Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Biển Đông: Trung Quốc không thể áp đặt luật chơi riêng

Thứ hai, 02/11/2015 - 09:42

Bắc Kinh lẽ ra nên theo nguyên tắc thượng tôn pháp luật thay vì cố gắng tự dựng lên các luật lệ của riêng mình và áp đặt các nước khác phải nghe theo.

Các thẩm phán thuộc Hội đồng Trọng tài của PCA trực tiếp thụ lý vụ kiện của Philippines (từ trái qua phải là các thẩm phán: Jean-Pierre Cot, Stanislaw Pawlak, Thomas A. Mensah (Chủ tịch Hội đồng), Rüdiger Wolfrum, Alfred H. A. Soons). Ảnh: PCA

Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) để giải quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc (TQ) về vấn đề tranh chấp biển Đông, đã ra phán quyết hôm 29-10 về thẩm quyền và khả năng tiếp tục xem xét nội dung vụ kiện.

Theo thông cáo báo chí từ La Haye (Hà Lan), PCA khẳng định việc thụ lý và xem xét vụ kiện là phù hợp với các quy định của UNCLOS và sự vắng mặt (từ chối tham gia vụ kiện) của chính quyền Bắc Kinh không thể phủ định thẩm quyền xét xử của tòa.

Mặt khác, PCA cũng bác bỏ luận điểm của TQ rằng: “Tuyên bố TQ - ASEAN về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002 cấu thành một thỏa thuận nhằm giải quyết các tranh chấp ở biển Đông thông qua phương thức duy nhất là đàm phán”.

Tuyên bố của PCA thu hút đông đảo sự chú ý của các quốc gia, giới học thuật lẫn dư luận quốc tế. Trả lời phỏng vấn Pháp Luật TP.HCM, GS-TS James Kraska, chuyên gia chính sách và luật biển tại Trung tâm nghiên cứu Luật Quốc tế Stockton - ĐH Hải chiến Mỹ, nhận định ý nghĩa lớn nhất của quyết định mà PCA vừa mới đưa ra nằm ở chỗ khẳng định giá trị “thượng tôn pháp luật”.

TQ “lạc nhịp” giữa cộng đồng quốc tế

. Phóng viên: PCA tại Hà Lan vừa đưa ra thông báo khẳng định cơ quan này có thẩm quyền trong việc giải quyết vụ Philippines kiện TQ vì đưa ra yêu sách chủ quyền đối với hầu hết khu vực biển Đông. Quyết định lần này của PCA đã mở đường cho Philippines tiến hành tranh luận về các luận điểm mà nước này đặt ra trong hồ sơ gửi đến tòa trước đó. Có nhận định cho rằng “Manila đã ghi bàn trước Bắc Kinh” trong vụ kiện lần này. Ông có nhận định như thế nào về ảnh hưởng từ quyết định PCA đưa ra đối với Philippines và TQ?

+ GS-TS James Kraska: Cho đến thời điểm hiện tại thì TQ vẫn cho rằng quyết định của PCA là “vô năng”, tức không có hiệu lực và giá trị. Thế nên tôi không nghĩ rằng quyết định lần này của Tòa Thường trực sẽ ngay lập tức tạo ra sức ảnh hưởng hay tác động.

Tuy nhiên theo quan điểm của tôi, trong dài hạn sẽ có nhiều quan chức chính phủ lẫn giới học giả TQ nhận thấy rõ ràng rằng những hành động và các yêu sách chủ quyền hàng hải của họ đang “lạc nhịp”, không đúng đắn đối với quan điểm chung của cộng đồng quốc tế.

Tôi cho rằng việc PCA quyết định có thẩm quyền đối với bảy trong tổng số 14 vấn đề (mà phía Philippines đã đưa ra đề nghị tòa xem xét giải quyết) là rất hữu ích. Bởi lẽ quyết định nói trên sẽ cung cấp một môi trường pháp lý rõ ràng hơn (để giải quyết tranh chấp biển Đông) đối với TQ và các quốc gia liên quan khác.

 GS-TS James Kraska, chuyên gia chính sách và luật biển tại Trung tâm Nghiên cứu Luật Quốc tế Stockton, ĐH Hải chiến Mỹ. Ảnh: USNWC

Phải “thượng tôn pháp luật”

. Theo ông thì ý nghĩa lớn nhất của quyết định mà PCA đưa ra vừa qua là gì?

+ Theo quan điểm của cá nhân tôi, ý nghĩa lớn nhất của quyết định mà PCA vừa mới đưa ra nằm ở chỗ khẳng định giá trị “rule of law” (nghĩa là “thượng tôn pháp luật” hay nền pháp quyền - PV) hơn là ý nghĩa “rule by law” (tức là cai trị bằng pháp luật, dùng pháp luật để quản lý hay nền pháp trị - PV).

“Rule of law” tức sự thượng tôn pháp luật - pháp quyền, diễn ra khi tất cả quốc gia - bất kể quốc gia mạnh hay quốc gia yếu hơn đều phải chịu sự ràng buộc như nhau bởi luật pháp (lấy luật pháp để làm nền tảng giải quyết các xung đột - PV). Trong khi đó “rule by law”, tức khả năng cai trị bằng pháp luật - pháp trị, lại diễn ra khi các quốc gia mạnh sử dụng luật để kiểm soát, điều chỉnh các quốc gia yếu hơn.

TQ đã sai lầm khi cho rằng Mỹ đã và đang phát triển một hệ thống luật pháp quốc tế (và sử dụng nó) nhằm mục đích kiểm soát các quốc gia khác (theo kiểu cai trị bằng pháp luật, hay rule by law - PV).

Một sai lầm khác là TQ tin rằng bây giờ đã đến lượt nước này làm điều tương tự như vậy (dùng luật do TQ đặt ra để kiểm soát các nước yếu hơn - PV). Tuy nhiên, để phát huy được hiệu quả, nguyên tắc thượng tôn pháp luật phải được áp dụng, dung hòa lợi ích của tất cả quốc gia, bất kể quốc gia đó lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu.

Người dân Philippines phản đối yêu sách chủ quyền TQ đưa ra đối với biển Đông. Ảnh: AFP

Nước lớn: Lợi ích lớn phải đi liền trách nhiệm nặng

. PCA quyết định có thẩm quyền đối với bảy vấn đề mà chính quyền Manila đệ trình yêu cầu giải quyết theo quy định của UNCLOS. Nếu Philippines “chiến thắng” trong vụ kiện lần này, điều gì sẽ xảy ra đối với TQ khi chính quyền Bắc Kinh vẫn một mực từ chối tham gia vào vụ kiện, đồng thời không thừa nhận bất kỳ phán quyết nào được đưa ra từ PCA?

+ Tôi nghĩ rằng nếu Bắc Kinh vẫn khăng khăng tuyên bố rằng nước này sẽ không công nhận các phán quyết của PCA thì hành động đó sẽ làm hủy hoại thông điệp mà Bắc Kinh đưa ra rằng TQ là một quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; hay TQ là một cường quốc nguyên trạng (tiếng Anh là status quo power), không có ý định thống trị hay át chế các quốc gia láng giềng.

Bên cạnh đó việc đầu tư của TQ vốn được nước này tuyên bố hướng đến mục tiêu “trỗi dậy hòa bình” sẽ càng bị (cộng đồng quốc tế) hoài nghi nhiều hơn.

. Bài toán “trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” được đặt ra như thế nào đối với các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh chóng và sức ảnh hưởng chính trị đáng kể trong trường quốc tế?

+ Tôi cho rằng một quốc gia không thể trở thành một thành viên của cộng đồng quốc tế nếu quốc gia đó chỉ biết nhận các lợi ích về cho nước mình; mà song song đó phải biết chấp nhận các trách nhiệm quốc tế tương ứng.

Hơn thế nữa, các cường quốc càng lớn, càng mạnh hơn thường phải tự đứng ra nhận các trách nhiệm khó khăn hơn, hay tự phải gánh vác những gánh nặng lớn hơn về phần mình.

Bởi lẽ chính các quốc gia lớn mạnh cũng tích lũy và nhận được nhiều hơn về quyền lực và các lợi ích khi họ tham gia chung trong các thể chế hay tổ chức quốc tế (chẳng hạn như họ được ngồi vào một chiếc ghế trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc).

. Xin cám ơn ông.

Gia tăng “sức nặng” của vụ kiện

Theo quan điểm của cá nhân tôi, Việt Nam không bị ảnh hưởng từ các nỗ lực kiện tụng mà Philippines đưa ra đối với TQ. (Do PCA chỉ xem xét các điểm liên quan đến giải thích và áp dụng UNCLOS mà không xem đến các vấn đề về tranh chấp chủ quyền nên quyền lợi của các bên thứ ba không thể bị ảnh hưởng. Tòa cũng quyết định rằng trong vụ việc này không có quốc gia nào là bên thứ ba không thể vắng mặt, nghĩa là các bên thứ ba hoàn toàn có quyền yêu cầu PCA cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan và quyết định can dự vào quá trình xét xử khi thấy cần thiết - PV). Việc (nếu) Việt Nam và các quốc gia liên quan khác cùng tham gia vụ kiện này sẽ gia tăng “sức nặng” của vụ kiện và cân bằng hơn trước một TQ đầy sức mạnh.

GS-TS James Kraska

__________________________________

Nội dung trả lời các câu hỏi của Pháp Luật TP.HCM là quan điểm cá nhân của GS-TS James Kraska, không thể hiện quan điểm hay ý chí của cơ quan nơi ông đang công tác hay bất kỳ cơ quan, tổ chức nào khác.

Theo Đỗ Thiện thực hiện/PLO

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm