(Thanh tra) - Để đáp trả lại hành động can thiệp quân sự vào khu tự trị Crimea của Ukraine, Mỹ bắt đầu có những động thái “đóng băng” quan hệ ngoại giao hai nước: Hoãn tất cả các cuộc tập trận quân sự Mỹ - Nga, dừng tất cả các cuộc đàm phán thương mại, đầu tư với Moscow; đồng thời hủy bỏ tất cả các chuyến thăm ngoại giao đến Nga trong thời gian tới.
Người phát ngôn Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Barrack Obama vào ngày hôm qua, 3/3, đã có cuộc hội đàm với các cố vấn an ninh quốc gia để thảo luận về những bước đi tiếp theo của Mỹ và các nước đồng minh để tiếp tục cô lập Nga.
“Bây giờ là thời điểm để Nga xem xét lại các quyết định của họ hoặc sẽ phải trả giá thông qua các chính sách ngoại giao sắp tới”, Tổng thống Obama trả lời các phóng viên. Bộ ngoại giao Mỹ cũng đã xác nhận rằng Mỹ đang chuẩn bị áp đặt trừng phạt đối với Nga vì việc can thiệp quân sự vào Ukraine, mặc dù chưa có quyết định nào được đưa ra chính thức.
Hiện tại, các thành viên Quốc hội Mỹ đang xem xét các lựa chọn, bao gồm cả biện pháp trừng phạt đối với các ngân hàng Nga và đóng băng tài sản của các tổ chức công của Nga và cá nhân. Tuy nhiên, họ muốn các nước châu Âu cũng đồng ý bắt tay và tham gia vào công việc cô lập Nga.
Hôm nay (4/3), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có chuyến thăm đến Ukraine và gặp mặt những nhà lãnh đạo Chính phủ mới tại Kiev. Trong buổi làm việc, ông John Kerry cũng đề xuất tổ chức một cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine với sự giám sát bởi các quốc gia khác. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo mới tại Ukraine cũng đưa ra đề xuất Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các nước phương Tây hãy hỗ trợ một gói viện trợ ít nhất 15 tỷ USD để giúp nước này thoát khỏi tình trạng phá sản.
Đồng hành với Mỹ là Liên minh châu Âu, cũng đã có lời đe dọa thực thi “một số biện pháp” trừng phạt trừ khi Tổng thống Vladimir Putin có quyết định rút quân khỏi Crimea và chấp nhận ngồi đàm phán với Chính phủ tạm quyền của Ukraine.
Mặc dù các nhà lãnh đạo phương Tây đều đồng thuận gửi hàng loạt những cảnh báo ngăn chặn hành động “leo thang quân sư” của Điện Kremlin, tuy nhiên, hầu hết những lời đe dọa trừng phạt đều trên các phương diện ngoại giao, kinh tế và không xem xét đáp trả bằng quân sự.
Hiện tại, vẫn chưa có động thái chuyển biến mới nào từ Chính phủ Nga đối với việc điều quân từ Crimea trở về nước. Trong khi đó, vào ngày hôm qua, 3/3, Tổng thống tạm quyền Ukraine cho biết, sự hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực Biển Đen đang được củng cố và phát triển về mặt số lượng.
Tuy nhiên, cuộc tập trận của quân đội Nga đã được thực hiện đúng theo kế hoạch, trái ngược với một số ý kiến từ các nước phương Tây lo ngại rằng cuộc tập trận chỉ là cái cớ để Tổng thống Putin gửi hàng loạt quân lính đến khu vực này. Ngay sau khi cuộc tập trận kết thúc, các đơn vị tham gia diễn tập đã được lệnh trở về căn cứ của họ, với mục đích giảm bớt căng thẳng hai miền Đông - Tây, tránh một cuộc nội chiến tại nước này, theo thông báo từ Chính phủ Nga.
Theo thông tin từ các quan chức Ukraine, sau khi kiểm soát được biên giới Ukraine, lực lượng Nga đã tiến hành vận chuyển ba xe chở đầy khí tài quân sự. Hiện tại, Nga đang xây dựng các căn cứ trên dọc eo biển Kerch giữa bán đảo Crimea và miền Nam nước Nga. Báo cáo của Liên hợp quốc chỉ ra rằng, số lượng quân lính Nga đang đóng quân tại Crimea vào khoảng 16.000 người, tính đến cuối tuần trước.
Hiện, chưa có thông tin nào từ Nga về sự điều thêm quân lính đến Crimea.
Minh Việt