Năm 1988, hai năm sau đổi mới, nước ta thực hiện chính sách ngoại giao đa phương hóa, đa dạng hóa, làm bạn với tất cả các nước và nhất là có Luật Đầu tư nước ngoài nên các nước tư bản như Anh, Pháp, Ấn Độ, Canada... có ý định mở thị trường vào Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí. Trước đây, đối tác của nước ta duy nhất chỉ có Liên Xô, tuy là các hợp đồng làm ăn nhưng được ký kết trên tinh thần hữu nghị anh em là chính. Giờ đây, khi làm ăn với các nước tư bản thì mọi chuyện rất khác. Đó là luật lệ, là những ràng buộc khắt khe, là những tỉ lệ ăn chia và đóng góp các loại thuế nên đòi hỏi “những cái đầu lạnh và trái tim lạnh”. Một số bè bạn đồng nghiệp hiến kế và tiến cử người cho Tổng cục. Thế là TS. Đặng Của được điều về làm Giám đốc Công ty Dầu khí II (Petrovietnam II).Cùng trong khoảng thời gian này, Đặng Của cũng vừa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội với đề tài “Hoàn thiện chế độ khoan để nâng cao hiệu quả trong thi công các giếng khoan sâu ở vùng trũng Hà Nội”. Khi tốt nghiệp, ông vừa tròn 50 tuổi, cũng là người đầu tiên bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ của Trường Đại học Mỏ - Địa Chất (bộ môn Khoan - Khai thác).Kể về hành trình 3 năm rưỡi làm nghiên cứu sinh “tại chức” của mình, TS. Đặng Của không dấu vẻ tự hào:“Tôi còn nhớ ở thời điểm đó, để giải bài toán tìm tối ưu, nội dung của nó là phương trình phi tuyến, tải trọng động và được xử lý trên máy tính điện tử EC – 1022 trên ngôn ngữ BASIC OC – EC. Nhà nuôi lứa heo năm con tất cả dành để trang trải cho ba tiếng đồng hồ chạy trên máy tính, số tiền còn lại vừa đủ cho việc “tái sản xuất mở rộng”. Các lứa xuất chuồng tiếp theo cũng chỉ đủ chi phí cho việc đánh máy luận án, bảo vệ thử và bảo vệ chính thức…”.Ông kể, cũng may gia đình ở căn hộ tầng trệt khu tập thể, heo nuôi được trong bếp và cả ngoài mái hiên. Ngày đó không có tiền, ông nghĩ cách vào trường vớt trộm bèo về cho heo ăn. Bị bảo vệ bắt lại phải năn nỉ mãi… Thế nhưng đến đợt đàn heo bị bệnh, không nhớ nghe ai mách được, ông cũng cắn răng mua trứng vịt lộn về “bồi dưỡng” cho chúng, trong khi cả gia đình cũng chỉ cơm rau qua ngày.“Trong cơ quan anh em đều khen ông này “mát tay” nuôi heo. Thực ra, tôi phải luôn nỗ lực hết sức mình. Vừa nuôi gia đình và làm nghiên cứu sinh, đồng lương bao cấp không thể nào lo hết được mọi việc …Kỹ sư Đặng Của và các đồng nghiệp trên giàn khoanKể ra như vậy để thấy, so với thời chúng tôi cách đây nửa thế kỷ, các bạn trẻ giờ đây có công việc và sự nghiệp rộng mở, có điều kiện học tập hơn rất nhiều. Tôi nghĩ, nếu chúng tôi đã làm được, các bạn chắc chắn cũng sẽ làm được. Vì vậy, hãy cố gắng học tập và học tập không ngừng. Đó chính là bước đệm để các bạn phát huy tất cả khả năng của mình. Các bạn hãy cố gắng lên!” - TS. Đặng Của nói.Năm 1993, do yêu cầu công tác, TS. Đặng Của được điều chuyển về làm Phó giám đốc Công ty Thăm dò, Khai thác Dầu khí. Năm 1995, ông tiếp tục chuyển về làm Phó Tổng giám đốc khoan Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt - Xô (Vietsovpetro) cho đến năm 1999 thì nghỉ hưu.- Nếu chọn ba việc lớn của bác thời gian làm ở Vietsovpetro sẽ là những việc gì? - Tôi hỏi.- Tôi nghĩ - TS. Đặng Của thoáng suy tư rồi thận trọng nói - Một là đưa công nghệ mới của các nước tư bản vào hệ thống khoan, đặc biệt là định vị khoan xiên. Thứ hai là khâu đào tạo cán bộ kỹ thuật, gồm cả việc thuê người về hướng dẫn và trực tiếp hướng dẫn cho một đội ngũ khá đông các nghiên cứu sinh trong lĩnh vực khoan, khai thác dầu khí. Thứ ba, là việc đề cử cán bộ đúng người, đúng việc, phát huy tác dụng tốt.Đôi lời nhân ngày kỷ niệmNhân kỷ niệm 61 năm ngành Dầu khí Việt Nam, người viết xin được trích đăng những lời TS. Đặng Của gửi gắm cho thế hệ trẻ dầu khí ngày hôm nay:“Từ giếng khoan đầy bỡ ngỡ hơn ba ngàn mét trên đất Thái Bình cách đây hơn 50 năm, đến hôm nay ngành dầu khí đã trở thành ngành kinh tế chủ lực, góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ chủ quyền đất nước. Những giàn khoan sừng sững trên biển không chỉ mỗi năm đem về cho đất nước hàng tỉ USD mà còn là những pháo đài bất khuất trên Biển Đông, khẳng định chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam thân yêu.Ngày hôm nay, khi chúng ta đang ngồi với nhau ôn lại những kỷ niệm xưa thì trên các giàn khoan, hàng ngàn cán bộ, công nhân ngành Dầu khí Việt Nam vẫn đang lao động hết sức mình để đưa dòng dầu khí về đất liền xây dựng đất nước.Ông Trần Quang Dũng - Trưởng Ban TT&VHDN, đại diện lãnh đạo Petrovietnam trong một dịp đến thăm hỏi TS. Đặng Của.Có thể nói trong 61 năm qua, ngành Dầu khí Việt Nam đã đi được một bước khổng lồ. Thành tựu đó trước hết thuộc về nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam, những nhà dầu khí Việt Nam cả những người đang sống và những người đã khuất. Xin cảm ơn mỗi tấc đất chúng ta đã đi qua, xin cảm ơn những con người đã gặp trên mỗi nẻo đường Tổ quốc thân yêu đã động viên, chia sẻ, giúp đỡ chúng ta. Xin cảm ơn tất cả anh chị em đang ngày đêm lao động trong phòng thí nghiệm, ở những công trường. Đặc biệt, xin cảm ơn các cán bộ, công nhân đang làm việc trên những giàn khoan ngoài biển xa. Các bạn chính là những chiến sĩ đang canh giữ biển trời của Tổ quốc giữa đại dương.Ngành Dầu khí Việt Nam đã và đang ngày càng lớn mạnh. Lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam sẽ bước vào những trang vẻ vang hơn, nhưng thế hệ chúng tôi tự hào là những người may mắn đã được lịch sử, được Tổ quốc lựa chọn và giao phó cho một sứ mệnh cao cả, đó là đặt nền móng cho ngành Dầu khí Việt Nam.Xin cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học trẻ, những người đã kế tục sự nghiệp của chúng tôi một cách suất xắc. Nếu chúng tôi là những người xây dựng nền móng của ngành, thì chính các bạn là người đã xây dựng trên nền móng đó những tòa lâu đài nguy nga, hoành tráng. “Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay”. Hôm nay, trong giờ phút “ngọt bùi” này, chúng ta cùng nhau hồi tưởng lại những ngày “đắng cay” không phải là để than vãn, kể công mà cao hơn điều đó rất nhiều, đó là chúng ta cùng nhau ôn lại quá khứ để hướng tới tương lai, một tương lai xán lạn huy hoàng của ngành Dầu khí Việt Nam.”Trúc Lâm