Do quá trình di dân từ các vùng khác đến Tây Nguyên nên tỷ lệ dân số các DTTS tại chỗ càng ngày càng thấp. Xu thế này ảnh hưởng đến tính bền vững trong phát triển kinh tế xã hội của Tây Nguyên, như các vấn nạn về môi trường và diện tích rừng bị thu hẹp.

Về mặt phân bố các thành phần tộc người ở Tây Nguyên các dân tộc nói ngôn ngữ Môn - Khơme có 10 dân tộc đó là: Ba Na, Cơ Ho, Xơ Đăng, Mnông, Mạ, Giẻ - Triêng, Hrê, Rmăm, Brâu, Xtiêng; nhóm dân tộc nói ngôn ngữ Nam Đảo có 4 dân tộc là: Gia Rai, Ê Đê, Chu Ru và Raglai; Các dân tộc thuộc nhóm Môn - Khơme cư trú ở hai đầu, Bắc và Nam Tây Nguyên, nhóm phía Bắc (Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ - Triêng, Hrê, Rmăm và Brâu) gọi là nhóm ngôn ngữ Banaic; nhóm phía Nam (Mnông, Cơ Ho, Mạ, Xtiêng), gọi là nhóm ngôn ngữ Mnôngic. Còn các dân tộc nhóm Nam Đảo thường cư trú ở khu vực giữa của Tây Nguyên.

Trong hành trình nghiên cứu, chúng tôi đã may mắn có nhiều đợt đi công tác 5 tỉnh Tây Nguyên, mới thấy rằng: Thủa trước, buôn làng là đơn vị xã hội cơ bản và chủ đạo ở Tây Nguyên. Ở đây, từ văn hóa, kinh tế, tôn giáo… đều gắn với buôn làng, qua 4 đặc trưng: Buôn làng là một cộng đồng cư trú; buôn làng là một cộng đồng sở hữu; buôn làng là một cộng đồng tôn giáo và buôn làng là một cộng đồng văn hóa. Đến trước thời kì đổi mới, nhìn chung nền tảng văn hóa Tây Nguyên dựa trên sở hữu cộng đồng buôn làng đối với đất đai và tài nguyên rừng. Khi ấy rừng là cội nguồn văn hóa Tây Nguyên. Tuy nhiên, nhược điểm của tính khép kín buôn làng đã làm giảm sự liên kết xã hội ở mức độ rộng của cộng đồng nơi đây với các nhóm cư dân khác, mà thiếu nó rất khó tạo ra sự hội nhập của các cư dân tại chỗ với tiến trình hiện đại hóa, nên khó kích thích nguồn lực nội sinh phát triển.

Cấu trúc buôn làng Tây Nguyên kéo dài vai trò chủ đạo cho đến thời điểm gần đây. Rồi bỗng dưng các cuộc đại di dân đã phá vỡ tính khép kín ấy. Các cuộc di dân đã làm biến đổi toàn bộ hiện trạng Tây Nguyên về mặt cơ cấu dân số và biến động xã hội.

Trước năm 1975, dân số vùng này chưa đến 1 triệu người, hiện nay đã hơn 5 triệu, tăng hơn 5 lần trong vòng 40 năm qua. Trong cuộc di dân đáng lưu ý nhất là từ năm 1986 đến nay đã có khoảng 50. 000 người Hmông từ phía Bắc di cư vào Tây Nguyên. Điều đáng chú ý, đa số người Hmông di cư là tín đồ theo Đạo Tin lành. Theo số liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ,  tính đến hết 2015, đã có khoảng hơn 40. 000 người Hmông là tín đồ Tin lành di chuyển vào Tây Nguyên, chiếm 87% số người Hmông trong khu vực.

Những dòng người di cư đã mang đến Tây Nguyên những phương pháp canh tác sản xuất khác cư dân tại chỗ, trong đó có việc đốt rừng lấy đất canh tác sản xuất. Đồng thời họ cũng mang đến những lối sống và văn hóa khác nhau. Điều dễ thấy nhất của cuộc di cư tác động đến văn hóa-xã hội là tính thuần nhất của một nền văn hóa đặc trưng bao trùm toàn vùng đất này đã không còn như trong quá khứ, mà nó là bức tranh đa dạng sinh động như chính các thành phần cư dân hiện tại ở Tây Nguyên hiện nay.

