Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ám ảnh thất nghiệp

Thứ tư, 30/05/2012 - 06:20

(Thanh tra) - Tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực đồng euro một lần nữa lại lên mức cao kỷ lục vào tháng 3/2012 trong bối cảnh chương trình cắt giảm chi tiêu tiếp tục gây ảnh hưởng tới người lao động.

Tây Ban Nha đang có mức thất nghiệp cao nhất EU. Ảnh: BBC

Chuyên gia Howard Archer, Viện Nghiên cứu HIS Global Insight cảnh báo: “Với việc thu hẹp các hoạt động trong quý 1 và nguy cơ suy giảm còn rõ nét hơn trong quý 2, tỷ lệ thất nghiệp trong khối đồng euro nhiều khả năng vượt quá 11% trong năm nay”.

Cơ quan Thống kê châu Âu - Eurostat cho biết, tại 17 quốc gia trong khu vực đồng euro, tỷ lệ thất nghiệp tăng 10,9% - mức cao nhất kể từ khi đồng euro được đưa vào lưu hành năm 1999. Còn thì, với toàn Liên minh châu Âu (EU), bao gồm các nước như Anh và Đan Mạch, tỷ lệ thất nghiệp là 10,2%.

Khu vực đồng euro hiện có 17,4 triệu người đang phải tìm việc làm và hơn 3 triệu người tìm việc dưới 25 tuổi. Tuy nhiên, bức tranh thất nghiệp trong khối euro khá tương phản.

Cần quan tâm tới nguy cơ của nạn thất nghiệp đối với giới trẻ, về mặt tâm lý, như tự ti hơn, sức khỏe yếu đi, nguy cơ tự sát cao, mất tin tưởng vào các định chế... - Le Monde cảnh báo.

Đức - nền kinh tế số 1 châu Âu, thị trường lao động đang trong quá trình phục hồi, tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 5,7% trong tháng 2. Với tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 6,8% vào tháng 3, số người Đức không có việc làm hiện tại là 2,87 triệu.

Trong khi đó, Tây Ban Nha tiếp tục có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất - 23,6%. Theo sau là Hy Lạp (21%), Bồ Đào Nha (15%), Ailen (14,7%). Kinh tế Italy cũng có tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục - 9,3% trong tháng 2.

Theo chuyên gia Jennifer McKeown, Tổ chức Tư vấn Phân tích Capital Economics, sự gia tăng thất nghiệp tại các nước phía Nam châu Âu phần lớn do các yếu tố cơ cấu, nhưng nó cũng phản ánh hậu quả nghiêm trọng của các biện pháp khắc khổ được áp đặt để giảm thâm hụt, do khủng hoảng nợ công.

Đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là lao động trẻ, dưới 25 tuổi. Tính trung bình trong toàn khối euro, khoảng 20%. Trên phạm vi 27 thành viên của EU, trong tháng 2, tỷ lệ thất nghiệp đã lên tới mức kỷ lục - 10,2%. Còn tại Mỹ là 8,3% và ở Nhật Bản 4,7%.

Nhật báo Le Monde nhận định, ở Hy Lạp và Tây Ban Nha, cứ 2 thanh niên thì có 1 người thất nghiệp.

Tại Hy Lạp - quốc gia vừa thoát khỏi tình trạng trên bờ vực thẳm, cơ hội tìm được việc làm của giới trẻ dưới 25 tuổi chỉ là 50%, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp chung là 21,8%.

Thất nghiệp trong giới trẻ ở Tây Ban Nha cũng tương tự. Hồi cuối tháng 4, đầu tháng 5/2012, Tây Ban Nha cho biết, số lượng người tìm việc của nước này đã tăng 8 tháng liên tiếp (tính đến tháng 3/2012), lên mức 5,6 triệu. Với mức tăng đạt con số kỷ lục - 24,4%, Tây Ban Nha trở thành nước có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong EU và dự kiến sẽ còn tăng nữa trong năm nay.

Tỷ lệ thất nghiệp của Italy tăng lên 9,8% - mức cao nhất trong 12 năm.

Khủng hoảng kinh tế khiến nhiều người phải tìm đến cái chết. Ảnh: Reuters


Xin nói thêm, khủng hoảng đã đẩy các chủ doanh nghiệp nhỏ của Italy vào con đường tự vẫn. Báo chí Pháp cho biết, tính từ đầu năm đến trung tuần tháng 4/2012, đã có 23 trường hợp tự tử tại Italy vì không thanh toán được nợ nần chồng chất.

Số chủ công ty tự tử đã tăng 25% từ năm 2008 - 2011. Số người chết năm ngoái là 187 người. Trong thời gian này, 39.000 xí nghiệp vừa và nhỏ phá sản. Những người tinh thần suy sụp, không lối thoát, đã đi đến hành động tuyệt mạng.

Các vụ tự vẫn xảy ra chủ yếu nhất ở vùng Venetia, nơi tập trung nhiều công ty nhỏ, đang bị phá sản hàng loạt. Nguyên nhân là do đơn đặt hàng ít đi, hoá đơn bị thanh toán chậm, tín dụng khó khăn. Các công ty vừa và nhỏ, chiếm 90% hoạt động kinh tế Italy hiện lâm vào thế vô cùng khó khăn, chật vật.

Cả Tây Ban Nha và Italy đều bị suy thoái kinh tế và chi phí đi vay bị tăng lên, gây lo ngại rằng, 2 nước này có thể cần giúp đỡ hoặc thậm chí giải cứu tài chính.

Nhìn sang nước Anh, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) cho rằng, thất nghiệp ở nước này sẽ tăng trong 5 năm tới, lên đến trên 10%. Một trong các tác giả của báo cáo, ông Rob Harbron nói: “5 năm khổ đau nữa đang chờ nước Anh với nạn thất nghiệp tăng ở gần như mọi vùng. Ngân sách gia đình bị thắt chặt do có sức ép từ nạn thất nghiệp, thu nhập tăng ít và lạm phát lại cao”.

Cảnh chờ phỏng vấn để xin việc làm tại Marseille, Pháp. Ảnh (chụp ngày 25/3/2009): Reuters


Ben Thompson - phóng viên kinh doanh của BBC cho biết, CEBR cảnh báo rằng, những khu vực dựa vào việc làm trong khu vực công và ngân sách từ Chính phủ sẽ bị ảnh hưởng mạnh nhất.

Nghị sĩ Liam Byrne, Bộ trưởng Phụ trách Việc làm và Hưu trí nhấn mạnh: Thất nghiệp vẫn ở mức “cao không chấp nhận được” và nước Anh lại rơi vào suy thoái vì lỗi của Chính phủ. “Họ cần bắt đầu với việc thực hiện kế hoạch 5 điểm của Đảng Lao động, bao gồm cả kế hoạch bảo đảm việc làm thực sự với ngân sách từ thuế đánh vào các khoản tiền thưởng ngân hàng. Điều này sẽ bảo đảm việc làm thực sự cho 110.000 thanh niên thất nghiệp trong một năm” - ông Liam Byrne thúc giục Chính phủ có những biện pháp quyết đoán.

Mặc dù vậy, tổ chức này cũng cho rằng, thị trường việc làm ở Luân Đôn, khu vực Đông Nam và Đông nước Anh sẽ vẫn khá sôi động. Lý do, theo CEBR, khu vực tư nhân khá mạnh ở các khu vực này có khả năng tạo thêm công ăn việc làm cho những người mất việc trong khu vực công.

Con số thất nghiệp mới nhất ở Anh là 2,65 triệu người sau khi giảm đi 35.000 trong giai đoạn từ tháng 12/2011 - 2/2012.

Cũng theo Eurostat, những thành viên EU có tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh nhất trong năm qua thuộc về các quốc gia phía Đông của châu Âu là Lithuania, Latvia và Estonia. Những nước gia tăng thất nghiệp lớn nhất là Tây Ban Nha, Hy Lạp và Đảo Síp.

Số người thất nghiệp tại Mỹ vẫn trên 5 triệu. Ảnh: AFP


Tại Mỹ, tháng 1 và tháng 2, tăng trưởng việc làm tăng mạnh, với hơn 200.000 việc làm trong cả 2 tháng. Tuy nhiên, 2 tháng qua, việc làm đã bị sụt giảm mạnh, với 154.000 việc được tạo thêm vào tháng 3. Nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã tạo ra 115.000 việc làm trong tháng 4/2012, ít hơn so với số việc làm các nhà phân tích đã dự đoán. Việc làm được tạo ra trong các dịch vụ kinh doanh, bán lẻ và lĩnh vực y tế, nhưng lại bị mất trong khu vực giao thông vận tải.

Bộ Lao động Mỹ cho biết, tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 8,2% xuống còn 8,1% trong tháng 3. Số người có việc làm đã tăng trong 8 tháng qua, nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn giữ ở ngưỡng trên 8% kể từ đầu năm 2009. Đáng nói là, số người thất nghiệp dài hạn là “rất ít thay đổi và đứng ở mức 5,1 triệu”.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nhận định, tỷ lệ thất nghiệp có thể giảm xuống dưới mức 8% vào cuối năm nay và giảm tiếp vào năm 2014. Tuy nhiên, quá trình phục hồi của nền kinh tế Mỹ sau cơn suy thoái được đánh dấu bằng các con số lên và xuống.

Hàng trăm nghìn công nhân đã được tuyển dụng trở lại kể từ khi cuộc suy thoái chính thức chấm dứt gần 3 năm trước, nhưng nước Mỹ chưa tiến gần tới việc phục hồi toàn bộ số công ăn việc làm đã mất.

Phát biểu sau khi dữ liệu việc làm được công bố, Tổng thống Barack Obama cho biết, sẽ hối thúc Quốc hội để thực hiện “các ‎ý tưởng dễ thấy” nhằm thúc đẩy việc tạo công ăn việc làm. “Chúng ta cần làm nhiều hơn nữa nếu muốn phục hồi tất cả các việc làm bị mất trong thời gian bị suy thoái”.

Thất nghiệp gia tăng nhanh trên thế giới Bà Alice, 49 tuổi, là người thất nghiệp phải ra phố ăn xin ở Pamplona, Tây Ban Nha. Ảnh: BBC Kết quả cuộc khảo sát hàng năm có tên “Thế giới lên tiếng” (The World Speaks) do BBC World Service tiến hành ở hơn 11.000 người tại 23 quốc gia, công bố hồi tháng 12/2011 cho thấy, tình trạng thất nghiệp đang gia tăng nhanh trên thế giới tới mức đáng lo ngại. Trong bảng xếp hạng, tham nhũng và nghèo đói vẫn đứng ở vị trí cao nhất. Tuy nhiên, vấn đề thất nghiệp đã được đề cập đến bởi 18% số người được hỏi - cao gấp 6 lần so với tỷ lệ thu được trong cuộc khảo sát đầu tiên thực hiện năm 2009. Đứng đầu danh sách là Tây Ban Nha, nơi có tới 54% người tham gia trả lời cho biết, đã thảo luận về tình trạng thất nghiệp trong thời gian gần đây, tăng 1/3 so với cuộc khảo sát của BBC hồi năm 2010. Ghana, Mexico, Nigeria và Thổ Nhĩ Kỳ cũng nằm trong số các nước quan tâm nhiều tới chủ đề thất nghiệp, với hơn 1/3 số người tham gia nói rằng, đã thảo luận về vấn đề này trong thời gian 1 tháng trước cuộc khảo sát. Rõ ràng, mối quan tâm ngày càng tăng về vấn đề thiếu công ăn việc làm có liên quan đến những lo ngại kinh tế hiện nay, chẳng hạn vấn đề tài chính cho đồng euro và tình trạng chậm phát triển ở các nền kinh tế lớn.


Trọng Thành - Minh Anh (Tổng hợp)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm