00:00
00:00
00:00

Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Tiếp công dân: Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị “gỡ khó”

Đan Quế

Thứ năm, 03/04/2025 - 16:01

(Thanh tra) - Luật Tiếp công dân đã được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2013, có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Tiếp đó, các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Tiếp công dân đã được ban hành, qui định toàn diện về tổ chức và hoạt động tiếp công dân, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong công tác tiếp công dân.

Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị “gỡ khó” trong thi hành Luật Tiếp công dân

Qua 10 năm triển khai thực hiện, Luật Tiếp công dân đã tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi để công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện Luật Tiếp công dân tại các bộ, ngành, địa phương đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc nhất định.

Luật Tiếp công dân xác định rõ trách nhiệm tiếp công dân định kỳ, đột xuất của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đối với hoạt động tiếp công dân định kỳ, Khoản 2, Điều 18 Luật Tiếp công dân quy định người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân ít nhất 01 ngày trong 01 tháng tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan mình… Tuy nhiên, Luật Tiếp công dân không quy định người đứng đầu được ủy quyền trong công tác tiếp công dân, cụ thể, Khoản 4, Điều 24 Luật Tiếp công dân quy định “trường hợp không thể thực hiện việc tiếp công dân theo lịch đã công bố do có lý do chính đáng thì có thể lùi lịch tiếp công dân sang thời gian khác”. Thực tế cho thấy, quy định này khó có tính khả thi, nhất là đối với việc tiếp công dân của Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh vì các chức danh này phải quản lý, điều hành rất nhiều công việc quan trọng khác. Trong nhiều trường hợp, các Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh phải ủy quyền cho cấp phó để tiếp công dân.

Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ký gửi Thanh tra Chính phủ mới đây cũng nêu rõ, qua thực tiễn thực hiện công tác tiếp công dân cho thấy: Bộ trưởng với vị trí người đứng đầu một ngành, thành viên Chính phủ, là Đại biểu Quốc hội nên khối lượng công việc phải giải quyết rất lớn. Vì vậy, việc thực hiện quy định trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân ít nhất 01 ngày trong 01 tháng tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan theo khoản 2 Điều 18 Luật Tiếp công dân là rất khó khăn.

Điều 4 Nghị định 64/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Tiếp công dân qui định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập:

1. Lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức công tác tiếp công dân của cơ quan, đơn vị mình:

a) Ban hành nội quy, quy chế tiếp công dân;

b) Bố trí địa điểm thuận lợi cho việc tiếp công dân của cơ quan, đơn vị; bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ việc tiếp công dân;

c) Phân công cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tiếp công dân thường xuyên;

d) Phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tiếp công dân và xử lý vụ việc nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung;

đ) Kiểm tra, đôn đốc cơ quan, đơn vị, người có trách nhiệm thuộc quyền quản lý của mình thực hiện các quy định của pháp luật trong việc tiếp công dân;

e) Bảo đảm an toàn, trật tự cho hoạt động tiếp công dân;

g) Báo cáo tình hình, kết quả công tác tiếp công dân với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

2. Trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân ít nhất 01 ngày trong 01 tháng tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan, đơn vị mình.

3. Thực hiện tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp sau đây:

a) Vụ việc gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khác nhau;

b) Vụ việc nếu không chỉ đạo, xem xét kịp thời có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc có thể dẫn đến hủy hoại tài sản của Nhà nước, của tập thể, xâm hại đến tính mạng, tài sản của Nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

4. Khi tiếp công dân, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải có ý kiến trả lời về việc giải quyết vụ việc cho công dân. Trường hợp chưa trả lời ngay được thì chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý của mình kịp thời xem xét, giải quyết và thông báo cho công dân biết thời gian trả lời.

Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo còn chỉ ra, qua theo dõi tình hình thực tiễn về công tác tiếp công dân cho thấy, trong hệ thống cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân có các cấp học từ mầm non đến đại học, tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập không có vị trí việc làm chuyên trách công tác tiếp công dân. Vì vậy, quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 4 Nghị định 64/2014/NĐ-CP về trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập về việc phải phân công viên chức làm công tác tiếp công dân thường xuyên là không phù hợp với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập.

Kiến nghị sửa đổi Luật Tiếp công dân cũng là một giải pháp chống lãng phí, tránh việc bố trí các "Phòng tiếp công dân" như thế này trong thực tiễn rồi để trống hoặc theo kiểu cho có (Ảnh chụp tại một trường đại học trên địa bàn Hà Nội)

Khảo sát thực tiễn của phóng viên Báo Thanh tra cũng cho thấy, việc triển khai và thực hiện qui định tại Điều 4, Nghị định 64/2014/NĐ-CP về trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập nói trên còn xôi đỗ, mỗi nơi làm một kiểu.

Chị Hải Lý, giáo viên một trường THCS tại Thái Bình cho biết, trường chị không có phòng tiếp công dân, không phân công cho giáo viên thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân chuyên trách. Nếu có cha mẹ học sinh hay bất kỳ ai đến liên hệ công việc ngoài nội dung của lớp cụ thể thì thầy hiệu trưởng sẽ trực tiếp tiếp, giải đáp. Chị cũng cho biết, các trường mầm non, tiểu học và THCS của huyện chị đều làm như vậy. Theo chị, một phần là cơ sở vật chất của trường có hạn, bố trí 1 phòng làm việc riêng trong khi rất ít sử dụng là lãng phí, không cần thiết. Mặt khác, đối với các trường học ở cấp xã tại địa phương, hầu hết là quan hệ họ hàng, không họ mạc bên chồng thì bên vợ, gần như ban giám hiệu nhà trường biết cụ thể đến từng học sinh, cha mẹ của các cháu. Do vậy, nếu ông bà, cha mẹ của học sinh có việc đến trường cũng khá thân quen, lên thẳng ban giám hiệu nhà trường là chuyện rất bình thường.

Chị Minh Thư, phó hiệu trưởng 1 trường THPT tại Thanh Hóa thì lại chia sẻ, trường chị có bố trí phòng tiếp công dân, có phân công giáo viên thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân. Tuy nhiên, phòng tiếp công dân hầu như rất ít khi sử dụng đúng nghĩa tiếp công dân của Luật Tiếp công dân, mà chủ yếu vẫn là dành để giáo viên của nhà trường tiếp phụ huynh của học sinh, tiếp học sinh; trao đổi về các vấn đề nảy sinh trong học tập, rèn luyện. Tuy nhiên, vì có qui định nên ban giám hiệu nhà trường vẫn thực hiện.

Thầy Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội cũng chia sẻ: Trường PTTH Nguyễn Gia Thiều có phân công giáo viên thực hiện nhiệm vụ trực tiếp dân, có bố trí phòng riêng. Tuy nhiên, biển tên của phòng thì nhà trường để là phòng trực. Cán bộ, giáo viên cũng hiểu là được phân công nhiệm vụ trực thường xuyên. Bởi lẽ, công dân đến với nhà trường đều là phụ huynh học sinh, trao đổi về các nhiệm vụ thường xuyên trong học tập và rèn luyện của con, cháu mình. Tất nhiên là cha mẹ, ông bà của học sinh là công dân theo qui định của luật, nhưng chúng tôi cho rằng đó là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và việc giáo viên mời phụ huynh vào phòng trực hoặc phòng khách tiếp, trao đổi thì sẽ thân thiện hơn, phù hợp hơn trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập. Đây cũng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các giáo viên trong mỗi trường, mỗi cấp học mà không gây áp lực về việc phân công cán bộ làm công tác tiếp công dân kiểu chuyên trách, chưa kể còn liên quan đến đào tạo nghiệp vụ, chi phụ cấp… mà chắc chắn ngành Giáo dục cũng phải quan tâm. Nhà trường cũng không có cán bộ tiếp công dân chuyên trách.

Đồng tình với quan điểm này, Phó Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ông Nguyễn Quang Minh cho biết, trong chương trình, nội dung thanh tra, kiểm tra, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội hàng năm có kiểm tra về nội dung thực hiện qui định của Luật Tiếp công dân tại các nhà trường, nhưng không thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra độc lập về nội dung này. Kết quả chung là các đơn vị có triển khai thực hiện, tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn như: Không có cán bộ chuyên trách về tiếp công dân; vẫn còn các đơn vị triển khai chưa thực sự bài bản, đầy đủ theo qui định; việc tiếp công dân được hiểu như công việc thường xuyên, kiêm nhiệm và là nghiệp vụ thông thường vì đại đa số đều là cha mẹ, phụ huynh học sinh và thầy cô trao đổi về việc học tập, rèn luyện của học sinh; phụ cấp về tiếp công dân là gần như không chi được…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Lãnh đạo thành phố Yên Bái chỉ đạo rà soát và giải quyết kịp thời các kiến nghị của công dân

Lãnh đạo thành phố Yên Bái chỉ đạo rà soát và giải quyết kịp thời các kiến nghị của công dân

(Thanh tra) - Trong buổi tiếp công dân định kỳ tháng 3/2025, Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái đã trực tiếp lắng nghe, trả lời ý kiến của người dân, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, xác minh những vụ việc còn tồn đọng và đề xuất phương án giải quyết kịp thời. Đây là chỉ đạo quan trọng, nhằm đảm bảo quyền lợi của công dân được bảo vệ và nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm trong hoạt động của bộ máy hành chính.

Bùi Bình

15:12 08/04/2025

Tin mới nhất

Xem thêm