủ quân sự của Trung Quốc". Và vào tháng này nước này cũng không ngần ngại tuyên bố "có quyền thiết lập ADIZ", Vùng nhận dạng Phòng không trên Biển Đông, và "việc có lập ADIZ hay không phụ thuộc vào an ninh vùng trời của chúng tôi có bị đe dọa không và mức độ tới đâu".
Xung đột trực chờ bùng phát
Bắc Kinh chưa chính thức thiết lập ADIZ nhưng đã từng bước tạo dựng một khung xương ADIZ dựa vào hệ thống sân bay và các tiền đồn quân sự mà nước này không ngừng mở rộng trên Biển Đông.
Trung Quốc đang đơn phương tạo ra những vùng cách ly trên chuỗi bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa. Trung Quốc ít nhất 6 lần yêu cầu, thậm chí đe dọa các phi cơ thuộc lực lượng Hải quân và Không quân Philippines chấm dứt hoạt động tuần tra trên Biển Đông với lý do những đơn vị này "bay trong khu vực an ninh quân sự của họ", phó đô đốc Alexander Lopez, chỉ huy Bộ Tư lệnh phía Tây Philippines, hôm 7/5 cho hay.
Trước tốc độ bành trướng nhanh chóng cùng hành động hung hăng của Trung Quốc, hầu hết các quốc gia có liên quan trong tranh chấp đều phần nào cảm thấy lo lắng và nhận thức được rằng cần nâng cao cảnh giác, lập những phương án dự phòng cho tình huống xấu nhất: xung đột bùng phát.
Lãnh đạo lực lượng vũ trang Philippines hồi đầu tuần khẳng định sẽ xây dựng căn cứ hải quân mới tại vịnh Oyster ở Palawan, cách quần đảo Trường Sa khoảng 160 km, và nhấn mạnh đây là "ưu tiên hàng đầu" nhằm sẵn sàng ứng phó trước mọi động thái của Trung Quốc.
Theo một số quan chức Philippines, căn cứ này có thể đảm nhận nhiều chức năng với một xưởng sửa chữa tàu, các bốt chỉ huy chiến dịch được trang bị hệ thống radar theo dõi mọi diễn biến trên Biển Đông. Căn cứ đủ sức chứa nhiều chiến hạm cỡ lớn, trong đó có cả tàu tuần tra lớp Hamilton mà Manila mua của Washington.
Malaysia và Indonesia trước đây đứng ngoài vòng xoáy tranh chấp nhưng hành động của Trung Quốc cũng khiến các quốc gia này cảm thấy hoang mang, theo Diplomat.
Malaysia đang xây dựng căn cứ hải quân tại Bintulu, Sarawak, gần bãi cạn James, nơi Trung Quốc từng bất ngờ điều tàu tới vào năm 2013. Bộ Quốc phòng nước này cũng tìm kiếm hỗ trợ từ Washington đồng thời lên kế hoạch thiết lập một lực lượng hải quân theo mô hình của Mỹ. Jakarta gần đây thông báo sẽ điều động tăng cường các đơn vị không quân tới đóng tại quần đảo Natuna mà nước này tuyên bố chủ quyền ở phía nam Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm 12/5 đề xuất một số lựa chọn, trong đó có điều chiến đấu cơ và tàu quân sự tới khu vực trong phạm vi 12 hải lý quanh những bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa. Điều này cho thấy Mỹ cuối cùng cũng quyết định tham gia triệt để hơn nhằm giải quyết những tranh chấp về chủ quyền đang ngày càng nóng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, theo Wall Street Journal.
Nhưng kế hoạch này ngay lập tức làm dấy lên một mối lo ngại rằng dù chỉ một tính toán sai lầm cũng có thể dẫn tới các cuộc xung đột nghiêm trọng. Theo ông Ian Storey, chuyên viên cao cấp tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á, các chiến hạm với hỏa lực mạnh mẽ của Washington và Bắc Kinh có khả năng sẽ ở vào vị trí đối đầu khi tuần tra quanh các đảo. Tình thế này "nhanh chóng dẫn tới cuộc đụng độ ở quy mô nhỏ, sau đó leo thang trở thành khủng hoảng chính trị, quân sự Mỹ - Trung".
Hình thành các liên minh lợi ích
Trước sức ép từ Trung Quốc, việc hình thành liên minh giữa những nước có chung mối lo lắng và cùng chia sẻ lợi ích được cho là một xu thế tất yếu.
Bằng cách sửa đổi một số hướng dẫn quốc phòng song phương, Washington và Tokyo hiện ở vào vị thế không những có thể kìm hãm sự hiện diện của Trung Quốc trên biển Hoa Đông mà còn góp phần hỗ trợ nỗ lực chống lại những hành vi khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt là khi hai nước đang xem xét để Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) và quân đội Mỹ kết hợp tuần tra và giám sát trong khu vực.
Với việc diễn giải lại hiến pháp nhằm mở đường cho "chủ nghĩa hòa bình chủ động" và thông qua khái niệm "an ninh tập thể", chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe sẽ có nhiều cơ hội hơn để giúp đỡ các đối tác chiến lược như Philippines hay Việt Nam tăng cường sức mạnh hải quân cũng như lực lượng bảo vệ bờ biển.
Đối với các quốc gia Đông Nam Á, Nhật Bản hiện nổi lên như một đối tác chiến lược quan trọng, có khả năng bù đắp mọi lỗ hổng trong cam kết của Mỹ. Tokyo nay không chỉ là một cường quốc "bình thường" mà đã trở thành nhân tố chủ chốt góp phần tạo nên sự ổn định và đảm bảo an ninh khu vực.
Philippines và Việt Nam cũng có triển vọng hình thành quan hệ đối tác chiến lược, qua đó, hai nước có thể thực hiện nhiều hơn các cuộc tuần tra chung trên biển, hợp tác ngoại giao chặt chẽ hơn tại các diễn đàn khu vực và quốc tế hay chia sẻ thông tin hữu ích về tình hình Biển Đông, ông Heydarian bình luận.
Trung Quốc dường như đang lấn lướt trong cuộc tranh giành trên Biển Đông, khi ồ ạt xây dựng ở các đá mà nước này chiếm đóng, nhưng thực tế trên cũng tạo điều kiện để một liên minh ngoại vi hình thành nhằm giúp các nước trong khu vực bảo vệ lợi ích hàng hải cũng như đối phó với sự lộng hành của Bắc Kinh, như lời một quan chức Nhật Bản từng nói "chúng ta phải cho Trung Quốc thấy họ không sở hữu
toàn bộ vùng biển", ông Heydarian nhấn mạnh.
Theo Vũ Hoàng/VnExpress
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".
Hoài Phương
12:46 11/12/2024(Thanh tra) - Ông Benjamin Netanyahu là Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên của Israel bị buộc tội trong lịch sử nước này.
Ngọc Anh
10:45 11/12/2024Bích Tuệ
15:10 10/12/2024Ngọc Anh
11:56 10/12/2024Ngọc Anh
12:58 05/12/2024Đức Anh
14:42 04/12/2024Cảnh Nhật
Thu Huyền
Đông Hà
Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân
Hải Hà
Văn Thanh
Lê Hữu Chính