Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cao Bằng: Một số tồn tại, hạn chế từ thực tế tiếp công dân

Trung Hà

Thứ bảy, 04/01/2025 - 19:00

(Thanh tra) - Mới đây, UBND tỉnh Cao Bằng đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Tiếp công dân năm 2013, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, tỉnh Cao Bằng đã nhìn nhận lại một số tồn tại, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành luật tại địa phương.

Thanh tra tỉnh Cao Bằng có 2 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Luật Tiếp công dân. Ảnh: Trung Hà

Trong 10 năm qua, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành 23 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hoá, hướng dẫn thực hiện Luật Tiếp công dân.

Đồng thời, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo (KNTC) được quan tâm tổ chức thực hiện bằng nhiều hình thức: Toàn tỉnh đã tổ chức được 1.010 cuộc phổ biến, quán triệt, tuyên truyền với 43.345 lượt người tham gia.

Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết KNTC đã tiếp 26.893 lượt/27.460 người, trong đó có 29 đoàn đông người. Các cấp, các ngành đã thực hiện đúng quy trình tiếp nhận và thụ lý giải quyết đơn thư khiếu nại của công dân, bảo đảm công khai trong việc kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại.

Các cơ quan, đơn vị đã tiếp nhận 23.357 đơn thư, qua xem xét xử lý, có 22.070 đơn đủ điều kiện xử lý và 1.287 đơn không đủ điều kiện xử lý. Trong 22.070 đơn đủ điều kiện xử lý, có 17.401 đơn thuộc thẩm quyền và 4.669 đơn không thuộc thẩm quyền.

Bên cạnh việc Chủ tịch UBND tỉnh và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đã nghiêm túc thực hiện tiếp dân công dân định kỳ theo quy định của Luật Tiếp công dân. Trong thời gian qua, người đứng đầu các địa phương, đơn vị đã luôn quan tâm, dành thời gian để giải quyết những vụ việc đột xuất có dấu hiệu gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Từ đó, công tác tiếp công dân trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng trong thực hiện tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, không ngừng củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC của Cao Bằng vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Một bộ phận Nhân dân có nhận thức về pháp luật còn hạn chế; công tác phối hợp giữa một số cơ quan chức năng trong giải quyết một số vụ việc chưa kịp thời, chặt chẽ; một số vụ việc khiếu nại xảy ra chưa được giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở, dẫn đến tình trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài; công tác kiểm tra, thanh tra về thực hiện các quy định về tiếp công dân chưa được tiến hành thường xuyên tại một số cấp, ngành…

Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Chánh Thanh tra tỉnh Cao Bằng phát biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Tiếp công dân của HĐND tỉnh Cao Bằng. Ảnh: BCB.

Cùng với đó, tỉnh Cao Bằng cũng nhìn nhận, Luật Tiếp công dân và văn bản hướng dẫn thi hành còn có một số nội dung chưa được cụ thể, khó thực hiện trong thực tế, một số quy định không còn phù hợp chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời nên ảnh hưởng không nhỏ đến thực thi nhiệm vụ tại các cơ quan, đơn vị.

Trong các lĩnh vực như đất đai, xây dựng, quản lý tài nguyên, có rất nhiều trường hợp KNTC chưa được giải quyết kịp thời. Mặc dù Luật Tiếp công dân đã quy định về quyền KNTC nhưng nhiều vấn đề mới phát sinh chưa có quy định cụ thể. Ví dụ, các quy định về khiếu nại trong trường hợp phát sinh vi phạm hành chính tại các dự án xây dựng lớn hay vấn đề liên quan đến bồi thường trong các trường hợp giải phóng mặt bằng vẫn chưa đủ rõ ràng.

Các vụ việc khiếu nại tập thể ngày càng trở nên phổ biến, nhất là trong lĩnh vực đền bù, giải phóng mặt bằng hay trong các tranh chấp đất đai. Tuy nhiên, hiện tại, pháp luật chưa có một quy định rõ ràng về cách thức giải quyết các vụ khiếu nại tập thể, gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước khi tiếp nhận và xử lý các yêu cầu từ nhiều công dân cùng một lúc.

Mặc dù có quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tiếp công dân, nhưng trong thực tế, sự thiếu minh bạch và thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết các khiếu nại của công dân vẫn tồn tại. Các quy trình giải quyết KNTC chưa thực sự hiệu quả khi không có các quy định cụ thể về chế tài xử lý đối với cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm trong công tác tiếp công dân

Tại Điều 7 Luật Tiếp công dân năm 2013, không quy định cụ thể về việc người đến KNTC, kiến nghị, phản ánh có được ghi âm, ghi hình, đưa hình ảnh tại nơi tiếp công dân lên mạng xã hội hay không và tại Khoản 8 Điều 6 Luật Tiếp công dân, chỉ quy định các hành vi nghiêm cấm: “Vi phạm các quy định khác trong nội quy, quy chế tiếp tiếp công dân”. Do vậy, hiện nay khi đưa nội dung cấm công dân ghi âm, ghi hình tại địa điểm tiếp công dân trong nội quy tiếp công dân dẫn đến nhiều trường hợp công dân khi bị xử lý đã phản ứng vì cho rằng Luật Tiếp công dân không cấm công dân ghi âm, ghi hình.

Mặc dù Luật Tiếp công dân năm 2013 quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tiếp công dân, nhưng cơ chế giám sát và kiểm tra việc thực hiện quyền tiếp công dân còn thiếu. Các quy định không cụ thể về cách thức giám sát và trách nhiệm của các cơ quan giám sát khiến cho việc kiểm tra việc thực thi công vụ của các cơ quan nhà nước đối với công dân còn chưa thực sự hiệu quả. Điều này tạo cơ hội cho sự tuỳ tiện trong việc áp dụng pháp luật và thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại.

Một điểm chưa rõ trong Luật Tiếp công dân là các quy định về bảo vệ người tiếp công dân. Mặc dù các cơ quan nhà nước có trách nhiệm bảo vệ cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhưng không có hướng dẫn chi tiết về các biện pháp bảo vệ và hỗ trợ cho những người tiếp công dân gặp phải hành vi cản trở, đe dọa hoặc xúc phạm. Điều này tạo ra một lỗ hổng trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiếp công dân, khiến họ có thể gặp khó khăn hoặc không dám thực thi đúng trách nhiệm…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm