Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 08/07/2013 - 08:37
(Thanh tra)- Tê giác là động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng. Các hoạt động buôn bán các bộ phận tê giác bị cấm trên toàn thế giới. Vậy nhưng, nạn săn bắn trái phép tê giác Nam Phi gia tăng những năm gần đây nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về sừng tê giác ở khu vực Đông Á, nhất là ở Việt Nam, nơi sừng tê giác được đánh giá cao về hiệu quả trong chữa bệnh, theo Tập đoàn Truyền thông ABC của Úc.
Một con tê giác sau khi bị cắt trộm sừng ở Nam Phi. Ảnh: ABC
Số lượng tê giác bị giết ngày một nhiều
Hãng Thông tấn Pháp AFP cho biết, Nam Phi là quê hương của khoảng 3/4 trong số hơn 20.000 tê giác châu Phi hoặc tê giác trắng và 4.800 tê giác đen đang trong tình trạng cực kỳ nguy cấp. Còn theo Báo The Guardian của Anh, trong giai đoạn 1990 - 2005, ở Nam Phi, mỗi năm trung bình có 14 con tê giác bị giết hại để lấy sừng. Năm 2010, con số này leo lên đến 333 con. Năm 2011 là 448 con. Báo Washington Post của Mỹ hồi đầu tháng 5/2013 cho biết, tổng cộng 668 con tê giác đã bị giết để lấy sừng ở Nam Phi trong năm 2012, tăng gấp 8 lần so với năm 2008. Và, tính đến hết tháng 4 năm nay, đã có hơn 270 con tê giác bị săn trộm, trong đó khoảng 200 con từ Vườn Quốc gia Kruger, nơi cấm săn tê giác. (Trong khi đó, cho đến hết tháng 5 năm ngoái, số tê giác bị bắn lấy sừng là 210 với khoảng 130 con từ Vườn Quốc gia Kruger).
Không chỉ số lượng giết hại tê giác tăng phi mã, mà giá cả cũng ngày càng cao. Đáng nói là, nhiều sừng tê giác của Nam Phi bị nghi ngờ là đã được nhập lậu vào Việt Nam. Từ Nam Phi, sừng tê giác được bán qua nhiều khâu trung gian, và chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ đã có thể đến Việt Nam.
Trích dẫn 1 báo cáo, Báo The Guardian cho biết, có 4 đối tượng tiêu thụ chính mặt hàng sừng tê giác: Quí ông rượu bia quá đà, muốn dùng sừng tê giác để giải độc cơ thể và tăng cường bản lĩnh đàn ông. Lại có người tin rằng, sừng tê giác có thể trị được bệnh ung thư. Cũng có những quí bà giàu có dùng sừng tê giác để trị cảm sốt cho con. Cuối cùng là, việc dùng sừng tê giác làm quà biếu có giá trị. Và, không chỉ tại Việt Nam mà sừng tê giác cũng rất được ưa chuộng trên thị trường quốc tế, theo Nhật báo Le Monde của Pháp.
Quân đội tham gia bảo vệ tê giác
Các giới chức bảo vệ đời sống hoang dã châu Phi cho biết, các nhóm tội phạm có tổ chức hiện nay sử dụng vũ khí tinh xảo và kỹ thuật cao (sử dụng trực thăng, ống nhòm nhìn rõ trong đêm tối và súng trường loại mạnh) để hạ những con tê giác di chuyển chậm chạp. Bên cạnh đó, việc thiếu các thiết chế của luật pháp và tình trạng quan chức quản lí động vật hoang dã tham nhũng cũng là những nguyên nhân dẫn đến nạn buôn lậu sừng tê giác hoành hành.
Một con tê giác đen có tên là Phila, được đưa vào vườn bách thú ở Nam Phi, nơi nó được an toàn và tránh xa những kẻ săn trộm. Ảnh: AP
Để ngăn chặn tình trạng săn bắt trộm tê giác ngày càng gia tăng, Nam Phi từng nghiên cứu kế hoạch cưa sừng đàn tê giác của nước này cũng như là cân nhắc việc cấm săn thú hợp pháp, Bộ trưởng Môi trường Edna Molewa được báo chí dẫn lời hồi cuối tháng 8/2011. Theo quan chức này, các biện pháp trên có thể ngăn chặn những kẻ săn bắn trái phép và việc lạm dụng hệ thống cấp giấy phép săn thú.
Trong những hành động cụ thể, trung tuần tháng 1/2012, ngay sau khi 11 con tê giác bị giết, Nam Phi đã bố trí thêm 150 nhân viên kiểm lâm tới Vườn Quốc gia Kruger trong nỗ lực ngăn chặn nạn săn trộm tê giác. Khi đó, Bộ trưởng Môi trường Edna Molewa tuyên bố, lực lượng tăng cường sẽ bổ sung cho 500 nhân viên kiểm lâm hiện đang trú đóng tại công viên nổi tiếng này. Chưa hết, Hiệp hội Báo chí Nam Phi trích dẫn phát biểu của bà Edna Molewa cho biết, Bộ Môi trường Nam Phi đang thảo luận về các kế hoạch dựng lại hàng rào dài 150km dọc theo đường biên giới với Mozambique.
Nhiều trường hợp thủ phạm săn bắt trái phép tê giác tại Nam Phi được quy cho những người xâm nhập từ Mozambique, giáp ranh với Vườn Quốc gia Kruger. “Họ có nguồn cung cấp súng ống và đạn dược. Họ cũng có tin tức tình báo tốt. Họ biết chính xác giờ nào tê giác xuất hiện ở đâu cũng như giờ nào kiểm lâm đi tuần ở chỗ nào” - bà Rynette Coetzee, chuyên gia về tê giác của Quỹ Động vật hoang dã nguy cấp ở Nam Phi được BBC dẫn lời. Cũng theo chuyên gia Rynette Coetzee, “hiện quân đội Nam Phi cũng hỗ trợ bảo vệ Vườn Quốc gia, nhưng họ không thể có mặt ở mọi nơi được. Nếu đang có chiến tranh, quân đội sẽ hiện diện đông hơn, nhưng đây là thời bình”.
Theo nhận định của các nhà điều tra, đã xuất hiện hiện tượng mafia từ các hoạt động cổ điển như trấn lột, buôn bán ma túy, cướp giật… chuyển sang phạm tội về môi trường. Thay vì đi cướp ngân hàng, nếu buôn các loài động vật bị cấm thì lợi nhuận cũng tương tự, nhưng nếu bị bắt thì hình phạt lại nhẹ hơn. Trộm cắp sừng tê giác được xếp vào tội nhẹ, còn mua bán ma túy là tội phạm hình sự có khung hình phạt cao. |
Sẽ là không thừa khi nhắc lại rằng: Tê giác là động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng. Các hoạt động buôn bán các bộ phận tê giác bị cấm trên toàn thế giới. Tuy nhiên, trước đây, săn bắn loại thú này tại các trại nuôi thú rừng có giấy phép tại Nam Phi được xem là hợp pháp, miễn là người đi săn phải mang về nhà đầu tê giác bị giết được nhồi bông để làm kỷ niệm. Hiện nay, theo luật được sửa đổi của Nam Phi, những người muốn xin giấy phép săn tê giác và giữ sừng như chiến tích săn bắn phải có tên trong hiệp hội săn bắn ở nước mà họ sinh sống cộng thêm kinh nghiệm săn thú hoang 5 năm ở châu Phi. “Luật mới đòi hỏi người xin phép săn thú phải có kinh nghiệm 5 năm ở châu Phi, nhưng một thợ săn chuyên nghiệp có thể có kinh nghiệm đến 10 năm, nên đòi hỏi này không còn là vấn đề” - bà Rynette Coetzee nói. Ngoài ra, mọi cuộc săn động vật hoang dã phải có sự chứng kiến của quan chức bảo tồn Nam Phi.
Chuyên gia về tê giác của Quỹ Động vật hoang dã nguy cấp ở Nam Phi còn cho biết thêm: Khoảng 20% tê giác ở Nam Phi được nuôi trong các trại tư nhân. Các chủ trại sẽ vẫn phải xin phép nếu muốn bắn hạ một con thú nuôi và sẽ phải tìm thợ săn để bắn hạ nếu chủ trại không có giấy phép săn bắn. Những người nước ngoài sẽ phải xin giấy phép qua một thợ săn chuyên nghiệp của Nam Phi và thợ săn này sẽ đi cùng người được cấp phép. Thợ săn Nam Phi có nghĩa vụ bắn hạ tê giác để tránh đau đớn kéo dài nếu tay súng nước ngoài bắn trúng tê giác nhưng chỉ làm con vật bị thương. Người săn được tê giác được quyền giữ sừng làm chiến tích nhưng không được bán hay tặng lại cho người khác. “Chúng tôi muốn ngăn chặn những người không phải thợ săn thực thụ mà chỉ xin giấy phép để dùng nó thu thập sừng tê giác và bán trên chợ đen”, bà Rynette Coetzee nói.
Từ lâu châu Á đã và đang phải đối phó với nạn buôn lậu động vật hoang dã từ khu vực này và các vùng khác trên thế giới.
Nhiều động vật như gấu, hổ và tê giác đã bị giết để dùng trong các phương thuốc cổ truyền Trung Quốc bất chấp việc các chuyên gia y tế và những tổ chức bảo vệ động vật khẳng định: Xương và các bộ phận trong cơ thể của động vật hoang dã không có ích lợi đặc biệt nào về mặt y khoa.
Những con thú khác bị làm thịt, hay giết để lấy da và các bộ phận khác, như ngà voi được dùng làm vật trang trí. “Những người đi săn giải trí cũng ăn thịt tê giác hoặc tặng thịt cho những người ở trại nuôi hay những người khác. Da cũng có thể được dùng làm thảm hay chân có thể dùng làm chân ghế. Nhưng, người châu Phi không tin sừng tê giác có bất kỳ tác dụng huyền bí, kỳ ảo nào” - chuyên gia về tê giác của Quỹ Động vật hoang dã nguy cấp ở Nam Phi Rynette Coetzee khẳng định với BBC.
Không chỉ tại châu Á, vẫn theo Nhật báo Le Monde, bọn trộm sừng tê giác còn tung hoành tại Pháp, Đức, Anh, Áo, Cộng hòa Séc và cả Mỹ… Tổ chức Cảnh sát châu Âu (Europol) đã ghi nhận hàng chục vụ như vậy. Thậm chí, ngay cả các viện bảo tàng, địa điểm bán đấu giá, cơ sở nhồi bông thú rừng, các bộ sưu tập tư nhân…đều được đạo chích ghé thăm, đặc biệt là các sở thú, vườn quốc gia.
Hôm 23/2/2012, chiến dịch Crash được tiến hành đồng loạt tại nhiều thành phố ở Hoa Kỳ với sự tham gia của nhiều nhân viên an ninh liên bang. Theo đó, 7 tên buôn lậu đã bị bắt. Tại nhà các nghi can, cảnh sát Mỹ tìm thấy nhiều chiếc sừng tê giác đen và 1 triệu USD tiền mặt, nhiều thỏi vàng và đồng hồ sang trọng.
Còn tại Pháp, lực lượng hải quan phát hiện một số trường hợp sừng tê giác được giấu trong tượng đồng, ngụy trang trong xe…
Theo Europol, chắc chắn đây là tội phạm có tổ chức, có mạng lưới trên khắp châu Âu. Từ việc chọn lựa địa điểm và cách thức hành động, tồn trữ và vận chuyển đến tận châu Á, bọn tội phạm đa quốc gia làm việc theo đơn đặt hàng. Khách châu Á có thể trả 1 chiếc sừng tê giác từ 25.000 - 200.000 euro, tùy theo mức độ quý hiếm.
Nạn săn tê giác hoành hành đến mức mà Chính phủ Nam Phi không chỉ tăng cường biện pháp chống săn bắt trái phép mà còn đẩy mạnh việc xử phạt. Chẳng thế mà, 10 tháng của năm 2012, đã có tổng cộng 208 người bị bắt vì dính líu vào các hoạt động liên quan tới tê giác.
Hay như, hồi tháng 7/2011, ông Chumlong Lemtongthai, 43 tuổi, người Thái Lan, đã bị cảnh sát ở Johannesburg, Nam Phi, bắt sau 1 năm điều tra với cáo buộc đứng sau 1 tổ chức đưa lậu sừng tê giác từ Nam Phi sang châu Á. Tổ chức này đã sử dụng các cô gái mại dâm trá hình thành những người săn bắn có giấy phép, để mang sừng tê giác về nước. Tại đây, sừng tê giác được bán với giá lên tới hàng chục nghìn USD để được nghiền ra và sử dụng trong các phương thuốc cổ truyền Trung Quốc.
Còn trong vụ bắt sừng tê giác, cảnh sát Nam Phi cũng bắt giữ 2 doanh nhân Thái Lan khác là ông Punpitak Chunchom, 44 tuổi và Phichet Thongpai, 31 tuổi vì tội chứa chấp xương sư tử. Theo báo chí Nam Phi, ông Punpitak Chunchom là Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Xaysavang Trading Export - Import ở Lào. Công ty này bị cho là chuyên buôn bán động vật quý hiếm và các sản phẩm từ thú vật hoang. Mạng News24 của Nam Phi cũng nói ông Phichet Thongpai là người chuyên chụp ảnh xương sư tử để giới thiệu cho khách xem trước khi đem bán. Các bức hình được chuyển về trụ sở công ty tại Lào. Phía Nam Phi cũng tin rằng, Công ty Xaysavang có hoạt động làm ăn tại Trung Quốc, Việt Nam và các vùng khác của châu Phi.
Trước nữa, vào tháng 9/2009, nhà chức trách Kenya phát hiện ra kiện hàng 260kg ngà voi và 18kg sừng tê giác tại Sân bay Jomo Kenyatta International Airport với địa chỉ đến là công ty ở Lào.
Theo nhận định của các nhà điều tra, đã xuất hiện hiện tượng mafia từ các hoạt động cổ điển như trấn lột, buôn bán ma túy, cướp giật… chuyển sang phạm tội về môi trường. Thay vì đi cướp ngân hàng, nếu buôn các loài động vật bị cấm thì lợi nhuận cũng tương tự, nhưng nếu bị bắt thì hình phạt lại nhẹ hơn. Trộm cắp sừng tê giác được xếp vào tội nhẹ, còn mua bán ma túy là tội phạm hình sự có khung hình phạt cao.
Ở lĩnh vực liên quan, được biết, hồi tháng 12 năm ngoái, Việt Nam và Nam Phi đã ký thỏa thuận nhằm giải quyết nạn săn trộm và thu lợi bất hợp pháp từ buôn bán sừng tê giác để sử dụng trong y học truyền thống. Cuộc chiến chống tội phạm với động vật hoang dã, đặc biệt là các loài thú quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng, trong đó có tê giác luôn được Chính phủ Việt Nam quan tâm, người đứng đầu ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam nhấn mạnh. Phát biểu sau lễ ký thỏa thuận tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Cao Đức Phát tuyên bố sẽ thúc đẩy ban hành một lệnh cấm nhập khẩu tất cả các sản phẩm tê giác. “Thỏa thuận đánh dấu một bước ngoặt trong nỗ lực bảo vệ tê giác châu Phi", ông Stuart Chapman, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) tại khu vực Mê Công, được truyền thông phương Tây dẫn lời. |
Minh Tuấn - Minh Anh
(Tổng hợp)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".
Hoài Phương
12:46 11/12/2024(Thanh tra) - Ông Benjamin Netanyahu là Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên của Israel bị buộc tội trong lịch sử nước này.
Ngọc Anh
10:45 11/12/2024Bích Tuệ
15:10 10/12/2024Ngọc Anh
11:56 10/12/2024Ngọc Anh
12:58 05/12/2024Đức Anh
14:42 04/12/2024Cao Sơn
Trần Kiên
Bùi Bình
Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương