Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chuyên gia Canada đánh giá cao Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN

Theo Hương Giang (TTXVN/Vietnam+)

Thứ bảy, 12/09/2020 - 09:29

Chuyên gia cao cấp của Quỹ châu Á-Thái Bình Dương của Canada nhận định đại dịch đã khiến Việt Nam phải chuyển đổi cách thức tổ chức hầu hết các cuộc đối thoại, các hội nghị quan trọng.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Canada. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Những ngày này đang ghi dấu hoạt động ngoại giao sôi động giữa ASEAN và Canada trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 và các Hội nghị liên quan.

Canada - đối tác đối thoại của ASEAN từ năm 1977, đã cùng ASEAN thảo luận về các biện pháp cụ thể để củng cố hợp tác trên các trụ cột chính trị, xã hội và văn hóa.

Ngoại trưởng Canada François-Philippe Champagne khẳng định: “Là một quốc gia thuộc Thái Bình Dương, Canada coi trọng mối quan hệ đang ngày lớn mạnh với tất cả các nước ASEAN. Canada và ASEAN có thể cùng chung tay giải quyết các vấn đề quan trọng của thế giới, ủng hộ hòa bình và an ninh, tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững cho tất cả các quốc gia."

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ông Jonathan Berkshire Miller, Giám đốc Hội đồng chính sách quốc tế, chuyên gia cao cấp của Quỹ châu Á-Thái Bình Dương của Canada, nhận định Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN vào đúng giai đoạn nhiều thách thức, khi thế giới phải đối mặt với cuộc tấn công của đại dịch COVID-19, trong khi những căng thẳng về địa chính trị tại khu vực tiếp tục leo thang. Đại dịch đã khiến Việt Nam phải chuyển đổi cách thức tổ chức hầu hết các cuộc đối thoại, các hội nghị quan trọng.

Ông Miller cho rằng Việt Nam đã tận dụng được cơ hội là Chủ tịch ASEAN để trở thành cầu nối gắn kết với ASEAN, cũng như với các đối tác đối thoại của khối này.

Ông đánh giá cao vai trò của Việt Nam khi phải tiếp tục điều hòa mối quan hệ với Trung Quốc, đồng thời nỗ lực củng cố quan hệ đối tác trong ASEAN và rộng hơn là tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Theo ông Miller, “sự lãnh đạo đúng nguyên tắc và kiên quyết của Việt Nam đã tạo bước tiến trong việc giải quyết các vấn đề dường như khá hóc búa liên quan đến biển Đông."

Chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ông Luis Silva, chuyên gia về quan hệ chính phủ, bày tỏ lạc quan về triển vọng hợp tác giữa ASEAN và Canada trong thời gian tới.

Theo ông Silva, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến khó lường trên quy mô toàn cầu và mối quan hệ ngoại giao khá căng thẳng hiện nay giữa Ottawa và Bắc Kinh, Chính phủ Canada đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và tìm kiếm các giải pháp mới để mở rộng phát triển kinh tế với các nước khác ở Đông Á.

ASEAN là một trong những địa chỉ có thể giúp Canada đạt được mục tiêu này. Canada cùng với bốn nước trong ASEAN (Việt Nam, Singapore, Malaysia và Brunei) đều là thành viên của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Canada và ASEAN đang triển khai Kế hoạch công tác trong khuôn khổ Tuyên bố chung giữa ASEAN và Canada về thương mại và đầu tư, và đã bắt đầu thăm dò khả năng tiến tới một thỏa thuận thương mại tự do song phương.

Ông Silva nhận định: “Những diễn biến này cho thấy cả ASEAN và Canada đều mong muốn làm sâu sắc hơn nữa hợp tác giữa hai bên. Tuy nhiên, tiến trình để các nước đạt được đồng thuận sẽ mất nhiều năm."

ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn thứ sáu của Canada. Giá trị trao đổi hàng hóa giữa Canada và ASEAN đạt hơn 27 tỷ CAD (20,6 tỷ USD) trong năm 2019, so với mức hơn 25 tỷ CAD (trên 19 tỷ USD) năm 2018.

Hoạt động đầu tư và thương mại của Canada ở Đông Nam Á không chỉ tăng mạnh về khối lượng, mà còn bao trùm nhiều lĩnh vực, trong đó có dầu khí, khai mỏ, công nghệ cao, viễn thông, chế biến thực phẩm, dịch vụ tài chính, hàng không…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm