Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kỳ 2: Kỳ tích tại Giếng khoan thông số số 1

Thứ bảy, 26/11/2022 - 08:00

(Thanh tra)- Ngày 23/9/1970, dưới sự chỉ huy của kỹ sư khoan Đặng Của và kỹ sư khoan Đinh Văn Danh, những mét khoan đầu tiên của Giếng khoan thông số số 1 được tiến hành. Một năm lẻ 5 ngày sau đạt chiều sâu 3.000m, thêm 70 ngày nữa đạt đến chiều sâu 3.303m, trở thành kỷ lục khoan sâu đầu tiên ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Điệp - Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất (1) thăm công trường xây lắp giàn khoan sâu đầu tiên 3.200m tại làng Khuốc, Tiên Hưng, Thái Bình (tháng 7/1970). (2)Ông Đặng Của - Đoàn phó thi công Đoàn 36S; (3)Ông Vũ Bột - Liên đoàn trưởng Liên đoàn địa chất 36

Năm 1968, trở về Việt Nam sau 5 năm du học tại trường Đại học Dầu khí Gubkin, kỹ sư Đặng Của lập tức được giao nhiệm vụ tổ trưởng tổ khoan sâu của Liên đoàn địa chất 36. Và để chuẩn bị cho việc khoan giếng khoan thông số số 1 (số hiệu GK-100), năm 1969, Đoàn Khoan sâu 36S được thành lập. Khi ấy Đoàn trưởng là ông Nguyễn Đức Quý, kỹ sư Đặng Của làm Đoàn phó phụ trách thi công.

Khoan sâu thường chiếm chi phí lớn, tới 90% toàn bộ kinh phí thăm dò nên việc đặt giếng khoan ở đâu có hiệu quả là cực kỳ quan trọng. Sau một thời gian dài nghiên cứu, tính toán, các nhà địa chất đề xuất đặt giếng khoan tại làng Khuốc, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, một làng chèo nổi tiếng, cái nôi chèo của châu thổ sông Hồng. Đây là một quyết định khá táo bạo bởi khi đó, chiến tranh đang lan rộng ra miền Bắc.

Giếng GK-100 là giếng khoan sâu đầu tiên ở miền võng Hà Nội, cũng là đầu tiên ở Việt Nam. Chuyên gia Liên Xô và các kỹ sư Việt Nam đã tiến hành thiết kế giếng khoan, trực tiếp chỉ đạo thực hiện. Thế nhưng, đến khi làm xong phương án thiết kế thi công giếng khoan lại phát sinh vấn đề. Không rõ vì nguyên nhân nào, vật tư, dụng cụ khoan, ống chống các loại, choòng khoan, hóa phẩm… trong đơn hàng chỉ có thể đáp ứng được 50% so với thiết kế. Thế là, phải đặt hàng bổ sung gấp sang Liên Xô, mất thêm một năm chờ đợi.

Tháng 2/1969, những chuyến hàng đầu tiên được chuyển đến. Cỗ máy khoan 4LD-150D do Rumani sản xuất, công suất khoan được 3.200 m. Thiết bị của bộ máy khoan nặng gần 1.000 tấn, có những thiết bị nặng 18, 20 và 25 tấn, riêng tháp khoan được thiết kế thành 3 đoạn, có những đoạn dài 18 m. Thiết bị thuộc về dạng siêu trường - siêu trọng kèm theo cần khoan, ống chống, choòng khoan và các loại vật tư tiêu hao khác có trọng lượng hơn 2.000 tấn.

Do máy bay Mỹ bắn phá cảng Hải Phòng, các thiết bị, vật tư được chở rải rác bằng nhiều tàu, nhiều chuyến khác nhau, nên hàng đưa lên cảng Hải Phòng được đưa đi cất giấu ở dọc đường số 5. Đường sá, cầu cống chịu tải trọng rất thấp, Đoàn 36S cùng với đơn vị giao thông có phương tiện bốc dỡ chuyên dụng đã tìm mọi phương án vận chuyển về đến khoan trường, phải kết hợp cả đường thủy, đường bộ.

Trong thời gian này, kỹ sư Đặng Của là Đoàn phó phụ trách kỹ thuật thi công, song gần như tất cả các phần công việc trong hầu hết các lĩnh vực, từ tổ chức sản xuất, tìm kiếm, mua sắm thiết bị, lo đời sống cho anh em và trực tiếp chỉ đạo khoan… đều do ông phụ trách.

TS. Đặng Của kể lại, đường từ Phố Tăng vào vị trí giếng khoan trong làng Khuốc là một con đường làng rất hẹp. Nền khoan nằm ngay giữa ruộng. Vì vậy, việc thi công mở rộng đường và gia cố nền móng mất những 4 tháng. Đường mở rộng vào nhà dân, dân không đòi đền bù. Ruộng đất do hợp tác xã quản lý, việc xin đất làm nền khoan khá thuận lợi. Thiết bị, vật tư được vận chuyển về để dọc đường theo Phố Tăng, một số đưa vào khoan trường, để rải rác ở một số kho trong làng và các làng lân cận. Còn 400 tấn xi măng nóng trám giếng khoan phải gửi vào trong ngôi đình ở làng Phong Châu.

“Người Thái Bình tốt lắm. Những ngày đầu gian khó ấy, họ đã giúp đỡ, sẻ chia với chúng tôi rất nhiều” - ông nói.

Tháng 6/1970, Liên Xô cử đội xây lắp sang, có kỹ sư và 15 công nhân cùng với cán bộ và công nhân Việt Nam tiến hành xây lắp giàn khoan. Tháng 9/1970, việc xây lắp giàn khoan đã hoàn tất, tháp khoan cao 53 m, có sức nâng 150 tấn, đứng sừng sững giữa cánh đồng của làng Khuốc, đi cách xa hàng cây số cũng đã nhìn thấy.

Gần hai năm chuẩn bị, từ đầu năm 1969 đến cuối năm 1970, mới bắt đầu tiến hành khởi công khoan. Ngày khởi công, gần như cả miền Bắc hồi hộp. Riêng đoàn phó Đặng Của thì vừa mừng, vừa lo. Mừng vì ước vọng bao nhiêu năm được trực tiếp thi công một giếng khoan sâu của mình nay đã thành hiện thực. Lo vì đây là mũi khoan đầu tiên trên vùng đồng bằng sông Hồng Việt Nam, nên hầu như tất cả đều phải mò mẫm. Các thông số như nhiệt độ, áp suất vỉa đều chỉ dựa trên nghiên cứu lý thuyết. Các yếu tố kỹ thuật như tốc độ vòng quay, tỉ trọng dung dịch, tải trọng đều dựa trên những phán đoán, những linh cảm khoa học.

Sau hơn một năm miệt mài lao động với biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ và cả hiểm nguy, vừa làm, vừa phải chạy máy bay Mỹ đánh phá, đến cuối tháng 9/1971, Đặng Của cùng những người cộng sự của mình đã khoan đạt đến chiều sâu 3.000 m, và đến đầu tháng 12/1971 đạt chiều sâu 3.303 m, kỷ lục khoan sâu nhất ở Việt Nam lúc bấy giờ.

Song, đến tháng 6 năm 1972, Tổng cục Địa chất quyết định ngừng việc thử vỉa ở GK-100 vì đế quốc Mỹ đang leo thang đánh phá ác liệt miền Bắc. Để thực hiện khẩn trương công việc sơ tán theo quyết định của Tổng cục Địa chất, vấn đề nan giải nhất đối với cán bộ thi công của Đoàn 36S là tìm thuê cho được cần cẩu có sức nâng 30 tấn để tháo dỡ bộ máy khoan 4LD-150D. Đơn vị có cần cẩu không thể cho thuê được vì đang phục vụ cho công trình trọng điểm của Bộ Giao thông vận tải. Cuối cùng, Đoàn 36S đã nảy ra sáng kiến là đấu thử 2 cần cẩu để trên xe ôtô KRAZ, mỗi chiếc có sức nâng 16 tấn để nâng trục tời nặng tới 25 tấn ở độ cao trên sàn 4,70 m. Ở đây đòi hỏi sự điều khiển đồng bộ, thần kinh vững chắc và cuối cùng cán bộ, công nhân đã nâng cụm thiết bị nặng nhất xuống mặt đất an toàn.

Thái Bình tuy không phải là vùng trọng điểm nhưng thường là nơi trút bom thừa trên đường về Hạm đội 7 của máy bay Mỹ, bất kể ngày đêm đều có tiếng bom nổ trên các cánh đồng, bờ đê… Có lần, máy bay địch ném bom cách giàn khoan chỉ 500 m, các cán bộ kỹ sư không kể ngày đêm tìm mọi cách tháo dỡ nhanh bộ máy khoan 4LD-150D, sớm hơn kế hoạch được giao 10 ngày. Các thiết bị nhẹ được vận chuyển đưa vào trong làng, thiết bị nặng để hai bên đường dọc Phố Tăng có ngụy trang.

“Lúc ấy, anh em chúng tôi làm việc hết sức cực nhọc và đặc biệt là thiếu thốn về vật chất, mỗi người được 18 kg kể cả độn khoai, bo bo… Về sau được tăng lên 21 kg và 2,5 kg thịt trong một tháng…” - TS. Đặng Của nhớ lại.

Vậy là, giếng khoan thông số số 1 - giếng khoan sâu đầu tiên của Việt Nam đã hoàn thành ở độ sâu 3.303m. TS. Đặng Của nói, tuy không đạt được hiệu quả mong muốn là phát hiện dầu khí nhưng giếng khoan này trở thành một thành tựu đặc biệt đối với các cán bộ, kỹ sư Việt Nam lúc bấy giờ, bởi nó đã trả lời một loạt các câu hỏi như tính chất đất đá của châu thổ sông Hồng, các thông số nhiệt độ, áp suất vỉa; cảnh báo những phức tạp của địa tầng và một điều vô cùng quan trọng là từ giếng khoan này đã tạo cơ hội cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân được tiếp cận với công nghệ khoan sâu để từ đó, đúc rút kinh nghiệm và trưởng thành./.

(còn tiếp)

Trúc Lâm

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp

Giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp

(Thanh tra) - Cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp bước vào giai đoạn "nước rút" cho các kế hoạch sản xuất kinh doanh mùa cao điểm, nhu cầu về vốn vì thế cũng tăng đột biến. Gói ưu đãi lãi suất đặc biệt với tổng hạn mức 6000 tỷ đồng đã được Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) triển khai từ nay cho đến 31/1/2025 nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.

16:43 21/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm