Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Việt Nam chuẩn bị xuất khẩu lô gạo phát thải thấp đầu tiên

Thái Hải

Thứ tư, 04/06/2025 - 15:09

(Thanh tra) - Nhãn hiệu “Gạo Việt xanh phát thải thấp” được Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA) và Công ty Trung An chính thức đưa vào thị trường xuất khẩu vào ngày 5/6 tới đây, đánh dấu những thành công bước đầu của Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030” (Đề án 1 triệu ha).

Nhãn hiệu “Gạo Việt xanh phát thải thấp” chính thức được đưa vào thị trường xuất khẩu. Ảnh: VIETRISA.

Trong suốt 2 năm triển khai, Đề án 1 triệu ha đã đem đến tác động tích cực cho hai đối tượng: Một là hạt lúa, hai là nông dân.

Mục tiêu là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, dinh dưỡng cho người dân, thu nhập cho người sản xuất, bảo vệ môi trường, giảm phát thải, đảm bảo xuất khẩu.

 Theo đó, Đề án đã xác định việc xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao, thân thiện môi trường để thuyết phục khách hàng trên toàn thế giới.

Thời gian qua, nhằm phục vụ kịp thời cho Đề án 1 triệu ha, VIETRISA được sự khích lệ của Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tiến hành xây dựng nhãn hiệu “Gạo Việt xanh phát thải thấp”. Thương hiệu nhận được sự phối hợp từ Bộ và các tổ chức quốc tế, bao gồm Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV (trong khuôn khổ Dự án Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo - TRVC) và Ngân hàng Thế giới.

VIETRISA đã hoàn tất việc xây dựng và ban hành quy chế sử dụng nhãn hiệu “Gạo Việt xanh phát thải thấp” vào ngày 16/4/2025.

Nhãn hiệu được VIETRISA cấp cho sản phẩm gạo sản xuất theo Quy trình kỹ thuật của Đề án 1 triệu ha được chính quyền địa phương (cấp xã) hoặc tổ chức quốc tế chuyên ngành xác nhận.

Để đạt chứng nhận nhãn hiệu, doanh nghiệp, hợp tác xã cần đảm bảo nguồn gốc, minh bạch về nơi sản xuất lúa, tên giống lúa, mùa vụ. Bên cạnh đó, việc sản xuất cần tuân thủ quy trình kỹ thuật đã được Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường ) ban hành tại Quyết định số 145/QĐ-TT-CLT ngày 27/3/2024.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VIETRISA cho biết, nhãn mác sẽ là bước đệm để VIETRISA tiếp tục đồng hành cùng chiến lược xây dựng nhãn hiệu quốc gia công nhận gạo phát thải thấp, có giá trị bán tín chỉ carbon đến năm 2028.

“Chứng nhận gạo Việt xanh, phát thải thấp sẽ do VIETRISA cấp, đảm bảo tính minh bạch và độ tin cậy. Trong giai đoạn chưa có hệ thống chứng nhận quốc gia về gạo carbon thấp, doanh nghiệp có thể tự công bố thương hiệu gạo xanh và chịu trách nhiệm về công bố của mình”, ông Lê Thanh Tùng nói.

Sau khi ban hành quy chế sử dụng nhãn hiệu, VIETRISA được sự phối hợp của Dự án TRVC đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu “Gạo Việt xanh phát thải thấp” cho 7 doanh nghiệp với tổng lượng gạo 19,2 ngàn tấn.  Trong đó, Công ty Trung An được sự hợp tác của Tập đoàn MURASE (Nhật Bản) là doanh nghiệp đầu tiên xuất khẩu lô hàng mang nhãn hiệu “Gạo Việt xanh phát thải thấp” sang thị trường Nhật Bản.

Lễ xuất khẩu lô gạo phát thải thấp đầu tiên của Việt Nam được tổ chức ngay tại nhà máy của Công ty Trung An, nơi các đại biểu sẽ chứng kiến nghi thức cắt băng phát lệnh xuất phát đoàn xe từ nhà máy chở lô hàng “Gạo Việt xanh phát thải thấp” đến cảng để xuất khẩu và tham quan nhà máy chế biến gạo của Công ty Trung An, chứng kiến quy trình sản xuất đạt chuẩn quốc tế từ tiếp nhận nguyên liệu đến đóng gói xuất khẩu.

Ông Lê Thanh Tùng giải thích, trong Đề án 1 triệu ha lúa, chúng ta đã nhiều lần nhắc đến khái niệm “gạo giảm phát thải”. Hiện nay, chúng ta đang triển khai thí điểm hệ thống đo lường, báo cáo và thẩm định (MRV), nhưng lộ trình này kéo dài đến năm 2028 mới hoàn thiện các cơ chế chi trả, đo đạc và định giá.

Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu gạo Việt xanh, phát thải thấp có thể bắt đầu ngay từ bây giờ. Điều này có nghĩa khi doanh nghiệp hoặc nông dân tham gia canh tác theo hướng phát thải thấp, nếu tuân thủ đúng quy trình, chắc chắn sẽ tạo hiệu quả.

Thương hiệu gạo phát thải thấp sẽ được xây dựng theo nhiều cấp độ, trước hết là từ chính các doanh nghiệp. Những doanh nghiệp tham gia vào Đề án 1 triệu ha lúa cần tự khẳng định chất lượng sản phẩm của mình với khách hàng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Nâng cao hiệu lực chương trình OCOP từ thực tiễn phân hạng sản phẩm tại Hội An: Để sản phẩm đạt sao, đạt tâm và đạt tầm

Nâng cao hiệu lực chương trình OCOP từ thực tiễn phân hạng sản phẩm tại Hội An: Để sản phẩm đạt sao, đạt tâm và đạt tầm

(Thanh tra) - Ngày 12/6/2025, UBND thành phố Hội An ban hành Quyết định số 1641/QĐ-UBND phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng ba sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao. Việc ba sản phẩm “Thọ Mộc trà”, “Ngũ cốc hạt sen mè đen Mẹ Mít” và “Đèn lồng Dé Lantana” được đề nghị công nhận cấp tỉnh không chỉ là thành quả về điểm số, mà còn là dấu ấn của sự vào cuộc đồng bộ từ chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng. Trong bối cảnh vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang xâm nhập nhiều phân khúc hàng hóa, việc bảo vệ và nâng tầm sản phẩm OCOP càng trở nên cấp thiết.

Lâm Ánh

10:20 14/06/2025

Tin mới nhất

Xem thêm