Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hoài Phương
Thứ sáu, 04/11/2022 - 06:36
(Thanh tra)- Nghề báo vốn nhiều nguy hiểm, đặc biệt là khi đưa tin về các cuộc xung đột và khủng hoảng, hoặc khi tìm hiểu về hoạt động của những người nắm quyền lực, điều tra tham nhũng... Liên hợp quốc cảnh báo, những tội ác chống lại các nhà báo cũng như sự miễn trừ không chỉ đe dọa những người làm nghề, mà còn đe dọa cả xã hội.
Các nhà báo làm việc trên tầng thượng một tòa nhà ở Kyiv, Ukraine. Ảnh: Unsplash / Kate Bezzubets
Trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế chấm dứt quyền miễn trừ đối với tội ác chống lại các nhà báo (2/11), Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết, các chính phủ và cộng đồng quốc tế phải hành động để bảo vệ những người mang thông tin đến cho chúng ta.
Theo UN News, năm nay cũng đánh dấu kỷ niệm 10 năm Kế hoạch Hành động của Liên hợp quốc về an toàn cho nhà báo và vấn đề miễn trừ trừng phạt.
Tổng Thư ký António Guterres nhấn mạnh vai trò của tự do báo chí, điều mà ông cho rằng rất quan trọng đối với một nền dân chủ. Báo chí vạch trần những hành vi sai trái, định hướng thế giới phức tạp của chúng ta và thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) - kế hoạch chi tiết cho một tương lai tốt đẹp, công bằng và xanh hơn.
Ông nói: “Vào Ngày Quốc tế chấm dứt quyền miễn trừ đối với tội ác chống lại các nhà báo này, chúng ta hãy tôn vinh những người làm công tác báo chí truyền thông và đứng lên bảo vệ sự thật, công lý, quyền con người cho tất cả”.
Nhiều vụ sát hại nhà báo chưa được giải quyết
Theo UN News, bất chấp vai trò quan trọng được ghi nhận, hơn 70 nhà báo đã bị giết chỉ trong năm nay.
“Hầu hết những tội ác này chưa được giải quyết. Trong khi đó, các mối đe dọa bị bỏ tù, bạo lực và sát hại vẫn tiếp tục gia tăng”, ông Guterres nói.
Bên cạnh đó, sự gia tăng thông tin sai lệch, bắt nạt trực tuyến (hay quấy rối trên mạng) và ngôn từ kích động thù địch, đặc biệt là chống lại các nhà báo nữ, đang góp phần tạo ra không gian ngột ngạt đối với các nhân viên báo chí truyền thông trên toàn cầu.
“Đe dọa thông qua việc lạm dụng các phương tiện pháp lý, tài chính và những phương tiện khác, đang làm suy yếu các nỗ lực để yêu cầu người có quyền lực chịu trách nhiệm. Những xu hướng này không chỉ đe dọa các nhà báo mà còn đe dọa cả xã hội”, người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh.
Mexico: Bạo lực và sự im lặng
Mexico được Liên hợp quốc gọi tên là một trong những quốc gia nguy hiểm nhất đối với nghề báo.
Trong khuôn khổ Ngày Quốc tế chấm dứt quyền miễn trừ đối với tội ác chống lại các nhà báo, nhóm nghiên cứu của Liên hợp quốc đã đến 6 bang ở Mexico được xác định là những nơi có nguy cơ xảy ra bạo lực cao nhất đối với các nhân viên báo chí truyền thông.
Văn phòng của Tổ chức Liên hợp quốc tại Mexico yêu cầu "chấm dứt việc miễn trừ trừng phạt tội ác chống lại các nhà báo".
Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) - nơi duy trì một cơ sở dữ liệu trực tuyến về các cuộc điều tra tư pháp liên quan các vụ sát hại nhà báo trên toàn thế giới, từ đầu năm đến nay, tại Mexico đã có 18 nhà báo bị sát hại.
Patricia Monreal Vázquez là một nhà báo hoạt động bền bỉ suốt hơn 25 năm với nhiều bài viết về các vấn đề liên quan đến nhân quyền, giới tính cũng như bầu cử và chính trị cho biết, vấn đề bạo lực đối với các nhà báo đã trở nên tồi tệ hơn kể từ năm 2006, khi những trường hợp nhà báo mất tích bắt đầu xuất hiện.
"Và điều này bắt đầu làm nản lòng các nhà báo", dẫn đến "sự im lặng", bà Monreal nói và cho biết, tại bang Michoacán (Mexico), từ năm 2006 đến nay có tổng cộng 14 đồng nghiệp của bà đã bị sát hại và 6 người mất tích. Điều đáng chú ý, "không ai bị giam giữ ở đây, tại Michoacán..., ngoại trừ một trường hợp".
Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) hôm 1/11 cho biết, trong 10 năm, đã có 28 vụ sát hại nhà báo chưa được giải quyết ở Mexico.
Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ dừng lại ở những vụ sát hại các nhà báo.
Bà Monreal cho rằng, điều kiện làm việc bất lợi và thiếu cơ hội phát triển đã ảnh hưởng đến chất lượng báo chí nơi đây.
Kế hoạch hành động mang tính đột phá
Một thập kỷ trước, các quốc gia đã tán thành Kế hoạch Hành động của Liên hợp quốc về an toàn cho nhà báo và vấn đề miễn trừ trừng phạt, nhằm bảo vệ các nhà báo, ngăn chặn tội ác chống lại họ và truy lùng thủ phạm gây ra các tội ác.
“Kế hoạch mang tính đột phá này đã được thông qua để ghi nhận công việc quan trọng của các nhà báo - đơn cử như khi họ đưa tin về các cuộc xung đột và khủng hoảng, hoặc khi họ tìm hiểu về hoạt động của những người nắm quyền lực, điều tra tham nhũng và các hình thức bất công khác - cũng như những rủi ro mà họ phải đối mặt khi hoạt động", bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO cho biết.
Cũng theo bà Azoulay, nhiều tiến bộ đã đạt được kể từ khi Kế hoạch được thông qua, với các biện pháp cụ thể được thực hiện ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu.
UNESCO cũng đã đóng góp một phần vào tiến bộ đó, bao gồm thông qua việc đào tạo gần 36.000 công chức tư pháp, thực thi pháp luật và an ninh về các vấn đề như tự do ngôn luận và an toàn của các nhà báo. Các lớp học được diễn ra trực tiếp và trực tuyến.
Tuy nhiên, “các nhà báo vẫn tiếp tục bị sát hại ở mức đáng báo động”, bà Azoulay nói. Dữ liệu của UNESCO cho thấy, 955 nhà báo đã mất đi mạng sống trong thập kỷ qua và 2022 là năm đau thương nhất kể từ năm 2018.
Bà Azoulay kêu gọi tái cam kết bảo vệ các nhà báo ở mọi nơi, mọi lúc.
“Tất nhiên, điều này có nghĩa là cả trong các tình huống xung đột và khủng hoảng - ví dụ UNESCO đang hỗ trợ các nhà báo ở Ukraine và Afghanistan, và cả trong thời bình - cho hầu hết trường hợp các nhà báo bị sát hại trong những năm gần đây”, bà nói.
Người đứng đầu UNESCO cũng kêu gọi tăng cường các nỗ lực trực tuyến - nơi các hình thức bạo lực mới đang xuất hiện, đặc biệt là nhằm vào phụ nữ, với 3/4 nữ nhà báo từng bị quấy rối trên mạng.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Tân Tổng thống Botswana Duma Boko ngày 19/11 cho biết, Chính phủ sẽ tiến hành một cuộc chiến quyết liệt chống tham nhũng, trong đó tất cả những người bị coi là có tội sẽ bị đưa ra pháp luật một cách nghiêm khắc.
Ngọc Anh
12:40 20/11/2024(Thanh tra) - Nghiên cứu mới đây của Trung tâm Đối thoại Chính sách (CPD) cho thấy, tham nhũng vẫn là rào cản lớn nhất đối với hoạt động kinh doanh tại Bangladesh.
Đức Anh
10:22 19/11/2024Ngọc Anh
09:35 19/11/2024Nam Dũng
18:58 14/11/2024Đức Anh
15:46 14/11/2024Hoài Phương
14:37 14/11/2024Hương Giang
Ngọc Phó
Hương Giang
Lê Hữu Chính
Thanh Lương
Thái Hải
Thái Hải
LA
Phương Anh