Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đằng sau mối quan hệ đầy toan tính giữa Trump, Putin và Netanyahu

Thứ năm, 11/04/2019 - 08:36

Nhờ mối quan hệ tốt đẹp với Nga và Mỹ, ông Netanyahu đã giành được sự ủng hộ của hai cường quốc để thúc đẩy lợi ích của Israel.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AMN.

Nhà lãnh đạo Netanyahu đã nổi lên thành nhân vật đặc biệt trong vòng hai tuần trước cuộc bầu cử Israel khi cùng lúc tổ chức hai Hội nghị Thượng đỉnh thành công với Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Putin.

Động cơ trước mắt của ông Netanyahu khá rõ ràng nhưng đây không đơn thuần là chiến lược ngoại giao phục vụ cho mục đích bầu cử. Có những tác động chiến lược lớn hơn từ các cuộc gặp cấp cao như vậy. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào nhà lãnh đạo của một quốc gia nhỏ bé như Israel lại có thể khiến các siêu cường trên thế giới chấp thuận những lợi ích của nước này và thực hiện đúng lịch trình ông Netanyahu đã vạch ra. Theo nhà phân tích Trung Đông Marwan Bishara, câu trả lời nằm ở quan hệ hợp tác 3 chiều đã từng nở rộ trong một số giai đoạn nhất định, mà có thể định hình Trung Đông trong những năm tới.

“Yêu” ngay từ lần gặp đầu tiên

Tất cả bắt đầu với một cuộc gặp ở Tháp Trump vào cuối tháng 9/2016. Ông Netanyahu, khi đó tới thành phố New York tham dự Hội nghị Thượng đỉnh thường niên của Liên Hợp Quốc. Tại đây ông đã gặp gỡ và làm quen với Donald Trump, khi đó là ứng viên của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Theo cựu cố vấn của Tổng thống Trump Steve Bannon, cuộc gặp nhanh chóng biến thành một “lớp học” về địa chính trị thế giới. Thủ tướng Netanyahu, người có kinh nghiệm dày dặn trên chính trường qua 4 nhiệm kỳ đã trao đổi với tỷ phú bất động sản Mỹ về tầm quan trọng của quan hệ đồng minh Mỹ-Israel trong bức tranh với những mảng sáng tối đầy mâu thuẫn ở Trung Đông.

Cả hai nhanh chóng tỏ ra tâm đầu ý hợp

Ông Netanyahu không chỉ trả lời thỏa đáng các câu hỏi của ông Trump mà còn hợp lý hóa và hệ thống hóa thiên hướng chính sách đối ngoại của nhà tỷ phú về vấn đề an ninh, nhập cư, chủ nghĩa khủng bố, thậm chí là lợi ích của việc xây tường biên giới. Nhà lãnh đạo Israel đã chắt lọc mọi thông tin và gói gọn trong một công thức đơn giản: “Iran mới là kẻ thù chính của chúng ta, chứ không phải Nga”. Ông cho rằng trên thực tế, Tổng thống Nga Putin có những lợi thế đặc biệt có thể giúp cả Mỹ và Israel đối phó với Iran và chống các nhóm Hồi giáo cực đoan.

Vicky Ward, tác giả của cuốn sách bán chạy Kushner nhận định, Netanyahu có tài thao lược giống như một “bậc thầy trong làng cờ vua”, khi khéo léo vận động ông Trump kết thân với Tổng thống Putin để cải thiện quan hệ với Nga. Tất cả những lời khuyên của Thủ tướng Israel đều được ông Trump lắng nghe. Chính vì vậy,  nhà lãnh đạo Mỹ đã dành những lời khen ngợi cá nhân cho ông Putin, bất chấp sự chỉ trích của nhiều nhân vật cứng rắn trong nước và cả đồng minh của Mỹ ở Châu Âu. Hiện giờ, ông Trump đang ấp ủ một học thuyết chiến lược, trong đó xây dựng quan hệ đối tác mới với những lãnh đạo mạnh mẽ cùng chung chí hướng.

Điều gì tạo ra sức hút?

Có một liên minh khá dễ dàng ở cấp độ cá nhân. Cả ba nhà lãnh đạo Nga, Mỹ, Israel dường như có cảm tình với nhau và họ thường dành tặng cho nhau những lời khen ngợi. Họ đều tìm thấy điểm tương đồng bất chấp sự khác biệt về nền tảng chính trị và phong cách. Cả 3 đều là những nhà chính trị quyết đoán, có các hành động và quyết sách mau lẹ, theo đuổi chiến lược mới mẻ, nắm rõ điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Ngay từ khi bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã nhanh chóng thay đổi những chính sách mà người tiền nhiệm Barack Obama xây dựng cả trong lẫn ngoài nước. Ông đã rút Mỹ ra khỏi Hiệp định biến đổi khí hậu Paris, Thỏa thuận hạt nhân Iran, dừng việc hỗ trợ vô điều kiện cho một số đồng minh ở Trung Đông.

Dù ông Putin và ông Trump có suy nghĩ giống nhau, nhưng hai quốc gia của họ có vẻ như đối nghịch về mọi mặt: từ cuộc chiến không gian mạng, hồ sơ hạt nhân, an ninh tại Châu Âu và Trung Đông, vấn đề can thiệp bầu cử. Dẫu vậy, trong quan hệ với Israel cả Tổng thống Putin và Tổng thống Trump đều có ảnh hưởng tương đối, điều mà khó có thể cáo buộc Israel là lợi dụng. Hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ chỉ có một cuộc gặp Thượng đỉnh nhưng không gặt hái được thành công và 4 cuộc gặp bên lề. Trong khi đó, Thủ tướng Netanyahu đã có 5 cuộc gặp thành công với Tổng thống Trump trong hai năm và 13 cuộc gặp thành công với Tổng thống Putin trong 4 năm qua.

Ông Netanyahu luôn biết phải làm gì để điều khiển “cuộc chơi”. Ông kiên trì xây dựng quan hệ thân thiết với Tổng thống Putin dù có nhiều lần thất bại bởi Nga là siêu cường duy nhất mở của đối thoại với những “nhân vật chính” ở Trung Đông, ngay cả khi họ ở thế đối đầu như Iran và Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập, phong trào Hamas và Hezbollah.

Thủ tướng Netanyahu đã tận dụng mối quan hệ đặc biệt với Tổng thống Trump để có được sự nhượng bộ từ ông Putin, trước hết là về vấn đề Syria. Nhà lãnh đạo Nga dường như nhanh chóng bỏ qua lỗi của Israel trong vụ không quân Syria bắn nhầm máy bay quân sự Nga khiến 15 quân nhân thiệt mạng vào tháng 9/2018 và nhất trí thiết lập một nhóm làm việc chung với Israel để theo dõi sự di chuyển của các lực lượng nước ngoài tại Syria.

Nga dường như cũng “nhắm mắt làm ngơ” khi Israel không kích các mục tiêu của Iran tại Syria. Điện Kremlin cũng tiến xa hơn khi đề nghị ông Netanyahu làm trung gian cho cuộc mặc cả rút quân giữa Mỹ, Syria và Iran. Tuy nhiên Thủ tướng Israel đã từ chối bởi đề xuất này kêu gọi sớm dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Iran.

Thử thách không dễ vượt qua

Bất chấp những thành công trong việc củng cố quyền lực và gặt hái được nhiều lợi ích từ mối quan hệ tay 3, Thủ tướng Netanyahu, Tổng thống Trump và Tổng thống Putin không thể biến cảm tình cá nhân thành mối quan hệ gần gũi hơn giữa Nga và Mỹ. Cả ông Trump và ông Netanyahu đều không thể thuyết phục được các phe phái tại Mỹ thay đổi chính sách đối ngoại theo hướng thân thiện với ông Putin, chứ chưa nói đến việc xây dựng một quyết sách chung đối phó với Iran

Dù ông Trump và ông Netanyahu coi Iran là nhân tố đáng lo ngại trong khu vực, nhưng đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tại Mỹ lâu nay vẫn coi Nga là một “đối thủ nguy hiểm” trên trường quốc tế. Đây chính là mâu thuẫn nội tại khi sự cạnh tranh giữa các siêu cường ngày càng gay gắt hơn. Theo một cách nào đó, Nga sau thời gian dài trầm lắng đã trở lại “sân khấu quốc tế” với vai trò là “nhân vật chính” có tầm ảnh hưởng địa chính trị độc lập và “nhân vật phản diện” thường là Mỹ. Giữa Moscow và Washington luôn tồn tại nhiều căng thẳng. Điều này được thể hiện qua quyết định của Tổng thống Putin về các vấn đề Ukraine, Syria và gần đây nhất là Venezuela trong một nỗ lực nhằm thách thức Mỹ.

Dù là người làm chủ thế trận ngoại giao, nhưng việc ông Netanyahu đầu tư quá nhiều cho quan hệ với Nga cũng khiến Mỹ không hài lòng. Thượng nghị sỹ Mỹ thuộc đảng Cộng hòa Lindsey Graham đã cảnh báo Israel nên thận trọng khi thiết lập các thỏa thuận với Nga về Syria vì điều này có thể ảnh hưởng đến các lợi ích của Mỹ.

Israel vẫn là bên được lợi?

Tuy nhiên, lời cảnh báo này lại thành vô tác dụng khi chỉ vài tháng sau đó ông Graham đã ủng hộ quan điểm của Thủ tướng Netanyahu về cao nguyên Golan và kêu gọi chính quyền Tổng thống Trump công nhận chủ quyền của Israel với khu vực này. Tổng thống Trump đã bị cáo buộc là “chà đạp lên luật pháp quốc tế” và đảo ngược chính sách đối ngoại truyền thống của Mỹ kéo dài nhiều thập kỷ qua khi chính thức quyết định công nhận chủ quyền của Israel với cao nguyên Golan. Còn phía Nga chưa có động thái gì và ông Putin cũng không đề cập vấn đề này trong cuộc gặp Thượng đỉnh gần đây nhất với ông Netanyahu.

Với Nga, Thủ tướng Netanyahu đang chờ đợi một câu trả lời, nhưng với Mỹ, ông không thể tìm được một đối tác tốt hơn như chính quyền Tổng thống Trump. Kể từ khi lên nắm quyền, ông Trump đã chủ trương thúc đẩy quan hệ đồng minh tốt đẹp hơn với Israel, bước đầu là rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, tiếp đến công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và cuối cùng công nhận chủ quyền Israel với cao nguyên Golan. Giới quan sát cho rằng, mục tiêu tiếp theo sẽ là Bờ Tây bởi Thủ tướng Netanyahu từng cam kết sẽ sáp nhập các vùng lãnh thổ mà Israel chiếm đóng bất hợp pháp của Palestine nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này. Và ông một lần nữa mong đợi được Tổng thống Trump ủng hộ.

Tựu chung lại, Thủ tướng Netanyahu dù thất bại trong việc thuyết phục Nga và Mỹ hợp tác để định hình lại khu vực Trung Đông nhưng ông đã thành công trong việc giành được sự ủng hộ của Tổng thống Trump và Tổng thống Putin để thúc đẩy lợi ích của Israel. Và trong "mối tình tay ba" này, ông Netanyahu đã thể hiện vai trò là người cầm trịch đầy khôn khéo./.

Theo Hồng Anh/VOV.VN

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm