Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Cảnh báo nạn tham nhũng, lạm dụng quyền lực trong ngành Giáo dục

Hà Anh

Chủ nhật, 04/09/2022 - 06:36

(Thanh tra)- Một báo cáo của Cơ quan Giám sát tham nhũng (Corruption Watch) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng tham nhũng, chiếm dụng nguồn lực, quản lý yếu kém và lạm dụng quyền lực tại các trường học và các cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo (SETA) ở Nam Phi.

Ảnh minh họa: ECDOEZA/Twitter

Corruption Watch đã tập hợp, phân tích dữ liệu từ hơn 3.600 khiếu nại của học sinh, sinh viên, phụ huynh và người giám hộ trong 1 thập kỷ (từ năm 2012 đến năm 2021). Qua đó cho thấy, việc chạy theo các thủ tục và hối lộ là đặc điểm nổi bật trong lĩnh vực giáo dục của Nam Phi.

Cơ quan Giám sát tham nhũng nói rằng, nhiều báo cáo tập trung vào việc các hiệu trưởng lạm dụng quyền lực. Điều này bao gồm sự can thiệp vào việc trao hợp đồng cho các suất ăn.

Ngoài ra, nhiều nội dung khác bị "gắn cờ", như hứa hẹn các vị trí việc làm trong ngành Giáo dục, hay các sinh viên bị "gạ" đổi tình lấy điểm...

Nhà nghiên cứu Melusi Ncala - người viết báo cáo - cho biết, các hình thức tham nhũng phổ biến nhất bao gồm: Lạm dụng nguồn lực (43%), tham nhũng vặt (17,1%), lạm quyền (14,2%), bất thường trong mua sắm (12,3%) và bất thường trong việc làm (12,1%).

Trong 9 tỉnh của Nam Phi, Gauteng là điểm nóng về tham nhũng trong giáo dục với số lượng báo cáo chiếm 32%. Địa phương đứng ở vị trí tiếp theo là KwaZulu-Natal và Eastern Cape.

Theo ông Melusi Ncala, một số tố giác đã được điều tra trong nhiều năm, đặc biệt là liên quan đến trường học. Vào năm 2015, Corruption Watch đã xuất bản một báo cáo có tiêu đề "Sự thất bại của các hiệu trưởng", trong đó nói về một số cuộc điều tra đã được tiến hành. Các nhà chức trách vào thời điểm ấy cho biết, sẽ chắc chắn theo dõi những vấn đề được đặt ra và buộc những người có liên quan phải chịu trách nhiệm.

Ảnh: Biznews

Về tham nhũng trong các chương trình suất ăn, theo ông Ncala, đây là vấn đề rất đáng quan tâm.

Chương trình Dinh dưỡng Trường học Quốc gia ở Nam Phi là một sáng kiến mà cố Tổng thống Nelson Mandela đã khởi động trong bối cảnh tình trạng bất bình đẳng và nghèo đói tột độ trong nước khiến một số trẻ em phải đến trường với cái bụng rỗng.

Trong khi các quan chức thường than thở rằng không có đủ nguồn lực để thực hiện chương trình suất ăn học đường, thì trên thực tế, những tài nguyên này lại bị lạm dụng, sử dụng sai mục đích hoặc bị đánh cắp.

Các tố giác cho thấy, hiệu trưởng, giáo viên, ban giám hiệu, thậm chí cả các thành viên cơ quan quản lý trường học đã "ăn" thực phẩm dành cho trẻ em.

Tham nhũng tình dục cũng xuất hiện "nhan nhản". Đây là một khái niệm đang được phát triển về mặt học thuật. Nó được nói đến nhiều, đặc biệt là bởi Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) - tổ chức mà Corruption Watch là thành viên.

Điều đã xảy ra tại Nam Phi là những người có chức, có quyền trong môi trường giáo dục gạ gẫm tình dục học sinh để đổi lấy việc "giúp" họ đạt điểm cao hơn. Theo những cách khác, tham nhũng tình dục xảy ra khi ai đó nộp đơn xin việc hoặc tìm kiếm sự thăng tiến tại nơi làm việc.

Cũng theo Corruption Watch, biển thủ nguồn lực là một phạm trù tham nhũng, trong đó chủ yếu xem xét các vấn đề về trộm cắp, xà xẻo quỹ, sử dụng sai nguồn lực và lạm dụng các nguồn lực đó. Có thể là những thứ nhỏ, như giáo viên lạm dụng xe cộ, biển thủ văn phòng phẩm và sách để sử dụng cho riêng mình; cho tới những vấn đề tham nhũng lớn hơn, như lãnh đạo các nhà trường xà xẻo hàng triệu tiền quỹ...

"Chúng tôi cũng đang xem xét các vấn đề về quản lý ngân quỹ yếu kém cũng như chi tiêu lãng phí và không hiệu quả", ông Ncala cho biết.

Bên cạnh đó là những bất thường trong mua sắm công. Tại đây, có những tác động trong lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ, và các quan chức giáo dục sẽ thu về những khoản lại quả, những khoản hối lộ làm đầy túi cá nhân.

Cơ quan Giám sát tham nhũng nhận định, trong thập kỷ qua, Chính phủ Nam Phi đã thất bại trong nỗ lực thực hiện các biện pháp mạnh mẽ chống lại những nguyên nhân gốc rễ của tham nhũng.

Theo Chỉ số Cảm nhận tham nhũng (CPI) - một chỉ số tham khảo hàng đầu toàn cầu về tham nhũng trong khu vực công, đánh giá và xếp hạng 180 quốc gia, vùng lãnh thổ, năm 2021, Nam Phi đạt 44 điểm trên thang điểm 100. Đây là điểm số được giữ nguyên trong 3 năm liền 2019, 2020, 2021.

Mặc dù có số điểm cao hơn bình quân các quốc gia châu Phi cận Sahara (33 điểm), nhưng Nam Phi vẫn là quốc gia có tỷ lệ tham nhũng cao trong khu vực công.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm