Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kỳ V: Ấn Độ không ngồi yên

Thứ tư, 04/07/2012 - 06:40

(Thanh tra) - Trong một công trình nghiên cứu về các thị trường đang vươn lên, Tạp chí Quốc phòng Jane’s Defence Weekly của Anh ước tính, trong khoảng thời gian từ năm 2011 - 2015, Ấn Độ có thể chi ra khoảng 100 tỷ USD để mua vũ khí.

Ảnh: AP

>> Kỳ IV: Philippines trả đũa
>> Kỳ III: Nước Nga kiêu hãnh

>> Kỳ II: Hành động của Trung Quốc
>> Kỳ I: Mỹ chuyển hướng chiến lược


Gia nhập câu lạc bộ tên lửa liên lục địa


Ngày 19/4/2012, tên lửa mang đầu đạn có tên là Agni V, đã được phóng đi từ bang Orissa ở miền Đông Ấn Độ nhằm thẳng vào mục tiêu trong vùng biển phía Nam Ấn Độ Dương.

Người đứng đầu Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ, ông V.K. Saraswat, cho biết, đây là một vụ thử nghiệm thành công. Vụ phóng đã đạt được tất cả các mục tiêu của nó. “Vụ phóng này thực sự đã gửi một thông điệp tới toàn thế giới rằng, Ấn Độ có khả năng thiết kế, phát triển, xây dựng và sản xuất các phi đạn thuộc loại này”.

Uday Bhaskar - nhà phân tích chiến lược tại Quỹ Hàng hải Quốc gia ở New Dehli được Đài Tiếng nói Hoa Kỳ dẫn lời cho biết: Với tầm bắn xa trên 5.000km, tên lửa Agni V (có chiều dài 17,5m, dùng nhiên liệu rắn, có 3 tầng và nặng 50 tấn) có thể phóng các đầu đạn hạt nhân (nặng đến 1,5 tấn) tới bất cứ địa điểm nào ở châu Á và các mục tiêu ở một số khu vực của châu Âu. “Tôi nghĩ, Ấn Độ mưu tìm một thế “có qua, có lại” nào đó, không nhất thiết phải tương đương, mà là khả năng để báo hiệu rằng, sức răn đe của chính Ấn Độ tương đối mạnh mẽ. Và đó là cách tôi đánh giá cuộc phóng thử nghiệm phi đạn Agni hôm nay, như một biểu diễn về mặt công nghệ”, ông Uday Bhaskar nói.

Hiện nay, ngoài Ấn Độ vừa thử nghiệm thành công, mới chỉ có 5 quốc gia Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc và Anh là sở hữu công nghệ tên lửa đạn đạo liên lục địa, với tầm bắn xa hơn 5.500km.

Đánh giá cao các nhà khoa học đã phát triển phi đạn mới, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh bày tỏ hy vọng “trong những năm tới, các nhà khoa học và công nghệ của chúng ta sẽ đóng góp nhiều hơn nữa để cổ vũ tính tự chủ trong lĩnh vực quốc phòng và các lĩnh vực khác trong đời sống quốc gia”.

Trước đó, ngày 15/11/2011, người phát ngôn của Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ cũng đã phát đi thông cáo nêu rõ việc New Delhi đã thử nghiệm thành công một tên lửa có tầm bắn xa nhất từ trước tới thời điểm đó. Tên lửa Agni IV, đã được bắn về hướng Ấn Độ Dương, vượt qua vịnh Bengal, từ một căn cứ thuộc tiểu bang Orissa. Tên lửa Agni là 1 trong 5 loại tên lửa do Ấn Độ phát triển từ năm 1983.

Tên lửa Agni IV có tầm bắn tối đa lên tới 3.500km và có thể mang một đầu đạn hạt nhân nặng khoảng 1 tấn. Theo Hãng Thông tấn AFP của Pháp, với tầm bắn này, tên lửa của Ấn Độ có thể tấn công được các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Trung Quốc.

Tham vọng lập hạm đội tàu ngầm hạt nhân

Không chỉ bước vào câu lạc bộ khép kín của số ít quốc gia có tên lửa liên lục địa, với việc tiếp nhận tàu ngầm Nerpa, được Nga cho thuê trả dần trong 10 năm, Ấn Độ đã một lần nữa gia nhập câu lạc bộ các cường quốc có tàu ngầm hạt nhân. (Cho đến nay, câu lạc bộ này cũng mới chỉ bao gồm Nga, Mỹ, Pháp, Trung Quốc và Anh).

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Arakaparambil Anthony khẳng định:
Tàu ngầm INS Chakra II sẽ tăng cường an ninh và chủ quyền đất nước. Ảnh: AFP


Nhấn mạnh đây là một bước tiến cực kỳ quan trọng hướng tới việc thành lập hạm đội tàu ngầm hạt nhân riêng, tại lễ bàn giao cho lực lượng hải quân hôm 4/4/2012 ở cảng Visakhapatnam thuộc căn cứ Tư lệnh Hải quân miền Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, ông Arakaparambil Anthony khẳng định: Tàu ngầm nguyên tử được xây dựng tại Nga sẽ phục vụ cho hải quân Ấn Độ không chỉ như một đơn vị chiến đấu siêu hiện đại, mà còn như phòng thí nghiệm cho việc nghiên cứu “ngành khoa học phức tạp về chiến tranh tàu ngầm hạt nhân”.

Đây là tàu ngầm thế hệ thứ 3, có độ lặn sâu tối đa 600m, hoạt động liên tục dưới nước trong 100 ngày, với thủy thủ đoàn gồm 73 người. Các vũ khí trang bị trên tàu gồm có 4 ống phóng ngư lôi 533mm và 4 ống phóng ngư lôi 650mm - Đài Tiếng nói nước Nga cho biết. Hiện nay, Nga đang giúp Ấn Độ đào tạo thủy thủ đoàn cho tàu chiến mới.

Theo tinh thần Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân, tàu ngầm (tải trọng 8.140 tấn, được Nga đặt tên là K-152 Nerpa, nhưng đã được hải quân Ấn Độ đổi tên thành INS Chakra II) này sẽ không được trang bị vũ khí nguyên tử mà chỉ mang tên lửa hành trình.

Ấn Độ đã lên kế hoạch hình thành hạm đội chiến đấu hạt nhân đủ mọi chức năng vào năm 2020. Sang năm tới, Ấn Độ hy vọng bổ sung cả tàu ngầm hạt nhân Arihanta vào thành phần hạm đội. Cuối năm nay, Ấn Độ cũng sẽ nhận một hàng không mẫu hạm sửa lại từ mẫu thời Liên Xô. Ngoài ra là 6 chiếc tàu ngầm Scorpene được làm tại Ấn Độ theo cấp phép từ Pháp, trị giá 5 tỷ USD, sẽ đem vào sử dụng từ 2015, chậm hơn kế hoạch 3 năm, theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Arakaparambil Anthony.

Với mục đích biểu dương sức mạnh, ngày 20/12/2011, nhân ngày lễ duyệt hạm đội truyền thống lần thứ 10, Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil đã duyệt lực lượng hải quân tập hợp ngoài khơi thành phố Mumbai. Nhật báo Times of India của Ấn Độ cho biết, cả 3 thành tố thể hiện sức mạnh của ngành Hải quân Ấn Độ dưới biển, trên mặt biển và trên không đều được phô trương, với 81 chiến hạm tham gia buổi lễ, trong đó có tàu ngầm và tàu sân bay INS Viraat, bên cạnh 44 chiến đấu cơ.

Trong bài phát biểu, Tổng thống Pratibha Patil nhấn mạnh: “Hải quân Ấn Độ là một trong những lực lượng nhiều năng lực nhất trong khu vực và với các kế hoạch hiện đại hóa tốt, sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa”.

Đến thời điểm cuối tháng 12/2011, hải quân Ấn Độ có 132 chiến hạm, bao gồm 50 tàu chiến đấu chủ lực và 14 chiếc tàu ngầm tương đối cũ, 80 chiến đấu cơ, 122 trực thăng và 14 máy bay trinh sát không người lái.

Hải quân Ấn Độ cũng đang đặt mua 49 chiến hạm và tầu ngầm mới, cùng với 45 chiến đấu cơ MiG-29K và 12 trinh sát cơ P-8I với tầm hoạt động rộng.

Tháng 9/2011, Báo Izvestia của Nga cho biết, Ấn Độ từng tuyên bố: Vào năm 2012, nước này sẽ đưa vào sử dụng tàu ngầm nguyên tử đầu tiên Arihanta tự chế tạo với tên lửa đạn đạo bố trí trên boong. (Trước đó, hạm đội tàu ngầm của Ấn Độ bao gồm tàu ngầm diesel của Nga, Pháp và Đức).

Theo các chuyên gia, bài báo viết, khi chế tạo tàu ngầm hạt nhân Arihanta, Ấn Độ đã dựa vào thiết kế tàu Skat của Liên Xô. Các kỹ sư Ấn Độ sử dụng các yếu tố của thiết kế và dự án hiện đại hơn tàu diesel Varshavyanka của Nga. Thủy thủ Ấn Độ rất quen thuộc với cả hai dự án này. Và, tàu ngầm mới được trang bị tên lửa đạn đạo, khi bắt đầu phục vụ, sẽ làm thay đổi cán cân lực lượng trong khu vực.

Đại diện Tập đoàn Xuất khẩu Vũ khí Nga Rosoboronexport, ông Vyacheslav Davydenko cho biết, thủy thủ đoàn Arihanta và các tàu Ấn Độ tiếp theo sẽ được đào tạo trên tàu ngầm Nerpa của Nga.

Liên tiếp nhập khẩu vũ khí

Nhiều nhà phân tích được AFP dẫn lời cho rằng, sở dĩ cường quốc Nam Á này phải rốt ráo tăng cường vũ trang vì họ nhận thức được rằng, thiết bị quốc phòng của mình đã lỗi thời vào lúc nhiều mối đe dọa mới xuất hiện.

Máy bay phản lực chiến đấu Rafale. Ảnh: Reuters


Theo Hãng Thông tấn AP của Mỹ, Ấn Độ đang đặt hàng mua phi cơ chiến đấu, tàu tuần dương, trực thăng và súng đạn. Đáng chú ý, Viện Nghiên cứu Hòa bình ở Stockholm (Thụy Điển) cho biết, Ấn Độ chiếm 10% thị trường vũ khí toàn cầu trong khoảng thời gian từ năm 2007 - 2011, qua mặt Trung Quốc với tư cách khách hàng mua vũ khí lớn nhất thế giới.

Nga và Ấn Độ là đồng minh lâu năm. Nga cung cấp cho Ấn Độ khoảng 70% vũ khí - khí tài. (Theo Nhật báo Le Monde của Pháp, từ năm 2006 - 2010, Nga là nước cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ấn Độ, với 82% thị phần).

Đài Tiếng nói nước Nga cho biết, hàng không là một trong những lĩnh vực hợp tác quân sự - kỹ thuật song phương giữa Nga và Ấn Độ. Hiện nay, Nga là nhà xuất khẩu chính cung cấp máy bay chiến đấu cho Ấn Độ. Ngay từ năm 1964, Nga đã xuất khẩu một loạt máy bay MiG-21 cho nước này.

Chưa hết, Ấn Độ còn là đối tác lớn nhất mua các thiết bị thiết giáp của Nga. Quốc gia này đã tăng tổng số xe tăng của mình lên ít nhất 350 chiếc T-90, thông qua các hợp đồng trực tiếp và tổ hợp máy phục vụ sản xuất theo giấy phép. Ngoài ra, theo đánh giá của Trung tâm Phân tích Thương mại Vũ khí Thế giới, vào giai đoạn 2014 - 2019, Ấn Độ có thể mua thêm gần 600 xe T-90C mới.

Năm nay, Nga dự định bán ra nước ngoài 50 máy bay tiêm kích Su-30, trong đó Ấn Độ mua khoảng 30 máy bay Su-30MKI. Ngoài ra, phía Nga còn nhận nâng cấp cho Ấn Độ 15 - 20 máy bay Su-30MKI và 10 chiếc tiêm kích MiG-29K. Ấn Độ cũng là nước mua nhiều nhất máy bay lên thẳng Mi-17-V5 của Nga (khoảng 20 chiếc).

Đầu năm nay (ngày 31/1/2012), bằng thoả thuận trị giá 11 tỷ USD, Ấn Độ đã quyết định mua 126 máy bay phản lực chiến đấu của Hãng Dassault, Pháp - một trong những hợp đồng mua bán vũ khí lớn nhất thế giới. (Sau lần sơ tuyển đầu tiên, mẫu chiến đấu cơ F/A-18 Super Hornet và F-16 Super Viper của Mỹ cùng với MiG 35 của Nga và Gripen của Thụy Điển đã bị loại. Còn lại Rafale của Pháp đua tranh với Typhoon của Tập đoàn châu Âu Eurofighter, được Anh, Italy, Đức và Tây Ban Nha ủng hộ. Rốt cuộc thì mẫu Rafale của Pháp được chọn).

Theo thoả thuận, 18 máy bay phản lực chiến đấu chế tạo sẵn sẽ được giao trong vòng 3 năm tới. Còn 108 chiếc khác sẽ được chế tạo và lắp ráp bởi Tập đoàn Hàng không Không gian Hindustan Aeronautics Ltd, một công ty nhà nước của Ấn Độ, theo hình thức chuyển giao công nghệ.

Trước đó, sau 5 năm thương thuyết, ngày 14/7/2011, Chính phủ Ấn Độ đã chính thức bật đèn xanh cho quân đội mua trang thiết bị quân sự của Pháp và tân trang lại 51 chiến đấu cơ loại Mirage 2000. Tổng trị giá hợp đồng lên tới 2,4 tỷ USD. Công cuộc hiện đại hóa các chiến đấu cơ nói trên kéo dài trong 9 năm, cho phép máy bay Mirage 2000 kéo dài thời gian hoạt động thêm từ 20 - 25 năm nữa.

Máy bay của Hãng Dassault sản xuất tại căn cứ ở Bangalore, Ấn Độ. Ảnh: AP


Lo ngại sức mạnh từ Trung Quốc

Năm 2012, Ấn Độ giành khoản ngân sách trị giá 38 tỷ USD cho quốc phòng, tăng 17% so với năm trước.

Việc New Delhi nhập khẩu các phương tiện quốc phòng hiện đại, theo Nhật báo Times of India của Ấn Độ, nhằm ứng phó với việc Trung Quốc ngày càng bành trướng trong vùng Ấn Độ Dương, cũng như cho phép Ấn Độ bảo vệ các lợi ích kinh tế của mình ở phương xa.

Truyền thông Pháp dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng, nỗ lực hiện đại hóa quân đội Ấn Độ nhằm đối phó với đà vươn lên về mặt quân sự của 2 láng giềng đồng thời là đối thủ truyền thống: Pakistan và Trung Quốc. Mặt khác, tương tự như Bắc Kinh, New Delhi cũng cần có phương tiện hữu hiệu để bảo đảm nguồn cung ứng năng lượng cho mình.

Trong một bài điều trần trước một ủy ban của Thượng viện, ông James Clapper, một quan chức ngành Tình báo Mỹ, cho rằng, Ấn Độ càng lúc càng lo ngại trước các động thái của Trung Quốc tại vùng biên giới đang tranh chấp giữa 2 bên và tại toàn vùng Nam Á nói chung. Ông phân tích: “Quân đội Ấn Độ đang tăng cường sức mạnh, dự phòng trường hợp nổ ra xung đột cục bộ dọc theo đường biên giới đang tranh chấp với Trung Quốc, cũng như để cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương”.

Chính vì xuất phát từ động cơ nói trên mà tiến trình tăng cường vũ trang của Ấn Độ hiện đặt trọng tâm vào 2 binh chủng hải quân và không quân, thay vì vào lục quân như trong thời kỳ trước đây. Ấn Độ đặc biệt tìm cách củng cố lực lượng hải quân để đối phó với việc Trung Quốc càng lúc càng phát triển lực lượng hải quân biển khơi của họ.

Đối với Ấn Độ, lực lượng hải quân Trung Quốc đang trở thành mối đe dọa đối với các tuyến hàng hải thiết yếu cho New Delhi trên Ấn Độ Dương, cũng như đối với các khu vực dầu khí mà Ấn Độ được nước khác trao quyền khai thác tại vùng Biển Đông - RFI (Pháp) nhấn mạnh.

Một bài viết của Hãng Thông tấn AP được BBC (Anh) dẫn lại cho biết, Trung Quốc đã bỏ tiền vào xây dựng cảng biển ở Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh và Myanmar để bao vây Ấn Độ. Cũng theo bài báo, có khoảng 36.000 quân trong các sư đoàn của Ấn Độ đã được triển khai tại vùng Arunda Pradesh tranh chấp với Trung Quốc. Dù đã có 15 vòng đàm phán, biên giới 2 nước vẫn chưa được hoạch định và tuần tra 2 bên vẫn thường xuyên đối mặt nhau.

Giới phân tích cho rằng, dù khả năng xảy ra xung đột giữa 2 nước khổng lồ châu Á là rất xa, nhưng không thể loại trừ một xung đột ngắn tại Himalaya. Thiếu tướng về hưu Gurmeet Kanwal, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến tranh trên bộ ở New Delhi nói rằng, trong vòng mấy năm qua “Trung Quốc đã tăng cường khả năng tác chiến tại khu vực tranh chấp”.

Kỳ VI: Nào, mình cùng mua... vũ khí

Trọng Nghĩa - Thanh Phương
(Tổng hợp)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm