Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

TKV: Đảm bảo than phục vụ ngành Điện

Trọng Tài

Thứ tư, 03/04/2024 - 15:00

(Thanh tra) - Với vai trò là nhà cung cấp than lớn nhất nước, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đảm bảo cung ứng đủ than cho nền kinh tế, đặc biệt là cho sản xuất điện vào các tháng cao điểm mùa khô năm 2024. Dự kiến, 7 tháng đầu năm 2024, Tập đoàn sẽ cung cấp 30,2 triệu tấn than cho nền kinh tế; riêng than cho điện là 25,8 triệu tấn, đạt 61,3% kế hoạch điều hành…

Kho bãi chứa than của Công ty Tuyển than Cửa Ông. Ảnh: TTTT

Để thực hiện mục tiêu, bước vào quý 1 năm 2024, TKV đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị khối khai thác tăng sản lượng tối đa để cung cấp nguyên liệu cho các ngành kinh tế, đặc biệt là các hộ điện. Cùng với đó, các đơn vị khối sàng tuyển, chế biến than cũng tập trung công tác phối trộn than sản xuất trong nước với than nhập khẩu, đáp ứng yêu cầu về chất lượng cho hoạt động của các nhà máy điện.

Với mục tiêu đảm bảo sản lượng than khai thác, ngay từ những tháng đầu năm 2024, Công ty Cổ phần Than Cao Sơn đã điều hành hệ thống phương tiện, máy móc, thiết bị khai thác mỏ làm việc hết công suất. Đội ngũ công nhân, thợ mỏ được tăng cường sản xuất tại cả 02 khai trường là Khe Chàm II và Cao Sơn với các chiến dịch thi đua sôi nổi. Tính riêng từ đầu tháng 3 đến nay, trung bình mỗi ngày công ty khai thác hơn 17.800 tấn than, tăng 14% so với kế hoạch ngày. Dự kiến, than nguyên khai quý 1 của đơn vị sẽ đạt xấp xỉ 1 triệu tấn, tăng cao so với kế hoạch năm.

Cùng với Than Cao Sơn, Công ty Cổ phần Than Mông Dương - Vinacomin cũng đã tạo khí thế thi đua lao động sôi nổi ở những hầm mỏ. Trong quý 1, công ty đã sản xuất 380.000 tấn than, đạt 24,5% kế hoạch năm 2024, tăng so với mục tiêu đề ra. Cùng với sản xuất, Than Mông Dương cũng đang tích cực đẩy nhanh tiến độ dự án xuống sâu của mỏ… Để đảm bảo sản lượng than theo kế hoạch, công ty đã rà soát tính toán lại trụ bảo vệ, giới hạn dừng các lò chợ để điều tiết thời gian chuyển diện các lò chợ, hạn chế việc chuyển diện đồng thời các lò chợ, tránh mất cân đối về sản lượng than sản xuất hàng ngày.

Bên cạnh việc thúc đẩy sản xuất than trong nước, TKV cũng chủ động nhập khẩu than và điều tiết phối trộn tại các vùng, đảm bảo chất lượng than cho hoạt động của các nhà máy điện.

Nổ mìn phục vụ khai thác trên khai trường Cao Sơn, Công ty CP Than Cao Sơn - TKV. Ảnh: TTTT

Năm 2024, Công ty Tuyển than Cửa Ông được TKV giao nhiệm vụ tiếp nhận hơn 14,3 triệu tấn than, tiêu thụ 13,1 triệu tấn. Trong đó, riêng than nhập khẩu là 1,113 triệu tấn, than sau pha trộn giữa than nhập khẩu và than trong nước là 2,543 triệu tấn. Than nhập khẩu được vận chuyển từ cảng về 02 nhà máy Tuyển than 1 và Tuyển than 3 để pha trộn với than trong nước. Quá trình pha trộn sẽ giảm sự chênh lệch về chất đốt giữa than nhập khẩu và than trong nước để ra một chủng loại than mới đảm bảo trung bình tiêu chuẩn. Sau đó, than sẽ tiếp tục được đưa ra các đơn vị kho, bến để pha trộn lần hai cho ra các chủng loại than khác nhau theo nhu cầu của từng khách hàng.

Cùng với việc đảm bảo về chủng loại, chất lượng than pha trộn, vấn đề về giá thành cũng được Công ty Tuyển than Cửa Ông đặc biệt quan tâm. Trong đó, tỷ lệ than pha trộn sẽ có tác động chính tới giá thành. Nếu như năm 2023, tỷ lệ pha trộn là 66% than trong nước, 34% than nhập khẩu, thì năm nay lượng than nhập khẩu sẽ tăng lên, than trong nước sẽ giảm đi, với tỷ lệ nhập khẩu 42%, trong nước 58%.

Trên cơ sở kế hoạch giao tỷ lệ than pha trộn từ đầu năm, công ty đã chủ động, bám sát lịch trình giao nhận và chất lượng than nhập khẩu để có kế hoạch đưa than trong nước vào pha trộn một cách hợp lý, nhất là các loại than trong nước giá thành rẻ như cám 7, cám 8. Nhờ đó, giá vốn than đầu vào sẽ thấp hơn giá thành than bán ra, giúp đảm bảo mục tiêu kinh doanh có lãi của công ty nói riêng và TKV nói chung, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Công ty Tuyển than Hòn Gai cũng là một trong những đầu mối quan trọng của TKV thực hiện tiếp nhận, pha trộn than nhập khẩu với than trong nước. Năm 2024, đơn vị này được giao pha trộn 1,2 triệu tấn than nhập khẩu với gần 800.000 tấn than trong nước, để ra được 2 triệu tấn than sau pha trộn, cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện.

Để đảm bảo độ đồng đều trong sản phẩm sau pha trộn, công ty tiến hành pha trộn trong dây chuyền của Trung tâm chế biến than, cấp liệu đồng thời than nguyên khai trong nước và than nhập khẩu theo tỷ lệ đã được lên phương án từ trước. Sản phẩm pha trộn trong dây chuyền sản xuất của công ty đều đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chất lượng để cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện.

Theo TKV, dự kiến quý 1 năm 2024, Tập đoàn sẽ cung cấp cho nền kinh tế trên 12,2 triệu tấn than nguyên khai, đạt 24,6% kế hoạch năm… Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ than trong nước, năm nay, TKV cũng sẽ nhập khẩu gần 15 triệu tấn than để pha trộn với than trong nước. Lãnh đạo TKV khẳng định, Tập đoàn đảm bảo sẽ cấp đủ than cho sản xuất điện; đồng thời, sẽ tăng cường kiểm tra các dây chuyền phối trộn than, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn đã cam kết.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

PC Thái Bình nỗ lực làm tốt công tác quản lý vận hành đối với TBA 110 kV thuộc tài sản khách hàng

PC Thái Bình nỗ lực làm tốt công tác quản lý vận hành đối với TBA 110 kV thuộc tài sản khách hàng

(Thanh tra) - Trạm biến áp 110kV Amon Nitrat E11.12 là TBA trực thuộc nhà máy Amon Nitrat - Công ty Hóa chất mỏ Thái Bình được Công ty Điện lực Thái Bình (PC Thái Bình) thực hiện thuê bao quản lý vận hành. Trạm được khởi công xây dựng từ ngày 27 tháng 7 năm 2022 và được đóng điện đưa vào vận hành từ ngày 25/02/2023.

Theo EVNNPC

21:09 12/12/2024
SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

(Thanh tra) - Nửa cuối năm 2024, nền kinh tế có nhiều biến động khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) phải đối mặt với nhiều áp lực tài chính. Để hỗ trợ SMEs vượt qua giai đoạn thách thức này, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) chủ động triển khai những chính sách cụ thể với các giải pháp hỗ trợ như: Gói vay ưu đãi, lãi suất hỗ trợ... cùng quy trình thủ tục được “may đo” riêng biệt giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi và hiệu quả.

PV

11:41 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm