Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quan hệ “bẩn thỉu” trong ngành vận tải biển Hàn Quốc

Chủ nhật, 04/05/2014 - 11:24

Tai nạn chìm phà Sewol đã lật ra một mảng tối nguy hiểm trong mối quan hệ mờ ám giữa giới quan chức chính quyền và các chủ tàu, phà ở nước này.

Một chiếc tàu chở khách của Hàn Quốc - Ảnh: blogspot.com

Trong quá trình điều tra, các công tố viên Hàn Quốc cũng đồng thời phanh phui những bê bối liên quan đến tình trạng tham nhũng, lạm dụng chức quyền, sự cẩu thả, coi thường vấn đề an toàn đối với hành khách, xuất phát từ mối quan hệ mờ ám giữa giới quan chức chính phủ và các chủ tàu, phà ở nước này.

Tổng thống Park Geun Hye tuyên bố rằng chính quyền sẽ tiêu diệt các mối quan hệ “bẩn thỉu” này và bà ra lệnh cho bên công tố phải có trách nhiệm chấm dứt tình trạng đáng hổ thẹn đó.

Xem nhẹ sinh mạng hành khách

Cuộc điều tra liên ngành do cảnh sát và công tố viên Hàn Quốc phối hợp thực hiện trong tuần qua khẳng định phà Sewol đã chở hàng hóa quá tải gấp ba lần mức cho phép. Báo JoongAng Daily dẫn lời thuyền phó phà Sewol tiết lộ Công ty Chonghaejin (chủ phà) đã cho rút bớt lượng nước “dằn tàu” mà giới thủy thủ thường gọi là “nước cứu mạng” để có thể chất nhiều hàng hóa hơn.

"Tổ chức Đăng kiểm tàu Hàn Quốc có nhiều quan chức về hưu của Bộ Hải dương và ngư nghiệp. Đã có sự cộng sinh giữa ngành công nghiệp vận tải tàu, phà và các quan chức này vì mục đích đôi bên cùng có lợi. Các cuộc điều tra có được thực hiện minh bạch hay không thì chỉ có họ mới biết"

Một người trong ngành đóng tàu ở Hàn Quốc

Ngày 2-5, dư luận Hàn Quốc càng thêm giận dữ khi truyền thông nước này cho biết một quan chức cấp cao của lực lượng tuần duyên Hàn Quốc, cũng chính là người lãnh đạo cuộc điều tra tai nạn phà Sewol, lại có mối quan hệ thân thiết với ông Yoo Byung Eun, người đứng đầu Công ty hải dương Chonghaejin.

Theo JoongAng Daily, ông chủ tỉ phú Yoo Byung Eun cũng đang bị điều tra với cáo buộc nghi ngờ hối lộ/tham nhũng. Hôm qua, tỉ phú Yoo và gia đình cũng như các trợ lý thân cận của ông ta đã bị công tố viên triệu tập để thẩm vấn nhưng họ từ chối hợp tác. Cơ quan chức năng Hàn Quốc cũng đã bắt giữ người trực tiếp ra lệnh rút bớt “nước dằn tàu”.

Kết quả điều tra đang hé lộ những thông tin gây sốc. Hình ảnh trên camera an ninh cho thấy có các thiết bị nặng không nằm trong danh sách hàng hóa chở trên phà Sewol như ba chiếc máy xúc! Các công tố viên cho biết 15 thành viên thủy thủ đoàn của phà Sewol cũng chưa được huấn luyện quy trình sơ tán hành khách trong các trường hợp khẩn cấp.

“Mafia biển”

Tâm điểm của cuộc điều tra đang khoanh vùng mối quan hệ mờ ám giữa các cựu quan chức của Bộ Hải dương và ngư nghiệp Hàn Quốc và ngành công nghiệp biển của nước này. Những mối quan hệ này đã giúp các chủ tàu, phà ở Hàn Quốc vượt qua vòng kiểm tra an toàn một cách dễ dàng.

Truyền thông Hàn Quốc những ngày qua gọi các quan chức ngành vận tải tàu, phà và quan chức trong cơ quan nhà nước Hàn Quốc là “mafia biển”. Họ ra sức bảo vệ lẫn nhau, củng cố các mối quan hệ đã được xây dựng trong vài chục năm qua nhằm đảm bảo địa vị và túi tiền của nhau mà phớt lờ mọi hành vi cẩu thả trong hoạt động của các chủ hãng vận tải.

Hãng tin Yonhap dẫn lời ông Kwon Oh In, thuộc Liên minh pháp luật kinh tế dân sự của Hàn Quốc, nhận định rất khó ngăn chặn mối quan hệ trên khi ngày càng có nhiều quan chức chính phủ đang chuyển sang làm việc với tư cách là những nhà vận động hành lang cho các tổ chức đó.

Các công tố viên Hàn Quốc cũng đang điều tra Hiệp hội Tàu thuyền Hàn Quốc (KSA) và Tổ chức Đăng kiểm tàu Hàn Quốc (KR). Đây là hai tổ chức có trách nhiệm kiểm tra vấn đề an toàn của tàu bè và cấp giấy chứng nhận cho tàu, phà hoạt động trong các vùng nước nội địa của Hàn Quốc, trong đó có phà Sewol.

Báo The Korea Times cho biết đội điều tra đặc biệt của văn phòng công tố Incheon đã bắt giữ một quan chức điều hành của KSA vì ông này nhận hối lộ của nhiều công ty tàu biển. Trước đó, hai quan chức của KSA cũng bị bắt với tội danh gây cản trở luật pháp khi tiêu hủy những tài liệu có liên quan đến cuộc điều tra nạn hối lộ các quan chức chính phủ. Văn phòng công tố Busan cũng đang điều tra KR, vốn bị nghi ngờ liên quan đến việc đưa hối lộ cho các quan chức Bộ Hải dương và ngư nghiệp Hàn Quốc.

Reuters dẫn lời một quan chức giấu tên của công ty đóng tàu ở Hàn Quốc cho biết các tổ chức dạng KSA và KR có quyền lực chi phối rất lớn trong ngành công nghiệp tàu bè của nước này do lãnh đạo các tổ chức này thường là quan chức cấp bộ đã về hưu. Các quan chức này lợi dụng mối quan hệ với các cơ quan chính phủ để bảo vệ lợi ích cho thành viên của hiệp hội, phớt lờ và thậm chí nhận tiền để bao che những hành vi gian dối.


TT 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm