Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ tư, 01/06/2011 - 11:10
(Thanh tra)- Không có phương thuốc vạn năng cho cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố. Tuy nhiên, thành quả trong cuộc đấu tranh chống lại mối đe dọa chung lại tùy thuộc vào sự đoàn kết và đồng thuận hành động của tất cả các thành viên cộng đồng thế giới, đặc biệt là hiện nay, khi toàn cầu hóa đã làm cho thế giới này phụ thuộc lẫn nhau. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã nhấn mạnh như vậy và kêu gọi “cộng đồng quốc tế cần liên kết lại để đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố”.
Đầu tháng này (2/5), Osama Bin Laden, người đứng đầu danh sách truy nã của Mỹ kể từ sau cuộc tấn công liều chết nhằm vào New York và Washington hồi năm 2001, khiến gần 3.000 người thiệt mạng, đã bị lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt tại phía Bắc Pakistan.
Nhật báo Le Monde của Pháp cho biết, vào khoảng 23 giờ ngày chủ nhật, 1/5, hai chiếc trực thăng UH-60 Black Hawks cất cánh từ căn cứ Mỹ ở Jalalabad thuộc Afghanistan, hướng về TP Abbotabad cách thủ đô Pakistan chỉ có 80km. Hai trực thăng Chinook bay theo để yểm trợ. Nhóm làm nhiệm vụ có 79 lính biệt kích, trong đó có 25 thủy quân lục chiến phụ trách truy lùng Bin Laden, cùng 1 chó nghiệp vụ. Đây là những người lính tinh nhuệ nhất của biệt đội bí mật Seal Team 6, chuyên tiêu diệt mục tiêu được nhắm sẵn trên đất địch, được dẫn dắt bởi thủ lĩnh từng tham gia chiến dịch bắt Tổng thống Iraq Saddam Hussein vào năm 2003. Trước đó, đội đặc nhiệm này đã nhiều lần luyện tập trên địa hình được xây dựng từ ảnh chụp nhà Bin Laden ở mặt đất cũng như không ảnh. Nhiều lính biệt kích đội mũ sắt có gắn camera.
Bên trong tòa biệt thự có 22 người sinh sống, trong đó có 3 bà vợ của Bin Laden và khoảng 8 trẻ em. Tầng 1 được quét sạch trước tiên với 4 người bị tiêu diệt ngay tại chỗ: Hai anh em cận vệ của Bin Laden, 1 phụ nữ, 1 con trai của trùm khủng bố. Riêng thủ lĩnh al-Qaeda bị bắn hạ ở tầng 2.
Cuộc đột kích kéo dài chưa đầy 40 phút. Sau đó, biệt đội vội vã bay đi, mang theo rất nhiều két tài liệu quan trọng, hàng trăm đĩa CD-Rom, 5 máy tính, 10 ổ cứng, nhiều USB mà Cục Tình báo T.Ư Mỹ (CIA) nhận định là “cả một kho tàng”, qua đó có thể tìm hiểu về các kế hoạch khủng bố của al-Qaeda cũng như liên hệ (nếu có) với phía Pakistan.
Trong thông cáo phát đi sau đó, tổ chức khủng bố al-Qaeda thừa nhận, Osama Bin Laden “đã chết vì những viên đạn của sự phản bội và bội giáo” nhưng cũng không quên cảnh báo là “máu của Bin Laden sẽ không đổ xuống một cách uổng công và sẽ là điều bất hạnh đối với người Mỹ và những nhân viên của họ”.
Cũng trong thông cáo này, al-Qaeda khẳng định “sẽ tiếp tục con đường thánh chiến mà Bin Laden đã vạch ra”, đồng thời cho biết, chuẩn bị phát 1 cuộn băng ghi âm những phát biểu của Bin Laden 1 tuần trước khi bị tiêu diệt, với nội dung khuyến khích các cuộc nổi dậy trong thế giới Ả Rập.
Trong phát biểu của mình, Tổng thống Mỹ Barack Obama nêu rõ: “Đêm nay, tôi có thể báo cáo với nhân dân Mỹ và với toàn thế giới rằng, Mỹ đã tiến hành 1 chiến dịch, qua đó đã giết chết Osama Bin Laden, thủ lĩnh của al-Qaeda, đồng thời là 1 kẻ khủng bố, kẻ phải chịu trách nhiệm về cái chết của hàng nghìn đàn ông, phụ nữ và trẻ em vô tội. Trong hơn 2 thập niên qua, Bin Laden đã là thủ lĩnh và là biểu tượng của al-Qaeda và ông ta đã âm mưu tấn công chống lại đất nước chúng ta cùng bạn bè và đồng minh của chúng ta. Cái chết của Bin Laden đánh dấu thành tích đáng kể nhất từ trước tới nay cho nỗ lực của đất nước chúng ta trong việc đánh bại al-Qaeda”.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ cũng cảnh báo “cái chết của ông ta không đánh dấu sự kết thúc nỗ lực đó. Không nghi ngờ gì, al-Qaeda sẽ tiếp tục có các cuộc tấn công chống lại chúng ta. Chúng ta phải, và chúng ta sẽ, vẫn thận trọng, cả ở trong và ngoài nước”.
Vụ tập kích cũng đã làm bùng lên phản ứng tức giận tại Pakistan. Nhiều người dân nước này đã bày tỏ sự phản đối trước hành động được coi là “sự xâm phạm của Mỹ vào lãnh thổ Pakistan” và chỉ trích Chính phủ đã để cho vụ việc xảy ra. Phe đối lập và dư luận Pakistan đòi Tổng thống và Thủ tướng phải giải thích vì sao Islamabad để cho đặc nhiệm của Mỹ xâm phạm vào lãnh thổ. Đối lập Pakistan và Mỹ còn cho rằng, chính quyền của Thủ tướng Yousuf Raza Gilani hoặc là bất tài trong việc truy lùng thủ lĩnh al-Qaeda hoặc là đã có thái độ đồng lõa, chứa chấp Bin Laden trên lãnh thổ Pakistan. (Thủ tướng Yousuf Raza Gilani đã phải ra điều trần trước Quốc hội hôm 9/5 liên quan đến cuộc tấn công của Mỹ trên đất Pakistan).
Về phía mình, quân đội Pakistan thừa nhận “có khuyết điểm” trong nỗ lực tìm kiếm Osama Bin Laden. Trả lời phỏng vấn Tạp chí Time, Giám đốc CIA Leon Panetta không ngần ngại cho biết, Mỹ đã không thông báo cho Pakistan về vụ đột kích bởi vì nước này có thể sẽ báo động cho thủ lĩnh al-Qaeda. Chính vì thế mới có chuyện, Bộ trưởng Nội vụ Pakistan, ông Rehman Malik khẳng định trên Đài Truyền hình Ả Rập Al Arabiya là “chỉ được thông báo 15 phút trước khi chiến dịch mở màn”!
Trên chương trình “60 Minutes” (60 Phút) của Kênh Truyền hình CBS, Tổng thống Mỹ Barack Obama từng nhấn mạnh: Thủ lĩnh al-Qaeda chắc chắn phải có 1 hệ thống hỗ trợ nào đó tại Pakistan. Tuy nhiên, người đứng đầu Nhà Trắng không rõ liệu trong đó có người của Chính phủ hay không. Vì thế, ông Barack Obama đã kêu gọi Pakistan mở cuộc điều tra về mạng lưới che chở cho thủ lĩnh al-Qaeda Osama Bin Laden, trong đó nhấn mạnh chính quyền Islamabad cần tìm cho ra liệu có quan chức Pakistan nào biết trước về nơi ẩn náu của trùm khủng bố này hay không. Ngay như Ngoại trưởng Hillary Clinton, hồi tháng 10/2009, khi có chuyến công du tại Pakistan, từng nói thẳng với chính quyền Islamabad là “al-Qaeda đã ẩn náu tại Pakistan từ 2002. Tôi khó có thể tin rằng, không một ai trong Chính phủ của các ngài lại không biết những kẻ này ở đâu và không thể bắt giữ được chúng nếu như họ thực sự muốn làm việc này”.
Trước đó, có những nghi ngờ trong nội bộ Cơ quan Tình báo Pakistan có điệp viên quan hệ lâu năm với các tổ chức phiến quân và biết trước nơi trú ẩn của Bin Laden. Tuy nhiên, Pakistan đã bác bỏ thông tin này.
Rõ ràng, chính quyền Islamabad đang trong thế hết sức khó xử đối với Mỹ, nhất là khi Washington tố cáo Islamabad tỏ thái độ đồng lõa đối với các thành phần quá khích. Dù vậy, trước nhiều sức ép, một mặt luôn khẳng định là đồng minh then chốt của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, nhưng Islamabad đồng thời cảnh báo “sẽ đánh giá lại quan hệ với Mỹ nếu có một chiến dịch đơn phương tương tự diễn ra” - Tổng Tham mưu Trưởng Quân đội Pakistan, Tướng Ashfaq Pervez Kayani nói và cho biết thêm: Đã ra lệnh hạn chế tối đa số lượng sỹ quan huấn luyện Mỹ có mặt ở Pakistan.
Cũng liên quan đến cái chết của trùm khủng bố, một quan chức cao cấp của Liên hợp quốc đã kêu gọi Washington công bố các mệnh lệnh mà đặc nhiệm Mỹ nhận được khi tấn công vào tòa nhà của Bin Laden ở Abbottabad.
Những người chỉ trích thì chất vấn về tính hợp pháp của chiến dịch sau khi Mỹ sửa lại thông tin, thừa nhận “Bin Laden không có vũ trang khi bị bắn chết”. Tuy nhiên, Washington vẫn khẳng định Bin Laden là mục tiêu quân sự hợp pháp. Vì thế, việc giết ông ta là “hành động quốc phòng”.
Đặc phái viên Liên hợp quốc về các vụ hành xử ngoài pháp luật Christof Heyns cũng cảnh báo vụ tiêu diệt Bin Laden có thể “tạo tiền lệ cho các nước vượt qua ranh giới quốc gia để truy bắt kẻ thù trong điều kiện gần như không thể bắt sống được”.
Ở diễn biến mới nhất, vào trung tuần tháng 5 này, trong một nỗ lực nhằm trả thù cho Osama Bin Laden, lực lượng Taliban đã tiến hành 2 vụ đánh bom nhằm vào một trường huấn luyện bán quân sự ở Shabqadar, Charsadda (phía Tây Bắc Pakistan) làm cho 80 người thiệt mạng (bao gồm khoảng 66 tân binh, số còn lại là dân thường) và ít nhất 120 người bị thương. Một số xe ôtô cạnh đó cũng bị hư hại. Aleem Maqbool, phóng viên của BBC ở Islamabad nhấn mạnh: Các lực lượng an ninh thường bị Taliban tấn công, nhưng vụ đánh bom này gây nhiều thương vong nhất trong năm nay.
Theo Cảnh sát Trưởng Charsadda, ông Nisar Khan Marwat, bom nổ khi các tân binh lên xe buýt để đi nghỉ sau khi hoàn tất khóa học. Đáng nói là, cả 2 vụ nổ đều do người mang bom cảm tử tiến hành. “Người đầu đi xe máy và kích hoạt ngòi nổ ngay giữa nhóm tân binh”, AFP trích dẫn phát biểu của ông Nisar Khan Marwat. Và, khi các tân binh khác kéo đến giúp đồng môn thì người mang bom thứ hai, cũng đi xe máy, tiến tới và cho nổ bom”.
Kỳ II: Người chết, chuyện chưa hết
Trọng Thành - Thanh Phương (Tổng hợp)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".
Hoài Phương
12:46 11/12/2024(Thanh tra) - Ông Benjamin Netanyahu là Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên của Israel bị buộc tội trong lịch sử nước này.
Ngọc Anh
10:45 11/12/2024Bích Tuệ
15:10 10/12/2024Ngọc Anh
11:56 10/12/2024Ngọc Anh
12:58 05/12/2024Đức Anh
14:42 04/12/2024Bùi Bình
Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương
Theo EVNNPC
Theo EVNNPC