Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Nghề báo: Tôn vinh và bảo vệ

Thứ tư, 17/06/2020 - 06:36

(Thanh tra)- Đứng trước khó khăn, nguy hiểm khi đưa sự thật ra ánh sáng, hầu hết nhà báo đều chọn hành động không khoan nhượng. Đóng góp của báo chí đã được ghi nhận bằng những ngày kỷ niệm, hay các giải thưởng danh giá như Pulitzer, Guillermo Cano…

Các nhà báo tác nghiệp tại Liên hợp quốc. Ảnh: UN/Rick Bajornas

Tuy nhiên, chỉ tôn vinh thôi chưa đủ. Bảo vệ các nhà báo trong quá trình tác nghiệp, nhất là tại những nơi xung đột, trên mặt trận chống tiêu cực, tham nhũng và trong dịch bệnh, thiên tai là đòi hỏi cấp thiết.

Những vụ sát hại gây rúng động

Thật khó hình dung, bình quân mỗi năm, trên thế giới, chúng ta mất đi 117 nhà báo, tương đương 2,25 chiến sỹ trên mặt trận thông tin đã bị sát hại mỗi tuần.

Những vụ sát hại gây rúng động như cái chết của nhà báo chống tham nhũng Daphne Caruana Galizia và Jan Kuciak, bị giết khi đang vạch trần tham nhũng tại Malta và Slovakia không còn là câu chuyện hiếm trên toàn thế giới.

Theo thống kê của Hội Nhà báo Nga, có nhiều nhà báo nước này bị giết theo “đơn đặt hàng”. Chẳng hạn, vụ ám sát nhà báo Nga nổi tiếng Vlad Listev ngày 1/3/1995. Mặc dù đích thân Tổng thống chỉ đạo điều tra, song đến nay thủ phạm vẫn chưa bị trừng trị.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Chiến dịch biểu tượng báo chí (PEC), trong 1 thập kỷ, từ 2010 đến 2019, 1.174 nhà báo đã bị giết.

Riêng năm 2019, 75 người làm trong lĩnh vực báo chí truyền thông ở 26 quốc gia đã thiệt mạng, giảm 36% so với năm 2018. Đây là con số thấp nhất kể từ năm 2006.

Tổng Thư ký PEC Blaise Lempen nhấn mạnh, cần phải hành động nhiều hơn nữa để bảo vệ nhà báo. Bởi, tuy số lượng nhà báo bị giết đã giảm, nhưng số người bị thương, bị giam giữ, đe dọa, tấn công, số phương tiện truyền thông bị phá hủy lại gia tăng.

Và, trên khắp thế giới, các phóng viên vẫn hàng ngày, hàng giờ mạo hiểm cuộc sống của họ cho công việc cầm bút.

"Làn sóng biểu tình (đôi khi là bạo lực) ở một số quốc gia trên thế giới là một mối lo ngại nghiêm trọng cho sự an toàn của các nhà báo", Tổng Thư ký PEC nói thêm.

Mexico, với 13 trường hợp tử vong và Afghanistan (8 trường hợp) vẫn là những quốc gia nguy hiểm nhất thế giới trong 3 năm liên tiếp. Pakistan cũng ghi nhận 8 trường hợp tử vong trong năm 2019.

Tính theo khu vực, châu Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với 27 người thiệt mạng, tiếp đến là Mỹ Latin (26), châu Phi (10), Trung Đông (10), và châu Âu (2).

PEC kêu gọi chính quyền các nước cần đưa tất cả thủ phạm sát hại nhà báo ra trước công lý. Không được có sự miễn trừ ở đây.

Trong khi đó, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) cho rằng, sát hại và tấn công nhà báo vẫn đang có xu hướng gia tăng trên toàn thế giới, vì vậy, các Chính phủ cần thiết có hành động khẩn cấp để bảo vệ nhà báo.

Mỗi ngày, có hơn 1 nhà báo thiệt mạng bởi Covid-19

Trong bối cảnh dịch bệnh, báo chí thế giới lại chịu thêm những mất mát to lớn khi có hàng triệu nhà báo đã không quản nguy cơ lây nhiễm, xông pha vào tâm dịch; và hàng nghìn nhà báo trong số đó đã nhiễm bệnh, hàng trăm nhà báo đã ngã xuống cho những bài báo được lên trang.

Tổ chức Chiến dịch biểu tượng báo chí cho rằng, các nhà báo có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại dịch Covid-19. Đây là lực lượng thông tin về sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, họ thường thiếu sự bảo vệ thích hợp để tác nghiệp trong bối cảnh đại dịch.

Bác sỹ gây mê người Italy Marino De Rosa và phóng viên ảnh AFP Alberto Pizzoli chụp ảnh tại hành lang bệnh viện San Filippo Neri, Rome. Ảnh: AFP

“Các nhà báo có nguy cơ lây nhiễm cao trong cuộc khủng hoảng sức khỏe này, vì họ phải tiếp tục đưa tin, bằng cách đến các bệnh viện, phỏng vấn bác sỹ, y tá, lãnh đạo chính trị, các chuyên gia, nhà khoa học, và cả các bệnh nhân", PEC nói trong một tuyên bố.

Có ít nhất 138 nhà báo ở 31 quốc gia đã chết vì Covid-19 trong khoảng thời gian 100 ngày (từ ngày 1/3 đến ngày 8/6). Có nghĩa, trung bình mỗi ngày, có hơn 1 nhà báo thiệt mạng bởi dịch bệnh này.

Theo số liệu thống kê của PEC, hiện Peru là quốc gia có số phóng viên chết vì Covid-19 nhiều nhất với 21 người. Tiếp đến là Brazil 14 nạn nhân. Mỹ và Mexico có 13 nạn nhân. Anh 6 người và Nga 5 người.

Số liệu của PEC dựa trên việc thu thập từ nhiều nguồn từ các hiệp hội nhà báo quốc gia, truyền thông địa phương và phóng viên Tổ chức Chiến dịch biểu tượng báo chí trên toàn thế giới.

Hàng trăm tờ báo ngừng xuất bản, hàng chục nghìn nhà báo mất việc

Báo chí được đánh giá là bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi đại dịch. Tờ Guardian của Mỹ nhận định, “báo chí Mỹ đối mặt với khủng hoảng ở mức độ tuyệt chủng trong dịch Covid-19”. Tờ báo này mô tả, Covid-19 sẽ kết liễu hàng trăm tờ báo in và đẩy ra đường hàng chục nghìn phóng viên, nhân viên.

Ngay giữa tháng 4 vừa qua, tại bang Louisiana, tờ Times-Picayune và Advocate chỉ giữ lại 10% trong số 400 nhân viên, số còn lại chuyển sang làm việc bán thời gian. The Plain Dealer, một tờ báo hàng ngày ở thành phố Cleveland (bang Ohio), đã sa thải 22 nhân viên Phòng Tin tức, bao gồm cả phóng viên y tế.

Ở thành phố Seattle (Washington), tờ Stranger đã phải tạm ngừng xuất bản và tạm thời sa thải 18 nhân viên. Tuần báo Reno News & Review ngừng hoạt động và sa thải tất cả các nhân sự. C&G Newspapers, nơi xuất bản 19 tờ báo tuần ở gần Detroit phải ngừng xuất bản báo in…

Và, đấy mới chỉ là câu chuyện ở Mỹ.

Trong đại dịch Covid-19 hiện nay, khủng hoảng doanh thu quảng cáo xảy ra tại hầu khắp các quốc gia trên toàn cầu.

Doanh thu quảng cáo sụt giảm gây tổn hại cho mọi tòa soạn, nhưng nó đặc biệt nguy hiểm đối với các tờ báo nhỏ và ít quỹ dự phòng, gần như hoàn toàn phụ thuộc vào quảng cáo.

Dù trong bối cảnh giãn cách, phong tỏa vì Covid-19 khiến lượng độc giả, khán giả báo điện tử, truyền hình tăng đột biến và tầm quan trọng của nguồn thông tin báo chí chính thống được nâng lên, đặc biệt với những tờ báo đã có cơ chế thu tiền, lượng người đăng ký thuê bao tăng lên; tuy nhiên, nguồn doanh thu này không đủ để các tòa soạn tiếp tục "sống". Và, đây cũng không được xem là nguồn thu bền vững, khi chưa chắc độc giả tiếp tục chịu bỏ tiền đọc tin tức sau khi mọi thứ trở lại bình thường. Và những đợt sa thải phóng viên mạnh mẽ, những tờ báo phải ngừng xuất bản là nguy cơ hiện hữu ở bất cứ nền báo chí quốc gia nào.

Tôn vinh và bảo vệ

Nhờ báo chí mà thế giới biết tới sự tàn bạo của các băng nhóm tội phạm ở Mexico, mối liên kết giữa chính trị với mafia ở Italy…

Nhờ có báo chí, người dân có thể đưa ra các quyết định sáng suốt trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, khi mà thông tin chính xác là một vấn đề mang tính sinh tử.

Kết quả nghiên cứu của Tổ chức Chiến dịch biểu tượng báo chí về số lượng nhà báo bị sát hại từ 2006 đến 2019. Ảnh: PEC

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã gọi nhà báo là những người đang mang tới "thuốc giải độc" cho “dịch bệnh thông tin” (infodemic - theo cách gọi của WHO, mô tả tình trạng quá dư thừa thông tin, gồm cả thông tin chính xác và thông tin không chính xác, khiến mọi người rất khó tìm ra những nguồn tin đáng tin và chỉ dẫn tin cậy khi họ cần).

Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, đó là thứ thuốc giải độc “đã được kiểm chứng, mang tính khoa học, dựa trên sự thật của thông tin và được phân tích”.

Bên cạnh việc tôn vinh những đóng góp của báo chí, ông Antonio Guterres kêu gọi sự bảo vệ nhiều hơn nữa đối với các nhà báo và bảo vệ tự do báo chí.

Trong khi, một chuyên gia độc lập về vấn đề nhân quyền của Liên hợp quốc báo cáo rằng, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, ông đã nhận được những báo động về việc trả thù các nhà báo, dưới chiêu bài "truyền bá thông tin sai lệch".

Liên quan vấn đề này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lưu ý, trong bối cảnh hạn chế di chuyển tạm thời là điều cần thiết để đánh bại Covid-19, “không được lạm dụng điều này như một cái cớ để trấn áp báo chí trong thực hiện công việc của họ".

Trước đó, nguyên Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng nhấn mạnh việc cần đưa vấn đề an toàn và an ninh của các nhà báo như là một đề mục trong báo cáo về bảo vệ dân thường trong tình huống xung đột.

Còn Tổng Thư ký Tổ chức Chiến dịch biểu tượng báo chí Blaise Lempen thì hối thúc cộng đồng quốc tế tạo ra một cơ chế độc lập chống lại nạn sát hại nhà báo.

Đức Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm