Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cựu quan chức Bộ Thương mại nhận án tù vì tham nhũng

Đức Anh

Thứ năm, 05/01/2023 - 13:41

(Thanh tra) - Một tòa án Indonesia hôm 4/1 đã kết án tù cựu quan chức cấp cao của Bộ Thương mại vì tội lạm dụng chức vụ quyền hạn, gây tổn thất cho nhà nước.

Indonesia hiện nay vẫn còn những lo ngại về nguồn cung dầu ăn. Trong ảnh: Xe tải chở những chùm quả tươi chứa dầu cọ xếp dỡ hàng tại một nhà máy ở Tây Aceh, Indonesia. Ảnh: Reuters

Trục lợi trong khủng hoảng của đất nước

Theo Hãng tin Reuters, Tổng Chưởng lý Indonesia Sanitiar Burhanuddin hồi tháng 4 năm ngoái đã tuyên bố mở cuộc điều tra về các cáo buộc tham nhũng liên quan đến việc cấp giấy phép xuất khẩu dầu cọ vào thời điểm Indonesia rơi vào khủng hoảng thiếu nguồn cung trong nước, khiến Chính phủ phải quyết định hạn chế xuất khẩu dầu cọ và các chất dẫn xuất, yêu cầu các công ty phải đáp ứng nhu cầu trong nước trước khi được phép xuất khẩu.

Indonesia là quốc gia sản xuất dầu cọ hàng đầu thế giới, thế nhưng đã phải đối mặt với áp lực kiểm soát giá dầu ăn tăng cao. Giá dầu ăn trong nước đã tăng hơn 40% vào đầu năm 2022 theo diễn biến thị trường quốc tế.

Trong một tuyên bố trên truyền hình, Tổng Chưởng lý Sanitiar Burhanuddin cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành một cuộc điều tra và đã tìm thấy những dấu hiệu mạnh mẽ về tội tham nhũng liên quan đến việc cấp giấy phép xuất khẩu cho dầu cọ”.

Ông nói, có bằng chứng là giấy phép xuất khẩu đã được cấp cho các công ty chưa đáp ứng yêu cầu về nghĩa vụ bảo đảm nguồn cung trong nước.

Trong vụ việc này, Indrasari Wisnu Wardhana, cựu Tổng Giám đốc Thương mại Quốc tế của Bộ Thương mại Indonesia, bị kết tội lạm dụng chức vụ quyền hạn và gây tổn thất cho nhà nước, luật sư Aldres Jonathan Napitupulu của ông cho biết.

Cũng theo luật sư, Indrasari bị kết án 3 năm tù.

Indrasari Wisnu Wardhana, cựu Tổng Giám đốc Thương mại Quốc tế của Bộ Thương mại Indonesia. Ảnh: MNC

Trước đó, các công tố viên đã yêu cầu thời hạn tù là 7 năm, theo hồ sơ tòa án.

Aldres Jonathan Napitupulu khẳng định thân chủ của mình vô tội và phủ nhận việc cựu quan chức này nhận hối lộ.

“Chúng tôi sẽ quyết định có kháng cáo hay không trong vòng 7 ngày tới”, luật sư nói.

Những bản án “nhẹ”

Cùng bị kết án với Indrasari Wisnu Wardhana còn có 3 giám đốc điều hành các công ty dầu cọ. Bao gồm: Master Parulian Tumanggor - Thành viên Hội đồng Quản trị Công ty Wilmar Nabati Indonesia; Togar Sitanggang - Tổng Giám đốc Công ty Musim Mas; và Stanley Ma - quản lý cấp cao của Tập đoàn Permata Hijau Group. 3 người này bị kết án từ 1 năm đến 1,5 năm tù giam, theo Văn phòng Tổng Chưởng lý.

Đại diện pháp lý của Stanley Ma cho biết, họ bị kết án vì đã tác động đến quyết định của cựu quan chức Bộ Thương mại.

Theo luật sư của Master và Stanley, họ vẫn đang thảo luận với thân chủ về việc có nên kháng cáo hay không, đồng thời phủ nhận mọi hành vi sai trái.

Reuters không thể liên lạc ngay với luật sư của Togar.

Trong khi đó, Văn phòng Tổng Chưởng lý cho biết, sẽ kháng cáo quyết định của tòa án, yêu cầu các bản án tù tăng nặng hơn.

Ngay từ khi vụ bê bối bị phanh phui, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Muhammad Lutfi đã khẳng định ủng hộ tiến trình pháp lý đang diễn ra. Bộ Thương mại sẵn sàng cung cấp bất kỳ thông tin nào cần thiết trong quá trình điều tra, xét xử.

Năm 2023, lo ngại về nguồn cung dầu ăn vẫn tiếp diễn

Ngành Lâm nghiệp, nổi bật là trồng dầu cọ, là một trong những nguồn thu công quan trọng ở Indonesia. Tuy nhiên, tham nhũng trong lĩnh vực lâm nghiệp từ lâu đã trở thành vấn nạn của quốc đảo này.

Người dân Indonesia thu hoạch dầu cọ. Ảnh: Reuters

Mặc dù là nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới (chiếm khoảng 60% lượng sản xuất dầu cọ toàn cầu), nhưng Indonesia đã phải đối mặt với thực trạng thiếu dầu ăn trong thời gian dài do quy định lỏng lẻo và các nhà sản xuất nội địa miễn cưỡng bán hàng trong nước.

Người tiêu dùng Indonesia có những thời điểm phải mất hàng giờ xếp hàng tại các trung tâm phân phối mới có thể mua được mặt hàng này.

Hồi tháng 5/2022, sau gần 1 tháng ban hành lệnh cấm, Indonesia đã nối lại hoạt động xuất khẩu dầu cọ. Tuy nhiên, lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ từ Indonesia trong thời gian ngắn đã làm rung chuyển thị trường và làm trầm trọng thêm mối lo ngại về nguồn cung toàn cầu hiện có, nó cũng dẫn đến lượng hàng tồn kho trong nước tăng vọt.

Đầu năm nay, Indonesia tiếp tục điều chỉnh chính sách theo hướng thắt chặt xuất khẩu dầu cọ. Theo Reuters, kể từ ngày 1/1/2023, các nhà xuất khẩu sẽ được phép vận chuyển gấp 6 lần khối lượng bán hàng trong nước của họ, thấp hơn tỷ lệ trước đó là 8 lần, để đảm bảo nguồn cung trong nước, đặc biệt là trong quý I/2023.

Một quan chức cấp cao tại Bộ Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư cho biết, tỷ lệ nêu trên sẽ được đánh giá định kỳ bằng cách xem xét tình hình trong nước, bao gồm cả nguồn cung cấp dầu ăn và giá cả.

Theo nghĩa vụ thị trường nội địa (DMO) được áp đặt tại Indonesia, các doanh nghiệp dầu cọ bắt buộc phải bán một phần sản lượng tại địa phương để đổi lấy giấy phép xuất khẩu.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm