Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chuyện đời thăng trầm của tướng tham nhũng Trung Quốc Từ Tài Hậu

Thứ hai, 16/03/2015 - 16:42

Ngày 15/3, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin cựu phó chủ tịch Quân ủy trung ương, tướng Từ Tài Hậu, đã chết vì ung thư, khép lại cuộc đời binh nghiệp đầy quyền lực nhưng cũng nhiều tai tiếng, bê bối về cuối đời.

Từ Tài Hậu trong một phiên họp quốc hội Trung Quốc năm 2012. Ảnh: EPA

Con đường hoạn lộ trải hoa

Sinh tháng 6/1943 tại tỉnh Liêu Ninh, Từ Tài Hậu có thể nói đã có con đường hoạn lộ đầy thuận lợi mà không ít tướng lĩnh quân đội Trung Quốc phải mơ ước, khi từ chỗ một học viên của Viện kỹ thuật quân sự Cáp Nhĩ Tân những năm 1963-1968, leo lên chiếc ghế phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc, phụ trách mảng nhân sự và kiểm tra kỷ luật, trước khi về hưu năm 2012.

Trước đó, ông Từ từng chỉ là chiến sỹ tại đoàn 39, chiến sỹ tại một trung đoàn pháo binh của bộ chỉ huy quân sự tỉnh Cát Lâm đến năm 1972. Con đường hoạn lộ của Từ bắt đầu lên như diều gặp gió từ năm 1982, khi được cất nhắc lên làm phó rồi trưởng ban nhân sự của phòng chính trị quân khu Cát Lâm.

Trong vòng 10 năm sau đó, ông Từ lần lượt được cất nhắc vào một loạt vị trí phó phòng chính trị, quân khu tỉnh Cát Lâm (1983), trưởng phòng chính trị tập đoàn quân 16 của lục quân, rồi chính uỷ tập đoàn quân 16 (1992).

Ở tuổi 49, Từ Tài Hậu tiếp tục thăng tiến không ngừng khi nhậm chức trợ lý tổng cục trưởng tổng cục chính trị Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), trước khi lên chức phó tổng cục trưởng chỉ một năm sau đó. Năm 1996, Từ được điều động về làm chính ủy quân khu Tế Nam, một quân khu lớn của PLA, kiêm bí thư đảng ủy quân khu này.

Năm 1999, Từ Tài Hậu được thăng quân hàm cấp tướng và bầu vào Quân ủy trung ương và chỉ 5 năm sau đã ngồi vào ghế phó chủ tịch Quân ủy trung ương, vị trí quyền lực thứ hai trong PLA. Vị thế của Từ Tài Hậu càng trở nên vững chắc khi vị tướng này được bầu vào Bộ chính trị, gồm 25 thành viên, của đảng Cộng Sản Trung Quốc năm 2007.

Nhờ đâu chỉ trong thời gian ngắn, Từ Tài Hậu lại thăng tiến nhanh như vậy? Phải chăng đây là con người tài năng gặp thời? Hay người này được một “quý nhân” nào đó che chở?

Theo một bài viết trên Tuần báo Phượng Hoàng số ra tháng 6 năm ngoái, Từ Tài Hậu từng suýt bị loại khỏi quân ngũ năm 1982 do năng lực yếu. Đồng thời cũng vì chưa phải đoàn viên nên trước đó, mãi không được kết nạp đảng. Tuy nhiên, nhờ có một bức thư tay từ Bắc Kinh gửi về Cát Lâm, Từ Tài Hậu đã liên tục được cất nhắc và thăng tiến.

Ăn hối lộ “cực lớn” và án kỷ luật chưa từng có

Trước khi qua đời hôm 15/3 vừa qua vì bệnh ung thư bàng quang, Từ Tài Hậu đang là đối tượng bị điều tra tham nhũng, với cáo buộc ăn hối lộ cực lớn để đổi lại việc cất nhắc cho hàng loạt người khi còn đương nhiệm.

Trước đó đúng một năm, ngày 15/3/2014, Từ Tài Hậu đã bị bắt để phục vụ điều tra, khi đang điều trị tại bệnh viện. Cùng bị bắt với vị “tham” tướng này còn có vợ, con gái và thư ký, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin.

3 tháng sau, Từ Tài Hậu bị khai trừ đảng, chuyển hồ sơ cho cơ quan công tố điều tra, trong động thái chưa từng có đối với một phó chủ tịch Quân ủy trung ương, ít nhất trong vòng 35 năm qua, theo Wall Street Journal.

Đến ngày 28/10, truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng tải thông tin ông Từ đã thừa nhận tội danh nhận hối lộ “với số tiền cực kỳ lớn”, mà theo các nguồn tin trong quân đội nước này vào khoảng 1 tỷ nhân dân tệ (hơn 160 triệu USD).

Từ Tài Hậu (phải) được cho là từng có quan hệ mật thiết với Bạc Hy Lai. Ảnh: AP

Một trong những người được cho là có quan hệ mật thiết với Từ Tài Hậu trong các vụ mua quan bán chức trong quân đội Trung Quốc là Cốc Tuấn Sơn, phó chủ nhiệm tổng cục hậu cần PLA, đã bị bắt trước đó. Cốc thừa nhận từng tặng Từ một chiếc xe Mercedes mới kèm theo 100kg vàng ròng trong xe.

Cốc cũng đã tặng cho Từ một thẻ ngân hàng trả trước với số tiền 20 triệu nhân dân tệ (3,2 triệu USD) để làm quà cưới cho con gái của Từ. Có thông tin từ báo giới Hồng Kông cho rằng gia sản của vị tướng này lên tới 1,3 tỷ USD và hầu hết được cất giấu tại Hồng Kông.

Báo giới Hồng Kông từng đăng tải, khi lực lượng chức năng khám nhà Từ Tài Hậu, họ đã phát hiện hơn một tấn tiền mặt, ngoại tệ. Còn tài sản có giá trị thì phải dùng tới 10 xe tải mới vận chuyển hết.

Quân đội sẽ xử lý những “tài sản bất hợp pháp” của ông ấy đúng theo pháp luật, hãng thông tấn Tân Hoa Xã ngày 15/3 khẳng định.

Vì sao lại là Từ Tài Hậu?

Khi bị bắt để phục vụ điều tra, giới chức Trung Quốc đều biết ông Từ đã lâm trọng bệnh và khó lòng qua khỏi. Vậy nên kết cục vụ điều tra đối với vị nguyên phó chủ tịch Quân ủy trung ương này bị tuyên hủy vào Chủ nhật vừa qua là điều đã được dự liệu từ lâu.

Nhưng theo một số nhà phân tích, với việc nhắm vào ông Từ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như muốn phát đi một thông điệp về sự nghiêm túc của mình trong chiến dịch chống tham nhũng hiện nay.

Andrew Scobell, một chuyên gia về quân sự Trung Quốc tại tập đoàn Rand Corporation từng nhận định trên tờ Wall Street Journal, việc tướng Từ bị khai trừ đảng hầu như chắc chắn nhằm phát đi thông điệp: “không ai đứng trên pháp luật và ông Tập đang nghiêm túc trong chiến dịch bài trừ tham nhũng, bao gồm tham nhũng trong quân đội”.

“Việc lựa chọn ông Từ làm mục tiêu cũng thú vị”, Scobell cho biết thêm. “Tôi nghi ngờ rằng ông ta bị nhắm tới bởi đó là một mục tiêu dễ dàng: ông ấy khá bị cô lập, đã nghỉ hưu, bị bệnh và khó qua khỏi”.

Kênh NTD TV tại Mỹ thì từng dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng, Từ Tài Hậu bị “đả” là một bước trong quá trình loại trừ ảnh hưởng của cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân, người từng là Chủ tịch Quân ủy trung ương khi Từ Tài Hậu được cất nhắc năm 2004.

Theo Thanh Tùng/Dân trí

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm