Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tâm điểm chú ý của thế giới

Thứ bảy, 24/11/2012 - 10:32

Tuần này, tại Campuchia, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2012, đã diễn ra loạt hội nghị cấp cao quan trọng nhất trong năm của tổ chức liên kết khu vực này và cũng là sự kiện thu hút sự chú ý của cả thế giới.

Lãnh đạo các nước ASEAN dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 21 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 diễn ra trong hai ngày 18 và 19/11 với chủ đề "ASEAN: Một Cộng đồng, một vận mệnh”. Tại hội nghị, lãnh đạo các nước ASEAN đã bàn thảo về các vấn đề trọng tâm và ưu tiên của Hiệp hội, bao gồm xây dựng Cộng đồng, triển khai kết nối, tăng cường liên kết khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển…

Tại Phiên họp này, Lãnh đạo các nước ASEAN đã chính thức phê duyệt và bổ nhiệm đề cử nhân sự của Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Lương Minh, vào cương vị Tổng thư ký ASEAN, với nhiệm kỳ sẽ bắt đầu từ năm 2013 đến năm 2017. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có đại diện là Tổng thư ký ASEAN.

Hội nghị Cấp cao ASEAN 21 đã kết thúc tốt đẹp với việc Lãnh đạo các nước ASEAN đã ra Tuyên bố Phnom Penh, thông qua Tuyên bố Nhân quyền ASEAN (AHRD) - văn kiện chính trị quan trọng đầu tiên về hợp tác nhân quyền ở khu vực và thông qua Kế hoạch Hành động triển khai Tuyên bố Bali về “Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng các Quốc gia toàn cầu”, chính thức công bố thành lập Viện Nghiên cứu Hòa bình và Hòa giải ASEAN (AIPR)…Tuyên bố AHRD là văn kiện chính trị đầu tiên của ASEAN nhằm tạo khuôn khổ chung cho tăng cường hợp tác ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền ở khu vực.

Ngày 19/11, đã diễn ra các Hội nghị Cấp cao với các đối tác bao gồm ASEAN+1 với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ; Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 đồng thời là Cấp cao kỷ niệm 15 năm hợp tác ASEAN+3 và Hội nghị Cấp cao ASEAN - Mỹ. Các hội nghị đã tập trung bàn việc tăng cường quan hệ giữa ASEAN và các đối tác, nhất là việc hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng vào năm 2015.

Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 7 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cũng tại Phnom Penh, ngày 20/11 đã diễn ra Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 7 (EAS 7, gồm: 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand.

Kết thúc Hội nghị, các nhà Lãnh đạo các nước tham gia EAS 7 đã thông qua Tuyên bố EAS về Sáng kiến phát triển Đông Á và Tuyên bố EAS về Phòng chống sốt rét kháng thuốc, đồng thời chính thức khởi động đàm phán về Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Bên lề EAS 7, đã diễn ra Cuộc họp cấp cao không chính thức Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự tham gia của các nhà  lãnh đạo 7 nước thành viên TPP gồm Mỹ, Brunei, Malaysia, Singapore, New Zealand, Australia và Việt Nam. Tại cuộc gặp cấp cao đầu tiên này, các nhà lãnh đạo 7 nước thành viên TPP đã nhấn mạnh tầm quan trọng của triển vọng liên kết kinh tế sâu rộng trong khuôn khổ Hiệp định TPP, đánh giá cao những kết quả đạt được trong tiến trình đàm phán gần ba năm qua và nhất trí tiếp tục cùng nỗ lực để có thể hướng tới hoàn tất đàm phán trong năm 2013.

Cũng bên lề EAS 7 đã diễn ra cuộc Đối thoại toàn cầu với sự tham dự của lãnh đạo một số nước ASEAN, các đối tác của ASEAN, đại diện một số tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)...  

