Vì vậy, trong công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục đồng bào, nếu cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội và cơ quan công tác dân tộc “tranh thủ” được lực lượng này thì hiệu quả công tác sẽ cao hơn và ngược lại. Đó là chia sẻ của ông Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - hẳn sẽ nhận được sự đồng tình của những người hiểu rõ về công tác dân tộc. 

Lực lượng quần chúng đặc biệt, có sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng

Tại xóm vùng cao Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng - nơi có 100% đồng bào là người Lô Lô đen sinh sống, những năm qua, ông Chi Viết Hải là một trong những cái tên được bà con nơi đây yêu mến, tôn trọng. Tôn trọng bởi ông đã tiên phong hiến 900m2 đất của gia đình xây dựng nhà văn hóa thôn. Ông đến từng nhà vận động các hộ di dời chuồng gia súc, gia cầm ra khỏi gầm sàn nhà ở, giữ gìn vệ sinh làng xóm, xây dựng homestay thu hút khách du lịch đến địa phương, tạo điều kiện để bà con tăng thêm thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo. 

Cũng từ sự tôn trọng ấy, bà con nơi đây là “nghe lời ông nói”, nhờ vậy, họ theo gương ông, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cùng nhau tập trung phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Với đồng bào là người Lô Lô đen, ông Chi Viết Hải là “người có uy tín”, luôn đi đi đầu trong mọi việc của thôn bản và đồng thời luôn là tấm gương để bà con học tập theo.

leftcenterrightdel

Người có uy tín ở huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La tìm hiểu thông tin để tuyên truyền cho người dân. Ảnh: Thúy Hồng

Hay tại thôn A xò, xã Chơ Chun, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, già làng A Lăng Nhứch (dân tộc Giẻ Triêng) nhiều năm qua là một cái tên được đồng bào nơi đây yêu mến, tin cậy.

Là Tổ trưởng Tổ Tự quản đường biên, cột mốc thôn A Xò, trong nhiều năm qua, già A Lăng Nhứch đã cung cấp hàng trăm tin có giá trị cho Đồn Biên phòng La Êê về tình hình liên quan đến an ninh nông thôn, an ninh biên giới, tội phạm buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy hay thông tin những kẻ xấu truyền đạo trái pháp luật, gây rối an ninh trật tự xã hội, nhất là các thủ đoạn tập hợp, lôi kéo đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia các tổ chức phản động trên địa bàn.

Bản thân già làng cùng lực lượng biên phòng, dân quân xã trực tiếp trèo đèo, lội suối đi tuần tra, phát quang bảo vệ đường biên, cột mốc và già cũng trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc”.

Bên cạnh đó, già Nhứch cũng là tấm gương sáng về phát triển kinh tế gia đình, sẵn sàng hỗ trợ cây giống, chia sẻ kỹ thuật canh tác cho nhiều hộ khác trong thôn để trồng trọt, phát triển kinh tế, để vươn lên thoát nghèo. 

Ông Lô Viết Hải hay già làng A Lăng Nhứch chỉ mới là vài trong số hàng chục nghìn người có uy tín tại các địa phương nước ta hiện nay.

Theo thống kê, tính đến nay, cả nước có khoảng 39 nghìn người có uy tín trong cộng đồng 53 dân tộc thiểu số tại 52 tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, các tỉnh có số lượng người có uy tín đông gồm: Cao Bằng xây dựng được 2.286 người; Bắc Kạn: 1.192 người; Lạng Sơn: 1.916 người; Hà Giang: 1.897 người; Tuyên Quang: 1.132 người…

39 nghìn con người ấy, như lời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, là những người tiêu biểu, gương mẫu, cốt cán trong các phong trào của địa phương, “giữ lửa” ở các bản, làng. Sự đóng góp quan trọng của họ thể hiện rõ nét qua việc vận động đồng bào các dân tộc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, những phong tục tập quán tốt đẹp, di sản văn hóa, lễ hội truyền thống, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, bài trừ mê tín dị đoan; là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với người dân, tích cực đóng góp xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, giữ gìn an ninh trật tự và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới…

Còn như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói thì “các già làng, trưởng bản, người có uy tín là những người tiêu biểu, gương mẫu, là điểm tựa cho mọi điểm tựa khác”.

Với chính quyền các địa phương miền núi có đồng bào dân tộc thiểu số, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là lực lượng quần chúng đặc biệt, có vị trí, vai trò quan trọng, góp phần đắc lực giúp các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng, Nhà nước tổ chức thực hiện thắng lợi chức năng, nhiệm vụ được giao; đồng thời, thông qua họ nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân gửi tới Đảng, Nhà nước. Lực lượng quần chúng đặc biệt ấy không chỉ nhịp cầu nối gắn kết giữa ý Đảng và lòng dân mà còn có khả năng ảnh hưởng mạnh mẽ tới cộng đồng, là những người: “Có khả năng quy tụ, tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số trong phạm vi nhất định bằng lời nói, qua việc làm, được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo”.

Gỡ vướng bất cập để “tranh thủ tối đa nguồn lực”

“Mình là người có uy tín và tích cực hoạt động trong các phong trào vận động quần chúng không phải vì đồng tiền mà vì niềm tin của nhân dân”- quan điểm ấy có lẽ không chỉ của ông Lương Đình Xuân- người có uy tín tại xã Nghĩa Thành, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Những gì họ làm cho đồng bào mình không vì một lý do nào khác ngoài mong muốn được cống hiến, được góp sức mình vì sự phát triển của làng bản, quê hương.

leftcenterrightdel
Già làng A Lăng Nhứch là tấm gương điển hình về phát triển kinh tế hộ gia đình ở Chơ Chun. Ảnh: Trúc Hà 

Tuy nhiên, để đảm bảo được yêu cầu “đề cao và phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào” đề ra trong Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư khóa XI “về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, thì rõ ràng, cần lắm sự gỡ vướng nhiều bất cập, vướng mắc trong các chính sách, chế độ đãi ngộ để những người có uy tín có thêm động lực để đóng góp nhiều hơn cho đồng bào, quê hương mình cũng như có thể phát huy hết hiệu quả phạm vi ảnh hưởng của người có uy tín, thu hút, vận động họ tham gia sâu hơn vào nhiều hoạt động chính trị- xã hội.

Ban Dân tộc đã chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan xây dựng, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thành phố, triển khai, tổ chức thực hiện chính sách cho người có uy tín; các chế độ, chính sách đối với người có uy tín trên địa bàn tỉnh hàng năm được thực hiện kịp thời, đúng định mức theo quy định cụ thể. Bên cạnh đó, hằng năm, tỉnh, huyện đều thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tình hình kinh tế - xã hội của địa phương cho người có uy tín thông qua các hội nghị tập huấn, cung cấp thông tin và học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh;100% người có uy tín trên địa bàn tỉnh đều được nghe thông tin, tuyên truyền và hưởng các chính sách theo quy định, 100% người có uy tín được cấp các ẩn phẩm, báo tạp chí. Cùng với đó, hoạt động thăm hỏi tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, động viên người có uy tín và gia đình khi gặp thiên tai, hoạn nạn... cũng được quan tâm… Những cách làm ấy của Sơn La - một tỉnh miền núi phía Bắc của nước ta với đặc thù có đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm tới 83,5% dân số toàn tỉnh - hoàn toàn có thể là một gợi ý hay, đáng tham khảo đảm bảo chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Rõ ràng, để phát huy, tranh thủ được tối đa vai trò, uy tín của người có uy tín, không chỉ là từ việc đánh giá đúng vị trí, vai trò của người có uy tín mà còn là tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, chính sách. Giúp người có uy tín có đủ kiến thức về pháp luật, quốc phòng, an ninh, chính sách dân tộc, hội tụ đủ kỹ năng hòa giải, tuyên truyền, vận động quần chúng cũng như cho thấy họ được quan tâm, đãi ngộ xứng đáng thì mới có thể tạo động lực, “truyền lửa” để người có uy tín thực sự thấy mình cần phát huy cao hơn nữa khả năng đóng góp vào sự nghiệp phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số quê hương mình, góp phần vào sự phát triển phồn vinh của đất nước, của dân tộc.

Hồng Hà