Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Bang hội”… đen trong Quốc hội Mỹ

Thứ hai, 02/05/2011 - 22:18

(Thanh tra)- Suốt hơn 40 năm qua, trong Quốc hội Mỹ tồn tại một tổ chức rất đặc biệt. Nó bao gồm 40 nghị sĩ trong Hạ viện và 1 nghị sĩ trong Thượng viện, tất cả đều là người da đen. Mục đích hoạt động duy nhất và xuyên suốt của tổ chức này là: Cải thiện điều kiện sống của những người Mỹ gốc Phi. Tổ chức này có tên gọi là Hội kín của những người da đen trong Quốc hội Mỹ (CBC).

Nghị sĩ Charles B.Rangel, người bị Quốc hội Mỹ kỷ luật và phải từ chức Chủ tịch Ủy ban Tài chính và Thuế vụ

Hình thành và phát triển
Vào năm 1969, toàn bộ nghị sĩ da đen trong Quốc hội Mỹ (vào thời điểm này chỉ có 13 người) đã quyết định thành lập một tổ chức mà họ gọi là Ủy ban Lựa chọn Dân chủ. Khi đó, tại Mỹ vẫn tồn tại một sự phân biệt chủng tộc sâu sắc, chính vì thế, những nghị sĩ da đen này đã thống nhất với nhau, chỉ có một tiếng nói duy nhất đại diện cho những người da đen trong Quốc hội Mỹ để đấu tranh quyết liệt hơn, hiệu quả hơn nhằm chống lại những bất công trong việc phân biệt, đối xử với những người Mỹ gốc Phi.

Năm 1970, nhóm nghị sĩ da đen đã gửi yêu cầu được gặp riêng Tổng thống Mỹ, nhưng bị từ chối. Ngay lập tức, nhóm quyết định đổi tên Ủy ban Lựa chọn Dân chủ thành CBC và tiến hành tẩy chay mọi hoạt động của Quốc hội Mỹ cũng như thực hiện quyền phủ quyết, bỏ phiếu chống đối với mọi đề xuất của Tổng thống cần phải được thông qua bởi Hạ viện và Thượng viện. Và, hành động này đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Ngày 25/3/1971, Tổng thống Mỹ đã đồng ý nhóm họp riêng với những nghị sĩ da đen để lắng nghe nguyện vọng của họ. 5 ngày sau đó, CBC chính thức bước chân vào Quốc hội.

Sau hơn 40 năm tồn tại và hoạt động, mục đích của tổ chức vẫn không thay đổi: Tìm cách cải thiện và nâng cao điều kiện sống của cộng đồng người da đen thông qua những cải cách về luật pháp.

Hiện nay, CBC đã trở thành tổ chức khá lớn mạnh, có uy tín, có tiếng nói trong Quốc hội Mỹ. CBC đã có 40 nghị sĩ da đen trong Hạ viện (chiếm 10% tổng số nghị sĩ Hạ viện) và 1 nghị sĩ trong Thượng viện. Tổ chức này có ảnh hưởng rất lớn đến những quyết định quan trọng của cơ quan lập pháp thông qua cơ chế bỏ phiếu thống nhất tập thể của tất cả các nghị sĩ trong CBC. Như nghị sĩ James Clyaurn từng nói: “Nếu không có chúng tôi, sẽ rất khó để có thể đạt được 218 phiếu bầu cần thiết trong những cuộc bỏ phiếu cần đa số”. Phương châm hoạt động của CBC là đàm phán, có thể nhượng bộ, nhưng nếu cần thiết phải gây áp lực thì có thể áp dụng phương pháp “tẩy chay”.

CBC có nhiều người giữ những cương vị đứng đầu. Như nghị sĩ đại diện ở TP New York Charles B. Rangel - một trong những người đầu tiên sáng lập CBC. Ông là người Mỹ gốc Phi đầu tiên từng nắm giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Tài chính và Thuế vụ của Hạ viện Mỹ. Ủy ban có nhiệm vụ xem xét trước các dự luật về tăng, giảm thuế; về hệ thống an sinh xã hội, chi tiêu ngân sách, xem xét các hiệp định thương mại quốc tế… Hay như nghị sĩ James Clyaurn là nhân vật quan trọng thứ 3 của Đảng Dân chủ trong Quốc hội Mỹ. Ngoài ra, còn 4 nghị sĩ khác của CBC hiện đang đảm nhiệm những vị trí đứng đầu một số ủy ban quan trọng trong Quốc hội Mỹ, liên quan đến lĩnh vực tư pháp và an ninh quốc gia.

Trong Quốc hội Mỹ hiện đang tồn tại rất nhiều tổ chức tương tự như CBC, nhưng chỉ có 4 tổ chức thực sự nổi bật và có tiếng nói quan trọng là CBC (của Đảng Dân chủ), CHC (Dân chủ - Hội kín Những người Nam Mỹ nhập cư trong Quốc hội), CHCo (Cộng hòa - Diễn đàn Người Nam Mỹ nhập cư trong Quốc hội) và CAPAC (Dân chủ và Cộng hòa - Hội kín Những người châu Á - Thái Bình Dương trong Quốc hội). Đối với CBC, có một nguyên tắc bất thành văn là, chỉ những nghị sĩ da đen mới được gia nhập tổ chức này. Cũng đã có vài nghị sĩ da trắng, là đại biểu Quốc hội tại những quận, hạt tập trung phần lớn là người da đen, bày tỏ nguyện vọng muốn tham gia vào CBC, nhưng đã bị khéo léo từ chối. Những nghị sĩ của CBC hầu hết đều đại diện cho những cộng đồng người nghèo. Họ luôn lên tiếng bênh vực người nghèo, người bị áp bức vì sự tiến bộ chung của tất cả người dân nước Mỹ.

Emanuel Cleaver, nghị sĩ đại diện ở bang Missouri, hiện là Chủ tịch CBC, khẳng định: “Trong Quốc hội Mỹ hiện nay, CBC luôn được coi như “chuông thức tỉnh”. CBC luôn là những người đầu tiên đặt lên bàn Quốc hội những vấn đề bị quên lãng, hay đơn giản chỉ là những vấn đề không được đưa vào chương trình nghị sự. Đó thường là những vấn đề liên quan tới chăm sóc sức khỏe, y tế, nhà ở… Hoặc cũng có khi là những vấn đề khác như cải thiện môi trường giáo dục, tăng cường hoạt động an ninh tài chính hay thúc đẩy các quyền dân sự”.

Trong quá trình hoạt động của mình, CBC đã nhiều lần thể hiện tiếng nói quan trọng. Năm 2009, các thành viên của CBC đã đề nghị và được Quốc hội thông qua một nghị quyết liên quan đến việc cải thiện chế độ dinh dưỡng tại các trường tiểu học. Tháng 12/2009, với việc đe dọa không bỏ phiếu thông qua một dự thảo cải tổ ngành ngân hàng, CBC đã được Quốc hội đồng ý phê chuẩn cho 4 tỷ USD để hỗ trợ các chương trình cho vay lãi suất thấp đối với các doanh nghiệp nhỏ trên bờ phá sản. Ngoài ra, CBC cũng đề xuất Quốc hội thông qua ngân sách 2 tỷ USD bổ sung thêm cho một dự án luật về việc làm. Tháng 3/2010, trong quá trình cải tổ hệ thống y tế trên toàn nước Mỹ (do chính Tổng thống Mỹ Barack Obama đề xuất Quốc hội thông qua), CBC cũng đã thành công khi “moi” được thêm số tiền trị giá 2,5 tỷ USD hỗ trợ và cải thiện điều kiện học tập tại các trường cao đẳng và đại học có số lượng sinh viên da đen chiếm đa số. Tuy nhiên, sau những việc làm này, có không ít nghi ngờ về hiệu quả hoạt động của CBC. Nhiều người cho rằng, CBC đã không làm, hoặc không thành công trong việc đề xuất Quốc hội thông qua nhiều vấn đề đang bị quên lãng, dù nhỏ, nhưng lại rất hữu ích đối với nhiều bộ phận dân chúng.

Do những định hướng hoạt động riêng, hầu như không có nghị sĩ da đen nào là người của Đảng Cộng hòa tham gia CBC. Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Elroy Sailor, năm 1994, đã từ chối gia nhập CBC. Lý do là định hướng hoạt động của CBC quá thiên về Dân chủ, không chú trọng mở rộng với các nghị sĩ thuộc các đảng phái khác. Đó cũng là lý do, ngay cả trong Quốc hội Mỹ cũng rất hiếm nghị sĩ da đen là người Cộng hòa. Hơn 40 năm qua, chỉ có 4 nghị sĩ da đen Cộng hòa trong Quốc hội, và trong số đó, chỉ có 2 người tham gia vào CBC.

Tổng thống Obama và sự thất vọng của CBC
Trong cuộc chạy đua bầu cử, Tổng thống Barack Obama đã không ngần ngại đề cử 14 nghị sĩ da đen trong danh sách ủy ban bầu cử. Cho đến khi trúng cử, những người này tiếp tục được đề cử vào các vị trí trong Quốc hội. Thế nhưng, đến nay, chính những nghị sĩ này lại đang gây khó khăn cho CBC.

Mặc dù không chính thức tuyên bố, nhưng mọi người đều thấy rằng, các nghị sĩ thành viên của CBC đang rất thất vọng vì Tổng thống Obama và các cộng sự da màu thân tín của ông. Từ khi đắc cử cho đến nay, Tổng thống và những cố vấn người da màu gần như không có bất cứ áp lực nào nhằm cải thiện điều kiện sống của cộng đồng người Mỹ gốc Phi. Theo trang web politico.com, Chính phủ mới của Tổng thống Obama và ban cố vấn của ông rất ít khi quan tâm đến những mong muốn, quyền và lợi ích của cộng đồng người da đen. Thậm chí, những thành viên của CBC rất hiếm khi được tham dự vào các cuộc họp cấp cao tại Nhà Trắng. Nếu có được mời họp thì hầu hết những cuộc họp này lại đều bị hủy. Điều đó khiến cho CBC cảm thấy như bị coi thường. Để phản ứng lại, các nghị sĩ da đen bắt đầu tập hợp tìm cách… chống lại Tổng thống Obama.

Và, CBC đang thực hiện theo đúng phương châm hành động của họ: “Không có bạn bè hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có quyền lợi vĩnh viễn”. Bởi theo họ, hiện nay, những người Mỹ gốc Phi đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái trong thời gian qua. CBC muốn Nhà Trắng tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên hơn nữa để cải thiện mức sống của cộng đồng người da đen, với 2 ưu tiên mà tổ chức này đề xuất là việc làm và giáo dục. Theo con số thống kê mới nhất, hiện có khoảng 16% người Mỹ da đen đang thất nghiệp, con số này cao gấp 2 lần so với mức trung bình của cả nước Mỹ.

Bắt đầu dấu hiệu gian lận và tham nhũng
Luôn hoạt động vì mục đích cải thiện cuộc sống cho người Mỹ gốc Phi thông qua các hoạt động thúc đẩy lập pháp, thúc đẩy các dự án dân sinh để Quốc hội thông qua, không tham gia vào các hoạt động kinh tế tạo lợi nhuận, đó là phương châm hoạt động của CBC từ trước đến nay. Thế nhưng, theo cuộc điều tra mới đây do tờ New York Times thực hiện, CBC và nhiều tổ chức phi lợi nhuận đã liên kết với nhau thành lập một văn phòng chuyên kêu gọi và thu nhận mọi nguồn hỗ trợ tài chính. Chỉ tính từ năm 2004 - 2008, CBC đã nhận được từ nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn và các nghiệp đoàn tổng số tiền lên tới 55 triệu USD. Quan trọng hơn cả, phần lớn số tiền khổng lồ này được CBC đổ vào những cuộc ăn chơi, du lịch xa hoa và tốn kém.

Bên cạnh đó, CBC còn thành lập Quỹ CBC, được coi như một “cánh tay từ thiện” đắc lực giúp họ kêu gọi nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm. Không những thế, Quỹ CBC, thay vì phải nghiên cứu để tìm cách hỗ trợ tài chính một cách phù hợp nhất cho công tác giáo dục đối với cộng đồng người da đen, lại được giao nhiệm vụ chuyên “nghiên cứu” để tổ chức chi tiêu cho bữa tối xa hoa, tốn kém phục vụ cho buổi lễ bế mạc hội nghị cuối năm do CBC tổ chức hàng năm, với sự tham dự của gần 15 nghìn người. Điều tra của New York Times còn cho biết thêm, hiện đang tồn tại những mối liên hệ mờ ám và nhằng nhịt giữa CBC và lãnh đạo các doanh nghiệp tài trợ; giữa CBC với các thành viên hội đồng quản trị của những tổ chức tự cho là hoạt động phi lợi nhuận.

Phản ứng trước điều tra “gây sốc” của New York Times, trong một lá thư gửi Tổng Giám đốc tờ báo này, CBC đã yêu cầu phải công khai xin lỗi. Đồng thời, lên án những dẫn chứng, lập luận mơ hồ về hoạt động của CBC với các đối tác của tác giả thực hiện cuộc điều tra. CBC khẳng định, họ là một tổ chức nằm trong hệ thống cơ quan lập pháp của Mỹ, không có tài khoản riêng và cũng không có bất cứ hành động kêu gọi tài trợ nào. Các doanh nghiệp, tổ chức khác nhau, trong quá trình liên kết với CBC, đều cùng chung một mục đích: Cải thiện điều kiện sống cho cộng đồng người Mỹ gốc Phi. Những doanh nghiệp, tổ chức này hoạt động với tư cách pháp nhân khác nhau, có quy chế, điều lệ riêng biệt và hoạt động theo quy tắc riêng của họ.

Một nghị sĩ có uy tín làm việc trong Nhà Trắng cũng đã lên tiếng bênh vực cho CBC khi nhấn mạnh, điều tra của New York Times là “hoàn toàn sai sự thật”. Nghị sĩ này nói: “Cần phải điều tra để làm rõ xem ai thực sự đứng sau điều tra này nhằm làm mất uy tín của CBC. Không một thành viên nào của CBC được xác định là có mức sống giàu có. Cũng không có một chiến dịch nào kêu gọi tài trợ cho các chiến dịch bầu cử của CBC, mà đều là do tiền túi của họ bỏ ra. Điều này đối lập hoàn toàn với các nghị sĩ da trắng, khi mà họ chỉ kêu gọi tài trợ chứ không chịu bỏ ra xu nào. Những nghị sĩ da đen là đại diện cho cộng đồng những người nghèo khổ và họ đang nỗ lực để giúp cải thiện cuộc sống cho những người này. Từ trước đến nay, không có một người nào giàu có gia nhập CBC. Đó là sự thật”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, CBC không phải không có sai lầm. Trong năm 2010, ít nhất đã có 3 thành viên của CBC bị phát hiện dính líu tới những vụ việc tham nhũng và gian lận. Cuối năm 2010, Ủy ban Đạo đức của Quốc hội Mỹ đã phải có hình thức cảnh cáo, kỷ luật đối với một trong những nghị sĩ rất có uy tín, đồng thời cũng là một trong những người đồng sáng lập CBC, đó là nghị sĩ Charles B.Rangel, 80 tuổi. Sau khi bị kỷ luật, nghị sĩ Charles B.Rangel đã phải rời vị trí Chủ tịch Ủy ban Tài chính và Thuế vụ của Quốc hội Mỹ. Những bê bối vừa nêu, dù chưa đủ để khẳng định CBC có gian lận, tham nhũng hay không, nhưng nó cũng đủ để tổ chức này phải xem lại toàn bộ hoạt động cũng như những thành viên trong nội bộ của mình.
Hơn 40 năm ra đời và phát triển là quá trình không ngắn đối với một tổ chức hoạt động trong Quốc hội Mỹ. Thế nên, chắc chắn, ban lãnh đạo của CBC không dễ dàng gì để mất đi tổ chức này chỉ vì một vài cá nhân, hiện tượng nhỏ lẻ làm ảnh hưởng đến uy tín không chỉ trong Quốc hội Mỹ mà trên toàn chính trường nước này.

Song Minh (Tổng hợp)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm