(Thanh tra) - Tòa án Thái Lan đã yêu cầu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra phải từ chức sau khi buộc tội bà đã lạm dụng quyền lực, dẫn đến khủng hoảng chính trị, bạo lực leo thang và kéo nền kinh tế xuống mức suy thoái.
Quyết định của Tòa án đã khiến cho đông đảo những người ủng hộ Thủ tướng Yingluck vô cùng tức giận. Tuy nhiên, Tòa án cũng đưa ra phán quyết, ngoài 9 bộ trưởng có liên quan đến vụ án, những người không liên quan vẫn sẽ được giữ chức vụ, hay nói cách khác đảng cầm quyền của Thủ tướng Yingluck vẫn tiếp tục điều hành Chính phủ lâm thời, điều này cũng phần nào xoa dịu được sự tức giận của những người dân ủng hộ Thủ tướng.
Chính quyền nội các cho biết, Bộ trưởng Thương mại Niwatthamrong Boonsongphaisan kiêm Phó Thủ tướng, là người có khả năng thay thế bà Yingluck Shinatrawa và Chính phủ lâm thời sẽ đẩy mạnh kế hoạch tổ chức cuộc bầu cử vào ngày 20/7 tới.
"Trách nhiệm của Chính phủ lâm thời hiện nay là tổ chức một cuộc bầu cử càng sớm càng tốt", ông Niwatthamrong khẳng định. Ông Niwatthamrong Boonsongphaisan từng giữ chức vụ giám đốc tại một công ty thuộc sở hữu của ông Thaksin Shinawatra (anh trai bà Yingluck) vốn là cựu Thủ tướng bị lật đổ vào năm 2006, vẫn sống lưu vong từ năm 2008 đến nay vì tội lạm dụng quyền lực .
Trước phán quyết của Tòa án, ông cũng bày tỏ hy vọng "tình hình chính trị sẽ không nóng lên sau việc này”.
Khủng hoảng chính trị kéo dài ở Thái Lan diễn ra giữa tầng lớp trung lưu và bảo hoàng thành lập Bangkok chống lại tầng lớp chủ yếu là người nghèo, xuất thân từ nông thôn của hai anh em bà Yingluck và ông Thaksin.
Trước khi bị yêu cầu từ chức, bà Yingluck Shinatrawa đã phải vật lộn với tình hình bạo động tại thủ đô Bangkok, nơi diễn ra các cuộc biểu tình đẫm máu, đòi lật độ Chính phủ của bà và kết thúc sự ảnh hưởng chính trị từ người anh Thaksin trong suốt 6 tháng.
Hôm qua, ngày 7/5 (theo giờ địa phương), bà đã cảm ơn những người dân đã ủng hộ bà trên truyền hình. "Trong suốt thời gian tôi làm Thủ tướng tôi đã dùng hết tâm huyết dồn vào công việc phục vụ người dân, đất nước... Tôi chưa bao giờ thực hiện bất kỳ hành vi trái pháp luật nào như tôi đã bị cáo buộc", bà Yingluck chia sẻ với bề ngoài lạc quan .
Trong khi đó, mặc dù đã tước bỏ quyền lực của bà Yingluck Shinawatra, những người biểu tình phản đối Chính phủ của bà Yingluck vẫn tiếp tục thúc đẩy cải cách chính trị trước cuộc bầu cử mới.
Mỹ - một đồng minh thân cận của Thái Lan, lên tiếng kêu gọi một giải pháp hòa bình và dân chủ đối phó cuộc khủng hoảng và "phải bao gồm các cuộc bầu cử và một Chính phủ được bầu".
Tuy nhiên, tương lai chính trị tại Thái Lan vẫn chưa có thể nói là sáng sủa khi mà phe những người ủng hộ trung thành với Thủ tướng Yingluck vẫn không đồng tình với phán quyết của Tòa án Hiến pháp và cho rằng phe đối lập đang làm mọi thứ để ngăn cản tiến trình dân chủ tại đất nước này.
Được biết, kể từ khi xảy ra tình trạng hỗn loạn, biểu tình, bạo động diễn ra tại Thủ đô Bangkok nền kinh tế Đông Nam Á lớn thứ hai này đã bị ảnh hưởng không nhỏ, lượng xuất khẩu yếu, sản lượng công nghiệp sụt giảm trong suốt năm qua và tình hình ngành du lịch tồi tệ hơn bao giờ hết.
Minh Việt