Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ bảy, 03/12/2011 - 10:40
(Thanh tra) - Trong khi chờ đợi cơ hội, tìm kiếm đối tượng là người nước ngoài, các nhóm khủng bố thực hiện các vụ tấn công quy mô nhỏ nhằm vào lực lượng cảnh sát và các quan chức địa phương. Chuyên gia Noor Huda Ismail thuộc Viện Hòa bình Quốc tế đã cảnh báo như vậy về hiện tượng các nhóm khủng bố, dù thủ lĩnh bị bắt hoặc bị tiêu diệt, vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công đẫm máu.
Mỹ từng treo giải thưởng 1 triệu USD cho ai cung cấp thông tin dẫn tới việc bắt giữ Patek. Ảnh: AP
>> Kỳ VI: Yemen và al-Qaeda
>> Kỳ V: Thảm kịch Na Uy
>> Kỳ IV: Nga - Nạn nhân của khủng bố
>> Kỳ III: Trường hợp Taliban
>> Kỳ II: Người chết, chuyện chưa hết
>> Kỳ I: Cái chết của Bin Laden
Đài Tiếng nói Quốc tế Pháp nhận định: Châu Á (cụ thể là Đông Nam Á) đã phải đối mặt với các hoạt động khủng bố trước khi xảy ra sự kiện 11/9/2001 tại Mỹ.
Trong năm 2000, một số nhóm khủng bố đã được hình thành theo mô hình Jemaah Islamiyah. Đây là một tổ chức được thành lập từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX bởi các nhân vật Hồi giáo cực đoan Indonesia sống lưu vong ở Malaysia với mục tiêu thiết lập một nhà nước Hồi giáo ở Indonesia. Các nhóm này đã đặt bom tại nhiều nhà thờ và thị trường chứng khoán Jakarta.
Thế nhưng, loạt khủng bố có phối hợp của al-Qaeda tại New York và Washington ngày 11/9/2001, tiếp theo đó là sự can thiệp quân sự của Mỹ vào Afghanistan, đã thúc đẩy nhiều tổ chức nhỏ gia nhập vào mạng lưới của trùm khủng bố Osama bin Laden và tiến hành tấn công nhằm vào người ngoại quốc.
Điển hình là vụ tấn công đẫm máu ở Bali, Indonesia hồi năm 2002 làm 202 người thiệt mạng, trong đó có nhiều du khách, phần đông là người Úc (88 người). Sau vụ này, Mỹ và Úc đã điều chuyên gia sang giúp đỡ Chính phủ Indonesia. Kết quả là, đa số thủ phạm vụ đánh bom ở Bali cũng như nhiều thành viên các tổ chức khác đã bị bắt giữ hoặc tiêu diệt.
Hambali, lãnh đạo tổ chức Jemaah Islamiyah, kẻ được coi là đầu não vụ đánh bom ở Bali, đã bị bắt hồi tháng 8/2003 tại Thái Lan khi đang chuẩn bị các vụ tấn công vào các chuyến bay của hàng không Mỹ. Sau đó, Hambali được chuyển giao cho chính quyền Mỹ và bị giam giữ ở Guantanamo.
Ngày 1/10/2005, khủng bố tự sát lại xảy ra ở Bali, làm 20 người chết. Sau đó, Azahari Husin, người Malaysia, chuyên gia về thuốc nổ của Jemaah Islamiyah đã bị tiêu diệt trên đảo Java.
Theo nhận định của các chuyên gia, vào thời điểm đó, tổ chức Jemaah Islamiyah đã bị suy yếu và nội bộ chia rẽ. Một bên là những kẻ cực đoan, vẫn chủ trương tiến hành các vụ khủng bố mù quáng, theo phương thức hoạt động của al-Qaeda. Còn bên kia là một số nhân vật cho rằng, những hành động như vậy tạo ra nhiều nạn nhân, trong đó có cả dân Hồi giáo.
Trong bối cảnh này, Noordin Mohammaed Top, một thành viên người Malaysia của Jemaah Islamiyah, đã thành lập tổ chức “al-Qaeda trên quần đảo Malaysia”.
Ngày 17/9/2009, cái chết của Noordin Mohammaed Top, sau vụ vây ráp tấn công của lực lượng an ninh quốc gia tại Solo trên đảo Java, đã chấm dứt cuộc truy tìm được ví như mèo đuổi chuột của cảnh sát Indonesia đối với nhân vật đứng đằng sau hàng loạt vụ khủng bố đẫm máu ở nước này, bắt đầu từ năm 2002.
Noordin Mohammaed Top, 41 tuổi, được coi là một trong những đầu não chiến lược vạch ra các họat động bạo lực của Jemaah Islamiyah. Phong trào này bị quy trách nhiệm về vụ tấn công đẫm máu ở Bali hồi năm 2002; tại Jakarta năm 2003 nhằm vào khách sạn Mariott; năm 2004 nhằm vào Đại sứ quán Úc và năm 2005, khủng bố trở lại Bali một lần nữa. Hay như vụ khủng bố tại Jakarta ngày 17/7/2009 nhằm vào khách sạn JW Marriott và khách sạn Ritz-Carlton.
Những năm gần đây, lực lượng an ninh của Indonesia đã thu được một số thành công như: Phát hiện, tiêu diệt hoặc bắt sống được các thủ lĩnh của một tổ chức khủng bố theo mô hình al-Qaeda tại Aceh, trên đảo Sumatra; triệt hạ được Dulmatin, một thủ lĩnh khác của Jemaah Islamiyah - một trong những kẻ chủ mưu vụ khủng bố ở Bali.
Hôm 3/5/2011, ông Purnomo Yusgiantoro, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia xác nhận, Umar Patek, kẻ bị nghi lên kế hoạch đánh bom ở Bali năm 2002 đã bị bắt tại Abbottabad, Pakistan hồi đầu năm nay khi định đến gặp trùm khủng bố Osama bin Laden.
Sinh ra tại đảo Java, Umar Patek là thành viên của mạng lưới khủng bố Jemaah Islamiyah. Ngoài bị tình nghi đã lập kế hoạch tấn công khủng bố tại Bali, Umar Patek còn bị nghi ngờ có dính líu đến một loạt vụ tấn công khác nhằm vào những người theo đạo Thiên chúa và người ngoại quốc ở Indonesia.
Kể từ khi bị bắt, Patek đã bị các nhân viên điều tra Indonesia hỏi cung. Các nhà phân tích an ninh cho rằng, những gì thu thập được từ Patek có thể giúp hiểu rõ hơn cách thức các mạng lưới khủng bố trong khu vực tương tác với nhau như thế nào.
Patek chắc chắn bị truy tố về tội giết người hay tội tàng trữ và sử dụng chất nổ bất hợp pháp.
Philippines cũng đã lên tiếng yêu cầu xét xử Umar Patek vì bị coi là đã tham gia vào một số vụ khủng bố tại nước này sau khi chạy khỏi Indonesia vào năm 2002.
Patek đã được giới chức Pakistan dẫn độ về Indonesia hồi trung tuần tháng 8/2011.
Hay như, vào trung tuần tháng 6/2011, nhà cầm quyền Indonesia cho biết, đã bắt giữ 1 nghi can nữa của cuộc đánh bom chết người tại Bali vào năm 2002 có liên hệ đến một tổ chức khủng bố tại Philippines.
Ông Anton Bachrul Alam, một người phát ngôn của lực lượng cảnh sát quốc gia cho biết, nghi can Heru Kuncoro bị bắt tại một trong những vụ bố ráp ở miền Trung Java, Borneo và Sulawesi có liên quan đến một âm mưu giết cảnh sát bằng độc chất cyanide.
Trong vụ đánh bom Bali làm 202 người thiệt mạng, Kuncoro bị nghi mua thiết bị điện tử cho kẻ chủ mưu đánh bom nổi tiếng Dulmatin sử dụng.
Kuncoro cũng bị nghi điều hành một trại huấn luyện thánh chiến cho Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro tại miền Nam Philippines.
Cũng trong tháng 6, giáo sĩ cực đoan Abu Bakar Bashir, được coi là thủ lĩnh tinh thần của Jemaah Islamyiah đã bị kết án 15 năm tù. (Mới đây, hồi cuối tháng 10, Tòa Phúc thẩm Jakarta đã giảm án cho giáo sĩ Abu Bakar Bashir từ 15 năm xuống còn 9 năm tù giam).
Các công tố viên nói rằng, ông Bashir đã giúp tổ chức và tài trợ cho một trại huấn luyện khủng bố bị phát hiện hồi năm 2010 ở tỉnh Aceh, phía Tây Bắc Indonesia. Các tài liệu tìm thấy tại trại này cho thấy, nhóm này đang hoạch định các cuộc tấn công, trong đó có cuộc tấn công nhằm vào Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono và các mục tiêu phương Tây ở Jakarta.
Về phía mình, giáo sĩ Bashir thừa nhận đã gây quĩ, nhưng nói rằng, số tiền đó phục vụ các mục đích chính đáng chứ không phải để tài trợ cho các hoạt động khủng bố.
Giáo sĩ Abu Bakar Bashir sau song sắt nhà tù của một
tòa án ở Jakarta, ngày 9/5/2011. Ảnh: AP
Đánh giá về sự kiện này, bà Sidney Jones, một nhà phân tích chuyên về khủng bố của Tổ chức Nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế cho rằng, bản án là bằng chứng chứng tỏ Chính phủ Indonesia cam kết trừng phạt những kẻ thực thi bạo động. Nhưng, chuyên gia chống khủng bố này cũng tin rằng, vị giáo sĩ 72 tuổi đã mất đi một phần nào ảnh hưởng. “Tôi không chắc việc kết án ông ta có đem lại ảnh hưởng nào quan trọng đối với phong trào thánh chiến hay không. Bởi vì, tôi cho rằng, các tổ chức đang nổi lên đã sẵn sàng hành động theo chương trình riêng của họ mà không cần sự chỉ huy của ông ta”, bà Sidney Jones nói.
Hồi tháng trước, Abu Tholut, một trong những kẻ khủng bố đáng sợ nhất ở Indonesia đã bị kết án 8 năm tù bởi vai trò của mình trong âm mưu tấn công các khách sạn phương Tây và các đại sứ quán ở thủ đô Jakarta.
Abu Tholut. Ảnh: AP
Abu Tholut là 1 trong khoảng 120 phần tử chủ chiến bị giết hoặc bắt giữ từ khi nhà chức trách Indonesia phát hiện một trại huấn luyện khủng bố hồi năm ngoái tại tỉnh Aceh.
Ở một khía cạnh khác, VOA cho biết, phản ứng trước nhiều vụ xung đột giáo phái tại Indonesia, Chính phủ nước này đã chặn 300 trang mạng bị xem là cực đoan. Có điều, bất chấp các nỗ lực này, hàng trăm trang mạng khác vinh danh các cuộc thánh chiến vẫn có thể được truy cập trên Internet.
Giáo dục sự khoan dung bằng truyện tranh Tình trạng bạo động chống các nhóm tôn giáo thiểu số đang gia tăng tại Indonesia. Nhiều người cho rằng, thủ phạm chỉ là một nhóm nhỏ, nhưng lớn tiếng, của những người Hồi giáo quá khích. Cũng có nhiều người khác lo ngại là khối Hồi giáo ôn hòa chiếm đa số chưa hành động đủ để chinh phục tâm tư của giới trẻ.Tổ chức tìm giải pháp cho các cuộc xung đột quốc tế mang tên “Đi tìm một lý tưởng chung” đã phát hành loạt truyện tranh nói về lòng bao dung. Theo nhóm hậu thuẫn cho sáng kiến phát hành loạt truyện tranh này, đây là một cách thức sáng tạo và hữu hiệu để chống lại những thông điệp bất dung chấp của các nhóm Hồi giáo cực đoan. Ông Agus Nahrowi, thành viên của nhóm cho biết, truyện tranh là một đường lối sáng tạo để loan truyền tiếng nói của những người Hồi giáo ôn hòa. “Công bằng mà nói thì khó có thể thay đổi được cách hành xử và suy nghĩ. Nhưng, để khởi đầu bằng việc thay đổi nhận thức và nâng cao nhận thức thì đây là một chiến dịch rất quan trọng”. Dự án “Đi tìm một lý tưởng chung” được Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ một phần. Nhóm này dự định sẽ phân phát 60.000 cuốn truyện tranh cho các trường nội trú Hồi giáo trên khắp Indonesia. |
Tại các tỉnh miền Nam Thái Lan, những chính sách cứng rắn thời cựu Thủ tướng Thaksin hay chủ trương chính trị của đương kim Thủ tướng vẫn không ngăn chặn được khủng bố nhằm vào cơ sở chính quyền hay thường dân. Vì thế, các vụ ám sát vẫn xảy ra.
Ở miền Nam Philippines, tình hình cũng không yên tĩnh gì hơn với Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro và đặc biệt là mạng lưới Abu Sayyaf.
Mới đây, hồi tháng 5, cơ quan chức năng của nước này đã bắt giữ 1 người bị tình nghi là thành viên của tổ chức khủng bố Abu Sayyaf. Cụ thể, Arabani Jakiran bị bắt hôm 5/5 tại khu chung cư sang trọng ở Manila nơi ông này từng làm bảo vệ an ninh. Jakiran bị tình nghi tham gia vào vụ bắt cóc nhân viên bệnh viện tại đảo Basilan ở miền Nam hồi năm 2001. Vụ bắt giữ Arabani Jakiran nằm trong chiến dịch truy quét nhằm vào các thành viên của Abu Sayyaf và Jemaah Islamiyah đang sống ở Philippines.
Gần đây nhất, hồi tháng 7, tổ chức Abu Sayyaf đã giết hại 7 binh sĩ trên đảo Jolo.
Trong khi đó, tại miền Nam nước này, cuộc chiến chống khủng bố vẫn gia tăng cường độ. “Chúng tôi vẫn chưa thắng được tổ chức Abu Sayyaf và mạng lưới khủng bố. Chúng vẫn còn những cơ sở hoạt động và liên minh với những nhóm khác, như với Jemaah Islamiyah”, chuyên gia chống khủng bố Rodolfo Mendoza thừa nhận.
Xin nói thêm, Abu Sayyaf, nhóm tuyên bố đang chiến đấu để thành lập một nước Hồi giáo ở miền Nam Philippines, đã trở thành nhóm được biết đến nhiều nhất vì hàng loạt vụ bắt cóc đòi tiền chuộc. Giới chức cảnh sát và các chuyên gia về khủng bố Đông Nam Á cho rằng, nhóm này có liên hệ với mạng lưới al-Qaeda cũng như các chiến binh Hồi giáo Jemaah Islamiyah ở Indonesia.
Được biết, để đối phó với khủng bố, các nước trong khu vực đã đề ra nhiều giải pháp cũng như tiến hành không ít hành động mạnh tay.
Đáng chú ý, đầu tháng 1/2007, tại Hội nghị Thượng đỉnh Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra ở Philippines, lãnh đạo các quốc gia thành viên đã cùng nhau ký Công ước Chống khủng bố. Trong Công ước, các nước ASEAN bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về nguy cơ khủng bố đối với cuộc sống dân thường và là mối đe dọa to lớn đối với nền hòa bình quốc tế. Tuy nhiên, lãnh đạo các nước ASEAN cũng tái khẳng định rằng, khủng bố không nên gắn với bất kỳ tôn giáo, quốc gia, nền văn minh hay nhóm dân tộc nào. Bản Công ước còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhận dạng và giải quyết hiệu quả các nguyên nhân gốc rễ của chủ nghĩa khủng bố trong việc xây dựng các biện pháp chống khủng bố.
Kỳ cuối: Phải diệt trừ tận gốc
Trọng Thành - Thanh Phương (Tổng hợp)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".
Hoài Phương
12:46 11/12/2024(Thanh tra) - Ông Benjamin Netanyahu là Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên của Israel bị buộc tội trong lịch sử nước này.
Ngọc Anh
10:45 11/12/2024Bích Tuệ
15:10 10/12/2024Ngọc Anh
11:56 10/12/2024Ngọc Anh
12:58 05/12/2024Đức Anh
14:42 04/12/2024Ngọc Giàu
T.Lương
Đông Hà
Cảnh Nhật
Thu Huyền
Đông Hà
Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân