Nhìn lại “lịch sử” của gói 30.000 tỷ đồng, nhận thấy đối tượng được vay cụ thể, lãi suất thấp và thời hạn được quy định rất rõ ràng theo Thông tư số 11/2013/TT-NHNN: Việc giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở bằng tiền tái cấp vốn của NHNN sẽ kết thúc khi được giải ngân hết, nhưng tối đa không quá 36 tháng kể từ ngày 1/6/2013.

Chiểu theo Thông tư này thì đúng là lãi suất ưu đãi sẽ kết thúc trước 1/6/2016. Sau đó sẽ là lãi suất mới theo ngân hàng ấn định.

Vấn đề đặt ra là: Khi tìm hiểu để vay nguồn tiền ưu đãi này, khách hàng có tìm hiểu kỹ về quy định thời hạn vay hay không? Hầu hết các khách hàng đều trả lời họ không hề biết về Thông tư 11 mà chỉ được nghe các nhân viên dịch vụ kinh doanh nhà “úp mở”, chủ đầu tư cũng lập lờ thời hạn vay ưu đãi là 15 năm, do đó họ mới dám đi vay. Đành rằng, để hoàn thiện một bộ hồ sơ vay là cả một đoạn trường nhiêu khê. Nhiều người đã chua chát nói rằng: “Trong cái vui đã ẩn chứa cái họa”. Chia sẻ với nỗi thất vọng, lo lắng của khách hàng, nhưng rất đáng trách, bởi vì họ không đọc kỹ hợp đồng vay vốn mới đến nông nỗi này.

Suy cho cùng, các ngân hàng cũng là doanh nghiệp kinh doanh về tiền tệ. Mục tiêu của họ là bảo toàn và phát triển vốn. Đồng vốn của họ gồm tiền của Nhà nước và tiền huy động từ các thành phần kinh tế. Do vậy, kéo dài cho vay lãi suất thấp với khối lượng tiền khổng lồ, theo đó, lợi nhuận sẽ giảm thấp. Vì vậy, thời hạn cho vay ưu đãi có giới hạn cũng là đúng, phù hợp các quy luật kinh tế - xã hội.

Để chia sẻ khó khăn với nhóm đối tượng mua nhà nói trên, một số tổ chức, cá nhân thuộc hiệp hội bất động sản ở TP Hồ Chí Minh và ở Hà Nội đã trao đổi với lãnh đạo NHNN nhằm xem xét lại việc kéo dài thời hạn vay lãi suất 5%/năm. Tuy nhiên, đề xuất trên đã không được phía NHNN chấp thuận. Như vậy, với mức thu nhập như hiện nay, nhóm đối tượng vay tiền ưu đãi lại phải trả theo lãi suất mới của ngân hàng thì khoản nợ lớn đối với họ đúng là một gánh nặng.

Theo báo cáo của Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), năm 2015, tổng số tiền đã cam kết cho vay đạt 26.999 tỷ đồng, đạt 90% kế hoạch. Trong đó, số tiền thực tế giải ngân mới đạt 17.711 tỷ đồng, chiếm 59%. Có 13.771 tỷ đồng dành cho các đối tượng vay để mua nhà ở xã hội, nhà  ở thương mại, xây và sửa chữa nhà và 3.940 tỷ đồng dành cho 58 dự án. Như vậy, còn gần 3 tháng nữa để cho các đối tượng tiếp tục vay khoản tiền còn lại trong số 30.000 tỷ đồng. Tiếc là, hưởng lãi suất 5%/năm chỉ được kéo dài trong thời hạn gần 3 tháng. Rõ ràng, sự hỗ trợ cũng chẳng thấm tháp vào đâu vì “thời hạn vàng” sắp kết thúc.

Bất động sản là một thị trường nóng - lạnh có sức hấp dẫn lớn với số đông. Các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng, kinh doanh dịch vụ luôn luôn đẩy phần bất lợi về phía khách hàng. Do vậy, khi tìm hiểu mua nhà phải đọc rất kỹ các điều khoản trong hợp đồng ký kết. Nếu bản thân mình chưa tự tin thì nên tìm đến các công ty tư vấn luật để họ giúp đỡ. Có như vậy mới không xảy ra tình trạng “bỏ quên” thời hạn vay như đã nêu trên.

Thế Lữ