Quá trình suy giảm diện tích rừng ồ ạt và chuyển đổi sở hữu đất đai đã làm nền tảng văn hóa của cộng đồng cư dân tại chỗ thay đổi và biến động. Điều này dẫn đến một hiện trạng văn hóa ở Tây Nguyên là hòa nhập với cộng đồng quốc gia muộn, nhưng lại sớm phải đối diện với sự phát triển chóng mặt của kinh tế thị trường. Còn các tộc người khác đến với Tây Nguyên, nhất là với người Kinh, dường như họ lại có cảm giác chứng kiến một tình trạng kéo dài của cấu trúc buôn làng, vốn rất xa xưa và lạ lẫm với họ. Như vậy, hai luồng văn hóa bản địa, đậm dấu ấn xưa cũ và nền văn hóa mới, hiện đại của nhóm người di cư đã có dịp giao lưu với nhau trên vùng đất này, tạo ra một sắc mầu văn hóa vừa đa dạng, vừa muốn học hỏi cái mới nhưng lại muốn giữ lại nguyên trạng những nguyên sơ của vùng này. Suy cho cùng, việc lựa chọn văn hóa, lối sống là do người dân, chủ thể nơi đây quyết định. Do đó, việc đa dạng văn hóa, lối sống, tộc người và các thành phần kinh tế chính nó đã tạo ra một sự tự do phát triển. Việc tìm kiếm tính đơn nhất những nét văn hóa đặc trưng của Tây Nguyên không quan trọng bằng việc cần “phát triển bền vững” cho vùng này. Nếu giải quyết được bài toán phát triển bền vững, thay cho “phát triển nóng”, “tăng trưởng nóng” thì thiết nghĩ cái gì là nguyên dạng của Tây Nguyên có lẽ vẫn còn đó.

Hiện nay vấn đề đặt ra với quản lý văn hóa ngoài tính toán khoa học giữa việc phát huy bảo tồn, thiết nghĩ phải tạo ra các cơ chế mà từ các vốn văn hóa căn cốt của vùng này có thể kích đẩy các dân tộc tại chỗ phát triển. Có như thế thì văn hóa mới có sức sống. Văn hóa mà xa rời cuộc sống, hay chỉ theo chủ đích của một vài nhóm lợi ích nào đó sẽ rất mỏng manh, bởi đó không phải là ý định xuất phát từ các chủ thể văn hóa. Định hướng xây dựng chính sách xã hội ở Tây Nguyên hiện nay cần hướng đến các chính sách hỗ trợ phát triển toàn diện đối với đồng bào DTTS số tại chỗ. Đồng thời nhận thức đúng mức và có chính sách kịp thời về giải quyết ổn thoả mối quan hệ đất đai giữa sở hữu Nhà nước với sở hữu cộng đồng truyền thống của đồng bào DTTS tại chỗ và mối quan hệ đất đai giữa các nhóm dân tộc, đặc biệt là chế độ quản lý sử dụng đất đai, rừng theo tập quán truyền thống của đồng bào dân tộc tại chỗ. Cơ chế, chính sách quản lý ổn định xã hội cần xây dựng dựa trên các thiết chế tự quản ở buôn làng kết hợp với chính sách đoàn kết dân tộc. Xác định buôn làng là một bộ phận đặc biệt quan trọng và không thể tách rời trong cơ chế quản lý xã hội ở cấp cơ sở của Tây Nguyên.

Tuy nhiên, trong cơ chế chính sách của Nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển bền vững ở Tây Nguyên hiện nay không thể không tính đến yếu tố tôn giáo. Quá trình phát triển của Công giáo, Tin lành đối với đồng bào dân tộc tại vùng này đã làm hoán cải họ từ sinh hoạt văn hóa buôn làng cổ truyền sang một văn hóa mới gắn với sinh hoạt tôn giáo, tạm gọi là “văn hóa tôn giáo”.

Đặc trưng của “văn hóa tôn giáo” là nó đã kích đẩy những chủ nhân ở chính vùng đất của họ nhiều yếu tố tích cực như củng cố các giá trị đạo đức, thực hành tiết kiệm, giúp họ làm ăn kinh tế, đoàn kết, tiếp cận được những cái mới. Thực tế cho thấy những cải tổ về các thủ tục cưới xin mà chay do các tôn giáo mang lại có vẻ ưu trội hơn so với các tập tục rườm rà tốn kém của văn hóa buôn làng.

Một số nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra xu hướng rằng: “Văn hóa tôn giáo” đã tạo ra sự liên kết xã hội mạnh mẽ qua niềm tin, thờ phượng. Nó vượt trên sự liên kết bằng huyết tộc, để có một liên kết rộng hơn, tạo điều kiện cho cư dân tại chỗ thích nghi hội nhập và lĩnh hội tri thức.

Quốc Đông