Trên tinh thần đó, Hội nghị Triển khai pháp luật toàn quốc lần thứ hai dự kiến diễn ra trong sáng 7/3/2024 theo hình thức trực tiếp tại Phòng Thăng Long (Nhà Quốc hội), kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương.

Từ hoạt động chủ động này của Quốc hội khoá XV, cần nhìn nhận và soi rọi vào thực tế cuộc sống để thấy rằng tinh thần mà Quốc hội khoá XV nêu ra thực sự là một yêu cầu từ cuộc sống sinh động phải được các cấp, các ngành cùng chia sẻ, quan tâm và phải chủ động rà soát, giải quyết dứt điểm những tồn tại từ rất lâu do việc thực hiện pháp luật không đúng, thiếu sót hoặc bất cập trong thực tiễn gây ra.

Thực tiễn này có thể lấy ra một loạt ví dụ dây chuyền xảy ra ngay chính tại một địa phương thuộc Hà Nội.

“Thủ tiêu nghị định” vì cấp trên chậm hướng dẫn

Ngày 25/5/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 84/2007/NĐ-CP Quy định bổ sung về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai (sau đây gọi là Nghị định 84). Trong Nghị định 84,  “Điều 48. Bồi thường bằng đất ở khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp” quy định:

"Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp trong trường hợp không được Nhà nước bồi thường bằng đất nông nghiệp tương ứng mà không có nguyện vọng nhận bồi thường bằng đất làm mặt bằng sản xuất hoặc kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định số 17/2006/NĐ-CP thì được bồi thường bằng giao đất ở có thu tiền sử dụng đất tại khu tái định cư hoặc tại vị trí trong khu dân cư phù hợp với quy hoạch.

Mức đất được giao do UBND cấp tỉnh căn cứ vào khả năng quỹ đất và mức đất bị thu hồi của từng hộ gia đình, cá nhân để quy định.

Giá đất ở được giao bằng giá loại đất nông nghiệp tương ứng đã thu hồi cộng với chi phí đầu tư hạ tầng khu dân cư nhưng không cao hơn giá đất ở có điều kiện tương ứng tại thời điểm thu hồi đất đã được UBND cấp tỉnh quy định và công bố.”

Khi thu hồi đất vào cuối năm 2007 ở Dự án Xây dựng đường vào khu công nghiệp Nam Thăng Long (nối từ đường Hoàng Quốc Việt kéo dài), các quyết định thu hồi đất có căn cứ vào Nghị định 84 do Nghị định 84 đã có hiệu lực thi hành nhưng thực tế UBND huyện Từ Liêm (trước đây) không thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm bằng hình thức giao đất ở như Điều 48 quy định. Lí do được đưa ra: Tuy Nghị định 84 đã có hiệu lực thi hành nhưng UBND TP Hà Nội chưa ban hành các quy định về chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm bằng hình thức giao đất ở.

leftcenterrightdel
 

Với lí do “tế nhị” này mà ở các quyết định thu hồi đất sau đó vào ngày 31/12/2007 tại Dự án Đề - pô tuyến đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn - ga Hà Nội ở xã Tây Tựu và Minh Khai, UBND huyện Từ Liêm “cẩn thận” cắt bỏ Nghị định 84 ra khỏi phần căn cứ.

Thực tế, ngày 29/9/2008, UBND TP Hà Nội mới ban hành Quyết định số 18/2008/QĐ-UBND trong đó có nội dung hướng dẫn thực hiện điều 48 của Nghị định 84 với thời hạn hiệu lực bắt đầu áp dụng từ ngày 1/1/2008.

Chính vì vậy đã dẫn đến tình trạng khiếu kiện đông người.

Năm 2009, 04 gia đình đầu tiên tại xã Thuỵ Phương được công nhận quyền lợi theo Điều 48 của Nghị định 84 khi UBND TP Hà Nội giải quyết khiếu nại.

Đến năm 2013 hơn 60 gia đình khác thuộc xã Thuỵ Phương tiếp tục được công nhận quyền lợi. Đối với 130 hộ gia đình tại xã Tây Tựu (nay là phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm) dù từ năm 2011 đại biểu HĐND huyện Từ Liêm và xã Tây Tựu nhiều lần lên tiếng kiến nghị nhưng phải sau 16 năm kể từ khi bị thu hồi đất và đeo đẳng khiếu kiện kéo dài, các cấp, ngành của Hà Nội mới thống nhất trả đất dịch vụ cho dân theo quy định của Nghị định 84 vào năm 2023.

Buông quyền lợi của dân cả chục năm

Bước sang năm 2024, 130 hộ dân Tây Tựu vẫn đang chờ các cấp hữu quan của quận Bắc Từ Liêm “từ từ” hoàn thiện các thủ tục để ban hành quyết định công nhận quyền lợi cho các hộ dân.

Trong khi đó hơn 60 hộ dân tại Thuỵ Phương có “may mắn hơn” ở Tây Tựu là đã được cấp có thẩm quyền của huyện Từ Liêm trước đây ban hành các quyết định công nhận quyền lợi  “rất sớm” từ năm 2010 đến năm 2013. Trong quyết định ghi rõ: “UBND huyện Từ Liêm ghi nhận diện tích đất ở sẽ giao thời gian là 03 năm kể từ thời điểm các hộ gia đình bàn giao đất nông nghiệp bị thu hồi và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư”

Ngày 07/10/2013, ông Lê Văn Thư, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm kí Thông báo số 220/TB-UBND cho biết dự kiến giao đất dịch vụ trong quý II/2014. Đến năm 2019, UBND quận Bắc Từ Liêm ra Thông báo số 977/TB-UBND về việc tổ chức bốc thăm giao đất hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm bằng hình thức giao đất để ở (đất dịch vụ) trên địa bàn quận Nam Từ Liêm và quận Bắc Từ Liêm (trước đây là huyện Từ Liêm) với lịch dự kiến bốc thăm từ ngày 26/6/2019 đến 28/6/2019.

Tuy nhiên, đến tận bây giờ, sau hơn từ 10 - 14 năm, qua các đời Chủ tịch UBND: Lê Văn Thư, Nguyễn Văn Tứ, Đỗ Mạnh Tuấn, Trần Thế Cương, Lưu Ngọc Hà và bây giờ là Nguyễn Hữu Tuyên thì “đất dịch vụ” vẫn đang là “những chiếc bánh vẽ tuyệt vời” trong khi nhiều chủ hộ đã hoàn thành chu toàn việc “nhập quan, sang tiểu” từ khá lâu rồi.

leftcenterrightdel
 Những thông báo của huyện Từ Liêm và quận Bắc Từ Liêm thực tế đang làm xói mòn thêm niềm tin của người dân

Đất dịch vụ trên thực địa đã có nhưng không hiểu sao chưa thể bốc thăm để trả đất cho dân? Có phải chăng do tách huyện làm 02 quận mà dẫn đến sự thiếu thống nhất để dân phải mòn mỏi đợi chờ? Không nhẽ phải để UBND TP Hà Nội đứng ra chủ trì giải quyết khi “02 quận chia đôi từ một nhà” không thể chủ động giải quyết được ?

Tách địa giới có quên cắm mốc giới?

Vấn đề này cũng mới xảy ra trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm.

Tranh chấp xảy ra trên địa bàn giáp ranh giữa phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm) và phường Xuân La (quận Tây Hồ). Gia đình chồng chị Trần Thị Bích Nguyệt sống suốt từ năm 1990 đến năm 2019 trên một khu đất đều thuộc sự quản lí về nhân hộ khẩu, bỏ phiếu bầu cử thuộc xã Xuân La và sau này là phường Xuân La. Năm 2019, chị Nguyệt muốn sửa lại nhà cũ dột nát nên có ý kiến xin với đại diện phường Xuân La. Sau đó mới dựng thép để dựng nhà khung thép trên nền đất cũ thì bị phường Xuân Tảo xử phạt.

Khi gia đình và đại diện gia đình yêu cầu phía phường Xuân Tảo cung cấp mốc giới hành chính phân chia địa giới giữa ranh giới 02 phường Xuân La và Xuân Tảo cũng như giữa 02 quận là Tây Hồ và Bắc Từ Liêm thì phía phường Xuân Tảo không cung cấp được và tự tổ chức việc làm việc giữa địa chính 02 phường để thống nhất với nhau mốc giới địa giới hành chính bằng biên bản làm việc.

Gia đình chị Nguyệt cũng như người đại diện uỷ quyền không nhất trí bởi thẩm quyền phân ranh giới hành chính giữa 02 phường, giữa 02 quận không thuộc thẩm quyền của địa chính phường.

Không biết có sự quên cắm mốc địa giới đã xảy ra hay sao mà lãnh đạo phường loay hoay trước yêu cầu chính đáng này của công dân?

leftcenterrightdel
 Ban thờ bố mẹ chồng và chồng chị Nguyệt tại vỉa hè khu đất bị cưỡng chế. Ảnh: Công Luận

Việc không phân rõ ranh giới dẫn đến việc người dân xin phép không đúng dẫn tới hệ luỵ nhà cửa của người dân bị cưỡng chế mà không được làm rõ nên dịp Tết Giáp Thìn 2024 vừa qua gia đình chị Nguyệt phải thờ cúng bố mẹ chồng và chồng ở vỉa hè trước khu đất bị cưỡng chế.

Đây là những thực tiễn đáng buồn đang tồn tại giữa Thủ đô. Rất mong tinh thần chủ động của Quốc hội khoá XV sẽ đánh thức các cấp, ngành của Hà Nội, của quận Bắc Từ Liêm chủ động vào cuộc ngay để chấm dứt những thực tế đáng buồn nêu trên.

Công Luận