Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 17/03/2014 - 16:28
(Thanh tra) - 95% cử tri ủng hộ gia nhập Liên bang Nga và tách khỏi Ukraine là kết quả cuộc trưng cầu dân ý diễn ra tại Crimea ngày 16/3. Trong khi người dân Crimea đang ăn mừng kết quả bỏ phiếu, mong chờ tương lai tươi sáng đến với khu vực này, thì các nước phương Tây và chính quyền mới Ukraina tại Kiev lại đang “sôi sục” không công nhận kết quả cuộc bỏ phiếu tại khu vực Crimea, đồng thời cáo buộc Moscow “vi phạm luật pháp quốc tế”.
Người dân Crimea ăn mừng sau khi công bố kết quả cuộc trưng cầu dân ý. Ảnh: Reuters
Trái ngược với ý kiến phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, việc tổ chức bầu cử là tôn trọng ý muốn của người dân Crimea. Trong cuộc nói chuyện với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Nga nói rằng: “Việc bỏ phiếu tuân thủ đúng luật pháp quốc tế, quy định tại Điều 1 Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó nêu rõ nguyên tắc tự quyết của các dân tộc. Nga tôn trọng sự lựa chọn của người Crimea”.
Ngoài ra, Tổng thống Nga Putin cũng nhấn mạnh phải bảo vệ dân thường tại Crimea (nơi mà phần lớn người dân sinh sống tại đây nói tiếng Nga) trước nạn bạo lực tràn lan của các nhóm dân tộc chủ nghĩa cực đoan mà Chính phủ Ukraina mới thành lập sau khi lật đổ Tổng thống Yanukovych không thể kiểm soát được.
Đáp lại lời giải thích từ Điện Kremlin, Chính phủ mới của Ukraina tại Kiev tỏ thái độ giận dữ gay gắt trước kết quả của cuộc trưng cầu dân ý. Tổng thống Ukraina Arseny Yatseniuk lên tiếng đe dọa “hậu quả thảm khốc” sẽ dành cho những chính trị gia Crimea, những người kêu gọi người dân Crimea đi bỏ phiếu. Ông gọi họ là những người “cầm đầu” muốn tiêu diệt đất nước Ukraina độc lập “dưới sự che chở của quân đội Nga”. “Chúng tôi sẽ tìm kiếm tất cả những người này, dù mất 1 năm, 2 năm, đưa họ ra công lý và tòa án quốc tế”, ông Arseny Yatseniuk gay gắt trong cuộc họp Nội các tại Kiev.
Được biết, Tổng thống Arseny Yatseniuk vừa trở về sau chuyến đi đến Mỹ, nơi ông được nhiều sự ủng hộ về mặt tinh thần, tuy nhiên, lại không được hỗ trợ về mặt quân sự. Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ rất đồng lòng và “hứa hẹn” hỗ trợ Chính phủ mới của Ukraina tại Kiev. Mặc dù vậy, cả Ukraina, Mỹ và EU đều “bất lực” trước việc Crimea diễn ra cuộc trưng cầu dân ý lần này.
Hiện tại, quân đội Nga vẫn đang đóng quân trên bán đảo Biển Đen, trong đó bao gồm cả căn cứ hải quân tại Cảng Sevastopol, theo thỏa thuận được ký kết ngay sau khi Ukraina giành độc lập vào thời điểm Liên Xô sụp đổ năm 1991. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraina Ihor Tenyukh cáo buộc Nga "đã đi quá giới hạn khi mà số lượng binh lính tại đây đã tăng đột biến trong thời gian ngắn, tăng từ 12.500 người lên thành 22.000 người. Đây là sự vi phạm thô bạo hiệp định song phương giữa hai nước và là bằng chứng cho thấy việc Nga đem quân vào lãnh thổ Crimea là sự bất hợp pháp". Bộ trưởng Quốc phòng Ukraina cũng nhấn mạnh “đây là đất nước của chúng tôi, và chúng tôi sẽ không rời bỏ”.
Trong cuộc trưng cầu dân ý vừa diễn ra tại Crimea (hôm 16/3), hơn 95% người dân tại đây bỏ phiếu đồng ý sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga. Họ tin rằng việc “gộp vào” với Nga lớn mạnh sẽ mang lại nhiều lợi ích cho khu vực Crimea và người dân sinh sống nơi đây sẽ có nhiều cơ hội khẳng định bản thân trên trường quốc tế. Trong khi đó, Chính phủ mới tại Kiev lại cho rằng “việc sáp nhập” không khác gì việc Điện Kremlin chiếm đất của Ukraina, vì vốn dĩ mong muốn của các nhà lãnh đạo mới của Ukraina là tránh xa Nga và thân thiết với phương Tây.
Một động thái mới trong tình hình căng thẳng trong quan hệ hai nước Mỹ - Nga là việc Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp của Mỹ John Kerry đã quyết định ngồi lại với nhau để tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng, bằng cách cải cách hiến pháp ở Ukraina.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vẫn khẳng định rằng Washington sẽ không công nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại khu vực Crimea, nơi mà phần lớn người dân là đồng bào Nga chuyển sang sinh sống tại Ukraina cách đây 60 năm, đồng thời yêu cầu Nga rút quân khỏi Crimea.
Nhà Trắng cũng lên tiếng cảnh báo Moscow sắp tới sẽ phải hứng chịu một loạt các biện pháp trừng phạt và cấm vận. Được biết, Mỹ đang xem xét các biện pháp cấm vận tiếp theo sau khi lệnh cấm thị thực và đóng băng tài sản áp dụng vào tuần trước. Trong khi Ngoại trưởng EU đang xem xét có quyết định ra lệnh “trừng phạt” đối với Nga hay không khi mà EU và Nga vốn có quan hệ thương mại ảnh hưởng lớn đến nhau.
Trước đó, ngày 15/3, 13 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã bỏ phiếu đồng ý dự thảo nghị quyết không công nhận kết quả cuộc bỏ phiếu tại Crimea trong khi Nga bỏ phiếu phủ quyết còn Trung Quốc bỏ phiếu trắng.
Minh Việt
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".
Hoài Phương
12:46 11/12/2024(Thanh tra) - Ông Benjamin Netanyahu là Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên của Israel bị buộc tội trong lịch sử nước này.
Ngọc Anh
10:45 11/12/2024Bích Tuệ
15:10 10/12/2024Ngọc Anh
11:56 10/12/2024Ngọc Anh
12:58 05/12/2024Đức Anh
14:42 04/12/2024Hương Giang
Hương Giang
Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình
Bùi Bình
Trung Hà