Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kỳ cuối: Phải diệt trừ tận gốc

Thứ bảy, 07/01/2012 - 07:38

(Thanh tra) - “Giống như với tất cả các loại bệnh tật, cần đấu tranh không chỉ với hậu quả mà còn phải với nguyên nhân gốc rễ của nó. Cơ quan đặc nhiệm cần đẩy mạnh công tác và tiêu diệt bọn khủng bố ngay tại nơi huấn luyện chúng” - Thượng tướng, Thượng nghị sĩ Nga Vladimir Kulakov được ruvr.ru dẫn lời.

Trung Quốc diễn tập chống khủng bố. Nguồn: http://www.boston.com

>> Kỳ VII: Cuộc chiến tại Đông Nam Á
>> Kỳ VI: Yemen và al-Qaeda
>> Kỳ V: Thảm kịch Na Uy
>> Kỳ IV: Nga - Nạn nhân của khủng bố
>> Kỳ III: Trường hợp Taliban
>> Kỳ II: Người chết, chuyện chưa hết
>> Kỳ I: Cái chết của Bin Laden


Cũng theo Thượng tướng, để tiêu diệt bọn khủng bố tại những căn cứ đào tạo của chúng, bước thứ nhất là cần tiến hành chiến dịch trinh sát, phát hiện và vô hiệu hóa những kênh cung cấp vũ khí, đạn dược và tiền bạc. Giai đoạn thứ hai là bảo vệ những chủ thể mà bọn khủng bố có thể nhắm vào để tấn công phá hoại gây tội ác. Phương hướng không kém phần quan trọng trong hoạt động chống khủng bố là giải quyết các vấn đề xã hội tại những nước và khu vực hiện đang trở thành những cơ sở “xuất khẩu chiến binh khủng bố”. Cuộc đấu tranh với nghèo đói, vô luật pháp và tham nhũng sẽ góp phần cắt nguồn dinh dưỡng nuôi sống bọn khủng bố.

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev thì khẳng định, không thể chỉ dùng các phương pháp vũ lực để đánh bại khủng bố. Cần phải phát triển kinh tế và cải thiện mức sống ở những vùng đất đang là cơ sở của các nhóm chiến binh.

Cách đặt vấn đề này của người đứng đầu nước Nga đã nhận được sự đồng tình của hầu hết giới phân tích.

Không thể thành công chỉ bằng những cuộc đấu tranh vũ trang với chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Ông Fiodor Lukyanov, Trưởng Ban Biên tập Tạp chí “Nước Nga trong chính sách toàn cầu” chia sẻ: Sau ngày 11/9, khi nước Mỹ và toàn thế giới bị sốc mạnh bởi những gì đã xảy ra, trong một khoảng thời gian nào đó, cuộc đấu tranh chống khủng bố quốc tế đã trở thành nòng cốt của các mối quan hệ quốc tế. Dường như, chủ nghĩa khủng bố quốc tế sẽ thay thế những gì trước kia là hệ tư tưởng đối đầu. Người ta nghĩ: Đây là một mối đe dọa đối với tất cả. Thành phần khủng bố là những kẻ cuồng tín, những người đang chống lại mọi điều nhân đạo. Tất cả chúng ta sẽ đoàn kết lại.

Nhưng, rất nhanh chóng trở nên rõ ràng rằng, trên thực tế không xuất hiện một hiện tượng chung là chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Tồn tại con số rất lớn các chủ nghĩa khủng bố khác nhau. Thật nan giải đối phó với các biểu hiện khủng bố. Chỉ có thể đấu tranh với hiện tượng khủng bố ở một quốc gia cụ thể hoặc một khu vực cụ thể của thế giới. Và, ở khắp mọi nơi, hiểm họa này có nguồn gốc ăn sâu vào các vấn đề mang tính địa phương. Không thể đồng thời đánh bại chủ nghĩa khủng bố tại dải Gaza, ở Dagestan và đảo Bali, bởi ở đâu cũng tiềm ẩn nguyên nhân riêng của mình.

Chỉ rõ “chủ nghĩa khủng bố là sự áp dụng những hình thức bạo lực vay mượn lý do chính trị, chống lại một bên không khiêu khích - nghĩa là chống lại các thường dân. Việc vận dụng vật liệu hay thiết bị hạt nhân là một điều khủng khiếp, là thảm họa”, ông Vladimir Lostenko, cựu lãnh đạo đơn vị chống khủng bố thuộc Cơ quan An ninh Liên bang Nga nhấn mạnh cần đề cao cảnh giác và làm tất cả để vật liệu hạt nhân không lọt vào tay bọn khủng bố.

“Chủ nghĩa khủng bố là căn bệnh khủng khiếp, như tế bào ung thư lan ra khắp thế giới. Chỉ có thể thắng lại nó bằng sự đoàn kết, thống nhất hành động. Cần thiết lập tòa án, hợp thức hóa những động thái trực tiếp”, chuyên gia chống khủng bố lưu ý.

Cần chấm dứt chủ nghĩa khủng bố. Ảnh: EPA

Hồi tháng 7/2011, phát biểu tại Saint-Peterburg trong phiên họp lần thứ 10 của người đứng đầu cơ quan an ninh các nước có quan hệ hợp tác với cơ quan chuyên trách Nga, ông Aleksandr Bortnikov, Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga cảnh báo: Bất kể là đã có những tiến bộ trong hoạt động của liên minh chống khủng bố, song vẫn như trước đây, tiềm năng khủng bố quốc tế còn ở mức cao. Vì thế, “cần lưu ý tình trạng tiếp tục duy trì tiềm năng cao của chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Hôm nay mối đe dọa không chỉ xuất phát từ al-Qaeda và các cơ cấu gắn với nó. Không kém phần nguy hiểm còn là những phong trào khủng bố như: Hizb ut-Tahrir, Đảng Hồi giáo Turkestan, Các bằng hữu Hồi giáo cũng như những phong trào cực đoan như: Tabligi Jamaat và Al-Takfir Wal-Hijjah…”.

Hồi năm 2010, nhân kỷ niệm 9 năm ngày xảy ra vụ tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ, Liên hợp quốc (LHQ) đã kêu gọi các nước tăng gấp đôi nỗ lực chống khủng bố. Theo LHQ, các nước cần tăng cường thực hiện các biện pháp “sức mạnh mềm” (cải thiện giáo dục, thúc đẩy tôn trọng quyền con người...) thay vì các biện pháp “sức mạnh cứng” không ngăn chặn được các cuộc tấn công khủng bố.

Trước đó, năm 2006, Đại hội đồng LHQ từng thông qua Chiến lược Toàn cầu Chống khủng bố gồm 4 phần chính là: Loại trừ các điều kiện có thể phát sinh và phổ biến khủng bố; ngăn chặn và đấu tranh chống khủng bố; tăng cường năng lực của các quốc gia và vai trò của LHQ trong cuộc chiến chống khủng bố, bảo đảm tôn trọng quyền con người và luật pháp trong cuộc chiến chống khủng bố.

Xa hơn nữa, sau vụ tấn công khủng bố 11/9 ở Mỹ, ngày 28/9/2001, Hội đồng Bảo an LHQ đã nhất trí thông qua Nghị quyết 1373 với hàng loạt biện pháp chống khủng bố như: Phong tỏa, tịch thu tài sản của các phần tử khủng bố và ủng hộ khủng bố; tăng cường hợp tác quốc tế chống khủng bố.

5 phương thức hành động chủ yếu của al-Qaeda
Trong bài “Một chiến lược mới đang hình thành”, Báo The Washington Post đã liệt kê 5 phương thức hành động chủ yếu của al-Qaeda.

Thứ nhất, đưa ra vô số những đe dọa và các thông tin giả làm tràn ngập hệ thống tình báo, khiến hệ thống này bỏ qua các thông tin thật.

Thứ hai, đưa ra rất nhiều các thông điệp, video, băng âm thanh và thư trên internet, qua đó ca ngợi những hành động chống lại nền tài chính phương Tây.

Thứ ba, làm yếu đi liên minh thế giới chống khủng bố bằng cách chia rẽ các thành viên chủ chốt, với việc tấn công vào các nước có quân đội triển khai tại Pakistan và Afghanistan, khiến cho công luận của các quốc gia này không ủng hộ chính sách can thiệp.

Thứ tư, không ngừng tìm kiếm những quốc gia mà ở đó chính quyền trung ương suy yếu để làm mất ổn định và sử dụng các nhóm khủng bố địa phương để khai thác các khu vực mà pháp luật không được thực thi.

Cuối cùng là tuyển chọn các thành viên từ các nước không Hồi giáo để dễ dàng tiến hành các vụ khủng bố.     

Được biết, tại hội nghị chuyên đề cấp cao về hợp tác quốc tế chống khủng bố do Đại hội đồng LHQ khóa 66 tổ chức hôm 19/9/2011, LHQ và Arập Xêút đã ký một thỏa thuận mà theo đó, trong 3 năm tới, Arập Xêút sẽ đóng góp 10 triệu USD để thành lập Trung tâm Chống khủng bố của LHQ tại New York.

Trung tâm Chống khủng bố của LHQ có nhiệm vụ hỗ trợ việc thực hiện Chiến lược Toàn cầu Chống khủng bố cũng như thúc đẩy sự hợp tác quốc tế, củng cố khả năng của các quốc gia riêng lẻ và xây dựng cơ sở dữ liệu về các hoạt động hiệu quả nhất trong chống chủ nghĩa khủng bố.

Tại hội nghị, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Nassir Abdulaziz Al-Nasser cho rằng, chủ nghĩa khủng bố chỉ có thể bị đánh bại khi các quốc gia cùng nhau làm việc và hành động với một cam kết chung để thực hiện Chiến lược Toàn cầu Chống khủng bố. Cụ thể là thực hiện những sáng kiến chung, chia sẻ thông tin, tham gia vào việc đánh giá mối đe dọa chung và cung cấp sự hỗ trợ cần thiết bất cứ khi nào cần.

Bên lề hội nghị, Diễn đàn Chống khủng bố Toàn cầu đã chính thức ra mắt với 29 thành viên (và cả Liên minh châu Âu) nhằm mục đích nối kết với nhau bởi một mục đích chung là phát triển một mạng lưới chống khủng bố “cũng linh hoạt và có khả năng thích ứng như những kẻ thù của chúng ta” - nói theo cách của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.

Theo dự kiến, 5 nhóm công tác sẽ tập trung vào việc truy tố các tội phạm hình sự, chống chủ nghĩa cực đoan bạo động và xây dựng khả năng chống khủng bố tại khu vực Sahel của châu Phi, vùng sừng châu Phi và khu vực Đông Nam Á.

Đầu tháng 9, kết thúc phiên họp toàn thể kiểm điểm tiến trình thực hiện Chiến lược Toàn cầu Chống khủng bố, Đại hội đồng LHQ đã nhất trí thông qua nghị quyết về chống khủng bố quốc tế trong đó nhấn mạnh các nước thành viên cần tăng cường hợp tác để chống khủng bố quốc tế, một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với hòa bình và an ninh toàn cầu.

Khẳng định trách nhiệm hàng đầu của các nước thành viên LHQ là thực hiện Chiến lược Toàn cầu Chống khủng bố nhưng cũng cần tăng cường hơn nữa vai trò của tổ chức này, Nghị quyết của LHQ nhấn mạnh nhu cầu đối thoại và sự tham gia của các tổ chức khu vực và xã hội dân sự vào cuộc chiến chống khủng bố.

LHQ cũng kêu gọi các nước chưa ký hoặc chưa phê chuẩn các công ước hiện hành về chống khủng bố đẩy nhanh việc ký kết và phê chuẩn cũng như tiến trình tiến tới ký kết công ước toàn diện về chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

Mới đây nhất, ngày 15/11, tại phiên họp đặc biệt về công việc của 3 ủy ban chống khủng bố và vũ khí hủy diệt, Hội đồng Bảo an LHQ đã một lần nữa khẳng định: Chủ nghĩa khủng bố và phổ biến vũ khí hủy diệt vẫn là mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình và an ninh quốc tế.

Nhấn mạnh mối đe dọa từ mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda vẫn tiếp tục gia tăng, Hội đồng Bảo an kêu gọi các nước thành viên không dung thứ chủ nghĩa khủng bố, hành động khẩn cấp để ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện thông qua việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả các nghị quyết của Hội đồng Bảo an về chống khủng bố, các công cụ pháp lý cũng như thực tiễn khác liên quan đến chống khủng bố.

Hội đồng Bảo an LHQ kêu gọi các ủy ban chống khủng bố tiếp tục tăng cường hợp tác với các tổ chức đa phương khác như: Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học, Tổ chức Cảnh sát Quốc tế, Văn phòng LHQ về giải trừ quân bị, Nhóm Đặc nhiệm Chống khủng bố, Nhóm Đặc nhiệm Hành động tài chính… để tạo điều kiện thuận lợi và tăng cường hiệu quả cuộc chiến chống khủng bố và phổ biến vũ khí giết người hàng loạt.

Nhìn từ góc độ của mình, Quốc vương Abdullah Đệ nhị của Jordany từng lên tiếng cảnh báo rằng, sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn trong việc đối phó với khủng bố, nếu như thế giới không giải quyết các vấn đề cơ bản, như cuộc xung đột Israel - Palestine và tình hình tại Iraq.

Quốc vương Abdullah nhấn mạnh, các cuộc xung đột chưa được giải quyết tại Trung Đông đang khiến cho các tay súng Hồi giáo - những người theo cách ông gọi là những kẻ đang lợi dụng và làm méo mó hình ảnh Hồi giáo - có điều kiện tuyển mộ thêm.

Trả lời phỏng vấn phóng viên BBC, Quốc vương Jordany cho rằng, về lâu về dài thì những kẻ khủng bố sẽ thua trong cuộc chiến này, nếu như thế giới được trao vũ khí chính trị để chiến thắng.

Quốc vương Abdullah Đệ nhị của Jordany cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo Tây phương và Hồi giáo hãy giải quyết gốc rễ các nguyên nhân đằng sau các vụ tấn công bạo lực nhằm vào dân thường. Ông Abdullah tin rằng, cộng đồng quốc tế đang cùng nhau hợp tác một cách có hiệu quả hơn. Thế nhưng, vấn đề không phải là giết thêm hay loại trừ được thêm những kẻ khủng bố. “Chỉ với việc giải quyết tận gốc rễ nguyên nhân gây ra chủ nghĩa khủng bố thì mới có thể chiến thắng”, ông nói.

Trên bình diện toàn cầu, các nước trên thế giới đã bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc chiến chống cung cấp tài chính cho khủng bố. Cụ thể, đến nay đã có ít nhất 173 quốc gia ban hành lệnh phong tỏa tài sản của bọn khủng bố, hơn 100 nước đã ban hành luật mới để đấu tranh chống cung cấp tài chính cho khủng bố và 84 nước đã thiết lập các đơn vị tình báo về tài chính để chia sẻ thông tin.

Là quốc gia chịu tổn thất nặng nề trong cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, Mỹ xác định 4 nguyên tắc chính sách bất di bất dịch là định hướng cho việc xây dựng chiến lược chống khủng bố, gồm:

Thứ nhất, không nhượng bộ và thoả hiệp với bọn khủng bố

Chính phủ Mỹ sẽ không nhượng bộ với bất kỳ cá nhân hay nhóm khủng bố nào đang bắt giữ nhân viên Chính phủ hoặc công dân Mỹ làm con tin.

Mỹ sẽ sử dụng tất cả các nguồn lực thích hợp để đưa những công dân Mỹ bị giữ làm con tin trở về nhà an toàn.

Đồng thời, chính sách của Chính phủ Mỹ sẽ không cho những kẻ bắt cóc con tin được thoả mãn yêu cầu về tiền chuộc, phóng thích tù nhân, thay đổi chính sách hoặc các hành vi nhượng bộ khác.

Thứ hai, đưa bọn khủng bố ra trước công lý để xét xử tội ác của chúng

Mỹ sẽ truy tìm những kẻ khủng bố đã tấn công người dân Mỹ và lợi ích của họ cho dù phải mất bao nhiêu thời gian đi nữa.

Thứ ba, cô lập và gây sức ép đối với những quốc gia bảo trợ hoạt động khủng bố để buộc họ phải thay đổi hành vi.

Thứ tư, giúp nâng cao khả năng chống khủng bố của những nước đang hợp tác với Mỹ và yêu cầu được trợ giúp.

Mới đây, hồi tháng 6/2011, ông John Brennan, cố vấn chống khủng bố hàng đầu của chính quyền Obama, trong một bài diễn văn đọc tại Trường Đại học Johns Hopkins, đã nói: Cuộc nổi dậy mùa Xuân Ảrập tại Trung Đông đã phá hoại ý thức hệ của al-Qaeda và khả năng của tổ chức này thu hút nhân lực mới. Tuy nhiên, theo ông, những tổ chức khủng bố và các quốc gia hỗ trợ khủng bố sẽ tìm cách lợi dụng những bất ổn mà những thay đổi đôi khi có thể mang lại.

Ông John Brennan đã đưa ra 4 nguyên tắc căn bản cho nỗ lực chống khủng bố của Mỹ: Gắn bó với những giá trị căn bản của Mỹ; kiên trì phục hồi sau một cuộc khủng bố thành công; xây dựng những đối tác chống khủng bố với các quốc gia khác và sử dụng những công cụ, khả năng thích hợp trong việc tấn công khủng bố.

Còn, khi phát biểu tại Đại học Luật khoa Harvard (trung tuần tháng 9/2011), ông John Brennan cảnh báo Mỹ sẽ tiếp tục tấn công al-Qaeda ở những nước không có khả năng hay không muốn tự mình làm điều đó, theo VOA.

Cố vấn Brennan khẳng định Mỹ không xem quyền sử dụng sức mạnh quân sự chống lại al-Qaeda chỉ trong phạm vi những chiến trường “nóng” như Afghanistan. Tuy nhiên, ông John Brennan cũng thừa nhận Mỹ không thể sử dụng sức mạnh quân sự “bất cứ khi nào” hay “bất cứ lúc nào” mình muốn.


Trọng Thành - Thanh Phương (Tổng hợp)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm