Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ghế Thủ tướng nhiều quốc gia “lung lay”

Thứ ba, 12/04/2016 - 10:41

(Thanh tra)- Ngày 10/4, hàng nghìn người biểu tình đã tập trung tại quảng trường lớn ở Thủ đô Valletta của Malta yêu cầu Thủ tướng Joseph Muscat từ chức sau khi có thông tin liên quan đến vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama" cho biết hai quan chức trong Chính phủ của ông có các tài khoản "giấu tên" ở nước ngoài.

Hiện Thủ tướng Muscat chưa đưa ra bất cứ bình luận chính thức nào về lời kêu gọi ông từ chức. Tuy nhiên, Thủ tướng Muscat cho biết, sẽ đưa ra quyết định về tương lai của Bộ trưởng Y tế và Năng lượng Konrad Mizzi và Chánh Văn phòng Thủ tướng Keith Schembri khi thu thập được toàn bộ thông tin liên quan và dựa trên ý kiến của dư luận.

Theo thông tin rò rỉ từ vụ "Hồ sơ Panama", ông Konrad Mizzi đã thành lập một Cty tại Panama và một quỹ tín thác tại New Zealand. Cho đến nay, ông Mizzi luôn bác bỏ thông tin cho rằng có những việc làm phạm pháp. Ông Mizzi cũng bác bỏ lời kêu gọi từ chức đồng thời tự đề xuất kiểm toán độc lập đối với ông.

Trong khi đó, Chánh Văn phòng Keith Schembri cũng bác bỏ việc có hành vi sai trái sau khi có thông tin ông này đã thành lập một Cty và một quỹ tín thác tại Panama.

Trước đó, phe đối lập kêu gọi cuộc biểu tình bên ngoài Văn phòng Thủ tướng yêu cầu cách chức cả hai thành viên nội các trên. Theo những người tổ chức biểu tình, ông Mizzi từng là người điều phối các hợp đồng lớn nhất của Chính phủ Malta, trong đó có kế hoạch cổ phần hóa một phần dịch vụ khám chữa bệnh và Cty Cung cấp năng lượng Enemalta...

Liên quan đến vụ "Hồ sơ Panama", ngày 10/4, truyền thông Đức đưa tin, Cty Luật Mossack Fonseca ở Panama đã lợi dụng tên tuổi một số tổ chức cứu trợ quốc tế để che giấu các hành vi rửa tiền, trốn thuế của những Cty ma.

Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn tin từ kênh truyền hình Đức ARD cho biết, Cty Mossack Fonseca đã lợi dụng danh tiếng của một số tổ chức quốc tế như: Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC), Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên hoang dã (WWF) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) để che giấu hoạt động phạm pháp của các Cty ma.

Mossack Fonseca đã thành lập ít nhất hai quỹ riêng để ngụy tạo việc chuyển tiền cho ICRC mà uỷ ban này thực tế cũng không hề được thông báo. Hai quỹ này bao gồm "Quỹ Niềm tin" (Faith Foundation) và “Quỹ Anh em” (Brotherhood Foundation) được vận hành với chủ sở hữu giả của hàng trăm Cty ma mà thực chất là khách hàng của Mossack Fonseca. Cty Mossack Fonseca coi ICRC là bên tiếp nhận lợi ích từ các quỹ, song tiền không bao giờ đến tay tổ chức này. Để làm được điều đó, Mossack Fonseca đã lợi dụng lỗ hổng trong luật xã hội của Panama quy định bên được hưởng lợi ích từ các quỹ không được cung cấp thông tin. Tuy nhiên, khi các ngân hàng hỏi về quan hệ của chủ sở hữu các quỹ thì Mossack Fonseca đã chuẩn bị sẵn một giấy chứng nhận, trong đó xác nhận bên tiếp nhận lợi ích là ICRC. Do vậy, với chiêu thức trên, chủ sở hữu thực sự của các Cty ma có tài khoản ngân hàng luôn được giữ trong bóng tối.

Theo các nhà điều tra, nhiều tổ chức cứu trợ cũng bị lạm dụng tên tuổi trong vụ "Hồ sơ Panama", trong đó có cả tổ chức bảo vệ thiên nhiên WWF và UNICEF.

Ở khía cạnh liên quan, theo Hãng tin AP, lãnh đạo phe đối lập ở Pakistan, ông Imran Khan, ngày 10/4 đã kêu gọi Thủ tướng Nawaz Sharif từ chức liên quan những thông tin rò rỉ trong “Hồ sơ Panama” cho rằng các con trai của Thủ tướng dính líu đến vụ bê bối đang gây rúng động chính trường nhiều nước.

Phát biểu tại cuộc họp báo tại tư dinh ở Thủ đô Islamabad, ông Khan cảnh báo sẽ tổ chức một cuộc biểu tình bên ngoài nhà riêng của Thủ tướng Sharif ở phía Đông TP Lahore nếu Thủ tướng không từ chức. Tuy nhiên, ông Khan không đưa ra thời gian cụ thể.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thông tin Pakistan Pervaiz Rashid đã bác bỏ yêu cầu của ông Khan, đồng thời khẳng định Thủ tướng sẽ không từ chức vì “những cáo buộc vô căn cứ”.

Trước đó, Thủ tướng Sharif đã bác bỏ tất cả những cáo buộc tham nhũng liên quan bản thân ông và các thành viên gia đình. Phát biểu trên truyền hình, nhà lãnh đạo Pakistan công bố đã lập một ủy ban tư pháp độc lập điều tra những cáo buộc liên quan "Hồ sơ Panama" cho rằng 3 người con của ông đang sở hữu một số Cty ở nước ngoài để trốn thuế và che giấu nguồn gốc thu nhập.

"Hồ sơ Panama" gồm 11,5 triệu tài liệu bị rò rỉ của Cty Luật Mossack Fonseca ở Panama hé lộ hành vi tham nhũng và trốn thuế có quy mô toàn cầu. Số tài liệu này ghi lại hoạt động hàng ngày của Mossack Fonseca trong suốt 40 năm qua, cho thấy Cty luật này đã giúp khoảng 140 chính trị gia cùng nhiều ngôi sao thể thao, trùm ma túy... trốn thuế. Đây được xem là vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất từ trước tới nay.

Theo các tài liệu của “Hồ sơ Panama”, các đối tượng trên gồm chính trị gia và doanh nhân, những người đã thông qua Mossack Fonseca để thành lập hơn 220 Cty tại các “thiên đường thuế”.

Trước đó, ngày 8/4, cơ quan công tố El Salvador đã khám xét các văn phòng của Mossack Fonseca. Cơ quan chức năng đã tịch thu 36 máy tính, nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động của Cty trên và lấy lời khai của 7 nhân viên tại đây.

Tại Đức, báo chí ngày 10/4 đưa tin Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schäuble đang lên kế hoạch hành động 10 điểm nhằm ngăn chặn các hành vi trốn thuế, rửa tiền sau vụ “Hồ sơ Panama“ bị tiết lộ gây chấn động thế giới vừa qua.Kế hoạch của ông Schäuble sẽ giúp ngăn chặn việc che giấu tài sản và tiền của tại các thiên đường thuế.

Đức dự định lập hệ thống danh sách chống rửa tiền, trong đó có toàn bộ cơ cấu của một doanh nghiệp cũng như những người được hưởng lợi về kinh tế trong doanh nghiệp đó. Dự kiến, cho tới kỳ nghỉ Hè này, Chính phủ Đức sẽ đề xuất một dự luật liên quan và đây cũng là một phần trong chính sách chống rửa tiền thứ tư của Liên minh châu Âu (EU).

Với sáng kiến mới, ông Schäuble mong muốn tất cả các nước tiêu chuẩn hoá việc nhập dữ kiện; cùng nối mạng, chia sẻ danh sách của mình để giới chức ngành thuế có thể truy cập khi cần.

Cùng với kế hoạch trên, ông Schäuble cũng đề xuất thực hiện một cơ chế trao đổi thông tin tự động để có thể tìm ra những người trốn thuế. Ông cũng ủng hộ việc “minh bạch hoàn toàn“ thay vì cách cấm các Cty ma hoạt động.

Ngoài ra, Berlin cũng có ý định trừng phạt nặng các doanh nghiệp hay ngân hàng có hành vi trốn thuế, cũng như ủng hộ việc thiết lập một “danh sách đen“ này. Panama nhiều khả năng là một trong số các nước bị liệt kê trong danh sách. Bộ trưởng Schäuble cũng kêu gọi Panama hợp tác, đặc biệt là nhanh chóng phê chuẩn thoả thuận thuế quan với Đức. Hai nước đã đàm phán từ 3 năm nay về hiệp định này, song hiện vẫn chưa được phía Panama ký phê chuẩn.

Những ý tưởng trên được đưa ra sau khi “Hồ sơ Panama“ bị rò rỉ, làm bại lộ hàng chục nghìn Cty ma, nơi nhiều chính trị gia và các nhân vật nổi tiếng thế giới che giấu tài sản của mình.

Vương Hậu (Tổng hợp)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm