TP HCM vừa phê duyệt danh sách các ao hồ không được san lấp. Quyết định này của TP nói lên một thực tế là nhiều năm qua diện tích ao hồ ở đây đã bị sụt giảm nghiêm trọng. Việc lấn chiếm ao hồ để xây dựng đã làm cho tình trạng ngập lụt ở nhiều tuyến phố trên địa bàn thêm trầm trọng trong mùa mưa, vì hệ thống thoát nước, điều hoà nước của TP là ao hồ đã bị suy giảm. Ước tính, ở TP HCM so với trước kia, đã có gần 20% diện tích ao hồ, đầm, phá, bị biến mất. Ngoài ra hàng loạt kênh, rạch tại đây cũng đang bị lấn chiếm vô tội vạ.

Nhìn rộng ra, tình trạng này ở Hà Nội cũng không khả quan hơn, vì Thủ đô nơi được xem là nhiều ao hồ nhất nước nay nhiều diện tích mặt nước đã bị san lấp, xâm lấn, không ít ao hồ chỉ còn tên tuổi trong dĩ vãng.

Thực trạng trên cho thấy sự mất cân đối trong quy hoạch đô thị trong những năm qua. Tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, nhiều đợt quy hoạch được lập ra, nhưng chủ yếu liên quan đến nhà ở, khu dân cư, thương mại, chung cư và giao thông. Các công viên cây xanh và hồ nước ít được quan tâm đúng mức.

Có thể trong bối cảnh đô thị hoá chóng mặt, với áp lực dân cư lớn đè nén nên không gian sống, nên chính quyền đô thị chưa có thời gian, tầm nhìn cho những vấn đề sinh thái, nên ao hồ vẫn chưa được quan tâm đúng mức trong các đợt quy hoach, bởi vậy mới xảy ra tình trạng xâm lấn, san lấp để làm chỗ ở hay trưng dụng cho những mục đích thương mại như bán hàng, tập kết vật liệu, đổ rác thải.

Thế rồi sự bất cập này càng ngày càng lộ rõ khi những khoảng không gian xanh đô thị ngày càng mất dần nhất là cây xanh và hồ nước. Thay thế vào diện tích ao hồ đó là những cao ốc, nhà ở san sát, chật chội. Nhiều thành phố lớn bị bê tông hoá đã phủ khắp mọi không gian ngõ ngách. Khi đó người ta mới thấy sự ngột ngạt, nóng bức. Khi ấy người ta mới thấy vai trò điều tiết không khí, và điều tiết hệ thống thoát nước của ao hồ quan trọng đến nhường nào.

Đáng tiếc, khi nguy cơ hiện hữu, ảnh hưởng đến môi sinh và sực khoẻ của cư dân đô thị, người ta mới nhận ra cần phải làm một điều gì đó để cứu vãn, bảo vệ không gian thiên nhiên quý giá này. Có thể vì chưa kiểm soát, vì nơi lỏng, vì lợi ích cục bộ… mà không ít ao hồ vẫn bị san lấp xâm lấn, khiến cho hồ có khi chỉ còn là một cái ao với màu nước đen ngòm, ô nhiễm và bốc mùi khó chịu.

Ao hồ, kênh rạch, sông ngòi ở đô thị bị lấn chiếm là chỉ báo quan trọng về sự bất cập trong quản lý cũng như sự gia tăng dân số một cách chóng mặt. Sự lấn chiếm ao hồ cũng cho thấy con người nơi đây đang tự phá bỏ đi những gì quý giá của thiên nhiên dành cho để đánh đổi cho sinh kế của mình. Cái giá về lâu dài là quá đắt và họ chính là những người đón nhận ảnh hưởng đầu tiên như ngập lụt, ô nhiễm và dịch bệnh.

Sự sụt giảm của diện tích ao hồ đô thị cho thấy người dân đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ do chính mình gây ra. Song, điều này cũng nói lên một hiện thực khác là những khoảng xanh ở đô thị sẽ biến mất nếu như không có sự bảo vệ can thiệp kịp thời của chính quyền nơi đây. Tất nhiên, việc bảo vệ ao hồ hiện nay, không chỉ có chính quyền là đủ, cần có sự giám sát chặt chẽ của người dân cùng các đoàn thể chính trị và những chế tài đủ mạnh.

TS Ngô Quốc Đông