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN- Trung Quốc, ngày 19/11, nhân dịp kỷ niệm 10 năm Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (2002-2012), Lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí thông qua một Tuyên bố chung của Hội nghị kỷ niệm 10 năm Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Tuyên bố chung khẳng định giá trị, tầm quan trọng và việc thực hiện đầy đủ DOC nhằm bảo đảm hoà bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông; giải quyết hòa bình các tranh chấp, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc năm 1982; đồng thời cùng hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC). 

Tổng thống Mỹ  Barack Obama tiến hành chuyên thăm chính thức 3 nước Đông Nam Á là Thái Lan, Myanmar và Campuchia - Ảnh: AP

* Nhân tham dự Hội nghi EAS-7, tổng thống Mỹ  Barack Obama đã tiến hành chuyến thăm chính thức ba nước Đông Nam Á là Thái Lan, Myanmar và Campuchia. Các chuyên gia phân tích cho rằng, chuyến "trở lại châu Á" lần này của ông chủ Nhà trắng đánh dấu sự tiếp nối chính sách hướng Ðông được khởi xướng và triển khai mạnh mẽ từ nhiệm kỳ đầu của chính quyền ông Obama. Cùng với việc tăng cường quan hệ đối với các đồng minh chiến lược trong khu vực, chuyến công du ba nước ASEAN của Tổng thống B.Obama một lần nữa cho thấy, Mỹ đang khẳng định "Chính sách trở lại châu Á" như một ưu tiên đối ngoại của nước này ít nhất là trong 4 năm tới.

Có nhiều lý do khiến Washington quan tâm đến ASEAN. Với hơn 600 triệu dân và tổng GDP khoảng 2 nghìn tỷ USD, ASEAN hiện là nơi tiếp nhận đầu tư của Mỹ nhiều hơn hẳn so với Trung Quốc hay Ấn Độ. Về thương mại, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Mỹ và là đối tác thương mại lớn thứ năm của nước này. Sự phát triển kinh tế nhanh chóng của ASEAN đã tạo nhiều cơ hội cho các nhà xuất khẩu Mỹ.

Hiện trường vụ Israel không kích Gaza - Ảnh: AFP

* Từ sáng 22/11, thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas của Palestine chính thức có hiệu lực, tạm thời chấm dứt hơn một tuần xung đột đẫm máu ở Dải Gaza, đồng thời "tháo ngòi" cho một cuộc chiến tranh tổng lực trên bộ với những hậu quả khó lường giữa hai bên đối địch. Khu vực Trung Đông vốn quá thừa bạo lực và bất ổn một lần nữa lại trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới.

Các vụ tấn công trả đũa lẫn nhau trong 8 ngày qua đã cướp đi sinh mạng của gần 140 người, trong đó có hơn 30 trẻ em và hơn 900 người bị thương ở Dải Gaza, trong khi ở bên kia chiến tuyến cũng có 5 người Israel thiệt mạng.

Dư luận cho rằng việc ký kết thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và các phong trào vũ trang Palestine tại Dải Gaza mới chỉ là thành công bước đầu. Trong thời gian tới, cộng đồng quốc tế sẽ phải tiếp tục nỗ lực để đảm bảo việc thực thi nghiêm túc thỏa thuận này. Tuy nhiên, việc chấm dứt hoàn toàn lệnh bao vây phong tỏa của Israel đối với Dải Gaza cũng như các nỗ lực nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine mới là giải pháp căn bản lâu dài để đảm bảo hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.

* Ngày 22/11, hội nghị thượng đỉnh không chính thức các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã khai mạc tại Brussels, thủ đô Vương quốc Bỉ. Trọng tâm nghị sự tại hội nghị lần này là về kế hoạch ngân sách giai đoạn 2014-2020, trong bối cảnh hầu hết các nước thành viên đang phải tiến hành các chính sách thắt chặt chi tiêu do khủng hoảng nợ công gây ra.

Giới phân tích cho rằng các nhà lãnh đạo EU sẽ gặp không ít khó khăn và mất rất nhiều thời gian trong các cuộc thảo luận nhằm đạt được một sự đồng thuận dung hòa lợi ích của cả 27 quốc gia thành viên về kế hoạch nói trên.

Ngay trước thềm hội nghị, một loạt mâu thuẫn đã nổi lên giữa các nước thành viên và các thể chế của EU về dự thảo ngân sách chung. Ủy ban châu Âu cho rằng muốn thoát khỏi khủng hoảng và tiến tới phát triển bền vững thì phải duy trì đầu tư cho tăng trưởng và việc làm, còn Pháp lại phản đổi quyết liệt việc cắt giảm chi tiêu cho chính sách nông nghiệp chung. Hay như trong khi các nước Đông Âu muốn duy trì sự trợ giúp cho các nước kém phát triển nhất của EU, thì ngược lại, Anh đề xuất giảm khoảng 200 tỷ Euro còn Đức yêu cầu giảm 130 tỷ Euro.

* Ngày 22/11, các nhà lãnh đạo Nhóm 8 nước đang phát triển (D-8 bao gồm Bangladesh, Ai Cập, Indonesia, Iran, Malaysia, Nigeria, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ) họp tại thủ đô Islamabad của Pakistan đã ra tuyên bố cam kết các nước thành viên sẽ cùng nhau đạt được an ninh lương thực, giảm thiểu ảnh hưởng của thiên tai và chống mọi hình thức của chủ nghĩa cực đoan hủy hoại sự phát triển kinh tế và tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân.

"Tuyên bố Islamabad" gồm 35 điểm, trong đó nêu rõ các nước D-8 "quyết tâm tăng cường hơn nữa hợp tác nội khối để ngăn chặn tác động xấu của cuộc khủng hoảng kinh tế, trong bối cảnh triển vọng phục hồi và tăng trưởng kinh tế toàn cầu không chắc chắn". Các nước trong nhóm cũng cam kết theo đuổi phát triển quốc gia thông qua sự gắn kết, đối thoại và các giá trị dân chủ, đặc biệt đẩy mạnh công bằng xã hội và tăng cường năng lực lãnh đạo.

Tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khai thác các nguồn năng lượng đối với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các nước thành viên, theo đó các nước cam kết đưa ra một khuôn khổ hợp tác về năng lượng để đảm bảo an toàn năng lượng lâu dài cho các nước trong khối. D-8 được xem như những nước mới nổi tiếp theo, có thể trở thành một lực lượng mới trong trật tự thế giới mới.

Trong năm nay đã có 119 nhà báo trên toàn thế giới thiệt mạng khi đang tác nghiệp.

* Nghề làm báo tiếp tục là một nghề nguy hiểm khi tính đến thời điểm này, trong năm nay đã có 119 nhà báo trên toàn thế giới thiệt mạng khi đang tác nghiệp. Đây cũng là con số cao nhất kể từ khi Viện Báo chí quốc tế (IPI, có trụ sở tại Vienna, Áo) bắt đầu theo dõi vào năm 1997, gióng lên hồi chuông báo động về xu hướng đáng lo ngại này.

Số nhà báo thiệt mạng cao nhất trước đây là 110 người trong năm 2009. Năm ngoái, con số này là 102 người. Cuộc điều tra của tổ chức này cho thấy đối với giới báo chí, Syria là quốc gia nguy hiểm nhất khi có tới 36 nhà báo thiệt mạng khi đang tác nghiệp tại đây.

Trước thực trạng đáng lo ngại này, Liên Hợp Quốc đã phê chuẩn Kế  hoạch hành động về đảm bảo an toàn của các nhà  báo và vấn đề tội phạm chống nhà báo. Kế hoạch này, được coi là chiến lược chung của toàn hệ thống LHQ vì an toàn của các nhà báo trên toàn cầu, nhằm tạo ra môi trường an toàn và tự do cho hoạt động của các nhà báo và những người làm công tác thông tin đại chúng cả trong tình huống xung đột và không xung đột vì mục tiêu tăng cường hoà bình, dân chủ và phát triển trên toàn cầu.  


(Theo Chinhphu.vn)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm