Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Làm sống động chủ nghĩa đa phương để thắng đại dịch COVID -19

Hương Giang

Thứ tư, 08/09/2021 - 10:32

(Thanh tra) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có các phát biểu quan trọng về việc chuyển đổi nền kinh tế, tranh thủ ngoại lực từ hợp tác đa phương để vừa đẩy lùi đại dịch COVID -19, vừa phục hồi, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an sinh xã hội ở các quốc gia, nhất là các quốc gia như Việt Nam.

Để giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19, Chủ tịch Quốc hội cho rằng các Nghị viện cần có vai trò dẫn dắt quan trọng trong việc đặt người dân vào trung tâm của mọi quyết sách, đoàn kết dân tộc, phát huy nội lực, sức sáng tạo của mọi người dân, doanh nghiệp. Ảnh: Doãn Tấn

Sau khai mạc và phiên toàn thể, Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tiếp tục diễn ra tại Thủ đô Vienna, Cộng hòa Áo theo chương trình nghị sự với các phiên thảo luận chuyên đề chiều 7/9 (giờ địa phương, tối cùng ngày giờ Việt Nam).

Tại các phiên thảo luận, các nhà lãnh đạo Quốc hội đã trao đổi thẳng thắn, cởi mở về các vấn đề cùng quan tâm và cấp thiết trong một thế giới đang đổi thay như ứng phó COVID -19, phục hồi kinh tế -xã hội sau đại dịch, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống…

Các nước giàu cần đi đầu thực hiện cam kết về chống biến đổi khí hậu

Về Chuyên đề “Phục hồi sau đại dịch: Chuyển đổi nền kinh tế để chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững”, Chủ tịch Quốc hội đã có phát biểu trực tiếp nêu rõ thế giới hiện đang phải ứng phó với “thách thức kép” vừa chống dịch COVID-19 vừa tìm cách phục hồi từ sự tàn phá của đại dịch.

Các quốc gia còn phải đối mặt những tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đe dọa hệ sinh thái, cuộc sống người dân trên toàn cầu, đòi hỏi phải đổi mới thể chế, phương thức quản trị…

Theo Chủ tịch Quốc hội, các nghị sĩ/đại biểu Quốc hội cần ủng hộ, đồng hành và thúc đẩy Chính phủ hành động mạnh mẽ, tăng cường rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, hỗ trợ, giám sát phòng, chống dịch COVID-19 đi đôi thực hiện cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP21), chuyển đổi nền kinh tế theo hướng phục hồi xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững… khuyến khích phát triển quan hệ đối tác công - tư, đề cao sự nỗ lực, sáng tạo của doanh nghiệp, sự ủng hộ cùng hành động của người dân.

Tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác Nghị viện nhằm chia sẻ kinh nghiệm cùng ngăn chặn đại dịch COVID-19, hỗ trợ cung cấp vaccine, hợp tác sản xuất vaccine, nâng cao năng lực y tế công cộng, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì sản xuất, ổn định chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Chủ  tịch  Quốc  hội  Vương  Đình  Huệ. Ảnh: Doãn  Tấn

Chủ  tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, các nước phát triển giàu mạnh hơn cần đi đầu thực hiện các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, nâng cao năng lực công nghệ cho các nước đang phát triển.

Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao tinh thần đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định vì đây là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững.

Hành động chiến lược toàn cầu để thắng đại dịch

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gửi tới hội nghị hai bài phát biểu cho các chuyên đề khác nhau.

Với Chuyên đề “Ứng phó với đại dịch COVID-19 và thách thức đối với cơ chế hợp tác đa phương trong việc đáp ứng nhu cầu của người dân”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh vai trò của các tổ chức đa phương trong kết nối hành động nhằm bảo vệ tính mạng và quyền lợi của người dân “trong khó khăn thách thức, càng sáng lên tình đoàn kết, hữu nghị ấm áp được sẻ chia”, hợp tác quốc tế thông qua các cơ chế hợp tác đa phương đi đầu là Tổ chức Y tế thế giới với chương trình tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó COVID-19 (ACT) và chương trình hợp tác toàn cầu về vắc xin COVAX cùng nhau vượt qua đại dịch.

Chủ tịch Quốc hội kêu gọi, trong bối cảnh các thách thức toàn cầu đòi hỏi hành động mang tầm chiến lược toàn cầu, các quốc gia, không phân biệt trình độ phát triển, không phân biệt quan điểm chính trị, cần phối hợp hành động, đóng góp nguồn lực của mình, ủng hộ và làm sống động chủ nghĩa đa phương để chiến thắng đại dịch COVID-19.

Các Nghị viện, các quốc gia cần tiếp tục ủng hộ, tin tưởng và tăng cường hợp tác đa phương với vai trò trung tâm dẫn dắt của Liên hợp quốc, dựa trên các nguyên tắc và giá trị của LHQ, cùng sự tham gia của các tổ chức quốc tế, khu vực, qua đó bảo đảm đủ nguồn lực tài chính để đạt được các mục tiêu phục hồi toàn diện và bền bỉ sau đại dịch COVID-19.

Toàn  cảnh  Hội nghị WCSP5. Ảnh: Doãn  Tấn

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới nâng cao hiệu quả hợp tác đa phương để đẩy nhanh tiến độ phòng, chống dịch bệnh, thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, bảo đảm tất cả các quốc gia đều có thể tiếp cận công bằng, bình đẳng các nguồn cung vaccine nhanh chóng, kịp thời với giá cả hợp lý…

Người dân là trung tâm của mọi quyết sách

Về Chuyên đề “Giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam trong đó nhấn mạnh phương châm “lấy dân làm gốc” là kim chỉ nam cho mọi chính sách, hành động, “là nhiệm vụ khắc sâu vào tâm trí của mỗi đại biểu Quốc hội”.

Trên tinh thần đó, Quốc hội Việt Nam đã kịp thời thông qua và triển khai nhiều quyết định về nguồn lực, ngân sách quốc gia và nhiều biện pháp chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nghèo… để thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa duy trì phát triển kinh tế. Nhưng, Việt Nam đặt ưu tiên bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân dù phải hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt; mọi người dân được hỗ trợ bảo đảm đời sống, chăm sóc y tế, tiếp cận vaccine công bằng...

Để giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19, Chủ tịch Quốc hội cho rằng các Nghị viện cần có vai trò dẫn dắt quan trọng trong việc đặt người dân vào trung tâm của mọi quyết sách, đoàn kết dân tộc, phát huy nội lực, sức sáng tạo của mọi người dân, doanh nghiệp.

Cần nâng cao hiệu quả hoạt động Quốc hội về xây dựng và hoàn thiện luật pháp, giám sát thực hiện các chính sách, quan tâm đến phụ nữ và trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và ứng phó với tình trạng bất ổn kinh tế, tái nghèo đang lan rộng trong đại dịch.

Các Nghị viện cũng cần tích cực chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hợp tác nghị viện trong phòng, chống dịch COVID-19 để cùng giảm thiểu tác động của đại dịch, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi quốc gia, hướng tới hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững SDG-2030 của LHQ.

Ông Vương Đình Huệ cho rằng, do “giãn cách” trong phòng chống dịch, cần phát huy công nghệ thông tin, chuyển đổi kinh tế số, mở rộng việc số hóa việc trao đổi thông tin và tương tác của cử tri với các nghị sỹ, giúp người dân tích cực tham gia vào các hoạt động Nhà nước.

Ngoài các chuyên đề trên, các nhà lãnh đạo Quốc hội thế giới đã thảo luận chuyên đề về “Hướng tới một Hiệp ước toàn cầu về bình đẳng giới”, “Chống lại thông tin sai lệch và ngôn ngữ kích động thù hận trong và ngoài mạng internet cần có các quy định mạnh mẽ hơn”.

Chủ tịch Quốc hội tiếp 6 lãnh đạo Nghị viện thế giới và Tổng Thư ký IPU

Nhân dịp tham dự WCSP5 tại Áo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến và tiếp 6 lãnh đạo Nghị viện thế giới: Chủ tịch Hạ viện Chile Diego Alfredo Paulsen Kehr, Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Om Birla, Phó Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Anh Eleanor Lain, Chủ tịch Hạ viện Italy Roberto Fico, Phó Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân Cuba Ana Maria Mari Machacdo và Chủ tịch Quốc hội Mozambique Esperanca Laurinda Francisco Nhiuane Bias.

Tại các cuộc tiếp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các nhà lãnh đạo Nghị viện đều khẳng định sự coi trọng trong hợp tác song phương hai bên trên tất cả các lĩnh vực, quan tâm thúc đẩy hợp tác trong thương mại, đầu tư và tăng cường chia sẻ công bằng vaccine phòng chống COVID-19 và tăng cường hợp tác Nghị viện.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng tiếp Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Martin Chungong.

Chia sẻ những tình cảm sâu đậm như một người bạn và vui mừng trước những thành tựu mọi mặt của Việt Nam, Tổng Thư ký IPU bày tỏ hoàn toàn nhất trí với quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên thảo luận toàn thể của hội nghị về tăng cường hợp tác đa phương nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu, vì sự phát triển của toàn thế giới.

Tổng Thư ký IPU cũng hoan nghênh 3 đề xuất của Chủ tịch Quốc hội nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động và vai trò của IPU. Đó là tăng cường quan hệ đối tác 3 bên LHQ - IPU - Việt Nam; thúc đẩy sự tham gia thực chất hơn nữa tại các cơ chế họp Nghị viện song song với các hoạt động của LHQ; IPU tiếp tục ủng hộ Quốc hội Việt Nam, mở rộng đào tạo bồi dưỡng về ngoại giao nghị viện đa phương cho Việt Nam. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm