Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kỳ III: Australia: Quốc hội nói không với hôn nhân đồng giới

Thứ sáu, 03/05/2013 - 12:20

(Thanh tra)- Dù Quốc hội Australia vẫn chưa công nhận hôn nhân đồng giới, nhưng nhiều cuộc thăm dò dư luận cho thấy, dân chúng Australia ngày càng ủng hộ quan điểm cho rằng, người đồng tính luyến ái nên được đối xử công bằng trên mọi phương diện, kể cả lĩnh vực hôn nhân.

Tại Hạ viện, dự luật cho phép những người đồng giới kết hôn chỉ nhận được 42 phiếu thuận trong khi có tới 98 phiếu chống. Ảnh: ABC

>> Kỳ II: Mỹ: Tổng thống ủng hộ hôn nhân đồng tính
>> Kỳ I: Pháp: Hôn nhân cho mọi người

Hồi tháng 9/2012, Hạ viện Australia đã bác bỏ dự luật cho phép những người đồng giới kết hôn.

Dù chỉ có 42 phiếu thuận trong khi có tới 98 phiếu chống, nhưng Hạ Nghị sĩ Anthony Albanese, người hậu thuẫn dự luật này, vẫn lên tiếng khẳng định đã có tiến bộ lớn lao trong vấn đề hợp pháp hóa các cuộc hôn nhân đồng giới. Theo ông Anthony Albanese, chỉ vài năm trước đây, số nghị sĩ ủng hộ không thể nào lên tới con số 42.

Những người vận động hôn nhân đồng giới cho rằng, kết quả cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện là cái tát vào mặt đối với những người Australia đồng giới muốn kết hôn với người đồng giới như họ. “Thật là không công bằng cho những người đồng tính luyến ái bị xem là công dân hạng hai” - bà Shelley Argent, Chủ tịch Hội Phụ huynh và Bạn bè người đồng giới nam và nữ, nói.

Cũng theo bà Shelley Argent, thật là đáng xấu hổ cho Chính phủ và toàn thể Hạ viện khi họ bỏ phiếu chống lại dự luật hôn nhân đồng giới.

Đáng nói là, không chỉ vấp phải sự phản đối tại Hạ viện, dự luật cho phép những người đồng giới kết hôn cũng đã bị Thượng viện Australia chối bỏ.

Dự luật do các Thượng Nghị sĩ Đảng Lao động đề xuất chỉ thu được 26 phiếu ủng hộ (và 41 phiếu chống).
 

Dự luật hôn nhân đồng giới đã bị Thượng viện bác bỏ với 41 phiếu chống và 26 phiếu thuận. Ảnh: ABC


Bộ trưởng Bộ Tài chính Penny Wong, thành viên đầu tiên của Chính phủ Australia công khai mối quan hệ đồng giới của mình, cho đó là “một sự thất vọng và một thất bại của Quốc hội Australia trong công cuộc bài trừ nạn phân biệt đối xử”.

Tuy nhiên, cũng giống như Hạ Nghị sĩ Anthony Albanese, bà Penny Wong cho rằng, cuộc vận động cho hôn nhân đồng giới đã đạt được nhiều thành quả và kêu gọi dân chúng tiếp tục vận động để người đồng tính luyến ái được đối xử công bằng.

Truyền thông Australia cho biết, sau khi lưỡng viện Quốc hội bác bỏ dự luật vừa nêu, nhiều người cho rằng, thay vì chờ cho tới khi liên bang có luật công nhận hôn nhân đồng giới, tốt hơn là vận động để các tiểu bang công nhận việc kết hôn dân sự (civil union) giữa những người đồng tính luyến ái.
 

Đáng nói là, dù Quốc hội Australia vẫn chưa công nhận hôn nhân đồng giới, nhưng nhiều cuộc thăm dò dư luận cho thấy, dân chúng Australia ngày càng ủng hộ quan điểm cho rằng, người đồng tính luyến ái nên được đối xử công bằng trên mọi phương diện, kể cả lĩnh vực hôn nhân.Trước đó, theo ABC ngày 26/6/2012, một ủy ban của Thượng viện Australia đã tìm hiểu về sự bình đẳng trong hôn nhân đã đề nghị Quốc hội Australia thông qua đạo luật cho phép hôn nhân đồng giới. Kết quả khảo sát cho thấy, ngày càng có nhiều người Australia ủng hộ hôn nhân đồng giới hơn. Cụ thể: Gần 60% trong tổng số 46.000 ý kiến được gửi tới ủy ban này đã bày tỏ sự ủng hộ hôn nhân đồng giới. Trên cơ sở thăm dò dư luận, ủy ban này đề nghị thay đổi định nghĩa về hôn nhân và Dự luật Sửa đổi Bình đẳng Hôn nhân được mang ra tranh luận và thông qua. “Xã hội Australia đang thay đổi và Đạo luật Hôn nhân cũng phải thay đổi, theo đó hôn nhân không phải chỉ là việc giữa người nam và người nữ mà còn là giữa người đồng giới hoặc chuyển giới” - bà Trish Crossin, Nghị sĩ Đảng Lao động, Chủ tịch Ủy ban của Thượng viện, đặt vấn đề.Ông Alex Greenwich, người đứng đầu Tổ chức Bình đẳng Hôn nhân Australia, nói: Khám phá của Ủy ban Thượng viện phản ánh quan điểm của cộng đồng.Thượng Nghị sĩ Sarah Hanson-Young thuộc Đảng Xanh thì gọi kết quả khảo sát là “quan trọng và đáng nhớ”.Một cuộc biểu tình của những người ủng hộ hôn nhân đồng giới tại Australia. Ảnh: ABC Tất nhiên, không phải ai cũng ủng hộ hôn nhân đồng tính. Còn nhớ, vào đầu tháng 12/2011, tại Đại hội Toàn quốc Đảng Lao động cầm quyền, các đại biểu đã bỏ phiếu công nhận các cuộc hôn nhân đồng tính. (Trước đây, Australia có chính sách cấm hôn nhân đồng giới, nhưng một số bang vẫn cho phép những người đồng tính chung sống với nhau). Bên cạnh đó, Đại hội cũng đồng ý cho phép các nghị sĩ tiến hành một cuộc bỏ phiếu tự do theo ý kiến cá nhân về vấn đề này. Quyết định của Đại hội Toàn quốc Đảng Lao động được giới truyền thông Australia nhận định là quyết định “lịch sử” không những cho Đảng Lao động mà còn cho cả quốc gia. Tuy nhiên, ngay trong nội bộ Đảng Lao động, những mâu thuẫn xung quanh vấn đề này vẫn đang tiếp diễn. Khẳng định bản thân vẫn tiếp tục chống đối việc hôn nhân đồng giới, bà Julia Gillard, Thủ tướng Australia, Chủ tịch Đảng Lao động Australia, nói: “Tôi cương quyết trong vấn đề này và nhiều người biết rõ lập trường của tôi”.Hay như, Thượng Nghị sĩ Helen Polley của bang Tasmania cũng bày tỏ sự bất đồng: “Trong nhiều thế kỉ, đám cưới là một thuật ngữ dùng để chỉ mối quan hệ giữa đàn ông và đàn bà”.Các tôn giáo, đặc biệt là Thiên Chúa giáo, đều kịch liệt chống đối vấn đề hôn nhân đồng tính. “Dựa trên Thánh Kinh, Hội nghị Cao cấp của Giáo hội khẳng định sự ủng hộ của Giáo hội dành cho hôn nhân giữa người nam và người nữ”, Báo The Australian, số ra ngày 5/12/2011, dẫn lời Tổng Giám mục Philip Aspinall, người đứng đầu Giáo hội Anh giáo tại Australia; đồng thời là Tổng Giám mục địa phận Brisbane, bang Queensland.

Không có bằng chứng nào cho thấy, trẻ sống với cha mẹ đồng giới khác biệt với cha mẹ dị giới. Ảnh: Getty Images


Dưới góc nhìn của mình, khoảng 150 bác sĩ thuộc Tổ chức Bác sĩ Ủng hộ Gia đình, bao gồm các bác sĩ thuộc Tổ chức Nhân quyền và Ủy ban Cơ hội Bình đẳng thuộc tiểu bang Victoria, cho rằng, trẻ em được nuôi dưỡng bởi những cặp khác giới tính thì “tốt hơn trong mọi lĩnh vực”.

Hồi tháng 5/2012, trong một bức thư gửi Ủy ban của Thượng viện tìm hiểu về sự bình đẳng trong hôn nhân, các bác sĩ này đã bày tỏ sự phản đối việc hôn nhân đồng giới, đồng thời khẳng định rằng: Hôn nhân giữa 1 người nam và 1 người nữ là “căn bản của 1 xã hội lành mạnh”. (Cần nói thêm, quan điểm của nhóm bác sĩ này đã bị bác sĩ Steve Hambleton, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Australia, bác bỏ. Theo bác sĩ Steve Hambleton, không có bằng chứng nào cho thấy, trẻ sống với cha mẹ đồng giới khác biệt với cha mẹ dị giới. Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Australia cũng nhấn mạnh, quan điểm của tổ chức vừa nêu không phản ánh quan điểm của cộng đồng y khoa vì tại Australia có tới gần 90.000 bác sĩ).

Trong những hành động cụ thể, hồi tháng 12/2012, Bộ trưởng Bộ Các Vấn đề Xã hội, ông Ian Hunger, đã cưới ông Leith Semmens - người chung sống với ông hơn 2 thập kỷ qua, trong một buổi lễ tại Jun, gần thành phố Granada của Tây Ban Nha. Một nhóm người thân và bạn bè của 2 người đã có mặt tại buổi lễ.

Bộ trưởng Ian Hunger đã có dự định kết hôn tại Mỹ vào đầu năm 2012, nhưng do một số trục trặc về vấn đề giấy tờ nên đã chuyển sang Tây Ban Nha - quốc gia cho phép hôn nhân đồng tính từ năm 2005.
 

Bộ trưởng Bộ Các Vấn đề Xã hội Ian Hunger đã cưới ông Leith Semmens tại Tây Ban Nha


Bộ trưởng Bộ Các Vấn đề Xã hội, 52 tuổi, cho biết, ông và bạn đời của mình không muốn đợi đến khi những thay đổi về hôn nhân đồng tính được đưa ra tại Australia. “Có rất nhiều quan điểm khác nhau về hôn nhân đồng giới tại Australia. Có khoảng 60% công dân Australia và rất nhiều Thượng Nghị sĩ ủng hộ việc này, nhưng thực sự vẫn chưa đủ” - Bộ trưởng Ian Hunger,  Thượng Nghị sĩ đầu tiên kết hôn đồng tính, nói.

Được biết, tại Australia, hầu như trường đại học nào cũng có 1 mạng lưới mang tên Queerspace dành cho cộng đồng đồng tính học đường. “Mạng lưới của chúng tôi ra đời để hỗ trợ cộng đồng đồng tính trong phạm vi của trường. Trước hết, chúng tôi cung cấp các thông tin về sức khỏe, an toàn tình dục, cũng như những vấn đề về luật pháp, xã hội, nhận diện giới tính. Ngoài ra, không gian này cũng là nơi để các bạn thư giãn, gặp gỡ làm quen và sinh hoạt thảo luận về các chủ đề” - Dave Rorke, người điều hành của nhóm tại Trường Macquarie, thành phố Sydney, cho biết. Không chỉ có thế, mạng lưới này cũng đặt mục tiêu kêu gọi sự thân thiện với người đồng tính (queer-friendly), thông qua những hoạt động thiết thực như tổ chức một bữa tiệc ngoài trời.
 

Từ ngày 1/7/2009, lần đầu tiên Centrelink (cơ quan trực thuộc Bộ Các Dịch vụ Con người Australia, chuyên cung cấp các dịch vụ xã hội cũng như chi trả phúc lợi cho cộng đồng) công nhận mối quan hệ giữa các cặp đôi đồng tính. Tuy nhiên, với sự thay đổi mới, một số có thể nhận được ít tiền hơn hay thậm chí cả 2 người không nhận được đồng nào nếu như bạn đời của họ có thu nhập vượt quá mức qui định. Họ cũng bị bắt buộc chứng minh quan hệ đồng giới với Centrelink.


Duy Tùng - Ngọc Hà
(Tổng hợp)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm