Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thách thức Libya thời hậu chiến

Chủ nhật, 30/10/2011 - 07:25

(Thanh tra) - Sau cái chết của Muammar Gaddafi, chấm dứt chế độc độc tài, lịch sử Libya đã sang trang mới. Nhưng trên con đường này, nhiều thách thức đang chờ đón các nhà lãnh đạo Libya, đặc biệt là về chính trị và xã hội.

Được Liên Hiệp Quốc và khoảng 60 quốc gia công nhận là đại diện chính đáng của nhân dân Libya, Hội đồng Quốc gia Lâm thời (NTC) đã công bố lộ trình đi đến một nước Libya tự do.

Theo đó, sẽ thành lập một Chính phủ Chuyển tiếp trong một thời hạn tối đa là ba tháng, sau khi chính thức tuyên bố giải phóng toàn bộ đất nước. Chính phủ Chuyển tiếp này sẽ có một nhiệm vụ rất nặng nề là, trong thời hạn 8 tháng, tổ chức cuộc tổng tuyển cử tự do đầu tiên tại một đất nước đã sống dưới chế độ độc tài Gaddafi trong suốt 42 năm qua. Sau đó, Chính phủ Chuyển tiếp sẽ trao quyền cho Quốc hội lập hiến được bầu lên. Tiếp đến, trong thời hạn 20 tháng, Libya sẽ bầu Tổng thống và Quốc hội.

Kế hoạch là thế, nhưng có làm được hay không lại là chuyện khác. Trước hết, cho tới nay, ở Libya chưa có ai được tự do phát biểu, chưa hề có văn hóa chính trị. Để tham gia tranh cử, các đảng phái sẽ được thành lập, nhưng ngoài NTC, chưa biết là sẽ có những lực lượng chính trị nào khác.

Khó khăn lớn nhất là làm sao xây dựng một quốc gia thống nhất, dân chủ và tự do, trên một xứ sở được hình thành từ các bộ tộc. Người ta sợ sẽ xảy ra đấu đá tranh giành quyền lực giữa các vùng, các bộ tộc, cũng như giữa phe xu hướng tự do và phe Hồi giáo cực đoan.

Đó là chưa kể, NTC xử lý thế nào với hơn 750.000 công chức chế độ cũ cũng là thách thức lớn. Liệu rằng, có xảy ra một cuộc thanh lọc bộ máy?

Cho dù dư luận đang đặt vấn đề “Những người trung thành với ông Gaddafi đã tẩu thoát về các cứ địa cuối cùng của như Syrte, Beni Walid, đến Niger, Algéri, hay Tunisia, thế còn những người ở lại, họ cũng từng là công chức, phải thanh lọc họ thế nào, khi ai cũng cho rằng mình chưa từng ủng hộ Gaddafi.

Ngành Tư pháp Libya liệu có thể đối xử công bằng những người bị cho là đã từng làm việc cho chế độ Gaddafi. Chỉ biết trước mắt là sự thanh lọc đang xảy ra ở Bộ Ngoại giao. Đã có 50 - 60/3.800 nhân viên ở Bộ này bị lập danh sách bắt giữ. Kể cả nhân vật số hai của NTC, ông Mamoud Jibril cũng bị các tướng lĩnh quân nổi dậy, và một bộ phận trong NTC cáo buộc là quá dễ dãi với người của chế độ cũ. Và họ cũng nhắc lại rằng, ông này cũng từng làm việc cho con trai Al-Islam, được xem là nhân vật kế vị của ông Gaddafi.

Trên lĩnh vực báo chí cũng đang có những diễn biến tương tự, dù rằng  trong tổng số 500 nhân viên của 3 tờ nhật báo chính thức của chế độ Gaddafi  là Al-Jamahiriya, Chams, và Fajr Jedid đã có khoảng 100 người trở lại làm việc dù chưa nhận được đảm bảo nào về tiền lương. Họ đã thành lập một tờ báo mới tên là Febrayir, số đầu tiên đã ra vào ngày 10/9, để ca ngợi cuộc nổi dậy.

Thế nhưng, các nhà báo ở Tripoli không cần đợi lệnh, họ tự thành lập một ủy ban xem xét để quyết định xem những người có thể tiếp tục làm việc, ai phải ngưng làm việc.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo mới của Libya còn phải khôi phục một nền kinh tế, mà theo dự báo của tổ chức Hợp tác và Phát trển kinh tế OECD là sẽ bị sụt giảm 19% trong năm nay. Cho dù để tái thiết quốc gia, họ có thể dựa vào nguồn tài nguyên dồi dào của Libya, đặc biệt là dầu hỏa. Chẳng cần mời gọi, các công ty ngoại quốc sẽ tranh nhau thị trường béo bở này. Hơn nữa, cộng đồng quốc tế chắc chắn là sẽ viện trợ ồ ạt để giúp vực dậy nền kinh tế Libya.

Vấn đề là liệu tình hình của Libya có nhanh chóng ổn định để có thể tập trung tái thiết đất nước hay không, vì như đã nói, nguy cơ xáo trộn vẫn đang rình rập quốc gia này.

Kỳ Sơn

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm