Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kỳ I: Mỗi năm có khoảng 100 nghìn người chết vì ma túy

Thứ hai, 02/05/2011 - 11:46

(Thanh tra)- Hơn 20 năm trước, một văn kiện mang tính quốc tế đã được thông qua và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 11/11/1990, đó là Công ước Quốc tế về đấu tranh chống lưu thông bất hợp pháp chất ma tuý. Tuy nhiên, kể từ đó, lượng sản xuất và tiêu thụ ma tuý trên thế giới đã tăng lên đáng kể. Theo đánh giá của Liên hợp quốc (LHQ), trên thế giới hiện có khoảng 200 triệu người sử dụng ma túy. Năm 2009, các nước châu Âu chiếm vị trí số 1 về nhu cầu thuốc phiện. Hàng năm, doanh thu từ buôn bán ma túy lên đến 600 tỷ USD. Buôn lậu ma túy và tội phạm ma túy đã lan rộng và trở thành mối hiểm họa xuyên quốc gia.

Ảnh (RIA Novosti): Ma túy bị bắt giữ

Lợi nhuận từ ma túy lên đến hàng trăm tỷ USD
Theo số liệu được đưa ra tại Diễn đàn Quốc tế “Ma túy Afghanistan - Thách thức với cộng đồng thế giới”, diễn ra hồi tháng 6/2010, tại Thủ đô Moscow của Nga, chỉ trong năm 2009, do heroin của Afghanistan mà trên thế giới đã có gần 100 nghìn người bị chết.

Ở Nga, trong 20 năm gần đây, số người nghiện ma túy đã tăng 20 lần. Tuy nhiên, từ năm 2004 - 2007, số người sử dụng ma túy trái phép đã giảm gần 800.000 người. Kết quả điều tra cuối năm 2007 cho thấy, tổng số người nghiện ma túy ở Nga là khoảng 5,1 triệu người. Thông tin từ Cơ quan Liên bang Nga về kiểm soát lưu thông ma túy cho biết, mỗi năm, nước này mất đi khoảng 30 nghìn người vì lạm dụng ma túy.

Trên bình diện quốc tế, tính từ năm 2002, heroin đã giết khoảng 1 triệu người dưới 35 tuổi, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đưa ra con số cảnh báo. “Chúng ta cần khai thông nhận thức rằng, mục tiêu chính trong cuộc chiến tranh không tuyên bố của thế lực ma túy hắc ám là thanh niên”, ông Dmitry Medvedev chỉ rõ và khẳng định: “Nga xem ma túy như là nguy cơ nghiêm trọng đe dọa sức khỏe dân tộc”. Để chống lại cái ác này, ngay trong ngày khai mạc Diễn đàn Quốc tế “Ma túy Afghanistan - Thách thức với cộng đồng thế giới”, Tổng thống Nga đã ký Sắc lệnh phê chuẩn Chiến lược Quốc gia về chống ma túy đến năm 2020.

Là quốc gia sản xuất và… xuất khẩu lượng thuốc phiện lớn nhất thế giới, không ngạc nhiên khi người dân Afghanistan nghiện ma túy cao gấp đôi tỉ lệ trung bình của thế giới. Số liệu do Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của LHQ (UNODC) công bố hồi tháng 6/2010 cho biết, khoảng 1 triệu người Afghanistan nghiện ma túy, với số người nghiện thuốc phiện tăng hơn 50% và nghiện heroin tăng hơn 140% so với năm 2005.

Theo Phó Tổng Thư ký LHQ kiêm Giám đốc UNODC, ông Antonio Maria Costa, hậu quả của mấy thập niên chiến tranh, lượng cung ứng ma túy dồi dào và giá rẻ, cộng với những hạn chế trong việc cai nghiện đã tạo ra “vấn đề nghiện ngập ngày càng tăng ở Afghanistan”. Ông Antonio Maria Costa nói thêm rằng, nhiều người Afghanistan dùng ma túy như một cách tự chữa trị trước những khó khăn của cuộc sống. Quan chức cấp cao này còn nêu rõ, phân nửa người nghiện ma túy ở miền Nam và miền Bắc Afghanistan mang thuốc phiện đem cho con cái của họ.

Số liệu của Cơ quan Liên bang Nga về kiểm soát lưu thông ma túy còn cho thấy, hơn 10 năm trước đây, lượng ma túy sản xuất trên toàn thế giới chỉ bằng một nửa sản lượng của riêng Afghanistan chế ra hiện nay. Tại nước này, rất nhiều nông dân gần như trông vào cây thuốc phiện là nguồn thu nhập duy nhất. Vào mùa thu hoạch, các đầu nậu ma túy đến tận nơi thu mua và trả bằng tiền mặt. Trong khi đó, nếu trồng cây lương thực, như lúa mì chẳng hạn, sẽ bận rộn hơn cả về chăm bón lẫn gặt hái, rồi phải đem đến chợ, mà không có gì bảo đảm sẽ bán được giá. Rõ ràng, với lợi thế về giá, chẳng có bất cứ thứ hoa màu nông sản nào có thể sánh ngang với cây thuốc phiện. Cũng vì thế, việc cây thuốc phiện vẫn tồn tại, thậm chí có xu hướng phát triển cũng là điều không quá khó hiểu.

Đáng nói hơn, chỉ rất ít trong số hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD lợi nhuận rơi vào túi nông dân. Còn thì, tất cả số tiền khổng lồ này chảy vào tài khoản của các tổ chức tội phạm và khủng bố xuyên quốc gia.

Ảnh (Flickr.com/isafmedia/cc-by): Cây thuốc phiện được trồng tại Afghanistan

Các điểm nóng ma túy vẫn chưa… hạ nhiệt
Hồi tháng 3/2010, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố bản báo cáo thường niên về nạn mua bán ma túy trên toàn cầu, trong đó nhấn mạnh: Nạn mua bán ma túy đe dọa đến an ninh, sức khỏe và sự an toàn của dân chúng tại Mỹ cũng như trên toàn thế giới.

Dẫn lại lời ông David Johnson, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách các vấn đề ma túy và thực thi công lực, VOA cho biết, nạn mua bán ma túy bất hợp pháp dẫn đến một thách thức toàn cầu, tác động đến tất cả các quốc gia, nơi ma túy được sản xuất, lưu thông hay tiêu thụ.

Theo ông David Johnson, sản lượng cocain của Colombia tiếp tục giảm bớt mặc dù nước này vẫn là quốc gia sản xuất cocain lớn nhất trong vùng Andes. Colombia được đánh giá là đã có những thành công đáng chú ý sau những nỗ lực dài suốt 1 thập niên nhằm tước quyền kiểm soát của các phần tử nổi dậy chuyên lưu hành ma túy.

Quốc gia láng giềng của Colombia là Venezuela thì bị coi là chưa chứng tỏ được một cam kết tương tự trong việc chống lưu hành ma túy. “Điều tôi muốn nói là, nếu ta nhìn vào bằng chứng thực địa, nơi ma túy xuất phát, được trung chuyển vào vùng Caribe hay châu Phi rồi đưa tiếp vào châu Âu, thì ta sẽ thấy một tuyến đi khác thường của những chuyến xuất khẩu bằng đường hàng không ra khỏi khu vực Venezuela ngay cạnh biên giới Colombia”, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách các vấn đề ma túy và thực thi công lực nói.

Với Afghanistan, chính sách chống ma túy ở nước này đã chuyển từ việc xóa bỏ cây thuốc phiện qua việc tập trung vào các sinh kế khác, nhất là về nông nghiệp. Dù diện tích trồng cây thuốc phiện đã giảm khoảng 30% trong giai đoạn từ năm 2007 - 2009, nhưng Afghanistan vẫn sản xuất hơn 90% khối lượng thuốc phiện dùng để chế biến bạch phiến trong năm 2009.
Tại Mexico, báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ ca ngợi Tổng thống Felipe Calderon cũng như cảnh sát, thẩm phán và người dân nước này trong việc đối đầu với các băng đảng ma túy. Nhờ đó, nhiều trùm buôn lậu ma túy cao cấp đã bị bắt. Chưa kể, Mexico cũng đang tăng cường lực lượng cảnh sát với sự hỗ trợ của Mỹ.

Cũng theo báo cáo, Tây Phi, vốn bị giới buôn lậu ma túy “bỏ qua”, nay đã trở thành một hành lang chính cho đường dây cocain tiêu thụ ở châu Âu.

90% ma túy vào Nga qua lãnh thổ Afganistan
Lãnh đạo Cơ quan Liên bang Nga về kiểm soát lưu thông ma túy cho biết, nạn phổ biến ma túy ở nước này có nguồn gốc từ nước ngoài. Thuốc phiện được đưa vào lãnh thổ Nga từ Afganistan; cocain từ các nước châu Mỹ Latinh; ma túy tổng hợp từ châu Âu.

Đáng chú ý, ma tuý xuất xứ từ Afghanistan là một nguy cơ lớn đe dọa an ninh quốc gia Nga. Chủ tịch Câu lạc bộ các tướng lĩnh Nga, cựu Bộ trưởng Nội vụ, Đại tướng Anatoly Kulikov xác nhận: 90% khối lượng ma túy vào Nga qua lãnh thổ Afganistan. Cụ thể, mỗi ngày, bọn buôn lậu ma tuý vận chuyển hơn 200kg heroin và cần sa qua những đoạn đường biên giới ít được bảo vệ giữa các nước Trung Á và Nga. Mỗi năm có gần 30 tấn heroin lọt vào lãnh thổ Nga từ Afghanistan. Số liệu của Cơ quan Tình báo Pakistan khẳng định, ở các tỉnh phía Bắc Afghanistan có hơn 500 phòng thí nghiệm sản xuất ma tuý, đa phần lượng heroin chuyển vào Nga.

Giám đốc Cơ quan Liên bang Nga về kiểm soát lưu thông ma túy Viktor Ivanov nhấn mạnh: Các nhóm tội phạm từ Kirgizya và một số quốc gia Trung Á vận chuyển chất ma tuý từ Afghanistan vào Nga. Hiện nay, các nhóm buôn lậu bắt đầu thống nhất lại thành cartel ma tuý. “Các nhóm mạnh hơn áp đặt sự kiểm soát. Cá lớn nuốt cá bé. Kết quả là, nhóm lớn có nhiều phần tử vũ trang và nhiều vũ khí. Trong sự cạnh tranh đẫm máu giữa các cartel ma tuý thường có những vụ giết người, vụ nổ. Những nhân vật tội phạm lọt vào cơ quan chính quyền. Ngày nay, các cartel ma tuý lộng hành ở Trung Á có dự trữ tài chính lớn hơn so với ngân khố quốc gia của các nước quá cảnh ma tuý”. Cũng theo lời ông Viktor Ivanov, nhiều khi, những người dân bị bần cùng hoá của các quốc gia Trung Á buộc phải tham gia vận chuyển ma tuý. Vì thế, cần phải đặc biệt lưu ý đến người dân nước ngoài nhiều lần qua biên giới.

Xin được nói thêm, tại Nga, dù bắt được quả tang, song không phải lúc nào các cơ quan hành pháp cũng đủ khả năng trừng trị những kẻ buôn bán ma túy một cách thích đáng. Vì thế, Thiếu tướng Igor Sunyaev thuộc Cơ quan Liên bang Nga về kiểm soát lưu thông ma túy cho rằng, phải khẩn trương đưa những sửa đổi vào pháp luật hiện hành. “Cần bổ sung những qui định để không phải các cơ quan an ninh có nhiệm vụ xác minh xuất xứ tài sản đối tượng buôn lậu ma túy mà chính bản thân đối tượng này cần chứng minh rằng, họ sở hữu tiền bạc, tài sản thông qua con đường hợp pháp. Nếu không, toàn bộ tài sản này sẽ bị tịch thu”.


Cũng cần nhấn mạnh, ở Nga, việc sử dụng ma túy không phải là hành động phạm pháp. Chỉ những đối tượng buôn bán ma túy mới bị truy tố. Còn người nghiện gần như được phó mặc cho chính bản thân họ. Những người này không những chết dần chết mòn mà còn lôi kéo vào vòng tội lỗi những ai chưa từng nếm mùi thuốc nghiện. Do đó, Thiếu tướng Igor Sunyaev đề nghị “nên áp dụng hệ thống chữa bệnh bắt buộc đối với người nghiện, bởi chỉ số ít tự nguyện muốn điều trị. Thay thế việc ngồi tù bằng một thời gian chữa nhất định. Chữa bệnh phải đi kèm với hoạt động phục hồi. Và tất nhiên, những công việc này cần được gắn liền với nguyện vọng của người nghiện. Nếu đối tượng muốn thoát khỏi sự lệ thuộc ma túy thì việc làm trên đây sẽ có ích cho anh ta. Trái lại, nếu người này chỉ muốn chữa bệnh để không phải ngồi tù thì có lẽ, không đem lại mấy kết quả”.

Hồi tháng 3/2011, ruvr.ru cho biết: Sắp tới, học sinh, sinh viên và đại diện một số ngành, nghề bắt buộc phải kiểm tra ma túy và nghiện rượu. Sáng kiến lập pháp này đã được đệ trình lên Viện Duma (Hạ viện) TP Moscow để phê chuẩn. Tuy nhiên, biện pháp đề phòng này đã gây ra nhiều cuộc tranh luận nóng bỏng trong dư luận xã hội cũng như giới chuyên môn.

Dự thảo văn bản gửi Viện Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga cho biết: “Để xác định cá nhân tiêu thụ trái phép ma tuý và các chất gây nghiện, Nga đang tiến hành nghiên cứu sơ bộ về vấn đề này”. Theo Dự thảo, các biện pháp kiểm tra y tế đối với học sinh, sinh viên và đại diện một số ngành, nghề được tổ chức nhằm mục đích ngăn chặn lạm dụng ma túy, nghiện ma túy, nghiện rượu và các bệnh nguy hiểm.

Theo số liệu của LHQ, trong 10 năm qua, số người nghiện ma túy ở Nga đã tăng gấp 10 lần. Vì thế, Nghị sĩ Yevgeny Roizman, Chủ tịch Quỹ TP không ma túy cho rằng, xét nghiệm kiểm tra nghiện ma túy là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất có thể đảo ngược xu hướng. “Nhất định phải kiểm tra học sinh lớp 9, lớp 10 và lớp 11 mà không cần một luật đặc biệt nào cả, chỉ cần có sự tham gia của đại diện ban phụ huynh. Chưa hết, phải tiến hành kiểm tra trong các trường đại học. Khi nhập trường, sinh viên cần ký cam kết, nếu sử dụng chất gây nghiện thì sẽ bị đuổi học”.

Tuy nhiên, ông Alexander Mikhailov, cựu Cục trưởng Cục Thông tin của Cơ quan Liên bang Nga về kiểm soát lưu thông ma túy thì vẫn băn khoăn về chuyện, cho đến nay, vẫn chưa biết sẽ xử lý học sinh, sinh viên bị phát hiện dùng ma túy như thế nào. “Nếu chúng ta báo cho phụ huynh, nhưng bản thân những bậc cha mẹ này cũng nghiện ma túy thì sao? Liệu họ sẽ đối xử với vấn đề của con em mình như thế nào? Chưa kể, nhiều thanh niên lo sợ rằng, mọi người trong lớp sẽ biết về chuyện họ bị nghiện ma túy. Quan trọng hơn, người ta vẫn không biết phải làm thế nào với trẻ em phụ thuộc vào chất gây nghiện”.

Ủng hộ việc tiến hành các thủ tục kiểm tra, song ông Alexander Mikhailov cũng cảnh báo về việc tốn kém tiền bạc, nhất là khi hiệu quả các thử nghiệm không cao. Cựu Cục trưởng Cục Thông tin cho biết, vài năm trước, Tatarstan (nước Cộng hòa thuộc Liên bang Nga) cũng đã tổ chức một thí nghiệm tương tự. Có điều, từ hàng chục nghìn người được kiểm tra, chỉ phát hiện ra khoảng 10 người nghiện ma túy. “Thử nghiệm tỏ ra rất tốn kém, nhưng, phát hiện 1 người nghiện ma túy từ đám đông tốn tiền nhiều hơn so với đạt huy chương Olympic”, ông Alexander Mikhailov nói. Cũng theo chuyên gia này, hạn chế bởi pháp luật là chưa đủ. Cuộc chiến chống ma túy phải được tiến hành một cách toàn diện. “Ở nước ta, chưa có một hệ thống điều trị bệnh nghiện ma túy và phục hồi chức năng bình thường. Vì vậy, nên bắt đầu từ vấn đề này”, ông đề xuất.

Được biết, Nga dự kiến đưa đại diện của Bộ Quốc phòng vào Cơ quan Liên bang Nga về kiểm soát lưu thông ma túy. Một trong những chức năng của quân đội Nga là đấu tranh chống phát tán ma tuý từ Afganistan. Đại sứ Nga tại Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Dmitry Rogozin lý giải: “Mỹ hợp tác với chính quyền Colombia và thường xuyên tổ chức những chiến dịch chống mafia ma tuý trên địa bàn nước này. Những quốc gia khác có vấn đề với ma tuý cũng thường làm như vậy, ví dụ Venezuela. Các đơn vị quân đội có nhiệm vụ không cho bọn tội phạm vượt qua biên giới, đặc biệt khi đồn biên phòng chỉ mang vũ khí hạng nhẹ và không đủ sức chống lại đoàn xe của bọn buôn lậu ma tuý có vũ trang tối tân”.

Chuyên gia Leonid Ivashov, Chủ tịch Viện Địa - Chính trị Nga nói thêm: “Một số cơ chế của quân đội Nga có đủ khả năng dự báo ý đồ của băng đảng buôn lậu ma tuý, phát hiện lộ trình tuồn ma tuý vào lãnh thổ Nga và cả nơi ẩn náu của tổ chức tội phạm buôn lậu ma tuý. Ở đây nói về trinh sát quân sự. Thêm vào đó, trong lực lượng vũ trang còn có không quân và các phương tiện liên lạc viễn thông”.

Sau khi Sắc lệnh của Tổng thống Dmitry Medvedev có hiệu lực, Bộ Quốc phòng Nga có thể thành lập các đơn vị chống ma tuý. Ngoài ra, ông Vicktor Ivanov còn đề nghị thành lập một căn cứ quân sự mới của Nga ở miền Nam Kirgizya, trên hành trình phát tán ma tuý từ Afganistan. Dẫn lại kinh nghiệm của nước ngoài, người đứng đầu Cơ quan Liên bang Nga về kiểm soát lưu thông ma túy nói: “Mỹ là một ví dụ rất điển hình. Đường dây khổng lồ vận chuyển cocain từ Colombia đã buộc Mỹ quyết định triển khai tại quốc gia Mỹ Latinh này 7 căn cứ quân sự. Cùng với việc sử dụng không quân, hoạt động của những cơ sở này đã tiêu diệt gần 230 nghìn ha cây coca, trong khi đó, ở Afganistan chỉ có chưa tới 3 nghìn ha được phá bằng cuốc xẻng. Nga đề xuất lập căn cứ quân sự ở Kirgizya bởi hiện tại, chính khu vực Osh của nước này đang là “cửa ngõ” cho ma túy Afganistan chảy vào vùng Trung Á”. (Hiện nay, Bộ Quốc phòng Nga đã và đang tiến hành cuộc đàm phán về nội dung này với phía Kirgizya).

Ông Vicktor Ivanov cũng không loại trừ rằng, những căn cứ như vậy có thể được triển khai tại các tuyến vận chuyển heroin ở những quốc gia khác trong khu vực, ví dụ ở Kazakstan và Tadjikistan.

Làn sóng heroin Afganistan vẫn đang tràn vào các nước thuộc Liên minh châu Âu. Trong khi đó, Liên minh châu Âu hiện đứng đầu thế giới về tiêu thụ thuốc phiện. Đây cũng là vấn đề nhức nhối đối với Nga, đặc biệt ở các khu vực phía Nam đất nước này.

Kỳ II: Chống ma túy - Cần sự chung tay của quốc tế

Kosovo là nơi trung chuyển ma túy khắp châu Âu
Hồi cuối tháng 12/2010, trong một cuộc họp báo, Giám đốc Cơ quan Liên bang Nga về kiểm soát lưu thông ma túy, ông Viktor Ivanov, đã bác bỏ thông tin về việc heroin từ Afghanistan lọt vào châu Âu thông qua lãnh thổ Nga. Theo ông, điều này không hợp với thực tế. “Châu Âu nhận heroin theo hành trình Balkan. Hành trình này đi qua lãnh thổ Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, các nước trên bán đảo Balkan. Nếu trước đây, các nhóm tội phạm của Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ dẫn quá trình lưu thông heroin cho châu Âu, thì hiện nay, thế chủ đạo thuộc về người Kosovo. Khu vực Kosovo là cơ sở chính quản trị mạng heroin ở châu Âu”.

Ông Viktor Ivanov còn khẳng định: “Sản xuất ma túy sản sinh ra nạn buôn lậu ma túy xuyên quốc gia, khiến cho tội phạm có tổ chức gia tăng. Buôn lậu ma túy liên kết với các phong trào cực đoan, ly khai, các tổ chức khủng bố ở ngoài biên giới Afganistan. Chúng tôi rất muốn nhắc tới trường hợp Kosovo, lãnh thổ trên thực tế đã thành đại lý trung chuyển ma túy ra khắp châu Âu”.

Dẫn lại số liệu của Tổ chức Cảnh sát châu Âu (Europol) và Tổ chức Cảnh sát Quốc tế (Interpol), ông Milovan Dretsun, nhà phân tích quân sự Serbia, một trong những chuyên gia uy tín về tình hình Kosovo, cũng thông tin: Đa phần heroin từ Afghanistan chuyển đến châu Âu thông qua Kosovo. Theo một số đánh giá, dòng lưu thông qua địa bàn vùng này gồm 65% heroin của toàn thế giới. Còn nếu tính chung tất cả các loại ma túy thì lượng đến châu Âu thông qua Kosovo chiếm 90%.

Hà Thu - Hà Anh (Tổng hợp từ ruvr.ru)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm