Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ tư, 03/08/2011 - 08:45
(Thanh tra)- Mới đây, nhà nghiên cứu Yasuhiro Kato thuộc Trường Đại học Tokyo đã lần đầu tiên xác nhận trên Tạp chí Khoa học Anh Nature Geoscience rằng: Nhóm chuyên gia của ông hồi năm 2010 đã tìm thấy trong bùn lấy từ lòng Thái Bình Dương nhiều kim loại hiếm được dùng để sản xuất màn hình phẳng, Ipad…
Một mỏ đất hiếm tại Giang Tây, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
Phá thế độc quyền của Trung Quốc
Tờ Les Echos cho biết, sau khi nghiên cứu 78 khu vực dưới độ sâu từ 3.000 - 6.000m trong vùng biển quốc tế quanh Hawaii và Tahiti, các nhà nghiên cứu Nhật Bản ước tính: Trữ lượng đất hiếm dưới lòng Thái Bình Dương có thể cao hơn đến 1.000 lần so với trữ lượng hiện tại được biết đến trên thế giới. Libération dẫn lại số liệu của chuyên gia Yasuhiro Kato cho biết, phát hiện cho thấy, có tới 110 tỷ tấn đất hiếm trong khi trên mặt đất, con số dự trữ chỉ là 110 triệu tấn. Và, ở vùng có trữ lượng dồi dào nhất, chỉ cần khai thác trên diện tích 5km2 là đã đủ để đáp ứng nhu cầu 1 năm của cả thế giới.
Tuy nhiên, tờ Libération cũng trích lời một chuyên gia thận trọng cảnh báo: Đất hiếm đang làm mọi người điên đảo. Nhưng, không có gì bảo đảm là việc khám phá tất nhiên dẫn đến công cuộc khai thác. Chuyên gia này dẫn chứng: Trong những năm 1970, người ta đã rất hồ hởi với loại đá chứa nhiều kim loại nằm ở đáy đại dương, cho đó có thể là nguồn năng lượng tương lai. Nhưng rốt cuộc thì mọi người đã tính sai, vì không bõ công đầu tư khai thác.
Để phục vụ nghiên cứu thăm dò đất hiếm dưới lòng đại dương, Nhật Bản đã cho xây dựng những cơ sở hạ tầng và kỹ thuật cần thiết trên đảo Okinotori ở phía Nam. Theo các chuyên gia trực tiếp thăm dò, việc khai thác đất hiếm vừa được phát hiện sẽ rất thuận tiện và dễ dàng về mặt kỹ thuật.
Trung Quốc hiện sản xuất đến 97% sản lượng đất hiếm của thế giới. Đáng nói là, thời gian qua, Trung Quốc đã đưa ra nhiều lý do, trong đó có lý do bảo vệ môi trường để giảm đi việc xuất khẩu đất hiếm. Theo một số bình luận, chỉ cần nắm giữ 1/3 trữ lượng thế giới, Trung Quốc đã có thể “khoá chặt” được thị trường mặt hàng chiến lược này bằng cách bán ra với một cái giá mà không ai có thể cạnh tranh được. (Năm 2002, các mỏ ở Mỹ và Australia đã phải đóng cửa vì không cạnh tranh nổi với Trung Quốc về giá). Chính vì thế, với cách giảm lượng xuất khẩu, đã có thông tin cho rằng, Bắc Kinh không ngừng thao túng, làm hiếm đi loại đất cần thiết này.
Theo Libération, với việc nắm độc quyền, hàng năm giảm quota xuất khẩu, Trung Quốc đã khiến giá mặt hàng này tăng lên 300% từ năm 2008. Còn theo phân tích của Reuters, Trung Quốc muốn có thêm lợi nhuận từ nguồn bán đất hiếm. Đồng thời, nước này muốn có công nghệ của chính mình xử lý và đưa vào ứng dụng các khoáng sản đắt tiền. Về phía mình, Trung Quốc phủ nhận việc sử dụng đất hiếm như một lợi thế ngoại giao để chống lại Nhật Bản và nhấn mạnh, việc kiểm soát xuất khẩu là một biện pháp hướng tới việc khai thác mỏ bền vững và bảo vệ môi trường.
Nay thì khác, con số 120.000 tấn mà Trung Quốc sản xuất mỗi năm quả là quá nhỏ bé nếu so với 110 tỷ tấn mà phát hiện của các nhà khoa học Nhật Bản đưa ra.
Đua nhau tìm nguồn cung thay thế
Còn nhớ, vào năm ngoái, Tokyo đã lên tiếng kêu gọi các nhà sản xuất công nghiệp hạn chế tiêu thụ đất hiếm. Đồng thời, kêu gọi giới khoa học tìm kiếm nguồn cung ứng đất hiếm mới ngoài Trung Quốc. Hiện, mỗi năm các công nghiệp kỹ thuật cao của Nhật Bản cần đến khoảng 30 nghìn tấn đất hiếm. Dự kiến, nhu cầu sẽ tăng thêm trong 2 năm tới, một phần vì nhu cầu xe hybrid (vừa chạy bằng điện vừa chạy bằng xăng). 90% lượng nhập khẩu đất hiếm của Nhật Bản đến từ Trung Quốc.
Khi đó, để bảo đảm nhu cầu sản xuất trong nước, Nhật Bản đã đẩy mạnh tìm kiếm nhà cung cấp mới. Ngoài ra, vào trung tuần tháng 11/2010, một trong những nội dung được đề cập trong chuyến thăm Nhật Bản của ông Tsakhia Elbegdorj, Tổng thống Mông Cổ với Thủ tướng Nhật Bản, ông Kaoto Kan nhằm tăng cường mối quan hệ “đối tác chiến lược” đã bàn về nguồn cung cấp đất hiếm. Dẫn lời Tổng thống Mông Cổ, Hãng Kyodo cho biết, ông Tsakhia Elbegdorj đã thúc giục các công ty Nhật Bản nhanh chóng đầu tư vào những dự án phát triển tại các mỏ đất hiếm ở Mông Cổ vì tình trạng cạnh tranh gia tăng khi Trung Quốc hạn chế xuất khẩu mặt hàng này.
Hay như, hồi cuối tháng 10/2010, trong chuyến công du Nhật Bản, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cũng đã đồng ý hợp tác rộng rãi trong các hợp đồng mua bán đất hiếm với Tokyo. Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Akihiro Ohata được BBC dẫn lời tại cuộc họp báo cho biết, trong một công văn, hai Thủ tướng đã “quyết định khảo sát khả năng hợp tác song phương; phát triển, tái chế, tái sử dụng đất hiếm và các loại kim loại hiếm, nghiên cứu và phát triển các ngành công nghiệp liên quan”.
Cũng xin nói thêm, trong những năm gần đây, Chính phủ và các công ty lớn của Nhật Bản đã tham gia những liên doanh để thăm dò và khai thác đất hiếm ở nhiều nơi thế giới trong đó có Việt Nam, Ấn Độ, Kazakhstan, Mông Cổ, Australia và Mỹ. Chưa kể, dẫn lời ông Yasushi Watanabe, một nhà địa chất học tại Viện Thăm dò Địa chất Nhật Bản, VOA cho biết, Nhật Bản đang triển khai kỹ thuật cải tiến việc tái sinh một số đất hiếm từ những sản phẩm điện tử đã bỏ đi. Đồng thời, nước này cũng đang đi tìm những thứ thay thế cho các bộ phận sử dụng đất hiếm.
Về phần mình, Hàn Quốc cũng không ngồi yên. Theo Hãng tin Mỹ Bloomberg, Seoul đã nghĩ đến khả năng hợp tác tay 3 với Tokyo và Washington để tìm nguồn cung ứng khác ngoài Trung Quốc.
Tại châu Âu, Đức đã ban hành một loạt biện pháp nhằm đa dạng hóa nguồn cung cấp đất hiếm, như đặt mua tại Mỹ, Namibia hay Mông Cổ.
Để đối phó với tình trạng khan hiếm đất hiếm, theo Đài Tiếng nói Quốc tế Pháp, ngay từ hạ tuần tháng 9/2010, Mỹ đã cho rằng, cần phải phá vỡ thế độc quyền hiện nay của Trung Quốc đối với loại sản phẩm này. Trong một cuộc điều trần tại Thượng viện, ông David Sandalow, Trợ lý Bộ trưởng Năng lượng Mỹ nhấn mạnh, các quốc gia trên thế giới cần phải đẩy mạnh việc khai thác đất hiếm vì tình trạng tập trung sản xuất tại một nước duy nhất đang tạo ra “những mối quan ngại nghiêm trọng”. Tại Hạ viện, Nghị sĩ Ed Markey, Chủ tịch Tiểu ban Năng lượng đã viết thư cho chính quyền Mỹ yêu cầu mở điều tra về khả năng Trung Quốc cắt giảm việc xuất khẩu đất hiếm. “Việc thế giới lệ thuộc vào Trung Quốc trong lĩnh vực đất hiếm, kèm theo với thái độ của Bắc Kinh sẵn sàng lợi dụng tình hình để gây sức ép trên những hồ sơ quốc tế rộng lớn hơn là mối đe dọa tiềm tàng cho lợi ích an ninh và kinh tế của nước Mỹ”, Nghị sĩ này cảnh báo.
Tất nhiên, Mỹ cũng đã có các kế hoạch nhằm mở cửa trở lại các khu mỏ đã bị đóng vào thời Trung Quốc sản xuất với công suất cực điểm. Trong số này có mỏ Mountain Pass khổng lồ ở California, nơi từng là nguồn cung ứng đất hiếm lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, theo BBC, việc mở lại các mỏ hoặc mở mỏ mới là một quá trình tốn kém. Chẳng hạn như việc hiện đại hóa mỏ Mountain Pass dự kiến sẽ tốn tới hơn nửa tỷ USD. Đây cũng là quá trình mất thời gian, đặc biệt là ở các nước phát triển vì cần phải xin giấy phép môi trường.
Chưa thể thay đổi cục diện ngay lập tức
Rõ ràng, ngay cả khi Trung Quốc không bỏ lệnh hạn chế (hay cấm) xuất khẩu đất hiếm, các mỏ ở những nước khác cũng chưa sẵn sàng đáp ứng nhu cầu. Và như vậy, có thể nói rằng, đất hiếm không phải là quá hiếm, nhưng sẽ sớm trở nên khan hiếm trên thị trường.
Trở lại với phát hiện của giới khoa học Nhật Bản. Các nhà phân tích cho rằng, dù trữ lượng lớn, nhưng phải đợi nhiều năm nữa thì các quặng này mới có thể gây tác động thật sự đến thị trường đất hiếm thế giới. Nói như ông George Pichon, người đứng đầu một tập đoàn chuyên kinh doanh đất hiếm thì, dù việc khai thác khám phá này còn xa vời, nhưng một điều chắc chắn là, nó sẽ làm thay đổi cục diện hiện nay.
Còn hiện tại, theo RFI, về mặt pháp lí, trước khi khai thác trong vùng biển quốc tế, Nhật Bản cần đạt được sự cho phép của Cơ quan Quản lý Đáy biển quốc tế (ISA) của Liên hợp quốc. Và như vậy, Trung Quốc vẫn còn những “ngày đẹp trời để thao túng” - Libération kết luận.
Bích Lan - Trọng Nghĩa (Tổng hợp)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".
Hoài Phương
12:46 11/12/2024(Thanh tra) - Ông Benjamin Netanyahu là Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên của Israel bị buộc tội trong lịch sử nước này.
Ngọc Anh
10:45 11/12/2024Bích Tuệ
15:10 10/12/2024Ngọc Anh
11:56 10/12/2024Ngọc Anh
12:58 05/12/2024Đức Anh
14:42 04/12/2024N. Phó
Thu Huyền
Hương Giang
Trần Quý
Ngọc Phó
Hải Hà
TK
T.Thanh
Phương Anh
Cảnh Nhật
Văn Thanh